Người lính gác đi tuần trước khu nhà ngoại giao
Lời Tòa soạn: NCTG giới thiệu phần tiếp theo trong đoạn trích cuốn "Một mùa hạ Trung Quốc" của nhà báo Hungary Bokor Pál. Tác giả ghi lại những suy nghĩ của ông sau cuộc gặp gỡ và ăn tối với các nhà ngoại giao Trung Quốc tại CLB Quốc tế ở Bắc Kinh.
Các giấy tờ do nhà đương cục Trung Quốc cấp cho ký giả Bokor Pál
Tất cả đều mặc sơ-mi trắng, ngoại trừ bà Vạn Trấn mặc sơ-mi xám và quần, tất nhiên, bà châm hết điếu thuốc này đến điếu khác và còn sở hữu một mái tóc phi-dê kiểu gì đó, khác hẳn với bao triệu phụ nữ Trung Quốc khác, những người còn nhìn nhận tóc phi-dê là một trong những biểu hiện đặc thù của sự sa đọa tư bản.
Từ một cuốn tra cứu, tôi được biết rằng từ năm 1972, bà Vạn Trấn là Vụ phó Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao và vì trước đó, chồng bà từng làm đại sứ ở nhiều nước Châu Á và bà đã cùng chồng ở nước ngoài, không khó để tôi rút ra nhận định rằng bà là một nhà ngoại giao am tường cơ hội và giàu kinh nghiệm, một người đã kinh qua cả „Cách mạng Văn hóa” lẫn „Tứ nhân bang” một cách may mắn, và trên cương vị Vụ phó Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, hiện tại bà vẫn là một lãnh đạo có trọng trách của cái bộ máy báo chí và tuyên truyền Trung Quốc, vốn rất tập trung và vận hành nhuần nhuyễn theo cách của nó.
Trước bữa tối, chúng tôi trò chuyện trên chiếc đi-văng trang hoàng đăng ten. Trong mắt người Hoa, một cuộc đàm đạo như ý cũng giống hệt như một bữa tối thịnh soạn, nghĩa là sẽ lên tới đỉnh điểm ở món thứ năm, vịt Bắc Kinh, rồi, sau những món ẩm thực ấn tượng được ấn định thời gian hợp lý, một chút canh, chút hoa quả ngâm, hai ba thứ trái cây hợp khẩu vị sẽ là vĩ thanh của bữa ăn.
Thế đấy, bà Vạn Trấn hít một hơi thuốc thật dài, vắt chân chữ ngũ và không ngừng nghỉ một giây, bà trình bày những vấn đề đang được đặt trong chương trình nghị sự của nền ngoại giao Trung Quốc, trong số đó, trước tiên là việc tại sao Trung Quốc lại đình chỉ viện trợ kinh tế cho CHXHCN Việt Nam.
Trung Quốc là bạn của nhân dân Việt Nam, bà nói, chính vì vậy bà coi những sự kiện gần đây là hết sức đáng tiếc. Do đó, những điều đã xảy ra, hoàn toàn thuộc trách nhiệm của phía Việt Nam. Theo bà, CHND Trung Hoa không bao giờ có những ý đồ bá quyền đối với Việt Nam. Mỗi lần đến thăm Việt Nam, các vị khách cấp cao Trung Quốc đều tới đặt hoa tại đài kỷ niệm các vị anh hùng của Việt Nam, những người thời xưa từng chiến đấu chống lại sự chinh phục của nước Trung Hoa phong kiến. Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã có những khoản viện trợ khổng lồ cho Việt Nam để ủng hộ cuộc chiến đấu chống bè lũ thực dân và chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ.
Theo bà chủ nhà, chỉ là sự vu cáo bung ra từ đầu óc của những kẻ thù của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc khi chúng phao tin nước bà sở dĩ chấm dứt quan hệ với Việt Nam là vì Việt Nam đã thống nhất, sức mạnh tăng. Bà cho rằng thái độ của Việt Nam đã thay đổi. Ngoài ra, Việt Nam „không thể chờ đợi những người khác cùng họ chơi một vũ điệu theo chiếc đũa nhạc trưởng của một siêu cường”. Nhưng đây chỉ là những vấn đề thứ yếu. Ngay cả việc Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế và với động thái đó, „trong thực tế, đã gia nhập khối kinh tế của một siêu cường”, đối với phía Trung Quốc cũng là vấn đề thứ yếu. Với Trung Quốc, yếu tố quyết định lý giải việc nước này chấm dứt viện trợ và đình chỉ những mối quan hệ, là vì, Việt Nam, theo lời bà Vạn Trấn, có ý đồ „bá quyền trong khu vực”, và một lần nữa, lại đưa ra kế hoạch về cái gọi là Liên bang Đông Dương.
- Đồng chí nghĩ đến kế hoạch thống nhất Việt Nam, Lào và Campuchia?
- Đúng, nhưng kế hoạch ấy còn đi xa hơn nữa. Không phải ngẫu nhiên mà tại các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, những động thái quân sự và ngoại giao của Việt Nam bị theo dõi với sự ngờ vực lớn.
- Tại các quốc gia ấy, đường lối ngoại giao tấn công và những nhu cầu về lãnh thổ của Trung Quốc cũng bị nhìn nhận với sự ngờ vực không kém. Việt Nam đã đoàn kết cùng Lào và Campuchia trong trận chiến chống chủ nghĩa đế quốc. Thời xưa, cả ba nước cùng chung một đảng cộng sản. Đường mòn Hồ Chí Minh, con đường hậu cần cho cuộc chiến tranh du kích chống Mỹ, từng đi qua cả ba nước. Tuy nhiên, như tôi được biết, sau chiến tranh, kế hoạch Liên bang Đông Dương không được Hà Nội đưa ra. Họ nghĩ đến một khối thống nhất lỏng lẻo hơn nhiều - sự hợp tác hòa bình và tự nguyện giữa các quốc gia trong vùng Đông Dương - khi đưa ra những suy nghĩ liên quan tới việc tạo dựng một khu vực hòa bình, độc lập và trung lập thực sự. Điều này chỉ có thể xâm phạm tới Trung Quốc nếu các nước có liên quan tính đến những gì xa xôi hơn là sự trung lập.
- Cố nhiên là họ sẽ không nói thẳng ra là họ muốn thống nhất cả khu vực Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Việt Nam. Nhưng chủ nghĩa sô-vanh quốc gia dẫn dắt họ trong mọi hành động. Tại sao họ bài xích người Hoa? Tại sao lại xua đuổi người Hoa khỏi đất nước họ? - mọi lời nói của bà Vạn Trấn đều thấm đượm vẻ bất bình của một người láng giềng bị xúc phạm.
- Việt Nam chỉ muốn những gia đình gốc Hoa sinh sống ở đó nhập tịch Việt Nam – tôi nói. – Trong chuyện này thì họ cũng có lý chứ. Không nước nào muốn một phần cư dân của họ tìm cách tách mình để không phải thực hiện những bổn phận chung. Trong một thế kỷ liền, Trung Quốc cũng từng là nạn nhân của các đế quốc lớn Châu Âu, những kẻ đã dùng bạo lực để kiếm được cho họ các đặc quyền tại Trung Quốc. Giữa chừng, cả Châu Âu gào thét, rằng Trung Quốc xua đuổi người Âu. Ngoài ra, như tôi được biết, đa phần người Hoa rời Việt Nam cũng vì hoàn cảnh sống ở đó thay đổi quá. Theo tôi biết, trong năm nay, sản lượng lúa giảm 30% so với mức cần thiết để người dân có đủ lương thực. Và trong thời điểm đó, viện cớ những khó khăn trầm trọng trong kinh tế do người Hoa ở Việt Nam phải hồi hương, Trung Quốc đã cắt viện trợ cho Việt Nam. Điều này đã vấp phải hồi âm phản đối trên toàn thế giới. Trong nhiều thập niên, Việt Nam đã chiến đấu chống đế quốc Nhật, Pháp, Mỹ, và không chỉ để bảo vệ họ, mà còn để bảo vệ cả CNXH ở Châu Á. Giờ đây, họ cần dựng dậy một đất nước lạc hậu về mọi mặt, và thêm vào đó, lại bị một vụ mùa tồi tệ hiếm thấy. Tôi có nghe là hàng trăm ngàn người đang bị đói ở Việt Nam.
Bà chủ nhà, cho đến giờ vẫn kiên nhẫn ngồi nghe tôi lý sự, nói xen vào:
- Nếu sự nghiệp đòi hỏi, những người cộng sản đến nạn đói cũng không từ!
Rồi chúng tôi chuyển đề tài, nhưng khẳng định của bà Vạn Trấn, được các nhân viên ngoại giao khác gật gù tán thưởng nhiệt tình, tiếp tục vang vọng trong tai tôi.
Nếu sự nghiệp đòi hỏi, những người cộng sản đến nạn đói cũng không từ! Có cái gì không được chỉnh ở đây. Không lẽ, sự nghiệp của người cộng sản Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải có nạn đói, còn sự nghiệp của người cộng sản Trung Quốc đòi hỏi phải cắt viện trợ trong khoảnh khắc như thế? May thay, hiện nay, không có sự nghiệp nào đòi hỏi hàng triệu người dân Trung Quốc phải đói khát. Dân Trung Quốc phải ăn uống thiếu chất, ăn vận tồi tàn, thiếu thốn nhiều tiện nghi của thế giới văn minh, nhưng họ chưa bị đói.
Tuy vậy, những sự nghiệp trong lịch sử hiện đại Trung Quốc luôn đòi hỏi phải chịu đựng. Tháng 6-1940, thống chế Tưởng Giới Thạch còn hướng sự việc cho các vị hiền triết khi ông trích câu tục ngữ cổ: „Những khó khăn lớn khiến một dân tộc trở nên dân tộc”. Theo lời vị thống chế này, ông đã khích lệ binh sĩ của mình trong cuộc chiến - lúc thì chống Nhật, lúc thì chống Cộng - bằng một câu tục ngữ ưa thích khác: „Thuốc đắng dã tật”.
(...) Thời gian trôi vèo đến nỗi khi bà Vạn Trấn mời tôi vào chiếc bàn tròn dự bữa tối, tôi liếc nhìn đồng hồ mà không thể tin nổi: cuộc trò chuyện khai vị của chúng tôi đã kéo dài hơn tiếng rưỡi đồng hồ! Bên bàn ăn chúng tôi cũng tán gẫu, cùng lắm, câu chuyện chỉ hơi thoải mái hơn và đề tài cũng rộng hơn.
(...) Tôi cố tình không mô tả chi tiết bữa tối. Trong tối hôm ấy, điều khiến tôi quan tâm hàng đầu là nước Trung Quốc mà ý đồ chính trị của nó, hiện tại, ảnh hưởng đến hình ảnh thế giới nhiều hơn bao giờ hết, và sự phát triển kinh tế, thậm chí tinh thần của nó, cũng phụ thuộc vào thế giới hơn bao giờ hết. So với điều đó thì những vấn đề như bữa tối của bà thứ trưởng Ngoại giao gồm mấy món, đầu bếp của CLB Quốc tế hôm nay ngâm măng bằng nước gì, làm sao để ức gà mềm như bơ, nhẹ bỗng và có vị hạnh nhân, trứng muối màu đen khác trứng ung như thế nào, hay ngay cả chuyện món vịt Bắc Kinh làm thế nào để thật mềm mà không giòn, và lạc ngâm xi-rô tại sao lại ngon hơn để bình thường - tất cả đều là những chuyện thứ yếu!
Tóm lại, bữa tối thật vương giả!
Trần Lê chuyển ngữ và giới thiệu - Còn tiếp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn