VẺ ĐẸP NGƯỜI

Thứ hai - 11/12/2017 04:26

(NCTG) “Mỗi khi xuống tinh thần, đuối sức, tôi nhớ tới người đàn ông vô gia cư, nhớ tới khoảnh khắc tuyệt đẹp trong công viên trưa mùa Xuân ấy. Cái khoảnh khắc không chỉ ông ta, mà cả tôi, và cả cây hoa cỏ nhỏ xíu đó… được cảm thấy Thượng đế ở ngay trong chính tim mình…”.

VẺ ĐẸP NGƯỜI

Nàng rẽ ngôi lệch thế nào đó để mái tóc cứ phải tự nhiên che kín nửa mặt. 

Thực ra tôi đã lướt qua Nàng, băng nhanh xuống những bậc thang gỗ sơn trắng ấm nắng sớm lung linh trong tòa nhà cổ, cho kịp cuộc hẹn với ông tổng biên tập một tờ báo của thành phố nơi tôi mới đến nhận việc. Đúng lúc dừng lại ở chiếu nghỉ, tôi ngước nhìn lên thì gặp ánh mắt Nàng nhìn xuống. Một con mắt của Nàng nhìn chằm chằm vào tôi. Con mắt kia lấp ló sau mái tóc trắng lòa xòa. Và con mắt thứ ba. Phải, con mắt thứ ba nhô hẳn lên từ cái biếu gù. Tôi rùng mình. Trong chiếc váy buông trùm quét đất, áo mớ ba mớ bảy, Nàng giống hệt một con gà bị mắc tóc. Nàng loay hoay với chiếc xe bốn bánh trợ giúp người không còn khả năng tự đi. Chiếc đàn hiệu Roland đặt ngang cồng kềnh trên xe ngay cửa thang máy.Tôi hỏi vóng lên: “Bà có cần tôi giúp gì không?”. “Ồ, không. Cảm ơn ông”. Trong hình hài bà già, một giọng thiếu nữ mười sáu cất lên trong vắt…

Tôi đã dợm chân bước tiếp, nhưng dường như có một thế lực siêu nhiên nào đó bắt tôi quay hẳn lại, nhảy hai bước một đến chỗ bà già đang bị kẹt ở cửa thang máy. Tôi giữ không cho cửa thang máy đóng lại trong khi bà cố gắng đẩy chiếc xe và chiếc đàn vào trong. Mái tóc dài bạc trắng xõa xượi che lấp gương mặt khiến bà già nửa giống phù thủy nửa giống thiên thần. Rất có thể Nàng mang dòng máu cả hai. Thần thái ung dung tự tại qua cung cách, lời nói, ánh nhìn của Nàng khiến tôi nhớ đến những loài hoa sắp tàn mà vẫn kín đáo tỏa hương… Tình cờ, căn hộ nhà Nàng cách căn hộ tôi mới chuyển đến có hai nhà. Nàng nhỏ nhẹ. “Tôi chơi đàn rong. Thi thoảng tôi có ngồi ở góc phố Nhà Thờ và phố Nghĩa Địa”.
 
*

Một chiều mùa hạ nắng nóng, sau khi bấm nút gửi đi bài phóng sự điều tra về cái chết của cô gái nhảy khỏa thân nơi quán bar ngay đầu phố, tôi chìm vào giấc ngủ chật ních mộng mị. Trong mơ tôi thấy cô sống lại từ góc tối khai mù của nhà vệ sinh nam, nhún nhảy lướt ra phố trong bộ đồ nữ y tá trắng muốt, nhoẻn cười giơ tay vẫy vẫy. Tôi bám theo cô, hòa mình vào lễ hội âm nhạc tưng bừng trên đường phố… Giấc mơ phản ánh đúng cái kết “giá như” trong bài báo của tôi, và cũng là mơ ước của cô sinh viên mười tám tuổi đến từ một làng quê nghèo vô danh ở Châu Á. Tôi cố tình lờ đi gợi ý của ông chủ bút là phải nhấn mạnh kết quả bản khám nghiệm tử thi, phải miêu tả chi tiết âm hộ của cô bị cắn nát ra sao bởi bầy con đực phê thuốc cái đêm oan nghiệt ấy. 

Tiếng tàu điện két kẹt nghiến vào đường ray lẫn tiếng kèn đồng chói lọi làm tôi thức giấc, ngó ra cửa sổ tầng hai nhìn xuống phố. Tàu điện keng keng từ cả hai ngả đổ về bến. Vẫn tiếng kèn đồng nhưng không có lễ hội. Chỉ có người người hối hả chuyển động trên vỉa hè. Tôi nghển cổ nhìn đoán định xem người thổi kèn đứng ở đâu. Phía bên kia đường, sát vỉa hè, người ta xếp hàng ở quầy bánh mỳ chờ mua bánh hạ giá. Khách bộ hành cắm mặt bước đi như chạy về phía cổng lớn của nhà ga trung tâm. Trong thành phố này, tôi không làm sao ưa được đám công chức buồn tẻ luôn mặc đồng phục đen và luôn tỏ ra vội vã ấy. Họ giống hệt tôi của mười năm trước, cứ làm như thế giới sẽ lộn tùng phèo nếu bọn họ đến chỗ làm muộn vài giây.

Đúng lúc ấy, tôi nhìn thấy Nàng. 

Từ ống kính máy ảnh của mình, tôi thấy Nàng bám, nhẹ như là không bám, vào chiếc xe vật bất ly thân. Bên trên xe là chiếc đàn. Nàng thong thả di chuyển ngược chiều đoàn người. Cứ như thể Nàng dùng chiếc xe để mang chiếc đàn chứ không phải để nâng đỡ toàn bộ sức nặng của cái biếu gù có con mắt thứ ba xuyên thấu. Nàng nổi bật lên trong đám người đồng phục đen bởi bộ váy áo mớ ba mớ bảy màu trắng ngà. Kiểu váy áo của các công nương ngày xưa, dù có độn thêm bao nhiêu váy áo trùm ra ngoài thì cũng chỉ để tôn lên hàng ren thêu kỳ công ở nơi ngực, cổ, cổ tay, và gấu váy. Nắng quái xiên ngang dường như tập trung hết cả ánh sáng vào chuyển động của nàng, lấp lánh trên con mắt thứ ba ngạo nghễ. Nàng đi như lướt trên nước. Mái tóc trắng dài và dầy rủ cả ra phía trước. (Sau này tôi được nàng cho biết, để giữ gìn mái tóc óng ả như thế, nàng không bao giờ gội đầu bằng dầu gội. “Tôi chỉ dùng nước tinh khiết.Tôi cũng không bao giờ buộc tóc lên, kể cả trong những ngày hè oi bức nhất”. Nàng nói với nụ cười sáng ngời và ánh mắt lấp lánh niềm tự hào không thể che giấu. Nét hồn nhiên trẻ con ấy của nàng chẳng hiểu sao lúc nào cũng làm tôi xao xuyến…).Tôi lấy nét, thu trọn vẹn gương mặt Nàng thanh thản nhìn về phía trước vào ống kính. 

Tôi lia máy ảnh lên vòm cây xanh phía trên mái tôn đỏ của quầy bán bánh mỳ, chộp khoảnh khắc sáng bừng của vạt nắng cuối cùng. Tôi thấy rõ cả hai cánh tay thon thả kín đặc hình săm động vật hoang dã của cô hàng bánh mỳ vung lên không trung. Tiếng kèn đồng hối thúc theo nhịp chuyển động cuối ngày, bay trên vòm cây, đuổi theo đám người hối hả, nâng bước chân Nàng lướt trên mặt đất, đưa tôi vào cõi du mộng…Tôi thấy mình run rẩy giống như đang đứng trước một bức tranh hài hòa tuyệt diệu của màu sắc, của âm thanh, của sự sống. Giống như là đang được chiêm ngắm một bài thơ bằng hình ảnh, trong đó, Nàng là hiện thân của cái tôi độc hành kiêu hãnh…
 
*

Tôi quyết định từ đó đến hết đêm sẽ chỉ làm một việc duy nhất là lượn ra phố đi bộ, thưởng thức âm nhạc đường phố do những nghệ sĩ nhân dân đích thực trình diễn. Phố vẫn đông đúc nhộn nhịp như mọi ngày, như chưa từng trải qua vụ thảm sát đẫm máu hai tuần trước khiến thành phố chìm trong tang tóc. Cả một biển hoa, và nến, và búp bê, và thiệp chia buồn, và nước mắt… đã được dọn sạch, trả lại lòng đường cho người đi bộ. Những khối bê tông như những viên xúc sắc khổng lồ được đặt tạm ở hai bên lối vào phố đi bộ nhằm ngăn chặn những kẻ có ý định giết người bằng cách phóng xe lao vào khách bộ hành giống như gã đổ tể mặc sịp đỏ.

Ở đầu phố, tôi gặp một chàng đầu trọc chơi đàn violin mang trang phục cà vạt áo đuôi tôm giống như các nhạc công biểu diễn trong các nhà hát sang trọng. Chàng ta có vẻ chú trọng đến phong cách biểu diễn nhiều hơn là chất lượng âm thanh nên chỉ thu hút được các chị em sồn sồn hớn hở chụp ảnh tự sướng. Giữa phố là ban nhạc năm anh em từ chín đến mười chín tuổi với nhạc cụ tự chế. Gương mặt các nhạc công nhí bừng lên thứ ánh sáng say sưa có thể làm lây lan sự ngây ngất sang cả người nghe. Cuối phố là nữ nhạc sĩ có mái tóc bồng dài đến eo lưng với chiếc mũ lưỡi trai đội ngược nghịch ngợm. Phải nói là cô quá trẻ so với sự điêu luyện chỉ có thể đạt được sau một quá trình dài khổ luyện. Một mình cô với chiếc đàn ghi-ta và bộ thu phát âm gọn nhẹ mà tạo nên những cơn sóng âm thanh giống như được chơi bởi một ban nhạc lớn. Lần đầu xem cô biểu diễn trong lễ hội âm nhạc mới đây với lượng khán giả lên đến cả chục ngàn người, tôi thật sự sốc khi gặp lại cô trên đường phố! Cách độc diễn của cô, từ sáng tác đến biểu diễn, đều thoát lên vẻ ngang tàng, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho ngay cả những khán giả khó tính nhất. Thật khó lòng xem cô biểu diễn mà không nhún nhảy lắc lư khóc cười. Phía sau cô là cây cổ thụ, ai đó vừa lén đặt vào gốc cây một vòng hoa nho nhỏ tưởng nhớ mấy chục nạn nhân của vụ thảm sát… 

Cuộc đi bộ và thưởng thức nhạc đường phố trên con đường còn phảng phất mùi tanh máu người khiến tâm trí tôi miên man bùng nổ những suy tư không lối thoát về sự sống và cái chết. Về đức tin và tình yêu. Về ý nghĩa của đời sống và vẻ đẹp của con người. Trên mạng xã hội vẫn còn lưu truyền một clip ai đó tình cờ quay được khoảnh khắc chiếc nôi của em bé mới hai mươi ngày tuổi bị chiếc xe điên hất bay lên không trung. Người ta tranh cãi, dè bỉu, thậm chí mạt sát nhau trên các diễn đàn mạng khi đong đếm so sánh lòng trắc ẩn của nhau trước những cái chết. May sao trí óc con người có khả năng quên nhiều hơn nhớ. Hôm qua báo chí còn hí hửng giật tít cho câu chuyện bi thương về cái chết thảm của cô Kỹ Nữ khỏa thân, hôm nay quán bar ấy lại đã đỏ đèn thu hút những con thiêu thân mới… Rồi tất cả sẽ chìm nghỉm vào dòng đời đục ngầu quên lãng…

Rời phố đi bộ, tôi bước vô định vào con đường hầm xuyên qua nhà ga trung tâm ra phía bờ sông. Tôi thấy thèm một chút gió, một chút nước, một chút tĩnh lặng. Đúng lúc ấy, hình ảnh người Kỳ Nữ chơi đàn rong độc hành ngược chiều đoàn người trên phố trở về choán lấy tâm trí. Tôi lập tức rảo bước về nhà, cố tình đi vòng qua góc phố Nhà Thờ, với hy vọng mong manh. Biết đâu…
 
*

Quả như tôi dự đoán, Nàng đang còng lưng trước cây đàn piano. Đầu gục xuống. Mười ngón tay khép mở hết cỡ. Mười ngón tay vuốt ve, dò hỏi, nhấn nhá. Từng phím đàn. Buồn bã và u sầu. Đắm say và phiêu diêu. Sục sôi và nghiêng ngả. Có lúc mái đầu của Nàng cúi thấp như sắp rơi xuống phím đàn, cái lưng gù gồ lên cao. Tôi đồ rằng, mọi thăng giáng đời Nàng đều kết tụ nơi cái bướu gù, nó cõng Nàng đi qua sa mạc đời sống mà không gục ngã như một con lạc đà già kiệt nước. 

Xung quanh không một bóng người. Nàng khoác một chiếc áo len mỏng tránh cái se lạnh thất thường vào ban đêm mùa hạ xứ này. Mái tóc thả dài che lấp nửa gương mặt. Tôi lùi vào bóng tối, dán mắt vào làn sáng vờn nhẹ lên những ngón tay gân guốc xù xì chậm rãi gõ vào phím đàn. Nom chúng giống như những gộc tre. Khớp nối giữa các đốt tay phình ra. Hai ngón út không thẳng như tay người bình thường mà bị bẻ quẹo một góc ba mươi độ nhọn như mũi tên chĩa thẳng ra ngoài. Nó cố toài ra, với tới, chạm vào phím đàn xa nhất. 

Khi bản “Exodus” vang lên, mắt tôi tự động khép lại từ lúc nào. Những gian dối, mưu mô, sân hận, điên rồ, đau khổ, trầm luân… như bị cuốn trôi trong chốc lát bởi dòng thác âm thanh bi tráng lãng mạn. Tôi không nhìn thấy gì nữa ngoài bóng tối. Ai đó đã nhấc bổng tôi lên, mang tôi đến một cảnh giới khác. Ở đó, tôi thấy mình lê bước cuối đoàn người hành hương đi tìm ánh sáng tự do, với niềm tin tuyệt đối vào người dẫn đường. Tôi như vừa được uống một li rượu cực mạnh, có tác động ngay lập tức đến từng mạch máu li ti, kích thích và khai mở những giác quan huyền bí của cơ thể mà tôi chưa từng biết đến. Nước mắt tôi trào tuôn trong niềm khoái cảm bất ngờ giống như là chết đi rồi lại được tái sinh trong cái khoảnh khắc cực điểm của hạnh phúc. 

Sau một khoảng lặng dài, bất ngờ vang lên tiếng vỗ tay phát ra từ một hốc tối đâu đó trên phố. Thì ra tôi không phải là thính giả duy nhất. Thì ra Nàng chơi đàn cho người vô gia cư nghe. Họ sống khắp các hang cùng ngõ hẻm hoặc ngay chính mặt tiền đông đúc sôi động nhất của thành phố. Đã có những cuộc tranh luận không hồi kết về số phận của họ. Cảnh sát đến hốt đi tất cả làm rộng rãi sạch sẽ hè phố trong vài ngày, vài tuần, rồi đâu lại vào đấy. Có lần tôi đã lén nhìn trộm một người vô gia cư đang đọc cuốn “Zarathustra đã nói như thế”, cuốn sách triết học nổi tiếng của Nietzsche. Tôi bỏ ngay ý định lại gần bắt chuyện vì chạm phải cặp mắt của con chó nằm cạnh ông ta cứ như muốn nhảy xổ vào bất kỳ ai mon men làm phiền ông chủ của nó. 

Nàng không tỏ ra ngạc nhiên lắm trước sự xuất hiện của tôi. Ngắm nhìn tôi từ đầu đến chân, Nàng suýt xoa khen cái áo phông đen có in hình nửa gương mặt nàng Mona Lisa rất hợp với dáng vẻ lãng tử có phần bất cần đời của tôi. Về khuya trời lạnh hơn, nhưng không mảy may một dấu hiệu nào cho thấy Nàng lạnh, hay mệt, hay muốn về. Cặp mắt trong đêm ánh lên như mắt mèo hoang, Nàng bảo tôi nói tên bất kỳ bản nhạc nào tôi thích, Nàng sẽ chơi tặng tôi. E rằng Nàng đã thấm mệt, tôi đề nghị được giúp Nàng mang đàn về. Nàng vui vẻ giải thích: “Cám ơn ông. Tôi có thể về một mình. Nhưng tôi còn lâu mới về. Nếu ông thích thì cứ ngồi đây. Đêm mới thực là cuộc sống”. Nàng ngập ngừng, rồi hạ giọng như nói thầm chỉ cho tôi nghe: “Đêm mới thực là tôi. Tôi yêu bóng đêm. Tôi chơi đàn cho bóng đêm nghe. Ông hiểu không nhỉ?” .
 
*

Tôi ngồi xuống bậc thềm, hồi hộp lạ thường, linh cảm về một điều đặc biệt sẽ xảy ra. Được ngồi bên người nữ này, nghe Nàng đàn, trò chuyện với Nàng chẳng phải là điều tôi luôn mong muốn sao! Tôi thích những câu chuyện kể lúc nửa đêm về sáng, khi người kể chuyện rơi vào miền vô thức, đã tự mình bóc đi hết những lớp vỏ giả dối mệt mỏi, chỉ còn niềm khát khao nguyên thủy được là chính mình. Thỉnh thoảng có một chiếc xe ôtô phóng vụt qua, vọng lại tiếng hò hét của những con người trẻ trung say sưa dư thừa năng lượng sống. Nàng ngoái nhìn theo giọng phấn khích: “Tuổi trẻ của tôi đó. Ông có muốn nghe một bài hát tôi rất thích hát thời đó không?”.

Chẳng cần đợi tôi trả lời, Nàng cúi xuống cây đàn và cất tiếng hát:

Suốt cuộc đời tôi chỉ thích lãng du
Không gì có thể làm chân tôi dừng bước
Tôi cười thật to và hát thật hay
Tôi bay từ làng này đến làng khác
Không ai biết tôi chỉ cố giả vờ
Bởi đêm xuống, trên chiếc giường xa lạ
Tôi bật khóc, nhớ lời cha dặn dò…
“Con yêu ơi, hãy tin vào Chúa
Người sẽ hướng con đi vào con đường đúng.
Người sẽ khiến con trở nên mạnh mẽ ngay cả khi bạn bè đã bỏ mặc con cô đơn
Và bất kể con đã làm những gì sai quấy si mê
Cửa nhà mình luôn mở rộng đón con về…”

Bao nhiêu đêm đã trôi đi kể từ khi tôi hôn từ biệt cha
Sống cuộc đời lãng du hoang dại
Tôi đã khiến cha mẹ buồn rầu
Và trong lúc rượu tràn ngược từ dạ dày lên đỉnh đầu
Tôi lại nhớ lời cha dặn dò:
“Con yêu ơi, hãy tin vào Chúa
Người sẽ hướng con đi vào con đường đúng.
Người sẽ khiến con trở nên mạnh mẽ ngay cả khi bạn bè đã bỏ mặc con cô đơn
Và bất kể con đã làm gì sai quấy si mê
Cửa nhà mình luôn mở rộng đón con về…”

Rồi cũng đến lúc tôi phải dừng lại,
Không còn lãng du làng này làng kia mãi mãi
Tôi đã có thể nói với con cái khi chúng trưởng thành bay đi
Lời cha tôi từng nói với tôi:
“Con yêu ơi, hãy tin vào Chúa
Người sẽ hướng con đi vào con đường đúng.
Người sẽ khiến con trở nên mạnh mẽ ngay cả khi bạn bè đã bỏ mặc con cô đơn
Và bất kể con đã làm gì sai quấy si mê
Cửa nhà mình luôn mở rộng đón con về… (*)


Kết thúc bản nhạc, Nàng hất mái tóc, ngẩng lên nở nụ cười mãn nguyện. Cặp mắt đã đục màu trần ai nhưng vẫn ánh lên nét tinh nghịch rất trẻ con. Tim tôi hẫng một nhịp nhẹ. Cử chỉ duyên dáng phút chốc biến Nàng trở thành cô thiếu nữ mười sáu quyến rũ. Nụ cười ngọt ngào gợi mở như bài thơ kết thúc bằng ba dấu chấm lửng…
 
*

Trong khi tôi còn chưa thoát khỏi niềm xúc động gây nên bởi giọng hát Nàng trong vắt như của các nữ đồng trinh, thì một điều kỳ diệu xảy ra. Mỗi lần nhớ lại, tôi chỉ còn biết tạ ơn Thượng đế. Giống như trong truyện cổ tích, nơi các mơ ước thiện lành thế nào cũng được đền đáp bởi các sứ thần bí ẩn của Chúa trời. Vâng, Nàng vừa dứt lời hát, hất mái tóc ngẩng lên, dù chỉ là để mỉm cười với bóng tối, thì một chàng trai trẻ trong trang phục quần bó ống, áo ghi-lê mặc ngoài sơ mi trắng, như từ trong kịch Shakespeare bước ra. Chàng đến bên chiếc đàn, kêu lên sung sướng: “Nàng đây rồi! thế là ta đã tìm thấy Nàng”. 

Tôi mở to mắt, nhìn trực diện vào chàng trai có khuôn mặt đẹp như mặt tượng nam thần với mái tóc loăn xoăn rủ xuống vầng trán rộng, để khẳng định chàng không phải là ảo ảnh. Và những tiếng “Nàng, Nàng đây rồi, Nàng yêu quí, Thiên thần của tôi…” phát ra từ miệng chàng trai là thật chứ không phải là tiếng vọng của trái tim tôi lẫn lộn mù lòa. Vậy mà tôi cứ ngỡ mình là kẻ duy nhất muốn gọi bà già chơi đàn rong đây một cách thiết tha âu yếm: “Nàng. Nàng yêu quý”.

Tôi lẳng lặng nhường lại khoảng trống bên Nàng cho chàng trai lạ mặt. Chỗ Nàng ngồi là bậc thềm hè rộng rãi của một căn biệt thự cổ, cửa vòm trạm trổ hoa văn tinh xảo. Một luồng sáng nhẹ tỏa xuống từ trên vòm cửa vào đúng chiếc đàn, tạo nên một sân khấu ngoài trời không thể hoàn hảo hơn. Thượng đế quả là khéo bày trò! Trong một khoảnh khắc, tôi không còn phân biệt được đâu là sân khấu đâu là cuộc đời, những gì tôi đang chứng kiến rõ ràng là đã được sắp đặt bởi một bàn tay vô hình, hay chỉ là một sự tình cờ mà tôi đã chờ đợi từ trong vô thức…

Trước thái độ nồng nhiệt của chàng trai, Nàng mỉm cười với cặp mắt chan chứa niềm vui. Chàng trai quỳ hẳn xuống, ôm lấy hai bàn tay Nàng: “Nàng còn nhớ không? Tôi là người đến thành phố này du lịch nhiều năm trước. Tôi đã nướng tất cả tiền bạc vào trò chơi đen đỏ. Tôi đi lang thang tìm cách tự sát. Và tôi đã gặp nàng. Nàng đã khiến tôi khóc như một đứa trẻ nhỏ. Nàng chơi một bản nhạc ngẫu hứng tặng cho nỗi đau khổ của tôi. Tặng cho đứa con gái của nàng mới tự sát. Nàng đã trò chuyện với tôi về âm nhạc và sự cứu rỗi của âm nhạc trong đời sống trần tục. Nàng đã khiến tôi rời bỏ cái chết. Trở về nước tôi đã học chơi guitar và thành lập ban nhạc của mình. Việc đầu tiên tôi làm khi trở lại thành phố này là đi tìm nàng. Ôi, thiên thần của tôi. Nàng không chỉ cứu mạng tôi mà còn ban tặng cho tôi ý nghĩa đời sống”.

Đáp lại lời nói say đắm như đang tỏ tình của một nhân vật nam trong những vở kịch cổ điển, Nàng chỉ mỉm cười, nói rất nhỏ: “Tốt quá, tốt quá. Hãy cám ơn âm nhạc. Hãy cám ơn Thượng đế. Tôi chỉ là một thứ công cụ nhỏ bé trong tay Ngài mà thôi”.
 
*

Sự xuất hiện của chàng trai trẻ làm không gian âm nhạc mộng mị về đêm của chúng tôi càng trở nên hư hư thực thực. Nàng kể với tôi, có lẽ vì mẹ Nàng là hậu duệ xa lắc xa lơ của thiên tài âm nhạc Johann Sebastian Bach, nên Nàng đã phải lòng cây đàn piano ngay lần đầu tiên, khi được các nữ tu cầm ngón tay ấn vào một phím đàn. Lúc đó Nàng nàng tròn sáu tuổi. Mười tuổi, Nàng bắt đầu viết những bản nhạc của riêng mình. Được đào tạo bài bản trong các trường nhạc danh tiếng nhưng nàng chỉ cảm thấy chính mình biến thành âm nhạc khi được chơi đàn trong các lễ hội làng quê và trên đường phố. Nàng không thể nhớ người thanh niên ấy là ai trong hàng triệu triệu người đã đi qua thành phố này, đã dừng lại nghe Nàng đàn, đã trò chuyện với Nàng. Những người hâm mộ vô danh đã khiến cuộc đời nhiều thăng trầm đau đớn của Nàng trở nên tràn ngập tình yêu. Nàng muốn âm nhạc của Nàng được trực tiếp đến với tất cả, không phân biệt giàu nghèo sang hèn cao thấp. Nàng tin rằng, thế giới này là bản nhạc kỳ vĩ nhất của Đấng Sáng Tạo. Và nhạc sĩ, họ là những kẻ được chọn, để truyền đi thông điệp yêu thương của Ngài, để cất lên lời ca tụng cầu xin của loài người đến với Ngài. 

Dường như Ngài vừa có mặt ở đây, trong hình hài chàng trai trẻ.” Tôi thì thầm với Nàng. “Đường phố vắng tanh thế này… Chàng trai mang vẻ đẹp thật lạ lùng…”.

Ngài ở khắp nơi, ngay đây, khoảnh khắc này…”. Nàng đáp. “Ông vừa nói gì nhỉ? Có phải ông muốn nói về vẻ đẹp của chàng trai? Vẻ đẹp của con người?”.

Tôi im lặng, chờ đợi. Nàng cúi xuống suy nghĩ rất lâu, rồi bất thần ngẩng đầu lên, giọng xa xăm:

Một lần, vào khoảng giữa mùa Xuân. Khi đó tôi là một kẻ vô gia cư lang thang vào công viên thành phố kiếm chỗ ngả lưng. Tiết trời se lạnh, nhưng đến giữa trưa thì nắng hửng lên óng vàng như rót mật xuống muôn loài. Ngay cả những ngọn cỏ li ti dưới chân tôi cũng cố vươn lên đón nắng bằng những cánh hoa trắng mỏng manh nhỏ xíu. Tôi tìm thấy môt bông hoa cỏ và cúi xuống nhìn sâu vào giữa cái nhụy vàng của nó một lúc lâu. Thật lâu. Lâu đến mức tôi cảm thấy mặt đất như chao nghiêng, chỉ còn tôi và đóa hoa cỏ chập lại làm một. Linh hồn của nó cũng nhẹ nhõm và trong suốt như linh hồn tôi lúc ấy. Khi tôi ngẩng lên, đập vào mắt tôi là một người đàn ông ngồi trên chiếc ghế đá cách tôi khoảng chục mét. Ông ta có gương mặt không tuổi. Râu ria đầu tóc bù xù. Ông ta không mặc một thứ gì trên người. Ánh nắng lấp lóa trên làn da khô mốc chắc hẳn lâu ngày không tắm của ông ta. Mặt ông ta hướng lên cao đón ánh nắng rọi xuống từ vòm cây. Rồi ông ta từ từ đứng lên trên ghế đá, cổ vươn cao, hai bàn tay xòe rộng hứng từng vốc nắng xoa lên mặt, lên cổ, lên khắp tấm thân trần. Ông làm tất cả những động tác ấy với vẻ chăm chú đặc biệt, vừa thích thú như một đứa trẻ thơ nghịch ngợm, lại vừa trang trọng như một con chiên đang tham dự một nghi lễ. Gương mặt thánh thiện, bình an, toát lên vẻ đẹp siêu phàm viên mãn mà cũng lại rất bình dị, rất con người. Vâng, một vẻ đẹp rất Người. Mỗi khi xuống tinh thần, đuối sức, tôi nhớ tới người đàn ông vô gia cư, nhớ tới khoảnh khắc tuyệt đẹp trong công viên trưa mùa Xuân ấy. Cái khoảnh khắc không chỉ ông ta, mà cả tôi, và cả cây hoa cỏ nhỏ xíu đó… được cảm thấy Thượng đế ở ngay trong chính tim mình…”.

Ông hiểu không nhỉ?”. Nàng hỏi, và hất nhẹ mái tóc, để lộ hai con mắt sáng lên trong đêm giống như hai vì sao lạc. Còn con mắt thứ ba thì thiêm thiếp ngủ…

(*) Sưu tầm trên mạng.

Bùi Mai Hạnh, từ Healesville (Úc) - Ngày 1-12-2017


 
 Từ khóa: truyện ngắn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn