Sách mới về Gulag: BÁC BỎ NHỮNG CÁCH DIỄN GIẢI SAI TRÁI

Thứ sáu - 28/11/2008 00:30

(NCTG) Tác phẩm nghiên cứu mới nhất của nữ sử gia, dịch giả, nhà Nga học nổi tiếng của Hungary – bà Gereben Ágnes (*) -, mang tựa đề “Những cuộc trò chuyện về Gulag” (**), đã bác bỏ nhiều cách diễn giải sai lạc về Gulag, hệ thống trại tập trung cải tạo lao động của Liên Xô.

Trước nay, đã có nhiều sử liệu về Gulag được công bố tại Hungary, nhưng nghiên cứu của bà Gereben Ágnes đặc biệt ở chỗ, nó đã là câu trả lời cho những ý kiến mới đây của nhiều sử gia (kể cả giới sử gia thiên tả Phương Tây) mang tính bênh vực, bào chữa và “xét lại” khái niệm Gulag, cho rằng Gulag đơn thuần là một hình thức chiêu tập nhân lực để “xây dựng đất nước, nâng cao quốc phòng”. Đặc biệt, bênh cạnh phần nghiên cứu, phân tích tổng quan, một phần đáng kể của cuốn sách là những hồi tưởng, những cuộc trò chuyện với các nhân chứng, đồng thời là nạn nhân của hệ thống Gulag cách đây hơn nửa thể kỷ. Đó là những người sống qua thế giới kinh khủng của hệ ngục tù hà khắc của thể chế Stalinist và vì lý do tuổi tác, có thể đây là dịp cuối cùng họ có cơ hội thổ lộ những gì đã trải qua thời ấy.

Trong phần nghiên cứu, bà Gereben Ágnes cho rằng những so sánh giữa Auschwitz và Gulag - hai hệ thống ngục tù, trại tập trung và lao động của hai thể chế độc tài thế kỷ XX -, là khập khiễng và vô nghĩa, vì ngoài mục đích diệt chủng toàn trị và trừng phạt, hai hệ thống đó không có điểm chung nào đáng kể. Theo bà Gereben, Gulag không nhằm vào các nhóm dân tộc, sắc tộc, mà nhằm vào những giai tầng xã hội, những người bị coi là “kẻ thù của nhân dân”. Ngay từ khi mới lên nắm quyền, chính thể Bolshevik đã chủ trương đàn áp và trừng phạt không khoan nhượng những người bất đồng chính kiến, không tán thành chính quyền mới và liệt họ vào những giai tầng bị chụp mũ là “kẻ thù”. Sự báo thù được luật hóa trong các sắc lệnh của Hội đồng Dân ủy (chính phủ Liên Xô thời đó), chẳng hạn, sắc lệnh ra ngày 5-9-1918, mang tên “Về khủng bố đỏ”, trong đó Lenin tuyên bố rất rõ ràng: “Cần bắn chết những kẻ chủ trương âm mưu và nổi loạn”, “cần nhốt vào trại tập trung những kẻ thù giai cấp”. Ngày 1-11 cùng năm, trong tờ báo “Khủng bố đỏ”, một lãnh tụ Bolshevik khác là Mikhail Lacis bổ sung thêm: “Chúng ta không tuyên chiến với những cá nhân. Chúng ta muốn tiêu diệt bọn tư sản, như một giai cấp. Vì vậy, trong quá trình điều tra, chớ tìm bằng cứ, hiện trạng để cho thấy bị can có lời lẽ hay hành động chống lại chính quyền Xô-viết. Câu hỏi đầu tiên của các đồng chí hãy là, các anh thuộc giai cấp nào ? Đây là ý nghĩa và bản chất của khủng bố đỏ”.

Nghiên cứu của sử gia Gereben cho thấy, sau bức điện tín gửi ngày 9-8-1918 của Lenin (***), trong đó lần đầu tiên ông nhắc đến khái niệm “trại tập trung”, những cuộc thanh trừng trở nên thông dụng và được tiến hành ở quy mô rất lớn, và Gulag trở thành công cụ ở tầm nhà nước của sự đe dọa và báo thù. Cũng theo bà Gereben, cho dù không nhằm vào các dân tộc và sắc tộc, mà được thực hiện để đày ải và thanh trừng các giai tầng xã hội, tuy nhiên, trong lịch sử tồn tại của mình, đã có 17 sắc tộc bị đày ải hoàn toàn và 55 sắc tộc bị đày ải một phần bởi chính sách khủng bố Stalinist.

Những hồi tưởng của các nạn nhân - chứng nhân của một thời -, chiếm phần lớn trong sách, đã cho thấy hiện thực kinh hoàng của Gulag, khi họ nhớ lại những cuộc trừng phạt, xử tử đối với trẻ vị thành niên, hoặc việc các thiếu nữ ở độ tuổi 16-20 đơn thuần trở thành “vật dụng” của các chính ủy thời đó. Trong các trại Gulag, bạo lực đối với trẻ vị thành niên xảy ra như cơm bữa, và một hình phạt rất thông dụng là giam trẻ em cùng tù thường phạm, khiến rất ít em nhỏ sống sót.

Cuốn sách của bà Gereben Ágnes được đánh giá là một tác phẩm sử học đáng giá, đồng thời, cũng là một hồi tưởng động lòng về hệ thống Gulag, gây chấn động đến độc giả hiện tại mặc dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi hệ thống Gulag được giải thể.

(*) Bà Gereben Ágnes là vợ của GS TS Kun Miklós, cũng là một sử gia hàng đầu của Hungary về lịch sử Liên Xô thế kỷ XX.

(**) Gereben Ágnes: “Beszélgetések a Gulagról”. NXB Helikon, Budapest, 2008. 428 trang, 2.990 Ft.

(***) Tức là chưa đầy 3 tuần sau khi ông bị mưu sát. Cho đến nay, giới sử học vẫn chưa thống nhất được về hoàn cảnh của vụ mưu sát này, đến giờ vẫn chưa được làm sáng tỏ: có người đề xuất ý kiến, không loại trừ trường hợp đây là sự “sắp đặt” của nhà nước Bolshevik để có cớ tiến hành khủng bố.

Hoàng Tuấn, theo mạng “Lịch sử”, Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn