“MÙA XUÂN PRAHA” 1968, 40 NĂM NHÌN LẠI

Thứ năm - 21/08/2008 00:28

(NCTG) Ngày 21-8 năm nay, Hungary tổ chức một lễ kỷ niệm đặc biệt tại Nhà Khủng bố (Budapest), một bảo tàng viện lưu giữ những di chứng của các thể chế độc tài thế kỷ XX. Đó là ngày mà cách đây tròn 40 năm, Mùa xuân Praha đã bị đè bẹp bởi Điện Kremlin.

Người dân Czech biểu tình khi Liên Xô chiếm đóng Tiệp Khắc

Bốn thập niên trôi qua, báo chí và một số nhân sĩ Czech phải buồn bã nhận định rằng, thế hệ trẻ tại chính Cộng hòa Czech hiện tại, không phải ai cũng biết và nhớ tới biến cố trọng đại này. "Ôn cố tri tân", sẽ không vô ích nếu chúng ta điểm lại những ngày tháng lịch sử "rung chuyển thế giới" của năm 1968 đầy biến động ấy.

*

Nói một cách chính xác, phải gọi những sự kiện diễn ra cách đây 40 năm tại Tiệp Khắc (cũ) bằng hai cái tên Mùa xuân và Mùa thu Praha, vì nó kéo dài từ đầu năm đến cuối tháng 8-1968.

Đó là một thử nghiệm cải cách nhằm mở rộng dân chủ trong đời sống kinh tế, trong cơ cấu nhà nước và trong nội bộ Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, với mong ước thiết lập một “CNXH mang bộ mặt nhân tính” tại xứ sở này. Bắt đầu từ ngày 5-1-1968, khi Alexander Dubcek lên thay thế lãnh tụ bảo thủ Antonín Novotny trên cương vị bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Mùa xuân Praha kết thúc ngày 20-8 cùng năm, khi quân đội Liên Xô và các nước thuộc Khối Hiệp ước Warszawa tiến vào đàn áp và chiếm đóng Tiệp Khắc.

Về căn bản, những ý tưởng của “CHXH mang bộ mặt nhân tính” đã hình thành trong một nhóm những lãnh tụ cộng sản cởi mở của Tiệp Khắc từ cuối thập niên 50, chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của cuộc cách mạng Hungary 1956 và cá nhân thủ tướng Nagy Imre. Một số tiền đề cho thử nghiệm ấy, có thể kể đến sự sụp đổ và bị đặt dưới lăng kính phê phán của chủ nghĩa Stalinist, khủng hoảng ngày một tăng của nền kinh tế Tiệp Khắc, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Czech và Slovakia, cũng như sự hòa dịu ở mức nhất định giữa hai phe Đông – Tây vào đầu thập niên 60. Trong nội bộ Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, bên cạnh nhóm bảo thủ do Novotny dẫn đầu, xuất hiện và phát triển nhóm chủ trương cải tổ, cho rằng những cải cách xã hội, kinh tế có thể đưa Tiệp Khắc ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Trong bầu không khí ít nhiều “dễ thở” ấy, ngay từ năm 1967, tại các kỳ đại hội của Hội Nhà văn, Đoàn Thanh niên Tiệp Khắc, đã có nhiều ý kiến công khai đòi hỏi tự do và đa dạng hóa ngôn luận, cũng như, nhiều phê bình chĩa vào Đảng Cộng sản đã được nêu ra. Thoạt tiên, nhóm Novotny còn chủ trương dùng công cụ độc đoán để trả lời những đòi hỏi đó, như tước đảng tịch và khai trừ nhiều nhà văn khỏi Hội, đóng cửa vài tạp chí văn học, hoặc dùng cảnh sát dã chiến để đàn áp giới sinh viên khu Strahov khi họ xuống đường phản đối tệ mất điện vào mùa Thu 1967. Cạnh đó, Novotny còn phạm một sai lầm lớn khi ông ta xúc phạm nhiều chính khách Slovakia, khiến quan hệ Czech – Slovakia ngày càng trở nên căng thẳng.

Mộ phần lãnh tụ Alexander Dubcek tại Bratislava

Trên nền ấy, việc Alexander Dubcek là chính khách Slovakia đầu tiên được giữ chức bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, đã có vai trò quyết định trong những diễn biến 1968. Khi đó 48 tuổi, bị nhiều người cho là hay do dự, không quyết đoán, tuy vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Dubcek đã giành được thiện cảm của công luận Tiệp Khắc và trở thành biểu tượng của phong trào cải cách 1968.

Điều đáng nói ở đây là, vào tháng 3-1968, khi Novotny phải rời cả ghế chủ tịch Tiệp Khắc, Dubcek đã có cả một “ê-kíp” theo xu hướng cải tổ gồm chủ tịch nước, đại tướng Ludvík Svoboda (anh hùng thời Đệ nhị Thế chiến), thủ tướng Oldrich Cerník (một nhà kinh tế tài ba) và chủ tịch Quốc hội Josef Smrkovsky. Điều này được phản ánh qua Chương trinh Hành động của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc với những mục tiêu cải cách chính trị và kinh tế, nhất là trong kinh tế với một số yếu tố mang tính kinh tế thị trường. Tuy nhiên, mục tiêu căn bản không phải là một thể chế đa nguyên chính trị và kinh tế thị trường như hiện tại, mà vẫn là sự cải tổ CNXH để nó có “bộ mặt nhân tính” hơn.

Có điều, được sự ủng hộ nồng nhiệt của xã hội và dân chúng, quá trình cải cách dần dần có đời sống riêng của nó, và Đảng Cộng sản không còn kiểm soát và điều khiển được nó một cách chặt chẽ. Về chính trị, kiểm duyệt báo chí bị xóa bỏ, các nạn nhân những vụ án ngụy tạo thập niên 50 được phục hồi danh dự, các tù nhân chính trị bắt đầu được phóng thích. Dân chúng có thể xuất ngoại dễ dàng hơn. Các tổ chức xã hội, thanh niên và tôn giáo thời trước, từng bị Đảng Cộng sản giải thể, khi đó tái hoạt động, và hình thành cả những nhóm chống Cộng.

*

Chương trình cải cách của Dubcek gặt hái được những thành công lớn trong lòng cư dân Tiệp Khắc, những người trong hai chục năm trước đó phải chịu hậu quả của đường lối kinh tế sai lầm, cũng như, sự cầm quyền kiểu độc đoán của Đảng Cọng sản nước này. Tuy nhiên, những cải cách ở Tiệp Khắc đặt các nước trong phe XHCN thời đó vào một tình thế khó xử. Các Đảng Cộng sản “anh em” như Đông Đức và Ba Lan cũng gặp phải những vấn đề như Tiệp Khắc và họ ý thức được rằng “tấm gương Praha” có thể làm dấy lên những cải tổ khiến họ dễ dàng đánh mất quyền lực. Đó là chưa nói đến chuyện kịch bản này có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn thể Khối Warszawa!

Vì thế, ngay từ tháng 3-1968, lãnh đạo Liên Xô và các nước “anh em” đã cảnh cáo Praha về cái gọi là “nguy cơ phản cách mạng”. Cuộc tranh luận công khai đạt tới đỉnh điểm vào tháng 7-1968, khi 5 Đảng Cộng sản (gồm Liên Xô, Đông Đức, Bulgaria, Ban Lan, Hungary) gửi một thư chung tới Ban lãnh đạo Praha, đe dọa nếu Tiệp Khắc rời bỏ con đường XHCN, Khối Warszawa sẽ can thiệp quân sự.

Lá thư chung này được Ban lãnh đạo Tiệp Khắc công bố và với việc chấp nhận vài thỏa hiệp, họ tin rằng vẫn có thể theo con đường đã đi. Để trả lời mong muốn có phần ngây thơ ấy, đêm 20-8 rạng sáng 21-8, quân đội Khối Warszawa - với một lực lượng hùng hậu gồm 165 ngàn binh lính – đã tràn qua biên giới và xâm chiếm Tiệp Khắc (quân đội Xô-viết còn đồn trú tại đây tới mùa Hạ 1990). Tháng 4-1969, Dubcek bị hạ bệ, thay vào đó là Gustav Husák, một nhà lãnh đạo thuộc phe “cứng rắn”.

Sau biến cố 1968, nhà lãnh đạo Alexander Dubcek bị đưa đi làm đại sứ ở Thổ Nhĩ Kỳ với ý muốn của Ban lãnh đạo mới, là ông sẽ di tản để có thể bêu xấu ông như một kẻ rời bỏ Tổ quốc. Nhưng Dubcek đã không làm như vậy và gần 2 năm sau, ông bị khai trừ khỏi đảng. Sống ẩn dật cho đến cuối thập niên 80, năm 1989, ông ủng hộ Diễn đàn Dân sự do Václav Havel đứng đầu trong thời gian diễn ra “Cuộc cách mạng nhung”, rồi được bầu làm người phát ngôn của Quốc hội Liên bang Tiệp Khắc. Ngày 7-11-1992, Dubcek qua đời sau khi bị một tai nạn xe hơi, 2 tháng trước khi Liên bang Tiệp Khắc (mà ông vẫn hằng chủ trương trong suốt cuộc đời) được tách thành hai nước cộng hòa độc lập.

*

Những sự kiện năm 1968 ở Tiệp Khắc có một ý nghĩa lớn lao đối với lịch sử thế giới.

Thứ nhất, nó khẳng định bản chất không thể cải đổi của các mô hình “CNXH hiện thực” Stalinist và chứng tỏ rằng những ý đồ dùng bạo lực để duy trì các thể chế bù nhìn của Moscow – như Điện Kremlin đã làm trước đó 12 năm tại Budapest – không phải là sản phẩm của sự ngẫu nhiên!

Thứ nhì, nó cho thấy ước nguyện được tự do và dân chủ mạnh mẽ của người dân Tiệp Khắc trước bạo lực và sự áp đặt đến từ bên ngoài. Tấm gương của hai sinh viên (Jan Palach, 22 tuổi và Jan Zajíc, 19 tuổi) đã tự thiêu chỉ nội trong vòng 1 tháng đầu năm 1969 tại quảng trường trung tâm Praha Wenceslas để phản đối nước Nga xâm lăng Tiệp, với những lời lẽ đậm tinh thần ái quốc trong chúc thư để lại – “cả đất nước đã đến giai đoạn tuyệt vọng, chỉ có cách duy nhất là tự thiêu để cảnh tỉnh nhân dân Tiệp”, đã làm những cái chết để hóa thành bất tử cho tương lai một nước Tiệp Khắc dân chủ và phồn vinh.

Đài tưởng niệm Jan Palach và Jan Zajíc đối diện Bảo tàng Quốc gia Czech

Điểm cuối cùng, thất bại của Mùa Xuân Praha chẳng những là thất bại của nhóm cộng sản cải tổ, vẫn mong muốn thay đổi CHXH kiểu Stalinist theo hướng nhân bản hơn, mà còn là thất bại của các nhóm chống Cộng hy vọng vào sự can thiệp của Phương Tây. Sự thật, Phương Tây đã không hề có ý can thiệp, vì họ cũng muốn giữ “nguyên trạng” (status quo); vận mệnh của từng quốc gia phải do người dân những xứ sở ấy tự định đoạt!

Và như thế, Mùa xuân Praha 1968 đã là bài học và là điểm xuất phát quý báu cho Cuộc cách mạng nhung 1989 sau này!

Hoàng Nguyễn


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn