CHO MỘT NGÀY THÁNG MƯỜI XA XƯA

Thứ tư - 07/11/2007 15:14

(NCTG) Ngay các sử gia, các nhà nghiên cứu chính trị học Phương Tây theo xu hướng bảo thủ cũng công nhận Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là một biến cố lớn lao, có ảnh hưởng bậc nhất của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ý nghĩa của cuộc cách mạng, cũng như sự đánh giá (khác nhau) về di sản và các hệ lụy của nó, đến nay, vẫn là đề tài “thường trực” của các nhà nghiên cứu sử.

Con tàu đưa Lenin về Ga Phần Lan tại Petrograd, tháng 4-1917

Như đối với đa số biến cố chính trị và xã hội quan trọng khác, sự đánh giá về Cách mạng Tháng Mười Nga bao giờ cũng đa chiều, nhất là trên cơ sở những sử liệu ngày càng được “bạch hóa” như hiện tại. Nếu như trong cuộc tọa đàm mới đây tại Moscow (Liên bang Nga) với đề tài “Bài học quá khứ cho một nước Nga của tương lai”, các ý kiến đóng góp đa phần đều thiện cảm và “tích cực” về cuộc cách mạng thì trong bài viết sau, cái nhìn về sự kiện này đã có phần phê phán và khe khắt.

Để “rộng đường dư luận”, NCTG xin đăng tải bài viết.

*

Ngày ấy thường được nước Nga gọi bằng một cụm từ tràn đầy vẻ cung kính: "Đại Cách mạng XHCN Tháng Mười". Vậy mà trong nhiều thập niên, phe XHCN vẫn long trọng kỷ niệm nó vào ngày 7-11. Cho dù chỉ là một chi tiết nhỏ xuất phát từ sự khác biệt giữa lịch cũ (của Giáo hội Chính thống giáo Nga) và lịch mới (phương Tây), nhưng lẽ ra, có thể coi đó là dấu hiệu đáng ngờ đầu tiên, khiến thám tử Sherlock Homes - nếu còn sống đến dịp đó - hẳn phải để tâm suy ngẫm. "Hoài nghi tất cả", câu châm ngôn mà sinh thời, Marx hằng ưa thích, rất đáng áp dụng trong trường hợp này.

"Đại Cách mạng XHCN tháng Mười". Thử hỏi, tất cả những từ ngữ trong cụm từ cửa miệng đó có phù hợp với sự thật hay không?

Chẳng hạn, hãy xét một từ ngữ "bản lề": CÁCH MẠNG.

Richard Pipes, sử gia nổi tiếng của phe bảo thủ, tác giả nhiều tác phẩm "kinh điển" về cách mạng Nga, phủ nhận ngay cả từ này. Theo ông, đó là một cuộc đảo chính, có điều nó quá thành công. Và "tác nhân" của cuộc đảo chính đó, vốn mang danh "đa số" (bôn-sê-vích), nhưng trong thực tế chỉ là một nhóm nhỏ, không thật đáng kể, so với các đảng phái khác ở nước Nga thời đó. Như Đảng Xã hội Cách mạng, Đảng men-sê-vích, Đảng Dân chủ Lập hiến (Cadet) v.v...

"Người bôn-sê-vích" (1920), bích chương của  Boris Kustodiev

Nhưng nhóm bôn-sê-vích có một thủ lĩnh tài ba và ngay cả các địch thủ của ông cũng không thể phủ nhận điều này. Đó là một thiên tài, một chiến lược gia xuất chúng, một nhà cách mạng vĩ đại vào bậc nhất của mọi thời đại, nhưng cũng có thể là công cụ trong tay người Đức, một kẻ bị quỉ ám, điên rồ hoặc cuồng tín - thiên hạ đã ca ngợi hoặc gán cho Vladimir Ilyich Lenin đủ những "mỹ từ" như thế.

Hiện tại, như một vị thánh tạ thế, ông vẫn nằm trong lăng trên Hồng trường, nơi một sinh viên Đức có óc hài hước đã hạ cánh với chiếc máy bay cá nhân trong những ngày tàn của nhà nước Xô-viết cách đây gần hai chục năm. Và cũng chính ở nơi đây, vào một ngày tháng 5-1945, những quân nhân Liên Xô quả cảm đã ném cờ quạt của Đệ tam Đế chế xuống chân một người đàn ông Georgia có bộ dạng đặc biệt với chiếc tẩu thường trực trên tay: Stalin.

Tương tự đa số các nhân vật chủ đạo khác của phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (Marx, Engels, Bernstein, Kautsky...), Lenin không hề có xuất xứ lao động. Cha ông là thanh tra tiểu học, một kẻ quan liêu trong bộ máy nhà nước của Nga hoàng (với chức vụ tương đương cấp bậc tướng soái trong bậc thang viên chức). Đó là một gia đình quí tộc cha truyền con nối, không hề vương vấn chút "vô sản" gì.

Thân phụ Lenin - ông Ilya Ulyanov - là tín đồ của Nga hoàng. Nhưng người con trai cả của ông, Alexander (Ulyanov), lại tham gia một vụ mưu ám sát "cha của mọi người dân Nga" (hiệu ứng "cha và con" điển hình, không khác gì sự nổi loạn của phe cánh tả mới trong thập niên 70). Bị phát hiện, Alexander bị bắt giữ rồi bị án giảo hình. Khi đó, người em Ulyanov (tức Lenin) còn là một học sinh trung học. Hiệu trưởng ngôi trường, ông Fyodor Kerensky, đã giúp chàng trai Ulyanov (em) được vào khoa Luật Đại học Kazan sau khi anh bị "trù úm" vì sự liên hệ với người anh Alexander.

Ông Kerensky có một người con trai cũng tên là Alexander, sau này trở thành một trạng sư thành công và một chính khách thất bại, trên cương vị chủ tịch cái gọi là Chính phủ Lâm thời. Quá kiêu căng và tự mãn, Alexander Kerensky (1881-1970) nghĩ rằng ông có thể trở thành một Napoleon Bonaparte mới, người cứu vãn nước mẹ Đại Nga.

Với suy nghĩ đó, vào những ngày cuối tháng 10-1917, tại Cung điện Mùa Đông (vốn dĩ dành cho Nga hoàng và các cận thần), Kerensky đã tìm cách bảo vệ cái chính phủ yếu ớt của ông, cùng một lực lượng không mấy đông đảo: Đội nữ cảm tử gồm 140 cô gái, vài chục lính Cô-dắc, một nhóm vũ trang di chuyển bằng xe đạp và dăm ba thương binh trung thành, đứng đầu là một sĩ quan cụt chân!

Và rồi, tương truyền, khẩu đại bác từ chiến hạm Rạng đông (Aurora) đột nhiên lên tiếng. Nhưng ngay vào thời gian ấy, nhiều người đã bác bỏ huyền thoại này (điều đó được các sử gia hiện tại xác nhận): trên chiến hạm, không hề có đạn thật! Như thế, chỉ có âm thanh uy hiếp của loạt đạn giả. Vài giờ sau, đại bác từ pháo đài Piotr-Pavel mới nhả vài ba chục phát đạn thực sự vào Cung điện Mùa Đông. Kết quả không thật đáng kể: chỉ có 2 phát trúng đích.

Các vị bộ trưởng Chính phủ Lâm thời trùm những chiếc áo bành-tô to sù sụ, mắt nhắm mắt mở họp hành liên miên và cấm binh lính của họ chống trả trong hoàn cảnh "vô hi vọng". Thủ tướng Alexander Kerensky đã nhanh chân luồn ra mặt trận để cầu cứu viện binh; cải trang thành một sĩ quan Serbia (hay một nữ y tá, theo những người "độc miệng"), ông ta tẩu thoát trên chiếc xe của tòa sứ quán Hoa Kỳ.

Qua nhiều cửa sổ nhìn ra Bảo tàng viện Hermitage và cánh cửa - không hề đóng! - hướng ra phía sông Neva của Cung điện Mùa Đông, nhiều tốp thủy thủ, Xích vệ có vũ trang tràn vào uy hiếp và "bắt sống" các bộ trưởng, không hề gặp phải một sự chống cự nhỏ nào. Hình ảnh một cuộc tấn công dũng mãnh, đầy chất lãng mạn mà chúng ta được thấy nhiều lần trong các bộ phim "tài liệu" Xô-viết, hóa ra chỉ là sự dàn dựng được đạo diễn lừng danh Eizenstein đưa lên màn ảnh nhân dịp kỷ niệm 10 năm biến cố tháng 10-1917.

"Một lũ những kẻ phiêu lưu đang phá phách trên ngôi vị bỏ trống của dòng họ Romanov" - sau cuộc chính biến, văn hào Gorky viết trên tờ báo "Đời mới" (Novaya Zhizny) của ông. Rồi, nhà văn sau này được coi là "người cha của chủ nghĩa hiện thực XHCN" trong văn học Liên Xô còn đích thân loan báo: "Cuộc sống dã man, vết loét của bản tính Á châu đã hoàn toàn bao phủ chúng ta".

Theo sử sách chính thống, vào buổi tối hôm ấy, Stalin, người đàn ông của xứ sở Georgia, sau này sẽ chiếm đoạt quyền chính từ tay Lenin, cũng có mặt tại điện Smolny, "đại bản doanh" của cuộc đảo chính (tòa nhà lớn này trước kia vốn là một viện dành cho các nàng tiểu thư đài các của giới quí tộc). Có điều, sự thật là chẳng ai nhận ra ông ta và có nhiều bằng chứng cho thấy Stalin đã trốn biệt vào những giờ phút "gây cấn" vì chẳng ai cần đến ông ta.

Phần khác, ông ta cũng muốn "tọa sơn quan hổ đấu"... (Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà, trong “Mười ngày rung chuyển thế giới” của ký giả thiên tả người Mỹ John Reed, tác phẩm duy nhất được chính Lenin viết đề tựa, cái tên Stalin chỉ được nhắc đến vỏn vẹn… 2 lần giữa “ngàn trùng” những anh tài khác của đảng bôn-sê-vích, và phải chăng đó là “động cơ” để sau này, Stalin đã cho viết lại một cách giả mạo lịch sử của cuộc cách mạng này, với hình ảnh ông trên vai trò lãnh đạo chính yếu?)

Lenin và Trotsky, hai lãnh tụ chính yếu của Cách mạng Tháng Mười Nga, với các quân nhân Petrograd (1921). Tấm ảnh này về sau đã bị tẩy xóa nhiều lần, mỗi khi Stalin trở thành kẻ thù của một lãnh tụ bôn-sê-vích cựu trào. Chẳng hạn, Trotsky bị xóa ở tất cả các tấm ảnh mà ông từng có mặt cùng Lenin và các nhà lãnh đạo Xô-viết khác, như câu nói từ thời Đại Cách mạng Pháp: "Cuộc cách mạng đã ăn thịt những đứa con của chính nó!"

Trái với Stalin, "bộ tổng tham mưu bôn-sê-vích" gồm những lãnh tụ tối cao như Trotsky, Zinoviev, Kamenev, Sverdlov, Dzerzhinsky... đều quẩn quanh tại điện Smolny. Nhưng, cuộc cách mạng mà họ dấy động đã phản lại chính họ: trong vòng 1-2 thập niên sau, đại đa số đều bị Stalin xử tử, bức tử hoặc đày ải tại Gulag. Thảm thương nhất có lẽ là Leon Trotsky (1879-1940), diễn giả có tài hùng biện với "ma lực" kinh khủng, một ngòi bút thượng thặng được chính Lenin thừa nhận.

Không những bị đày ra nước ngoài, phải lẩn trốn ở Mexico trong ngôi nhà được bảo vệ cẩn mật chẳng khác gì một pháo đài, người sáng lập Đệ tứ Quốc tế vẫn bị thủ hạ của Stalin giết hại bằng chiếc cuốc chim dùng để cào tuyết. (Về sau, tên sát thủ Ramón Mercader đã được “tấn phong” Anh hùng Liên Xô, danh hiệu cao quý nhất trao tặng các cá nhân (thuộc mọi quốc tịch) có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu cho Liên bang Xô-viết.)

Sau đêm hôm đó, Lenin còn sống được 7 năm, còn viết được bản “Chúc thư chính trị” trong hoàn cảnh cay đắng vì bất lực, trước cảnh "CNXH" mà ông mong muốn đang dần dần lọt vào tay Stalin, môn đệ thủ đoạn nhất - và trên một phương diện nhất định, trung thành nhất - của ông.

Nhưng, Kerensky, địch thủ của Lenin, còn sống qua biết bao biến cố trọng đại: Đệ nhị Thế chiến, Yalta, sự hình thành của hệ thống XHCN, cùng với nó là “bức tường ô nhục” Berlin và “tấm màn thép” chia cắt châu Âu. Kerensky còn được chứng kiến Đại hội XX, cái chết về tinh thần và thể xác của Stalin, thất bại của Khrushchev, sự "đăng quang" của bè phái bảo thủ Kosygin, Podgorny, Brezhnev... Trong từng ấy năm, hẳn ông ta có nhiều dịp hồi tưởng về cậu bé Ulyanov thuở xưa...

Theo Pipes, ngày thứ năm 25-10-1917 (hay 8-11, theo lịch mới), sau khi cuộc chính biến xảy ra, giá cả các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Petrograd không hề thay đổi. Những kẻ giàu cũng không mấy hoảng hốt, thường dân thì thờ ơ tiếp tục công việc của họ. Báo chí vẫn tiếp tục đăng tải những lời kêu gọi của vô số đảng phái, tổ chức… nhằm chiếm thiện cảm của dân chúng.

Dường như không mấy ai nhận ra "Đại Cách mạng XHCN Tháng Mười" và như nhận xét của John Reed (sách đã dẫn), một nhân chứng đáng tin cậy, ngoại trừ Lenin, Trotsky, giới công nhân Petrograd và binh lính, không ai nghĩ rằng phe bôn-sê-vích sẽ nắm quyền được quá ba ngày!

“Thiên hạ” đã nhầm lẫn đến mức nào!

Trần Lê, theo các tư liệu Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn