Ký giả Bokor Pál
Lời Tòa soạn: Bokor Pál (1942-) là một tượng đài của nền báo chí Hungary. Ông bắt đầu gia nhập BBT Đối ngoại của Hãng Thông tấn Hungary (MTI) từ năm 1960, rồi trong nhiều năm trời, là phóng viên thường trú của MTI và Đài Tiếng nói Hungary (MTV) tại Moscow, Washington, Trung Quốc, v.v... Trong sự nghiệp báo chí, ông được MTI và MTV cử đi tường thuật về các hội nghị thượng đỉnh Liên Xô - Hoa Kỳ tại Moscow và Reykjavík, về chuyến du hành vũ trụ Liên Xô - Mỹ đầu tiên, về cuộc chiến Afghanistan và cuộc chiến biên giới Việt Nam 1979. Hiện tại, ông là giám đốc NXB Atlantic Press, là tác giả của 9 đầu sách, 3 tác phẩm dịch, và là nhà sản xuất của 3 bộ phim thời sự và 2 phim truyện.
Mùa hè năm 1978, Bokor Pál là một trong số ít các ký giả nước ngoài có dịp tìm hiểu Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông ngay tại những thành phố lớn của nước này (Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Nam Kinh). Trong vòng 1 tháng, ông được tận mắt chứng kiến cuộc sống và làm việc của người dân Trung Quốc tại các nhà máy, phân xưởng, công xã nhân dân, mẫu giáo, công viên, sân vận động..., cũng như, được trực tiếp tiếp xúc với thực tế chính trị của Đại Lục.
Vì vậy, những gì "tai nghe mắt thấy" được ông tập hợp trong cuốn sách "Một mùa hạ Trung Quốc" (Egy kínai nyár, NXB Kossuth, Budapest 1979) đã là một bức tranh sinh động về đất nước và con người Trung Quốc, lúc đó còn rất khép kín - những trang viết sắc sảo và hàm súc của ông đến nay vẫn còn lưu giữ những giá trị tư liệu và thời sự đáng kể.
NCTG xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn trong cuốn "Một mùa hạ Trung Quốc", dịch từ nguyên bản tiếng Hungary.
Bìa sách "Một mùa hạ Trung Quốc"
BỮA TỐI TẠI CÂU LẠC BỘ QUỐC TẾ
Tại một bữa tối được mời, chúng tôi đã trò chuyện về nhiều vấn đề ngoại giao và nội chính của Trung Quốc và nói chung, về những lý tưởng của Trung Quốc liên quan đến chủ nghĩa cộng sản. Mải mê trò chuyện, tác giả đã quên khuấy việc làm sáng tỏ một câu hỏi quan trọng: tại sao ức gà ở Bắc Kinh lại có vị hạnh nhân?
Đồng chí Tiền (*) cao giọng, tuyên bố một cách thành kính, rằng Vụ phó Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao sẽ chiêu đãi tôi bữa tối, và anh nói thêm rằng rất ít phóng viên được hưởng một phần thưởng như thế. Có thể đồng chí Tiền đã hơi khuếch trương tầm quan trọng của sự kiện, nhưng nhất thiết phải mừng rỡ là ngay trong trường hợp của một ký giả ngoại quốc, Trung Quốc cũng tỏ ra có cố gắng lớn lao như thế để vượt qua những truyền thống khép kín chính thống. Bởi lẽ truyền thống này rất phong phú.
Các đại sứ Hà Lan và Bồ Đào Nha đầu tiên, khi tới thăm cung điện Bắc Kinh vào thế kỷ 17-18, phải quỳ gối 3 lần và vái 9 lần trước hoàng đế Trung Hoa. Sau nhiều cuộc đàm phán ngoại giao, nhiều trận diễu hành của đại bác, chiến thuyền và nhiều cuộc chiến mà Trung Quốc phải nhận phần bại trận, năm 1873, các vị sứ thần nước ngoài mới được đứng chào hoàng đế, và khi đó cũng đã xảy ra bê bối vì về sau mới hay rằng, hóa ra hoàng đế đã tiếp các đại sứ Âu châu trong căn phòng mà ông thường tiếp đại diện các nước chư hầu, như sứ giả Bhutan, Nepal, Cao Ly...
Bảy năm nữa trôi qua, năm 1880, bộ trưởng Đế chế Áo - Hung và đại sứ Anh đã có thể hiện diện trước hoàng đế tại một căn phòng mà trước đó, chưa từng tổ chức những nghi lễ „thấp kém” hơn. Lại 10 năm nữa và đến năm 1894, các sứ thần ngoại bang lần đầu tiên được bước qua ngưỡng Tử Cấm Thành và năm 1898, thân vương Heinrich của nước Phổ là người nước ngoài đầu tiên được hoàng đế cư xử như đối tác bình đẳng.
Từ lúc 6 giờ kém 15, chúng tôi đã lượn lờ tại mấy con phố gần CLB Quốc tế để khỏi bị muộn. Tôi vận chiếc quần vải màu xám duy nhất và chiếc áo sơ-mi ngắn tay được mua riêng cho dịp này, nhưng sau một hồi suy ngẫm, tôi vẫn cho phép mình đeo thêm chiếc cà-vạt. Sau đó, tôi không thấy có cớ gì để bất mãn nữa. Tôi đánh giá sự hiện hiện của mình là giản dị và không màu mè, phù hợp với dịp được mời này, nhưng đồng thời tôi cảm thấy với chiếc cà-vạt màu đỏ sẫm với những chấm trắng, tôi sẽ thuyết phục được các vị chủ nhà rằng, song song việc tuân thủ những nguyên tắc lịch sự, tôi vẫn gắn bó với một dấu hiệu nào đó của bản tính Châu Âu. Bằng không, người ta có thể coi thứ trang phục mà tôi dùng là nịnh bợ quá mức.
Như một phần quan trọng khác của sự chuẩn bị cho bữa tối, tối qua và trưa nay, tôi đã tự tập huấn nghệ thuật ăn bằng đũa. Buổi tối, tôi đặt món thịt thái miếng trong thực đơn Trung Quốc tại tiệm ăn dành cho giới ngoại giao rồi tìm cách và một bát cơm. Còn trưa nay tôi dùng đũa xơi món rau luộc hỗn hợp, bún và thịt, nấm thái nhỏ. Tôi đã quán triệt ở mức rất khá kỹ thuật sử dụng thứ dụng cụ ăn khác thường này: dùng đũa gắp, bới và nâng lên miệng tôi đều biết cả.
Giữa đường, với vẻ bất bình thực lòng, đồng chí Tiền kể lại câu chuyện một nhà ngoại giao Hungary đã bắt anh phải chờ tới 20 phút ở góc phố, nơi họ hẹn gặp nhau. Trường hợp đơn lẻ, họa hoằn này đã đọng lại trong trí nhớ của đồng chí Tiền với toàn bộ những chi tiết của nó, khiến đồng chí ấy bất bình đến tận cùng, và anh thuật lại sự việc bất hạnh ấy - diễn ra cách đây ít nhất là 5 năm - với giọng một kẻ than vãn với vị thẩm phán vì bị hành hung nghiêm trọng mới nửa giờ trước. Thành thử sau vụ này, tôi sẽ không đến muộn ở bất cứ đâu trên đất Trung Quốc!
Cho dù, với nghi thức của vùng Đông Âu, nên đến muộn vài phút khi được mời ăn tối để các vị chủ nhà còn kịp kết thúc những động thái chuẩn bị cuối cùng. Nhưng chúng tôi cũng bỏ lỡ những cảnh này, thành thử tại căn sảnh của CLB Quốc tế, chả ai chờ chúng tôi ở đó cả.
Tiền biến mất ở góc sau của tòa nhà khổng lồ và một chút sau, anh ta trở lại cùng đồng chí Phấn mà chúng tôi đã quen tại Bộ Ngoại giao.
Các nhân viên ngoại giao Trung Quốc đợi chúng tôi trong một căn phòng riêng vuông vức, tường quét vôi trắng và không hề được trang trí. Họ có tổng cộng 4 người thuộc Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, cùng một người bạn, một người quen cũ, anh Thẩm Tề Dân, từng là phóng viên Tân Hoa Xã tại Moscow và trước đó, tại Budapest. Sự hiện diện của anh không khiến tôi ngạc nhiên, mặc dù chắc chắn là đồng chí Tiền đã ám chỉ đến anh khi bảo bữa tối hôm nay sẽ có một bất ngờ.
Tối thiểu là một tuần trước đây, tôi đã đề nghị đồng chí Tiền tìm cho tôi anh bạn Thẩm Tề Dân tại trung tâm của Tân Hoa Xã ở Bắc Kinh. Sau đó, đã có một số cú điện thoại mà từ đấy, tôi nhận được những thông tin giá trị: „Người bạn của đồng chí hiện không thể tìm được, nhưng thế nào lời chào của đồng chí cũng được chuyển đến anh ấy”. Hoặc: „Đồng chí chắc hẳn sẽ được gặp đồng chí Thẩm Tề Dân như đồng chí mong muốn. Hiện tại thời điểm chưa thích hợp, nhưng chẳng bao lâu nữa đâu đồng chí ấy sẽ liên hệ với đồng chí”. Hay: „Thiếu kiên nhẫn thì không được việc đâu. Tôi đã nói là tôi chuyển lời nhắn của đồng chí rồi và các đồng chí đã hứa là đồng chí sẽ được gặp bạn mà. Chắc chắn họ sẽ giữ lời”.
Thì tất nhiên, có điều ở nước ta – ở Châu Âu, hoặc có lẽ trên toàn thế giới - việc tìm một người quen cũ diễn ra theo cách khác hẳn. Hơi đơn giản hơn chút. Cũng không sao. Thế là Thẩm Tề Dân vẫn ở đây và anh chả thay đổi chút nào!
Anh ở đây, mỉm cười, với mái tóc bạc hệt như 5 năm trước, và trẻ trung hệt như dạo ấy. Hồi tôi còn làm phóng viên tại Moscow, chúng tôi đã có những đêm dễ chịu, cho dù không cùng nhau thì cũng cùng trong một hội. Nếu trí nhớ của tôi còn tốt, lần cuối cùng tôi gặp anh là tại buổi từ giã một phóng viên truyền hình Tây Đức trên một du thuyền ở sông Moscow. Trong bộ Âu phục màu xám được may rất khéo, Sen đi từ bàn này sang bàn khác, trò chuyện một cách quen biết với hết thảy mọi người, từ các cộng tác viên hàng đầu của Hãng truyền hình ARD tới những vị khách mời nổi danh – như tôi còn nhớ, trong số đó, có một ái nữ của Khrushchev, Bulat Okujava, nhà văn, nhà thơ và ca sĩ nổi tiếng, Yury Lyubimov, đạo diễn chính Nhà hát Taganka và còn vài nhân vật lừng danh thuộc thế giới nghệ thuật quyến rũ ở Moscow. Thẩm Tề Dân từng là một trong những tâm điểm của đời sống cộng đồng ở Moscow. Bề ngoài trông anh không thay đổi gì, có lẽ nội tâm anh cũng vậy, nhưng trong khi hồi tưởng lại những kỷ niệm chung, không làm sao tôi bỏ khỏi đầu một ý nghĩ: con người xuất chúng của cộng đồng ấy, tại đây, ở Bắc Kinh, còn không có cơ hội, không dám hoặc không được phép, nhấc điện thoại tại văn phòng Tân Hoa Xã và nói một câu: „Vui vì cậu đã đến”.
(*) Người dịch các bài báo, bản tin của báo chí Trung Quốc ra tiếng Anh cho văn phòng của Hãng Thông tấn Hungary MTI tại Bắc Kinh (N.D.)
Trần Lê chuyển ngữ và giới thiệu - Còn tiếp
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn