Tròn 10 năm trước,
bộ phim “Katyń” của đạo diễn Ba Lan Andrzej Wajda, khi đó đã 81 tuổi, được lọt vào “
vòng chung kết” Tượng vàng Oscar dành cho phim ngoại quốc hay nhất. Cho dù chung cuộc không đoạt giải, nhưng phim đã để lại ấn tượng kinh hoàng trong lòng khán giả, cho dù câu chuyện về
đại thảm sát Katyń - tội ác lớn nhất đối với tù binh trong lịch sử thế giới hiện đại - thì tưởng chừng đã không còn xa lạ với bất cứ ai để tâm tới thế sự.
Suốt gần 2h đồng hồ,
bộ phim hầu như chìm trong bầu không khí im lặng chết chóc, không hề có nhạc đi kèm. Phim đặc tả hình ảnh và tâm lý của những người lính, sĩ quan can trường hy vọng sống sót đến khoảnh khắc cuối cùng sau nhiều ngày tháng bị cầm tù bởi Hồng quân và cơ quan mật vụ chính trị Xô-viết, và song song với họ là những người mẹ, người vợ, anh chị em 5 năm trời không nhận được bất cứ tin gì về người thương của mình.
Trong số gần 22 ngàn tù binh bị thảm sát tại Katyń, ngoài các vị tướng, tá và sĩ quan cao cấp, còn có 20 giáo sư, 300 bác sĩ, vài trăm luật sư và luật gia, kỹ sư, giáo viên, gần 100 nhà văn và nhà báo, được coi là giai tầng xuất chúng nhất của đời sống tinh thần Ba Lan đương thời. Khi ký lệnh thảm sát họ, hẳn Stalin cũng ý thức được về tội ác tầy trời này, nên đã lôi kéo các lãnh tụ thượng đỉnh Xô-viết khác “
góp mặt” để cho ra một
“quyết định tập thể”.
Nhiều nhà phê bình điện ảnh cho rằng, “Katyń” không phải tác phẩm xuất sắc nhất của Andrzej Wajda, vì nó thiếu nhiều thứ để trở nên hoàn hảo. Tuy nhiên mình cho rằng khi làm bộ phim này, bậc thầy của điện ảnh Ba Lan không hề muốn thi thố bất cứ một kỹ thuật hay tiểu xảo điện ảnh gì: bộ phim, như thế, hoàn toàn xác tín và hoàn toàn là một tượng đài cho cá nhân gia đình ông, và hàng vạn gia đình Ba Lan khác từng là nạn nhân của Katyń.
Phim cũng khẳng định một điều, mà sau này cố tổng thống Lech Kaczyński đã nhắc lại trong
bài phát biểu ông hằng muốn, nhưng không có cơ hội được đọc trong lễ tưởng niệm Katyń năm 2010 (
tai nạn máy bay tới nay còn nhiều bí ẩn đã khiến ông và gần 100 nhân vật tinh hoa của Ba Lan thiệt mạng ở vùng rừng Smolensk), đó là, dối trá ở tầm nhà nước đã là cơ sở cho sự tồn tại của nước Ba Lan CS. Và do đó, bộ phim phải
cất lời sự thật.
Ngày này 2 năm trước, mình
có dịp ở Warszawa đúng vào lúc Andrzej Wajda tạ thế. Lang thang khu phố cổ, nơi có triển lãm ảnh về những chặng dừng chân của cố Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị tại quê hương, chợt mình thấy lại một trích dẫn trong Sách Phúc Âm mà vị chủ chăn cho rằng, ông muốn để lại cho hậu thế nếu phải lựa chọn một câu duy nhất: “
Các ngươi sẽ biết lẽ thật và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” (sách “Phúc âm Giăng”).
Bộ phim cuối đời của Andrzej Wajda đã đem lại lẽ thật ở mức bi thảm và đáng tin cậy nhất cho nhiều thế hệ cư dân Ba Lan đã buộc phải giữ ký ức Katyń trong lòng tròn nửa thế kỷ, và đó là điều mình cảm thấy trân trọng nhất ở ông. Cho dù, sự nghiệp điện ảnh của ông đã toàn vẹn trước đó rất lâu, và sự tưởng thưởng xứng đáng - Tượng vàng Oscar cho toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của ông vẫn có thể được trao, dù không có “Katyń” đi nữa...