TRẦN TIẾN NGẪU HỨNG LA ĐÀ

Thứ bảy - 17/03/2018 19:41

(NCTG) “Cái ngang tàng, vô tư, bất cần hoàn toàn vô nhiễm trước cơn sóng tiền bạc mà lúc ấy nếu muốn ông thừa khả năng tạo nên cơn lốc mà đáy phễu đường hoàng rót thẳng vào túi ông. Đấy chính là chỉ số văn hóa đặc biệt của Trần Tiến mà sau này ông sảng khoái bảo “được của ló”...”.

Cuốn sách “Ngẫu hứng” của nhạc sĩ Trần Tiến

Cuốn sách “Ngẫu hứng” của nhạc sĩ Trần Tiến

Nhân đọc “Ngẫu hứng” của nhạc sĩ Trần Tiến

Lập à”, “Anh Tiến kể Lập nghe chuyện này...” là lời của người thấm rượu nhưng tỉnh táo hơn lúc nào hết gọi người hiểu mình mà nói lời gan ruột. Vào những lúc ấy kỷ niệm tưởng đã thiếp ngủ ở một ngăn nào đó của quá khứ bỗng cựa quậy, tươi rói. Đắng cay, vui buồn, hanh phúc hay bất hạnh đã qua đâu quan trọng gì. Cái chính là được thoải mái để tinh thần ở trạng thái tuyệt đối “nuy”. Là riêng tư anh kể em nghe thôi mà tri kỷ à, tri âm ơi. Đâu cần rành mạch đầu cuối, đâu cần nghiêm ngắn câu từ. Miễn mình nhẹ lòng, miễn mình được sống lại một thời với những điều muốn nhớ, phải nhớ là được rồi...Trần Tiến đã bắt đầu cả chục lần như thế trong “Ngẫu hứng” về đời, về nhạc của ông...

Nếu ví đời như ly rượu theo cách nói của ai đó thì Trần Tiến đã được/ buộc phải nhấm nháp ly rượu của đời mình, một ly rượu được chưng cất bởi một hương vị đặc biệt bởi nhiều tình cờ, ngẫu nhiên. Mà vị đắng của nó vào người khác hoặc tê lưỡi mà chuyển sang nước lọc hoặc sặc sụa trong tức giận. Không thấy hai trạng thái thường thấy này trong cảm xúc uống ly rượu đời của Trần Tiến, cứ nhẩn nha, ngất ngưởng thế... Đã đến lúc ông có thể tạm thời đặt ly xuống, xòe tay mà nhẩm tính những năm tháng đáng nhớ trong cuộc đời mình...

Xa lắc cái thời hồn nhiên, mơ mộng có thể ngẩn ngơ với cục đá vôi mẹ cho đem thả xuống rãnh nước “nở ra từ từ rồi sôi réo thành ngọn núi trắng toát, núi Phu Sĩ của tuổi thơ anh đấy”. Cái thời không thiếu đam mê mà khốn khổ “chỉ thấy thèm ăn”. Tuổi thơ, tuổi trẻ nhọc nhằn gắn với đổi thay phi lý trong đời mẹ. Bà thấp thỏm, bất an vì tương lai của những đứa con khó bảo dấn thân vào nghiệp “xướng ca vô loài”. Chúng đi hát phục vụ cách mạng đến kiệt sức rồi về bưng bát cơm từ đôi tay lao động cần mẫn của mẹ - một trong số ít những tư sản Hà Thành lúc ấy đã buộc phải làm người lạ ngay trong chính ngồi nhà thân thuộc, mồ hồi nước mắt của mình, thành người giặt giữ chăn màn cho chủ mới...

Trần Tiến nhắc đến mẹ không nhiều nhưng bà thực sự là người bạn lớn của ông. Luôn nói với con bằng sự thấu hiểu, ngắn gọn, ít an ủi, không ve vuốt mà buốt một nỗi yêu thương vô bờ bến. Ở bà có cái gì đó như người mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thông tuệ và yêu con theo cách khác đa số các bà mẹ Việt. Bởi vậy, mỗi lần nhắc đến bà, cái người đàn ông có bề ngoài xù xì, cứng rắn ấy, mắt lúc nào cũng ngân ngấn. Giọt nước mắt của người vừa tìm lại báu vật mà chính mình đã giấu đi, mà những lời ca da diết, tiếc nuối cũng chỉ có thể nói được phần nào: “Mẹ ơi. Con đã già rồi còn ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con. Mẹ ơi. Con đã già rồi còn ngồi ngơ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa...”.

Trần Tiến tự thấy mình là người may mắn. Ly rượu đời mình ông đã uống lúc nhanh lúc chậm, lúc ngọt lúc đắng nhưng không bị gạt ngang mà rơi đến vỡ nát như vài bạn hữu tài hoa cùng thời. Bởi luôn có một bàn tay của số mệnh nào đó được đưa ra đúng lúc mà che chắn cho ông khi tai họa bất ngờ ập đến. Từ cái “hạn” của ban nhạc “Đen Trắng” đến bao phen ngoài chiến trường “trời chưa cho chết” (bị bỏ lại, vứt xuống hố vì sốt rét quá nặng, cậu y tá thương không nỡ chôn, bò qua cánh rừng đầy bom nổ chậm mà không vướng, gặp được người mình giữa rừng, nhờ bài hát của mình mà được cứu...) là những minh chứng sinh động mà chạm đến là rưng rưng. Vậy thì phải sống mà trả ơn đời thôi. Sống thay cho đồng đội đã nằm lại dưới cơn mưa lạnh, trống trải giữa rừng cao su, đã bay đi như “nhiều ngôi sao màu cỏ úa lang thang đâu đó ngoài bầu trời. Đi qua và ngoái đầu nhìn lại...”.

Sống cùng những người bạn lính một thuở đã đi qua cuộc chiến dằng dặc về lại hòa bình, bao nhiêu năm vẫn “quen mất rồi” với bộ quần áo màu cỏ úa, với lối nằm ngủ chỉ chờ báo động là chạy, chưa bao giờ được bước chân vào một nhà hàng tử tế... Sống ở ngay đây thôi, giữa đời bụi bặm, buồn nhiều hơn vui này “tiên sư thằng nào bịa ra thiên đường”. Mà nếu có thì “làm thánh nhân, buồn chết mẹ”. Đơn giản là giữa nơi này một trưa bất chợt được nghe câu hát lưng chừng, buốt ruột người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người, là chung sống với bản đồng ca bắt buộc phải hát của kiếp cái bang thời hậu chiến chưa có bao giờ đẹp như hôm nay mà buồn muốn chết. Nghe ca khúc của mình trong tình thế oái oăm. Cậu dẫn chương trình to gấp tư người nông dân còm cõi gọi ông lên nhận bò trong chương trình “lá lành đùm lá rách”. Nghe vui không. Có. Buồn không. Có. “Lâng lâng và buồn buồn”...

Với Trần Tiến thì sống là lên đường bằng “nghệ thuật của trái tim trần trụi”. “Nghệ thuật không dành cho khối óc, cho chính trị hay những âm mưu mượn nghệ thuật làm chuyện gì khác”, “viết chẳng để làm gì nhưng mà... sướng” và người đọc, người nghe... thích là được. Ông từng đúc kết “cuốn sách cần đọc nhất vẫn chính là đời mình”. Mình “dịch” tiếp ý ông: với Trần Tiến bài hát cần được hát lên nhất là lời của trái tim mình. Ý nguyện ấy luôn hiển hiện trong sáng tác của ông cho đến tận bây giờ. Nhưng đẹp và nổi bật nhất có lẽ là thời “Du ca Đồng nội”. Quãng đời du ca không có mùi tiền là một lựa chọn sáng suốt như ông thừa nhận.

Không tin hãy nhìn vào những bức ảnh trong phần “Lưu ảnh ký “ mà xem. Cũng là nụ cười mà ở thời điểm khác ông hay nhìn một cách hài hước và đau đớn đần độn, ngớ ngẩn”, “cười như người dân Việt ngày đó” thì chỉ có nụ cười trên chiếc Zeep cà tàng đang phi (lúc ấy chắc vừa phải đẩy xong), trên sân khấu ướt mưa giữa rừng, trên giàn khoan lộng gió, trong trại trẻ mồ côi cùng bạn hữu nhóm du ca là tươi rói, hòa hợp vô cùng với trang phục phóng khoáng, phá phách... Cái ngang tàng, vô tư, bất cần hoàn toàn vô nhiễm trước cơn sóng tiền bạc mà lúc ấy nếu muốn ông thừa khả năng tạo nên cơn lốc mà đáy phễu đường hoàng rót thẳng vào túi ông. Đấy chính là chỉ số văn hóa đặc biệt của Trần Tiến mà sau này ông sảng khoái bảo “được của ló”...

Hơn 20 năm trước, trên một sân khấu nhỏ ngoài trời trước nhà văn hóa của thành phố mình (lúc ấy là thị xã bé nhỏ và buồn), hình ảnh Trần Tiến với cây đàn ghi-ta và nhóm Du ca quậy tung sàn “ám” mình dài lâu. Những ca từ trong ngần, hồn nhiên ngoài kia có cô bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe... và da diết buồn Ôi sói con ngơ ngác của tôi. Em đâu có lỗi khi em mồ côi....”, không quá đặc biệt nhưng lạ và cuốn hút. Cảm giác ấy 5 năm sau mình mới có thể tìm lại khi “Michael Learns To Rock” xuất hiện lần đầu ở Việt Nam, thổi bùng trên sân khấu Giảng Võ. Lúc ấy nhìn ông và các bạn mình “tung hoành” trong lãnh địa của đam mê tuyệt đối mình cứ nghĩ sao người ta thanh thản thế, sao có thể sung sướng thế khi điệu hồn cuồng nhiệt được tự do bật lên ở một chiều kích lớn nhất có thể.

Còn bây giờ, phần vì đã thấu, phần đọc “Ngẫu hứng” thì mình hiểu đó là khả năng phân thân kỳ diệu của con người. Nó giúp ông thoát khỏi những trĩu nặng đời thường mà bay lên, mà truyền trọn vẹn cho người nghe khát vọng đôi khi không bao giờ thành hiện thực của mình. Và mỗi lần bay là một lần thêm năng lượng để lúc chân chạm đất, mặt chạm áo cơm vẫn có thể đứng vững. Dám sống hết mình bằng trái tim như thế thì “ngốc và nghèo” mà ông kết lại cuối khúc “Đời nghệ sĩ” không phải là lời than. Cái chính là “bao nhiêu vốn quý, tài sản, vẻ đẹp, sự thông mình, cần cù, nụ cười và nước mắt họ đã dành cho bạn trong tác phẩm hoặc trên sân khấu, dành cho bạn như tình cho không... Còn lại chăng chỉ là sự trống rỗng và nỗi cô đơn”.

Lúc “một mình một bóng nghe sóng biển vỗ một mình”, lúc “Độc huyền cầm buồn lắm. Mấy ai người tri âm...”, lúc chếnh choáng nhận ra “Thế giới này mình không quen”. Đấy không phải là cảm giác hờn dỗi của người quen được chiều chuộng một ngày gặp sự cố ngoài ý muốn mà là lúc trầm tư đối điện với đám đông và nhận ra mình cô đơn biết bao. Sợi dây thấu hiểu, đồng cảm giữa ông với đám đông từng mến mộ, thần tượng ông, đám đông ông từng rút ruột viết cho họ sao mong manh quá, hệt tơ nhện trước phần phật gió... Mình bỗng nhớ đến sự e dè của Giáo sư Trần Văn Khê khi ông được nhạc sĩ Tuấn Khanh mời phỏng vấn: “Thật ra công việc của bác là nghiên cứu, khô khan lắm, có gì để nói cho công chúng thích thú đâu”. Cả hai theo một cách nào đó đều nhận thấy thế giới này đã bắt đầu không quen với mình...

Thính nhạy, đa cảm vốn là “bệnh” của những kẻ “trời bắt làm thi sĩ” nhưng hồn nhiên thì không bao giờ dễ dàng. Nhất là với những người từng trải, đã có lúc phải hứng những cú đánh bất thình lình đến bầm dập của số phận. Gượng đứng lên được có khi tinh thần đã bải hoải hoặc hạt giống của hằn học, cay đắng đã nhấp nhỉnh nảy mầm. Sau tất cả trong Trần Tiến, may mắn như cái bình của nàng Pandora tò mò trót mở vẫn nguyên vẹn hạt mầm của sự tử tế, hồn nhiên: xa nhất và tếu táo là thời đói thắt ruột vẫn bình thản với bát phở “không người lái” chân chính. Bị đập vào đầu đau điếng trong cơn nhồi lắc của sóng biển mà chợt tỉnh cả người, thấy mình vẫn lãi vì mùi thơm từ mái tóc cô gái phảng phất trên má. Gần nhất và yên ổn là ngơ người trước bông tam giác mạch trắng muốt trong nắng vàng trước hiên nhà, trước bằng lăng tím cả Bãi Sau, chấp nhận thị hiếu khác biệt của thế hệ sau, tri ân với thế hệ trước bằng sự rộng lượng, ấm áp. Sòng phẳng với mình, ân tình với người...

Ngoài kia thế giới không quen nhưng ở đây, trong căn phòng này có vài tri kỷ rất quen để lúc buồn cùng nâng ly, chạm vai, kê chân mà thành thật “A, B, C... à... anh Tiến kể chuyện nghe này”... nếu muốn, nếu còn ngẫu hứng có thể gọi tên. Thế thôi, ổn rồi, hạnh phúc đâu phải lúc nào cũng có hình hài...

(*) “Ngẫu hứng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - First News ấn hành, 2016)

Nguyễn Thị Phương, từ Ninh Bình


 
 Từ khóa: Trần Tiến, Ngẫu hứng
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn