CHE GUEVARA, HUYỀN THOẠI “VÌ MỘT THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN”

Thứ năm - 11/10/2007 09:04

(NCTG) Mùng 9-10 vừa qua, thế giới kỷ niệm 40 năm ngày mất của Ernesto Che Guevara. Nhà cách mạng huyền thoại này đã ra đi còn rất trẻ (39 tuổi), và đến nay cũng như sau này, trong trí nhớ của hàng triệu người, anh mãi mãi là một người đàn ông 39 tuổi “có ánh mắt quả cảm” đội chiếc mũ bê-rê màu đen gắn ngôi sao năm cánh như trong tấm ảnh nổi tiếng do Alberto Korda chụp.

Che Guevara (1928-1967)

Bốn thập kỷ đã trôi qua, nhưng tên tuổi của Che vẫn được nhắc đến không chỉ ở châu Mỹ - La Tinh, mà còn trên toàn cầu. Với nhiều người, Che Guevara vẫn là cái tên biểu tượng cho sự đấu tranh không mệt mỏi để giành sự hoàn thiện của thế giới - tiến tới một xã hội chung công bằng và tốt đẹp.

Giải thích làm sao về hiện tượng bất tử của con người này, khi mà, 40 năm sau khi mất, người ta vẫn nói về anh ở khắp mọi nơi, thậm chí, ngày 9-10 vừa rồi, cái tên Che Guevara vang lên khắp trái đất với tần số cao nhất có thể?

Tại Argentina, người ta đang chuẩn bị dựng tượng đài lớn cao 4 mét ở thành phố Rosario, quê hương của người anh hùng. Nhưng tưng bừng nhất vẫn là các hoạt động tưởng nhớ diễn ra tại Cuba với các cuộc mít-tinh, triển lãm, hòa nhạc… trọng thể.

Tính về số lượng các tác phẩm nghệ thuật (phim ảnh, tiểu thuyết, kịch…) và các công trình nghiên cứu khoa học lấy Che Guevara làm đề tài thì anh đã vượt xa bất kỳ một chính khách nào ở hậu bán thế kỷ XX (Che sống cùng thời với John F. Kennedy, Nikita Khrushchev, Charles de Gaulle…) mặc dù sự nghiệp chính trị của anh chỉ vỏn vẹn chưa đầy 14 năm.

Người thanh niên Argentina 26 tuổi bắt đầu con đường đấu tranh cách mạng của mình vào năm 1954 trong phong trào khởi nghĩa chống sự can thiệp của Mỹ vào Guatemala. Chắc hẳn giới trẻ ngày này sẽ thắc mắc, điều gì đã khiến một thanh niên có học, một bác sĩ mới ra trường, một người lớn lên trong gia đình đầy đủ về vật chất… trở thành một chiến sĩ cách mạng? Che sau này đã giải thích hành động của mình bằng “một ý muốn lãng mạn là thay đổi thế giới trước những bất công” mà anh đã từng gặp trên khắp các quốc gia Mỹ - La Tinh trong các chuyến đi dài xuyên châu lục. Sau khi chính phủ của Arbens Gusman (1913-1971) thất bại trong cải cách ruộng đất ở Guatemala, Ernesto Guevara đã sang Mexico. Tại đây, anh gặp được Fidel Castro, gia nhập vào đội quân cách mạng M-26-7 của ông và tham gia chuẩn bị cuộc thám hiểm trên con tàu nổi tiếng Granma (1956). Chính trong thời gian này anh đã được mọi người tặng cho biệt danh “Che” – là một thán từ trong ngôn ngữ Argentina mà anh thường dùng rất nhiều hàng ngày theo thói quen. Từ đó, đối với các đồng chí của mình, anh đơn giản chỉ là “Che”!

Trong quãng thời gian từ năm 1956 đến 1959, Che tích cực tham gia hoạt động cách mạng Cuba, hai lần bị thương trong chiến trận. Anh đã được nhận danh hiệu “comandante” (người chỉ huy). Ở Cuba, đó là danh hiệu cao quý nhất của một chiến sĩ.

Cách mạng Cuba thành công, Che được trao giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ Cuba: giám đốc Ngân hàng Quốc gia, bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ủy viên Ban chấp hành Đảng Cộng sản Cuba. Anh được đồng chí và bạn bè yêu mến, có uy tín lớn trong đảng, và gần như trở thành người quan trọng số hai ở Cuba, sau Fidel. Nhưng trong đời, Che vẫn giữ tác phong giản dị với bộ quần áo lính vá chằng nhiều chỗ, làm việc đến mệt lử trong các trại thu hoạch mía.

Che Guevara đã đi qua nhiều nước với tư cách là đại diện của Cuba, đã thực hiện các trao đổi thương thuyết với Liên Xô và các nước XHCN khác về việc viện trợ cho nền kinh tế Cuba. Qua những dịp bàn luận về các chủ đề chính trị với giới lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc, bất ngờ với cả chính mình, Che đã đi đến kết luận về một “chính sách phi quốc tế” của hai nước này và đã lên tiếng trước công luận báo chí trong một hội nghị kinh tế bàn về sự đoàn kết của các quốc gia Á Phi tại Algeria. Trong bài phát biểu gây xôn xao dư luận đó, Che Guevara đã lên án Liên Xô “bán sự trợ giúp của mình cho những cuộc cách mạng của các dân tộc” với mục đích tư lợi. Che cho rằng những nước XHCN bấy giờ đã làm ngơ trước cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nước khác, đặc biệt là ở Congo và Việt Nam.

Đương nhiên, khi ấy, Moscow coi bài phát biểu trên là một sự xúc phạm và các nhà lãnh đạo Liên Xô đã lên tiếng để Cuba hiểu rằng từ thời điểm đó trở đi, họ không muốn Che là gương mặt đại diện cho cách mạng Cuba trên chính trường thế giới. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân mà vào tháng 4-1965, Che đã lên đường sang Congo (phần thuộc địa của Bỉ) với mục đích giúp cách mạng Congo lật đổ chính quyền.

Tháng 10-1965, trong một cuộc họp của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Fidel Castro tuyên đọc bức thư từ biệt của Che, trong đó nói tới nguyện vọng từ bỏ mọi chức vụ tại Cuba và từ chối cả quốc tịch Cuba. Đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp cách mạng của Che Guevara ở ”Hòn đảo Tự do”.

Sau khi kế hoạch đấu tranh ở Congo bị phá sản, Che Guevara đã sang Bolivia, cũng với hy vọng gây dựng phong trào kháng chiến ở đây. Che đã viết: “Những nhóm nhỏ 30-50 người là đã đủ có thể bắt đầu một cuộc đấu tranh vũ trang ở bất kỳ một đất nước Mỹ - La Tinh nào, nơi có đầy đủ những điều kiện địa hình địa vật rất thuận lợi cho chiến đấu, nơi những người nông dân đều gắng sức chiếm lại đất đai và nơi mà những nguyên tắc của sự công bằng đang bị chà đạp”. Song thực tế lại không đơn giản đến vậy: chuyến chu du đến Bolivia đã trở thành thảm họa cho người anh hùng Che Guevara. Mario Monhe, thủ lĩnh Đảng Cộng sản Bolivia, đã hồi tưởng lại, ông từng cảnh báo Che về niềm tin khá ngây thơ của anh vào những người nông dân bản địa. Và trong trận chiến đấu cuối cùng của Che ở Bolivia, số phận trớ trêu đã như gợi nhớ lại cho mọi người câu nói nổi tiếng ngày nào của Che: “Đối với người du kích, đôi giày ủng quan trọng hơn cả súng trường” (anh bị trôi mất cả ủng khi bơi ngang sông và mất luôn cả khẩu súng cạc-bin, bị vỡ tan do trúng đạn của đối phương).

Thật kỳ lạ rằng những nông dân Bolivia từng tích cực làm chỉ điểm cho chính quyền và từ chối ủng hộ đội du kích của Che, nay lại nâng niu một búi râu nhỏ được cắt ra từ bộ râu quai nón của người anh hùng sau khi Che nằm xuống. Họ kính cẩn coi linh hồn anh như Đấng bảo trợ cho đất nước mình. Nhiều người cho rằng, trên tấm ảnh chụp anh nằm trên chiếc bàn trong trường học, chung quanh là đám lính Bolivia, anh hoàn toàn giống như Chúa Jesus – gầy gò và thanh thản.

Ngày nay, tên tuổi Che Guevara được thế hệ sau biết đến có phần trừu tượng hơn: họ biết anh là một nhà cách mạng, như một biểu tượng cho đấu tranh giành quyền tự do của các dân tộc nói chung, nhưng không phải ai cũng biết sâu xa lịch sử đấu tranh cách mạng ở các nước châu Mỹ - La Tinh thế kỷ trước mà Che đã gắn bó 14 năm quý báu nhất của đời mình. Gần đây, kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tại Argentina, chỉ có 44% người được hỏi biết rằng Che là đồng hương của họ. Nhưng 100% đều trả lời rằng Che Guevara là một nhà cách mạng chiến đấu cho một thế giới tốt đẹp và công bằng.

Che trên đường phố Budapest

Hình ảnh của Che Guevara còn được trưng ra khắp nơi, được “thương mại hóa”: từ biểu chương quảng cáo của hãng Mercedes ở Đức, quảng cáo cà phê ở Iceland cho đến quảng cáo bán máy vi tính của hãng Apple ở Ba Lan, hay bán… điện thoại di động ở Nga. Ngoài ra, những chiếc áo phông, những đồ lưu niệm in hình ảnh quen thuộc của Che đội chiếc mũ nồi có ngôi sao nhỏ đến giờ vẫn được bán chạy trên toàn thế giới, cho dù, sinh thời, Che là người cực lực phản đối mọi hoạt động thương mại và kinh doanh!

Huyền thoại về Che Guevara - người đã hy sinh cuộc đời “vì một thế giới tốt đẹp hơn” - bắt đầu được truyền tụng từ lúc Che còn sống, cho đến nay và mãi sau này hẳn vẫn còn tiếp tục lung linh trong thế giới hiện đại này. Điều ấy có được, phải chăng là bởi, như nhà sử học Cuba Edmundo Desnoes (1930- ) đã nói: “Che là một nhân cách sáng chói, đến nỗi khi Che đi ngang qua những gì đen tối thì cũng làm chúng sáng lên rực rỡ…

Mạc Thủy tổng hợp, theo Hãng Thông tấn RIA và NTV


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn