Bia mộ Rosa Luxemburg
Tuy nhiên, rất có thể là thi thể nhà cách mạng, triết gia quả cảm và lỗi lạc ấy, từ lâu nay, lại nằm ở nơi khác.
Nhà cách mạng lỗi lạc
Cùng Karl Liebknecht, Rosa Luxemburg (người Đức, gốc Ba Lan – Do Thái) được xem như một yếu nhân của chủ nghĩa Marxist và phong trào xã hội dân chủ Đức.
Là một tượng đài của phong trào lao động quốc tế, từ rất sớm, Rosa Luxemburg đã nhận ra những yếu tố phi dân chủ và độc đoán trong sự biến tướng của cuộc cách mạng Nga, và đã có những nhận định mang tính phê bình gay gắt Lenin trong “Cách mạng Nga” (Zur russichen Revolution), một tác phẩm được bà viết khi đang ngồi tù vào mùa hạ năm 1918.
Những quan điểm của Rosa Luxemburg, 90 năm sau khi bà qua đời vẫn còn nguyên tính thời sự và là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những mô hình mang danh xưng cộng sản, nhưng lại đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của dân chủ và tự do:
“Dân chủ XHCN không phải gì khác, chính là sự chuyên chính (độc tài) của giai cấp vô sản. Đúng: chuyên chính! Nhưng đó là sự chuyên chính để áp dụng dân chủ, chứ không phải để thủ tiêu dân chủ (…) Nhưng sự chuyên chính ấy phải là sản phẩm của một giai cấp, chứ không phải của một thiểu số lãnh đạo nhân danh giai cấp ấy.
Nghĩa là, từng bước, nó phải được hình thành với sự tham gia tích cực của quần chúng, cần phải được đặt dưới ảnh hưởng trực tiếp, dưới sự giám sát hoàn toàn của sự công khai, phải được ra đời từ trình độ nhận thức chính trị ngày càng được nâng cao của quần chúng nhân dân”.
“Tự do, luôn phải là tự do của những người bất đồng chính kiến” - Ảnh tư liệu: Rosa Luxemburg diễn thuyết tại Stuttgart (1907)
Có lẽ những tư tưởng mang tính tiên tri này là lý do khiến ngôi mộ của Rosa Luxemburg luôn có những vòng hoa tươi từ khách thập phương, trong khi mô hình XHCN độc đoán kiểu Stalinist đã cáo chung ngay tại quê hương của nó từ gần hai thập niên nay!
Một phát hiện bất ngờ và lý thú
Tuy nhiên, rất có thể người nằm dưới ngôi mộ mang tên Rosa Luxemburg tại nghĩa trang Friedrichsfelde, nơi hành hương của nhiều thế hệ những người hâm mộ nhà cách mạng quả cảm và trí tuệ, lại không phải của bà!
Trở lại lịch sử, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa do Liên đoàn Spartacus (tiền thân của Đảng Cộng sản Đức) tổ chức, hai sáng lập viên của Liên đoàn là Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg đã bị thủ tiêu.
Ngày 15-1-1919, theo lời thuật lại của các nhân chứng, Rosa Luxemburg bị những kẻ quá khích đánh đập bằng báng súng rồi bị bắn vào đầu. Thi thể bà, sau đó, bị quẳng xuống một kênh đào ở Berlin.
Gần 6 tháng sau, người ta công bố tìm thấy xác nhà cách mạng và thi thể này được mai táng tại nghĩa trang Friedrichsfelde, bên cạnh mộ người đồng chí Karl Liebknecht. Có điều, những chi tiết về vụ án mạng không được rõ ràng và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa ra một số hồ nghi liên quan tới cái chết của Rosa Luxemburg.
Gần đây nhất, cuối tháng 5-2009, tạp chí Đức “Spiegel” (Tấm gương) cho hay, một số chuyên gia y học rút ra kết luận rằng, khả năng là thi thể Rosa Luxemburg thực ra được giữ tại tầng hầm Học viện Pháp y (Viện Charité, Berlin).
Thi thể được cho là có thể của Rosa Luxemburg
Học viện này, từ nhiều thập niên nay, còn cất giữ một xác người chết đuối trôi sông đã được ướp khô, mất đầu và chân tay. Người đứng đầu Học viện Pháp y, ông Michael Tsokos, cho rằng đó chính là Rosa Luxemburg vì “thi thể này giống nhà nữ cách mạng ấy đến mức kinh ngạc”.
Dùng kỹ thuật cắt lớp (CT - Computed Tomography) hiện đại, có thể thấy rằng đó là xác một phụ nữ 40-50 tuổi, mắc bệnh mòn khớp xương và hai chân có độ dài khác nhau. Trong thực tế, Rosa Luxemburg 48 tuổi khi bà bị sát hại, bà bị tật lệch khớp hông bẩm sinh và do đó, hai chân bà quả thực có độ dài khác nhau.
Ông Tsokos cho rằng thi thể thực sự của Rosa Luxemburg chưa bao giờ được chôn cất. Để chứng tỏ cho khẳng định này, vị chuyên gia trích dẫn bản báo cáo giải phẫu học được thực hiện đối với người được an táng tại nghĩa trang Friedrichsfelde mà ông cho là không phải Rosa Luxemburg.
Theo đó, trên thi thể người quá cố, không có di chứng của bệnh lệch khớp hông và độ dài hai chân cũng không có gì khác biệt. Ngoài ra, cũng không thấy những dấu vết của việc Rosa Luxemburg đã bị đánh bằng báng súng và bắn vào thái dương.
Hiện, chuyên gia Michael Tsokos đang tìm cách so sánh gien di truyền để chứng tỏ khẳng định của ông. Tuy nhiên, cho dù sự thật có thế nào đi nữa, hậu thế luôn nhớ tới Rosa Luxemburg như một lãnh tụ cánh tả sáng suốt, sớm nhận thấy tầm quan trọng của quyền tự do trong một xã hội lành mạnh, như khẳng định của bà:
“Tự do dành riêng cho những ai ủng hộ chính phủ, dành riêng cho thành viên một đảng – cho dù đông đảo đến mấy – cũng không phải là tự do. Tự do, luôn phải là tự do của những người khác chính kiến.”
Trần Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn