ĐỘC QUYỀN NGÀNH ĐIỆN LÀM KHỔ DÂN

Thứ bảy - 31/03/2007 12:33

Như không ít người đã lên tiếng phàn nàn, ở Việt Nam hiện nay, ngay trong thời buổi mà “hội nhập” và “WTO” là những ngôn từ cửa miệng, vẫn có một ngành dịch vụ mà người tiêu dùng càng dùng nhiều thì càng bị… phạt, càng bị “ham dọa”: đó là ngành Điện lực.

Với lối suy nghĩ áp chế của thời bao cấp, ỷ vào thế độc quyền và được Nhà nước bảo trợ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nhiều năm nay đã liên tục đưa ra những biện pháp “cưỡng chế” đối với người tiêu dùng: tăng giá điện nếu dùng nhiều (khiến cư dân gặp nhiều khó khăn), cắt điện triền miên để “tiết kiệm” (gây thiệt hại đáng kể cho sinh hoạt và sản xuất), v.v… Mặt khác, như báo giới Việt Nam phản ánh, trong khi ngành Điện thường xuyên phàn nàn là thiếu vốn đầu tư để xây dựng nhà máy điện, nhưng lại bỏ tiền ra để phát triển lĩnh vực viễn thông.

Sự bất bình của dân chúng lên cao trong những ngày qua về tệ cắt điện luân phiên liên tiếp trên diện rộng đã khiến tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải xin lỗi khách hàng vào chiều 30-3. Ông Phạm Lê Thanh đưa ra lời hứa “phối hợp với các cơ quan hữu quan trong thời gian sớm nhất khắc phục tình trạng nêu trên”. Lý giải tình trạng thiếu điện và do đó, phải cắt điện triền miên (thực ra, đã xuất hiện từ nhiều năm nay), ông Thanh cho biết ngành điện đang gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu sử dụng điện năng của người dân tăng vọt và thời tiết khô hạn; trong khi đó, nhiều nhà máy điện vẫn chưa thể đưa vào khai thác đúng tiến độ, hoặc bị hỏng hóc, “sự cố kỹ thuật”. Dường như ông Thanh chưa “tập” được lối suy nghĩ của thời buổi “kinh tế thị trường”, khi “Thượng đế” không quan tâm đến những lời “thanh minh thanh nga” của một tập đoàn lớn, được độc quyền kinh doanh và có thể “cưỡng chế” người tiêu dùng tùy thích.

Một số ý kiến sau đây của người dân, được gửi tới tờ báo điện tử “VietNamNet”, đã cho thấy sự bất đồng tình của người tiêu dùng khi những nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt của họ không được đáp ứng… (Trần Lê)

Uớc tính nếu cắt điện thiệt hại sẽ vào khoảng 0,5USD trên 1 kWh - Ảnh minh họa của “VietNamNet”

* Ngành điện là một ngành kinh doanh. Tôi thấy không ai sản xuất ra sản phẩm để bán mà lại kêu gọi người mua mua ít thôi. Cũng không có ai chưa bán sản phẩm mà đã thu tiền để đầu tư cho việc kinh doanh của mình mà người mua phải chấp nhận. Vậy thì phải phá thế độc quyền của ngành điện, để cho nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng đầu tư để bán điện cho người tiêu dùng. Như vậy người tiêu dùng có quyền lựa chọn mà ngành điện cũng sẽ phải có phương thức kinh doanh mang tính thị trường hơn. Tôi biết ở nhiều nước trên thế giới, người ta tiêu thụ điện còn nhiều hơn ta nhưng họ có phải chịu cảnh cúp điện như ta đâu. Tại sao chúng ta không học theo họ?

* Chỉ sau 10 năm của thời kỳ đổi mới, nước ta từ chỗ phải nhập khẩu gạo, đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trong khu vực. Một thành tựu lớn, một nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp. Đừng nghĩ rằng làm ra cân gạo, miếng thịt là việc quá dễ dàng. Thiên tai, ôn dịch… liên miên. Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa. Chưa hết cúm gia cầm lại dịch lở mồm long móng.

Việc đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước không thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lý do nào. Hàng loạt các chương trình công tác như: chương trình BỐN NHÀ, chương trình tạo giống, bảo tồn nguồn gen… đã thể hiện sự chủ động sáng tạo và ý thức trách nhiệm cao của toàn ngành. Nhìn lại ngành điện mà xem! Với bề dày hàng mấy chục năm rồi, mà sao chẳng có một chiến lược dài hơi. Lý do thì ai chẳng viện được. Đã đến lúc phải căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà đánh giá năng lực và trách nhiệm của cán bộ.

* Có thể nói, đất nước ta có những bước tăng trưởng nhảy vọt chính xác kể từ sau năm 1995. Như vậy đến nay đã được hơn 10 năm, toàn bộ nền kinh tế của nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc.

Tuy nhiên, có một thực tế đi ngược lại xu hướng chung của sự phát triển đó là NGÀNH ĐIỆN LỰC. Tại sao tôi nói đến điện lực? Trước năm 1993, khi đường dây 500KV chưa được hoàn thành thì những người dân sống ở miền Nam như tôi (tôi không biết miền Bắc thế nào) phải chịu cảnh cúp điện tuần ba bữa vì ngành điện… thiếu điện. Sau 1993, cảnh tượng đó cũng bớt đi, vì nền kinh tế lúc đó đã có những bước tiến bộ chập chững. Tuy nhiên ngành điện lúc này hình như vẫn chưa nghĩ họ là một ngành trọng điểm góp phần vào phát triển kinh tế quốc gia. Nếu họ có người tài thì phải biết được nền kinh tế tăng 10% thì điện lực phải tăng 20% để đáp ứng lại những gì kinh tế mang lại. Đằng này họ cứ theo kiểu vui say theo men chiến thắng, không vạch kế hoạch phát triển mà ngủ quên dẫn đến tình trạng điện lực không theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, khiến chúng ta phải quay trở lại sống vào thời kỳ trước năm 1993.

Ngã tư Nguyễn Huy Tự - Đinh Tiên Hoàng (TPHCM) lộn xộn vì không có tín hiệu đèn còn cảnh sát giao thông thì mất hút - Ảnh: “VietNamNet”

* Trước hết, phải thấy rằng việc cúp điện luân phiên gây khó khăn và thiệt hại rất lớn cho khách hàng. Chưa nói đến những vấn đề to tát như giao dịch, kinh doanh,… mà ngay trong sinh hoạt hằng ngày của dân, mất điện cũng gây ra nhiều phiền phức. Mất điện đồng nghĩa với việc mất nước, mất tín hiệu truyền hình cáp, v.v… cuộc sống sẽ bức bối, khó chịu biết nhường nào? Người dân (người mua điện) thì gặp khó khăn, còn ngành điện (bên bán) thì vẫn thản nhiên. Như thế liệu có công bằng không? Hơn nữa, tiết kiệm điện với ngành điện là cúp điện. Cách làm đó thể hiện lối làm việc rất cửa quyền, bảo thủ - lạc hậu và thiếu trách nhiệm của ngành điện. Đối với khu dân cư, ngành điện khi đến chốt côngtơ ghi lượng điện dùng tháng trước (hoặc khi đến thu tiền) có thể báo cho dân biết là tháng sau (phải tiết kiệm 30% chẳng hạn) được dùng tối đa là bao nhiêu, nếu dùng quá số đó sẽ bị cắt. Tại sao không làm như vậy để dân tự lo tiết giảm lượng điện nhà mình dùng mà cứ đột nhiên cúp, không cần biết dân bị thiệt hại và khổ sở ra sao? Không những thế, họ mắc công-tơ đo điện dùng của dân trên cột cao ngoài đường. Khóa họ giữ. Hằng tháng đến mở khóa, họ đếm, họ ghi, rồi họ thu tiền sao dân phải chịu vậy. Không một ai được biết công-tơ chạy thế nào, họ đọc, họ ghi ra sao? Nhiều tập thể trước đây đã phải tự góp tiền xây trạm điện, ngành điện thu các trạm về quản lý 3-4 năm nay, nhưng tiền không trả cho dân. Đến bao giờ dân mới được nhận lại tiền của mình và khi ấy, ngành điện có trả sòng phẳng cả gốc lẫn lãi (theo mức lãi ngân hàng) hay không? Tại sao không trả lời công khai điều này cho dân? Tôi tán thành với nhiều ý kiến cho rằng phải xem xét lại toàn bộ chiến lược phát triển và quản lý của ngành điện, không thể để cứ tái diễn mãi tình trạng cúp điện (mà ngành điện coi là biện pháp tiết kiệm điện) do thiếu điện. Để phát triển, điện phải đi trước một bước. Không thể hễ thiếu là cắt và quanh quẩn chỉ lo tăng giá, báo sự cố, quản trạm điện, đếm công-tơ…

* Thời gian qua ai cũng được biết đến sản lượng điện thiếu. Ngành điện đã hô hào phải tiết kiệm điện và đã thực hiện “tiết kiệm điện” bằng hình thức cắt điện luân phiên. Sao lại thế? Tại sao ta không dám đối mặt với sự thật? Trong khi chưa xây dựng được những nhà máy cung cấp thêm, chưa giảm tiêu hao được thì thực hành tiết kiệm ở đây phải nói thật là nâng cao giá điện để tự người sử dụng phải tiết kiệm chứ! Sao lại cắt điện luân phiên? Cắt điện có nghĩa là không có điện, không có điện khác hẳn so với có nhưng dùng tiết kiệm.
 
* Vào thời kỳ đổi mới, hàng loạt nhu cầu xã hội tăng đột biến. Nhiều cơn sốt xuất hiện: Sốt đường, sốt sắt, sốt xi măng … nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các cơn sốt này đều hạ nhiệt, thậm chí theo đường lối kích cầu, các ngành còn ra sức quảng cáo để bán được nhiều sản phẩm. Bởi vì đối với các nhà sản xuất và cung cấp ấy, họ coi việc đáp ứng các nhu cầu của xã hội là lẽ sống, là lương tâm và trách nhiệm, là biểu hiện của lòng yêu nước. Khó khăn thì ngành nào cũng có. Nếu thấy khó khăn quá sức thì họ phải có phương án đệ trình Quốc hội để giải quyết, vì quốc kế dân sinh.

* Tôi hoàn toàn nhất trí với việc tiết kiệm điện. Tuy nhiên, ngành điện cũng phải có kế hoạch để việc cắt điện không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ngành điện nếu cắt điện tiết kiệm thì phải chọn thời điểm thích hợp (ví dụ cắt điện từ 0h đến 7h hằng ngày còn lại thì phải để điện cho người dân sinh hoạt, các cháu học sinh được học hành). Thiết nghĩ, ngành điện nên quan tâm đến vấn đề này, không thể cắt điện từ 5h sáng đến 21h đêm như ngành đã làm được.

* Ngành điện luôn báo cáo thiếu vốn để đầu tư cho phát triển nhà máy điện, từ đó liên tục tăng giá điện nhưng chất lượng cung cấp lại không tăng. Thiếu vốn cho đầu tư xây dựng nhà máy điện thì ngành điện lại bỏ nhiều tỉ đồng vốn để đầu tư phát triển lĩnh vực viễn thông, điều này có phù hợp với việc thiếu vốn của ngành điện không?

* Hôm qua xem chương trình thời sự trên VTV mà tôi cảm thấy rất bức xúc. Chỉ vì thiếu điện mà các cháu học sinh không học được vì không đủ ánh sáng, những bà già thì phải quạt bằng tay (như ở nông thôn những năm 80), một số hộ kinh doanh thì phải đóng cửa vì không có điện… Nếu ngành điện đã làm hết khả năng nhưng không đạt được chỉ tiêu thì cũng thông cảm được. Đằng này lĩnh vực chính của anh mà anh chưa làm xong lại nhảy vào kinh doanh lĩnh vực viễn thông, anh lại đặt ra chỉ tiêu có mấy ngàn máy điện thoại cấp cho người nghèo. Thời gian trước, anh đòi tăng giá điện vì thiếu vốn đầu tư, thế anh lấy vốn đâu để tập trung kinh doanh vào lĩnh vực Viễn thông? Trước hết anh phải kham công việc chính của anh đã chứ. Đằng này ốc chưa mang nổi mình ốc mà đòi mang theo người khác. Nhà nước hãy thay đổi cơ chế quản lý để người dân đỡ khổ vì ông độc quyền điện lực.

* Điệp khúc thiếu điện, cắt điện cứ lặp lại hàng năm vào mùa nóng và nắng nhất. Có lẽ, các nhà quan chức ngành điện không bị cúp điện nên họ cứ kêu gọi người dân tiết kiệm điện, rồi sau đó đưa ra một kế sách đi ngược với qui luật thị trường là: xài càng nhiều giá càng cao. Nguyên nhân là do Nhà nước đã cho họ độc quyền ngành điện, người dân không còn sự lựa chọn nào cả. Phải mua điện với giá cao và còn chịu đựng những hậu quả do tính quan liêu, lười biếng. Giải pháp mua điện ngắn hạn là điều tốt vì khi ngành điện không đủ sức đầu tư thêm nhà máy điện và khi chúng ta dư điện ở mùa mưa và thiếu ở mùa nắng. Tôi hoan nghênh ý tưởng của tác giả nhưng buồn vì ý tưởng này đã được nêu lên nhiều lần nhưng ngành điện vẫn chẳng tiến hành. Chúng ta mong muốn Việt Nam bay lên sau khi gia nhập WTO nhưng với một ngành điện xương sống của nền kinh tế thế này thì bay lên rồi cũng rớt xuống thôi.

NCTG


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn