TITANIC - MỘT HUYỀN THOẠI VẪN TIẾP DIỄN

Thứ sáu - 11/01/2008 21:59

(NCTG) Đêm 14-4-1912, chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tiếng, con tàu Titanic - lớn nhất thế giới và được coi như biểu tượng của sự xa hoa tột bậc đương thời – đã chìm ở độ sâu 4.000 mét dưới đáy biển. Phải đến năm 1985, xác con tàu mới được tìm thấy; kể từ thời điểm ấy, đã có vô số những cuộc thám hiểm diễn ra tại hiện trường vụ tai nạn.

Tin về tai nạn của con tàu Titanic trên báo chí đương thời

Còn nhớ, con tàu huyền thoại Titanic đã được coi là “bất khả… chìm”: nhóm kỹ sư thiết kế và xây dựng con tàu vượt đại dương này cho rằng Titanic sẽ… cười khẩy trước mọi hiểm nguy. Nhưng mọi sự đã xảy theo hướng ngược lại: vài ngày sau khi xuất phát từ Châu Âu, trên chuyến hải hành (đầu tiên và cũng là cuối cùng) tới Tân Thế Giới, tàu đã đâm vào một tảng băng khổng lồ và trong số 2.227 hành khách và thủy thủ đoàn, có tới 1.522 người bỏ mạng.

Hơn 90 năm trôi qua, nhưng câu chuyện – nói đúng hơn, huyền thoại - về Titanic vẫn luôn khiến thế giới (và nền văn hóa đại chúng) để tâm. Nhiều bộ phim được dựng về Titanic và phim nào cũng thu hút khán giả. Dường như, bất cứ thợ lặn nhà nghề nào cũng có một mơ ước được tham gia những cuộc thám hiểm bên xác tàu, nhưng chỉ rất ít người có khả năng thực hiện điều này: với những nỗ lực của họ, hàng vạn đồ vật đã được vớt từ tàu, trở thành “báu vật” trong các cuộc triển lãm lưu động (như cuộc triển lãm gần đây ở Hungary), nhưng đa số vẫn còn nằm dưới đáy biển, vẫn hàm chứa nhiều bí ẩn đối với những người quan tâm.

Núi băng định mệnh

Cách đây ít lâu, một lần nữa, Titanic lại trở thành tiêu điểm của sự chú ý, khi một chiếc chìa khóa (trên móc chìa có khắc dòng chữ "Crows Nest Telephone Titanic") đã được “đổi chủ” với giá 130.000 EURO, vì “xuất xứ” có phần ly kỳ của nó. Bởi lẽ, khi con tàu Titanic rời bến cảng Southampton ngày 12-4-1912, chiếc chìa nằm trong túi áo khoác của một sĩ quan hạng nhì tên là David Blair. Có điều, Blair đã không theo con tàu Titanic, mà lại thực hiện nhiệm vụ ở một con tàu khác; do đó, trong suốt chặng đường, đống kính viễn vọng của Titanic đã nằm lăn lóc trong tủ và không sử dụng được.

Sau khi tấn thảm kịch Titanic xảy ra, một thủy thủ được giao nhiệm vụ quan sát biển, tên là Fred Fleet, đã có một lời khai được ghi nhận trong biên bản, theo đó, “giá có kính viễn vọng thì mọi thứ sẽ khác hẳn” (vì, theo anh, đã có thể phát hiện ra núi băng từ sớm). Cho dù đến nay, các sử gia vẫn chưa thống nhất rằng việc không sử dụng kính viễn vọng có vai trò ra sao trong tai nạn của Titanic, nhưng một thực tế là các thủy thủ đã quan sát biển bằng mắt thường, khi vào hồi 23 giờ 40 phút đêm 14-4-1912, con tàu đâm vào núi băng.

Chiếc chìa khóa đã có thể cứu mạng cho Titanic (?)

Chỉ ít lâu trước khi qua đời, Blair mới giao cho con gái chiếc chìa khóa và cô này đã “hóa giá” nó trong cuộc đấu giá của Nhà Henry Aldridge. Chung cuộc, chủ nhân mới của chìa là hãng Tesiro (Antwerpen), một trong những công ty kinh doanh kim cương lớn nhất thế giới. Có những nguồn tin cho rằng, sở dĩ Tesiro gắng đoạt chiếc chìa khóa, vì họ nhận thấy có sự liên hệ giữa chìa và vô số kim cương mà các bà, các cô tiểu thư sang trọng đi trên con tàu Titanic đã sử dụng.

Một diễn biến khác cũng liên quan đến thảm kịch Titanic và chứng tỏ công luận vẫn rất quan tâm đến đề tài này: trong cuộc đấu giá của Nhà Christie’s tại New York, cuốn nhật ký của cô gái 16 tuổi May Cribbs – trong đó có mọi chi tiết của vụ chìm tàu, kể từ phút đầu – đã được bán với giá 150.000 EURO.

Hoàng Tuấn tổng hợp, theo báo Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn