Trang chủ của bộ phim về Katyn
Trong “vòng vây” của vô số ký giả, phóng viên và các vị khách mời, đạo diễn Wajda, người có cha (ông Jakub Wajda) cũng bị thủ tiêu một cách hèn hạ tại Katyn, cho rằng ông đã thực hiện được một dự định từ xa xưa khi hoàn thành và giới thiệu được bộ phim này. Ông cũng coi “Katyn” là một chặng xứng đáng trong sự nghiệp điện ảnh vĩ đại của mình.
Sau buổi chiếu ra mắt vào thứ Hai vừa qua, cũng như buổi hôm qua dành cho các vị khách mời, những phản ứng đầu tiên của công chúng đặc biệt hướng vào sự bi thảm được phản ánh trong phim. Đạo diễn Wajda nhấn mạnh: không chỉ những hình ảnh về cuộc thảm sát có tác động mạnh mẽ đến người xem, mà những thước phim mô tả số phận những thân nhân, thành viên gia đình còn sống sót cũng đặc biệt gây chấn động.
Đạo diễn Andrzej Wajda (Ba Lan, tháng 5-2006)
- Cha và mẹ tôi đều có liên quan trong vụ Katyn, vì thế, đối với tôi, đây là chuyện mang tính cá nhân, riêng tư - trước đây, trong một phát biểu về bộ phim, Andrzej Wajda đã cho biết và ông còn nói thêm một cách rõ ràng rằng, ông sẽ không mô tả “cả hai phía” trong bộ phim này. Nhìn lại sự nghiệp điện ảnh của Wajda, ngay từ lúc khởi sự, nhà đạo diễn đã quan tâm đến đề tài Đệ nhị Thế chiến và số phận của quân đội Ba Lan. Hai bộ phim của ông - “Cống ngầm” (1956) và “Tro tàn và kim cương” (1958, được bình chọn là 1 trong 10 bộ phim hay nhất đương thời) - đều phản ánh tính bi kịch và chất anh hùng trong thời chinh chiến.
Bộ phim của đạo diễn Andrzej Wajda cho thấy lịch sử và các thế hệ sau không hề quên lãng những tội ác diệt chủng đã xảy ra trong quá khứ. Trong nhiều thập niên, cái tên Katyn bị coi là “cấm kỵ” (*), cho dù vào năm 1943, khi quân đội Đức phát hiện ra những ngôi mộ tập thể sâu trong khu rừng Katyn (giữa sân ga Grazovjec và Smolensk), bộ máy tuyên truyền Đức đã lập tức thông báo với thế giới và còn cho phép các phái đoàn, các ủy ban quốc tế trung lập đến Katyn để tìm hiểu về vụ thảm sát. Tuy nhiên, dạo đó, vì lý do “chiến lược”, phe Đồng minh đã lờ đi chuyện này và còn tìm cách che đậy cho Liên Xô vì “mục đích chung”. Phải đợi đến thời Gorbachev và Yeltsin, Nga mới trao cho phía Ba Lan (và công bố) nhiều tư liệu liên quan đến Katyn (***), song cho đến giờ, chính phủ Nga vẫn không thừa nhận hành động tại Katyn là diệt chủng.
Ghi chú:
(*) Có lẽ vì coi Katyn là một biến cố nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Liên Xô và Ba Lan nên trong bản báo cáo mật vạch trần nhiều tội ác của Stalin, lãnh tụ Nikita Khrushchev đã tạm “quên” biến cố Katyn.
(**) Hè năm 1989, trong một cuộc hội thảo về những "vùng trắng" trong lịch sử đương đại Ba Lan, các nhà nghiên cứu Xô-viết nổi tiếng nhất còn tuyên bố trên vô tuyến rằng "vụ thảm sát Katyn là sản phẩm của cơ quan tuyên truyền phát-xít Đức". Tuy nhiên, trong giờ giải lao, các sử gia Liên Xô đã thú nhận riêng với các đồng nghiệp Ba Lan rằng, cố nhiên, họ biết rõ về sự thực ở Katyn!
(***) Trong số đó, quan trọng nhất là báo cáo “tuyệt mật” của trùm mật vụ Beria - đề nghị thủ tiêu 15 ngàn sĩ quan và trí thức Ba Lan -, được sự đồng tình và phê chuẩn của Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Liên Xô thời đó (Stalin, Voroshilov, Molotov, Mikoyan, Kalinin, Kaganovich).
Trần Lê, theo các tư liệu quốc tế
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn