Trong tủ sách gia đình của tôi ở Sài Gòn cho tới 1975 vẫn lưu giữ một tập vở học trò chép nhạc mang từ ngoài Bắc năm 1954. Nét chữ non ghi nắn nót “
Le Hưng Yên, Mercredi 1953 Ai về Sông Tương; Le Hà Nội, Dimanche 1954 Đường Về Miền Bắc; Saigon 1960 Gửi Người Em Gái...”. Đó là cuốn nhạc của chị cả hơn tôi 12 tuổi.
Người Hà Nội vào Nam năm 1954 mang theo cả trăm ký lô thương ngàn ký lô nhớ giấu trong tay nải may quàng giấu trong mắt và cả trên môi nên mở mắt ra là hát véo von... Vì vậy tuy oắt con tôi cũng võ vẽ thuộc đôi bài. Từ đó tôi cũng yêu Hà Nội dù không sinh ra ở Hà Nội... Yêu Bưởi yêu đi yêu Chèm yêu lại yêu từ thôn Đông yêu mãi tới thôn Đoài...
Có lẽ nhớ qua màn sương mờ ảo của thời gian nên điều gì cũng phơn phớt... Hoa tường vi Hà Nội hình như hồng nhạt so với tường vi Đà Lạt. Cốm với hồng trong Nam không xanh không thắm bằng cốm Vòng hồng đỏ tháng Bẩy Trung thu. Má Sài Gòn hây tròn thơm dầu dừa không rám hồng quả nhót. Vai Sài Gòn điệu rơi điệu rụng điệu rớt cả linh hồn ra ngoài quần sa teeng tuyết nhung đen rưng rức guốc Đa Kao dẫm nát hồn thi sĩ làm năm làm bẩy nhưng vắng khăn san lả lơi trên vai...
Tiếng chim kêu có khác hay không thì chỉ có giời và nhạc sĩ Song Ngọc biết.
Song Ngọc chưa hề biết Hà Nội bao giờ nhưng mối tư huơng từ người Hà Nội rung động khuôn nhạc cậu trai Sài Gòn 16 tuổi đa tình. Song Ngọc viết
“Hà Nội Ngày Tháng Cũ có tiếng oanh ca bên bờ tường vi...” đẫm đìa tình yêu Hà Nội. Hóa ra, tình yêu làm người ta gần nhau nên ai cũng yêu Hà Nội mà chẳng cần biết vì sao.
Song Ngọc trong Nam đã thế, nói gì đến những tài hoa miền Bắc. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm nổi tiếng với nghệ thuật đen trắng “
Ảnh đen trắng chụp cành tre cũng có màu xanh”. Ảnh đen trắng khêu gợi được chiều sâu thẳm của cảnh và tình. Một đêm xuân não nề chín năm sau 1954, thi sĩ Vũ Hoàng Chương biên vào tấm ảnh:
Chín giao thừa tám năm dư
Cành mai trắng mộng đêm trừ tịch xuông.
Bức ảnh Hồ Gươm, vạt nắng soi thân cây gân guốc in trên mặt nước dịu dàng. Ngàn năm rồi mặt hồ chứng kiến bao mùa xuân mùa thu Hà Nội, đã chịu bao ngọn roi phũ phàng của lịch sử? Năm mươi năm nữa liệu có còn Hồ Gươm còn Tháp Bút còn tháp vua Lê?
Khi Ban hợp ca Thăng Long hát trên Đài phát thanh Sài Gòn, Thái Thanh, Thái Hằng, Mộc Lan, Châu Hà, Kim Tước, Hoài Trung, Hoài Bắc... tôi cũng hát theo. Mẹ vẫy tay bảo im cho mẹ nghe giọng Hà Nội... từ đó mới hay tình yêu thôn ổ sâu lắng dường nào nơi ruột gan tức tửi lìa xa. Về sau, có bài báo cho là Đoàn Chuẩn viết
“Em tôi đi màu son lên đôi môi...” gửi người em gái miền nam là ca sĩ Mộc Lan... Không rõ thực hư.
Nhưng có lẽ không nên rõ, để thế hệ nào xa Hà Nội cũng mơ màng con cá vàng tưởng mình là em gái ngày nào năm ấy “
màu son lên đôi môi...”. Hình ảnh nuôi sống cả một thế hệ và sẽ còn in lên nhiều thế hệ nữa, nơi đáy lòng nào đắm say chất Hà Nội ngày xưa... Còn ai không cảm không yêu... chặt cây phá đền phá chùa thì nói làm chi?