Đoạn màn sắt này là tác phẩm của điêu khắc gia F. Kovács Attila (Giải thưởng Kossuth), đặt trên vỉa hè đại lộ chính Andrássy (trung tâm Budapest), trước Bảo tàng Nhà Khủng bố (Terror Háza), nơi trưng bày những di chứng của hai thể chế độc tài toàn trị của thế kỷ XX.
Tên gọi chính thức của nó là Tượng đài Tấm màn sắt, được khai trương vào dịp kỷ niệm 20 năm cuộc “Pích-ních Toàn Âu” (20-8-1989), khi hàng ngàn người Đông Đức đã tận dụng việc một cửa khẩu được bỏ ngỏ để tràn sang Áo mà không bị lính biên phòng Hungary ngăn cản.
Phát biểu trong dịp khai trương tượng đài, TS, nhà nghiên cứu sử học Schmidt Mária - giám đốc Nhà Khủng bố - khẳng định: “Người Hungary đã có vai trò đặc biệt và lớn lao trong việc dỡ tấm màn sắt ngăn cách hai hệ thống thế giới”.
Hồi tưởng một thời khắc lớn trong lịch sử nước Đức – ngày lễ thống nhất hai nước Đức năm 1990 -, TS Schmidt Mária nhắc lại lời thủ tướng Đức thời đó, ông Helmut Kohl, theo đó “bức tường Berlin đã bắt đầu được dỡ tại Hungary”. Bà Schmidt Mária cũng nhắc đến chuyện bằng việc tháo dỡ bức màn sắt, người dân và lãnh đạo Hungary đã chấp nhận những mạo hiểm rất lớn khi nhận vai trò thúc đẩy sự thống nhất của Châu Âu (từng bị chia cắt một cách nhân tạo), và mở biên giới cho người tị nạn Đông Đức sang Áo.
Giám đốc Nhà Khủng bố cho rằng, đằng sau bức màn sắt là “những dân tộc ước ao tự do và độc lập”: đó là những dân tộc đã giành lại tự do và độc lập từ 20 năm nay và gắn bó với nhau bởi một quá khứ chung, vì sự xóa bỏ biên giới “đã thay đổi cuộc đời chúng ta, đã trở thành số phận của chúng ta”. TS Schmidt Mária nhấn mạnh: trong vòng gần nửa thế kỷ, bức màn sắt đã “giam cầm chúng ta trong cảnh tù đày”, “nó muốn sở hữu chúng ta cả về thể xác”, nhưng rốt cục mọi thứ đã có một kết thúc tốt đẹp.
Tác phẩm của nhà điêu khắc F. Kovács Attila là một khối hình hộp, có nhiều sợi dây xích hoen rỉ được bện lại và rủ từ đỉnh xuống đất, tượng trưng cho một bức màn sắt. Dưới chân tượng đài là từ “Bức màn sắt” (Vasfüggöny), được viết bằng đại đa số thứ tiếng Châu Âu.
Một bên của tượng đài khắc câu hỏi nổi tiếng trích từ thi phẩm “Bài ca Dân tộc” của thi hào Petőfi Sándor: “Hãy thành nô lệ - Hay người tự do?” (Rabok legyünk vagy szabadok?), và dòng chữ: “Ngăn cách Đông và Tây, chia đôi Châu Âu và Thế giới, lấy đi tự do của chúng ta, giam chúng ta trong tù đày và nỗi sợ hãi, hành hạ và làm nhục chúng ta - rốt cục, chúng ta đã dỡ bỏ nó!”
Trần Lê
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn