Xem Roger Waters tại Budapest: NHẠC “PINK FLOYD” VÀ NHỮNG KỶ NIỆM ĐẦU ĐỜI

Thứ bảy - 05/05/2018 16:05

(NCTG) “Kết thúc bằng ca khúc nổi tiếng nhất “Mother”, khi Roger hát đến câu “mẹ ơi, con có nên tin vào chính phủ không?” (Mother, should I trust the government?), sân khấu hiện lên thông điệp có vẻ như hơi lỗ mãng “Đéo thể tin được!” trong tiếng vỗ tay rầm rập của cả vạn người”.

Roger Waters tại Budapest, 2-5-2018

Roger Waters tại Budapest, 2-5-2018

Người ta thường nói tuổi dậy thì mới lớn, tuổi “teen” là giai đoạn có nhiều thay đổi đáng ghi nhớ nhất trong đời người. Khi những tế bào thần kinh trong não kết nối với nhau nhiều nhất, lượng hóc môn dopamin trong người tăng mạnh nhất là lúc tất cả các cảm xúc từ yêu thương đến bực tức, vui sướng đến cáu giận đều ở thái cực đỉnh điểm. Những gì xảy ra, cảm nhận được trong giai đoạn này đều khó mà xoá nhòa được trong ký ức.

Bọn trẻ con cấp ba chúng tôi thời trước không có lắm các hoạt động, nhiều yếu tố kích thích cảm xúc như bây giờ. Cuộc sống đã khó khăn, bố mẹ đi làm chỉ đủ chi tiêu cho bữa ăn gia đình, chúng tôi chỉ ngày nào cũng như ngày nào tập trung vào mỗi việc học: sáng đi học, về ăn cơm, làm bài tập, tối ngủ sớm rồi để mai còn đi học. Chẳng mấy khi có phim ảnh ngoài tivi đen trắng, nhạc nhẽo trên đài phát thanh, thể dục thể thao cũng chẳng có một tổ chức gì.

Học hết cấp ba 16-17 tuổi mà chẳng đứa bạn nào cùng lứa biết chuyện yêu đương hay có say mê về âm nhạc, lịch sử, văn học nghệ thuật, chỉ chăm chăm một ước mơ thi đỗ vào cái trường đại học mà bố mẹ đã lựa chọn. So với bọn trẻ thời bây giờ, tôi nghĩ các kiến thức về xã hội của mình khéo chỉ bằng trẻ em cấp một.

Sau khi thi đỗ đại học và được học bổng đi học nước ngoài, đùng một cái chúng tôi có một năm “thả lỏng”, chỉ phải hàng ngày đi học ngoại ngữ. Đang bận bịu thức đêm thức hôm để học, giờ bỗng nhiên lại rỗi hơi quá chẳng biết làm gì tôi cũng quay ra quan tâm đến nhạc nhẽo chút ít cho vui. Ngoài các bài hát cách mạng bật nhan nhản trên đài mà thực ra giờ thỉnh thoảng nghe lại cũng thấy vẫn hay, tôi bắt chiếc ông anh lớn tuổi nghe thêm mấy bản nhạc vàng và nhạc tiền chiến.
 
Ban nhạc “Pink Floyd” - Ảnh tư liệu
Ban nhạc “Pink Floyd” - Ảnh tư liệu

Mùa hè oi ả, trong người đã nóng bức mà nghe rên rỉ một hồi cũng không chịu được lâu, tôi bèn bật mấy cái đĩa nhạc Pháp do bố tôi đi công tác mang về. Cũng lãng mạn đấy, cũng thướt tha đấy nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong người. Bỗng một hôm, cậu bạn học cùng lớp ngoại ngữ đưa cho mượn một đĩa nhạc rồi dặn: “Khi nào ở nhà một mình đóng kín cửa bật to hết cỡ lên nghe mới sướng!”. Kể cũng lạ, thời cấp ba đang từ chẳng bao giờ nói chuyện với các bạn trai, năm dự bị trước khi vào đại học tôi lại thân với mấy đứa con trai cùng lớp hơn cả con gái, một phần có lẽ bì bọn họ luôn có điều gì đó mới mẻ và có vẻ trưởng thành hiểu biết hơn tôi.

Cầm cái đĩa nhạc to đùng, bìa in ảnh mấy anh áo phông đen tóc dài đánh guitar và chơi trống, tôi cũng phải mất đến mấy ngày mới tìm ra được cơ hội để nghe nhạc theo đúng lời bạn dặn. Chuyện ở nhà một mình không khó vì bố mẹ tôi hay đi công tác vắng, nhưng làm sao mà bật loa hết cỡ trong cái khu nhà tập thể ai cũng nghe được ai nói gì lại không phải dễ.Tôi nhớ mình đóng kín hết tất cả cửa kính, lấy khăn bông chèn vào các khe và nằm im trên sàn nhà đá hoa một mình bật album “The Wall” của “Pink Floyd” lên nghe.

Tim đập thình thịch, mồ hôi toát ra đầm đìa và cảm giác sung sướng lan chuyền từ gót chân tới đỉnh đầu: chỉ muốn hét thật to, nhẩy cẫng lên hay làm một trò gì đó thật điên rồ! Có cảm giác như mình không phải là trẻ con nữa mà bước vào một ngưỡng cửa khác của cuộc đời. 

Sau hôm đó tôi nhìn mấy thằng bạn mình với con mắt khác hẳn và hiểu hơn phần nào tâm trạng của bọn chúng: hiểu hơn tại sao chúng ngồi trong lớp mà cứ nhìn ra ngoài cửa sổ, hiểu hơn sao chúng chỉ trỏ với nhau khi thấy mấy bạn gái mặc quần soóc áo phông bó ngực đi vào sân trường, hiểu hơn tại sao không biết tiếng Anh mà chúng miệt mài chép lời các bài hát của “Pink Floyd”, của “Queen”, của “The Beatles” để ê a với nhau. Đồng thời cũng phục bọn chúng làm sao mà kiểm soát được những năng lượng bùng lên trong bản thân.
 
Vẫn sung sức ở tuổi 75
Vẫn sung sức ở tuổi 75

Từng xem bộ phim “The Wall” do chính Roger Waters - thành viên chính và cứng đầu cứng cổ nhất của “Pink Floyd” viết kịch bản, giờ đây, sau đúng 30 năm có dịp thưởng thức concert của ông hôm 2-5-2018 tại Budapest, Hungary, tôi mới hiểu sâu sắc hơn về triết lý của rất nhiều ca khúc một thời của “Pink Floyd”. Vốn dĩ sinh ra là một đứa trẻ không có bố do chiến tranh cướp đi, Roger có tuổi thơ thật cô độc với người mẹ quá muốn bao bọc cho con bởi những bất hạnh của thế giới bên ngoài. Bức tường chỉ là biểu tượng về những lá chắn tâm lý Roger đã dựng lên xung quanh mình.

Khi bức tường Berlin sụp đổ, Roger đã có một buổi biểu diễn thật đáng ghi nhớ tại chính địa điểm này. Càng về sau, tất cả các bài hát và tâm trí của Roger đều tập trung vào chủ đề chống chiến tranh, chống sự hy sinh vô lý của những người lính, phản đối những nhà chính trị gia tiêu hàng đống tiền chạy đua chiến tranh thay cho việc cứu đói cho hàng triệu trẻ em nghèo trên thế giới. 

Có lẽ chưa từng có một concert nào mà nghệ sĩ dám ngang nhiên bày tỏ chính kiến như của Roger Waters. Ở độ tuổi 75, ông vẫn có sức khỏe, sức hát, sức sáng tạo đáng khâm phục, cùng đội ngũ nghệ sĩ quá chuyên nghiệp và những kỹ thuật hiện đại của sân khấu, buổi biểu diễn hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối.

Phần đầu tiên của buổi diễn thỏa mãn sự mong chờ của hàng chục nghìn khán giả với hầu hết các bài hát trong những album nổi tiếng nhất của “Pink Floyd” như “The Wall”, “The Dark side of The Moon”, “Wish you were here”… Phần thứ hai, cả sân vận động được chia đôi với màn hình cực lớn từ trên không trung hạ xuống với hình nhà máy Battersea cùng những ống khói, con lợn bay với dòng chữ “Nhà băng của chiến tranh”, trích dẫn các câu nói hiếu chiến của tổng thống Mỹ Donald Trump và hàng chữ tiếng Hung “Trump là một con lợn”.
 
Công khai bày tỏ chính kiến
Công khai bày tỏ chính kiến

Phải công nhận chuyến lưu diễn năm nay của Roger với gần 100 buổi tại hàng chục nước trên thế giới là một sức mạnh kinh khủng kêu gọi sự thay đổi trong suy nghĩ của con người. Ở Hung, khán giả không thể không liên tưởng đến những đe dọa của chính phủ thời gian trước kỳ bầu cử Quốc hội liên quan tới vấn đề người tỵ nạn và dân nhập cư, về những hàng rào dây thép gai ngăn cách được dựng lên ở biên giới. 

Kết thúc bằng ca khúc nổi tiếng nhất “Mother”, khi Roger hát đến câu “mẹ ơi, con có nên tin vào chính phủ không?” (Mother, should I trust the government?), sân khấu hiện lên thông điệp có vẻ như hơi lỗ mãng “Đéo thể tin được!” trong tiếng vỗ tay rầm rập của cả vạn người. Bài này khiến tôi liên tưởng tới bản “Imagine” của John Lennon khi cả thế giới đều không có hàng rào ngăn cản, tất cả thế giới chỉ là một và mỗi con người đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang như nhau trong cuộc sống hòa bình.

Tôi đoán chắc ước vọng đó vẫn còn xa xôi lắm, nhưng ít nhất được nói ra mong muốn của mình cũng đã là một bước tiến đáng kể.

Bài và ảnh: Bs. Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 5-5-2018


 
 Từ khóa: Pink Floyd, Roger Waters
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn