CÔNG CHIẾU BỘ PHIM TÀI LIỆU BỊ CẤM VỀ JAN PALACH

Thứ sáu - 16/01/2009 23:00

(NCTG) Những thước phim tài liệu đen trắng mang tựa đề "Jan 69", trước đây bị cấm đoán, sau đó tưởng chừng đã thất lạc, vừa được công chiếu tại Rome (Ý) nhân 40 năm sau sự kiện Jan Palach, một sinh viên Tiệp, đã tự thiêu tại quảng trường trung tâm Wenceslas (Praha) để phản đối sự can thiệp quân sự của Liên Xô và các nước trong khối hiệp ước Warsaw vào Tiệp Khắc.

Phim dài 7 phút 49 giây, về những giờ phút cuối cùng của Palach (21 tuổi) và lễ tang của anh, được chiếu vào ngày 16-1-2009, trong khuôn khổ một cuộc giới thiệu tại Cung Triển lãm Ý về các bộ phim Tiệp Khắc từng bị kiểm duyệt và thất lạc. Bản thân cuộc giới thiệu này cũng là một phần của một triển lãm mang tên "Praha từ mùa xuân này đến mùa xuân kia, 1968-1969".

Là sinh viên khoa Triết, ngày 16-1-1969, Jan Palach đã tự thiêu để phản đối việc Moscow đưa quân đội đè bẹp Mùa xuân Praha và hành động quả cảm của anh đã làm chấn động dư luận Tiệp Khắc và thế giới. Là thành viên một nhóm quy tụ các sinh viên ái quốc của đại học Praha, Jan Palach đã nhận nhiệm vụ trên thông qua rút thăm. Khi được mọi người ùa đến cứu, cơ thể anh đã bị bỏng quá nặng và cơn hấp hối của Palach kéo dài tới 73 giờ. Trong một thời gian dài, Palach vẫn tỉnh táo và anh còn được biết rằng nghĩa cử của anh đã làm rúng động cả thế giới. Jalach qua đời ngày 19-1-1969, tang lễ anh được cử sau đó 6 ngày.

Những thước phim quý giá nói trên do nhà quay phim Stanislav Milota thực hiện, các chủ nhiệm phim là Vlastimil Harnach và Jaromír Kallista. Trong phim, có thể thấy gương mặt đau đớn của thân mẫu Palach trong giờ phút vĩnh biệt con, cùng hàng trăm ngàn người tập trung tại quảng trường Wenceslas để chia tay Palach: giới sinh viên đại học trúc trực bên linh cữu Palach, đám đông rơi nước mắt bên cạnh một rừng hoa tang... Nhạc nền của Leos Janácek càng làm tăng tính bi thiết của sự kiện lịch sử này.

Được biết, đạo diễn và các chủ nhiệm của bộ phim ngắn này đều là nhân viên của Hãng phim Quốc gia Tiệp Khắc và họ đã bị đuổi việc sau khi thực hiện bộ phim. Trong một thời gian rất dài, người ta tưởng bộ phim đã bị thất lạc nên dù muốn cũng không thể "phi tang" được nó. Chỉ đến năm 2002, phim mới được tìm thấy một cách ngẫu nhiên.

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn