GORBACHEV ĐÃ “BUÔNG THA” ĐÔNG ÂU TỪ NĂM 1985

Thứ năm - 22/10/2009 01:41

(NCTG) Năm 1985, tại tang lễ của người tiền nhiệm - tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Konstantin Chernenko – Mikhail Gorbachev đã tuyên bố với lãnh đạo các quốc gia thành viên khối Hiệp ước Warsaw rằng điện Kremlin sẽ không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ các nước Đông Âu.

Người của năm 1987, theo lựa chọn của tạp chí “Time”

Thông tin gây bất ngờ này được đích thân ông Gorbachev nói với nhật báo “Le Figaro” (Pháp) trong cuộc phỏng vấn nhân dịp 20 năm biến cố Đông Âu.

Chúng tôi tập trung trong văn phòng của tôi. Tôi nói lời cám ơn họ đã đến và bảo rằng: chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì để phức tạp hóa mối quan hệ của chúng tôi… Năm 1985, tôi đã hứa sẽ không can thiệp và chúng tôi đã không can thiệp” - vị tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô nhấn mạnh. Theo ông, nếu Liên Xô can thiệp vào quá trình cải tổ tại Đông Âu, “không thể tránh khỏi một Đệ tam Thế chiến”.

Gorbachev cho biết: kể từ khi lên nắm quyền, một trong những điểm căn bản trong đường lối chính trị của ông là coi Châu Âu là “ngôi nhà chung”. Tuy nhiên, ông cũng thổ lộ rằng trước đó, ông không tính đến sự thay đổi thể chế và sự thống nhất nước Đức. Có điều, những biến chuyển diễn ra tại Liên Xô và các nước Đông Trung Âu, mối quan hệ mới giữa Liên bang Xô-viết và Hoa Kỳ và sự giải trừ quân bị đã khởi động một vòng xoắn của những sự kiện mà trong đó, Đông Đức chỉ còn là “một ốc đảo trong đại dương của những đổi thay”.

Vị chủ tịch cuối cùng của Liên Xô “rất ngạc nhiên” khi trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập CHDC Đức (năm 1989), tại Berlin, ông nhận thấy rằng lãnh tụ Đông Đức Eric Honecker không hề ý thức được những gì diễn ra trong khu vực, và không muốn chấp nhận rằng những quá trình đã được khởi động đặt ra câu hỏi về sự thống nhất hai nước Đức. Gorbachev hồi tưởng: trên khán đài, “thủ tướng Ba Lan Mieczyslaw Rakowski đến gần nơi tôi đứng và hỏi tôi có hiểu tiếng Đức không. Tôi đáp tôi đủ hiểu những gì trên các khẩu hiệu. Ông ta nói: chấm hết. Tôi trả lời, đúng vậy, chấm hết”.

Cựu lãnh tụ Xô-viết cho biết chưa bao giờ ông do dự là phải đưa đất nước theo hướng nào khác, vì ông tâm niệm rằng bằng những biến chuyển dân chủ, với chính sách mở cửa và cải cách, cũng như mở rộng quyền tự do ngôn luận và tôn giáo, ông có thể giữ được Liên Xô. Ông tin tưởng rằng ông đã theo con đường đúng đắn vì cảm thấy đa số ủng hộ cải tổ.

Trả lời câu hỏi phải chăng nước Nga hiện tại đang theo con đường đúng đắn, Gorbachev đáp: nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Vladimir Putin còn được ông đánh giá một cách tích cực, nhưng từ đó, vấn đề chính yếu là không còn những nỗ lực hiện đại hóa, mặc dù với sự gia tăng của giá dầu, mọi điều kiện đều sẵn có. Theo diễn đạt của Gorbachev, “tôi không biết bao nhiêu tỉ đô-la từ dầu lửa biến đâu mất… Đa phần đã bị tiêu xài hoang phí, và không được dùng để hiện đại hóa đất nước”.

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn