HUNGARY VÀ “VIÊN GẠCH ĐẦU TIÊN TRONG BỨC TƯỜNG BERLIN” (1)

Thứ sáu - 06/11/2009 20:31

Trong buổi lễ trọng thể vào ngày thống nhất nước Đức 3-10-1990, thủ tướng Helmut Kohl đã phát biểu: “Chúng ta hãy đừng quên rằng đất dưới Cổng Brandenburg là đất của Hungary! Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…”


Các công dân Đông Đức vượt biên giới Hungary - Áo trong kỳ Picnic Toàn Âu ngày 20-8-1989

Cũng trong năm đó, thủ tướng cuối cùng của CHDC Đức Lothar de Maiziere thừa nhận: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin khởi đầu ở Hungary”.

Hai mươi năm nhìn lại, trong cuốn sách mới ấn hành mang tựa đề “Vết rạn đầu tiên trong bức tường” (Der erste Riss in der Mauer) tại CHLB Đức, ký giả Thụy Sỹ Andreas Oplatka khẳng định: quyết định hai thập niên trước của Hungary đã khởi động một “phản ứng dây chuyền mang tính cách mạng”, dẫn đến sự thống nhất của nước Đức và khiến các quốc gia Đông Âu có cơ hội trở về với “mái nhà chung”, Liên hiệp Châu Âu!

Tựu trung, tất cả những đánh giá cũ và mới đó đều nhắm vào Hungary, một quốc gia nhỏ bé trong vùng Đông – Trung Âu, trong lịch sử từng chịu cảnh chinh chiến liên miên, lòng người ly tán, với những vết thương đến bây giờ vẫn chưa hoàn toàn được hàn gắn.

Đứng về phía bại trận trong cả hai cuộc Thế chiến, bị cắt tới hai phần ba diện tích và dân số, luôn phải “đi trên dây” trong mối quan hệ ngoại giao với các đại cường trong thời Chiến tranh lạnh, tuy nhiên, vào thời điểm lịch sử trọng đại của Châu Âu vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, đất nước này đã thể hiện cách ứng xử mềm dẻo, nhưng đàng hoàng và mạnh mẽ trong ngoại giao, chiếm được thiện cảm và sự vị nể, trân trọng của thế giới, đặc biệt là của nước Đức thống nhất.

Để làm được điều đó, tất nhiên không thể không nhắc đến sự lớn mạnh của phong trào dân sự, của ý thức chính trị và “lòng dân” đã chín muồi tại Hungary vào thời điểm ấy. Nhưng bên cạnh những yếu tố đó, để mọi sự kiện diễn ra vào đúng những thời điểm cần thiết, theo hướng thích hợp, cần đến sự đồng lòng của một Ban lãnh đạo thượng đỉnh, tôn trọng và đặt những lợi ích của công dân, những giá trị phổ phát của con người lên trên lợi ích của đảng phái và cá nhân.

Lịch sử và nhân dân luôn công bằng, đã ghi nhận nỗ lực của những người cộng sản chân chính theo hướng cải tổ của Hungary thời ấy, như Thủ tướng Németh Miklós, chủ tịch đảng Nyers Rezső, Ủy viên Bộ Chính trị Pozsgay Imre, và nhất là Ngoại trưởng Horn Gyula, một tượng đài của cánh tả Hungary thế kỷ XX.
 

Ngoại trưởng Hungary Horn Gyula và người đồng nhiệm Liên Xô Eduard Shevardnadze ký hiệp định rút hoàn toàn các đơn vị quân đội Xô-viết đồn trú “tạm thời” tại Hungary từ năm 1945 (Moscow, tháng 5-1990)

Là một nhà ngoại giao cựu trào mà tên tuổi gắn liền với những quyết định ngoạn mục trong đối ngoại của Hungary năm 1989, như dỡ bỏ Bức màn sắt ngăn cách Đông – Tây thời Chiến tranh lạnh, mở biên giới cho 60-70 ngàn người di cư Đông Đức tại Hungary sang Áo, Horn Gyula vẫn có vị trí đáng kể trên chính trường Hungary thời gian sau đó: ông giữ cương vị Thủ tướng Cộng hòa Hungary nhiệm kỳ 1994-1998, Chủ tịch Đảng Xã hội (hiện đang là đảng cầm quyền tại Hungary) thời kỳ 1990-1998.

Trong hồi ký “Những cột trụ” (Cölöpök, 1991), được viết ngay sau những biến cố thời kỳ 1990-1991 và khi tác giả còn theo đuổi con đường chính trị một cách tích cực, Horn Gyula đã dành một phần riêng để thuật lại những chi tiết thú vị diễn ra trong hậu bán tháng 8-1989, dẫn đến quyết định lịch sử của chính phủ Hungary, góp phần thúc đẩy trực tiếp sự sụp đổ của bức tường Berlin sau đó ít tháng.

Đó là quyết định được đánh giá là sự lựa chọn sáng suốt những giá trị Châu Âu và nhân bản, dũng cảm gạt bỏ tư duy cũ kỹ, sáo mòn, để tiến bước trong thời đại hòa dịu và hội nhập. Theo nhận định của một ký giả Hungary, trong vòng mấy tuần đó, “nếu nước Hungary quyết định khác đi, nếu chính phủ Hungary không đủ quả cảm và cứng cáp, nếu xã hội Hungary không hoàn toàn đồng thuận với quyết định của chính phủ, lịch sử của toàn Châu Âu sẽ đi theo một hướng khác. Từng có một khoảnh khắc mà Hungary đã cống hiến cho Châu Âu và Châu Âu không quên điều đó”.

Có lẽ Ngoại trưởng CHLB Đức Hans-Dietrich Genscher cũng đồng tình với điều đó khi ông khẳng định về hành động của Hungary cách đây 2 thập niên: “Đó là một hành động dũng cảm, cho thế giới thấy nghị lực và lòng nhân đạo. Nghệ thuật trị nước là vậy”.

Nhân 20 năm biến cố bức tường Berlin, xin giới thiệu với độc giả một số trích đoạn của hồi ký, rất quan trọng để thấu hiểu những biến cố diễn ra tại Châu Âu cách đây hai thập niên. (Tựa đề trích đoạn do chúng tôi tạm đặt).
 
*
 
QUYẾT ĐỊNH “LỰA CHỌN CHÂU ÂU” CỦA HUNGARY, 1989

Một ngày tháng 8, tôi tỉnh dậy khi nghe tiếng chim hót. Tôi nhìn đồng hồ, mới bốn rưỡi sáng, nhưng tiếng chim đã lọt vào cửa sổ để mở từ cái sân sau rộng lớn, bốn bề chắn bởi những bức tường cao vút (...). Tối hôm trước, tôi cũng không ngủ được vì càng ngày càng phải bận tâm suy nghĩ về vụ việc của dân Đông Đức.

Nửa cuối tháng 8-1989, đã có vài chục ngàn (1) người Đông Đức cư trú tại Hungary, các trại dành cho thanh niên đều đã chật kín. Chúng tôi bàn bạc với lãnh đạo thành phố xem có thể thành lập các trại tạm thời ở đâu đó quanh Budapest được không. Không ai có thể tiên đoán được ngày mai hoặc tuần tới sẽ có bao nhiêu người Đông Đức ở Hungary, vì họ cứ đến từ miền Nam, sau kỳ nghỉ hè ở Romania và Bulgaria và đến lúc đó, đa số không muốn hồi hương. Các cơ quan của chúng ta cũng báo tin rằng mặc dù kỳ nghỉ hè đã kết thúc, nhưng lại có thêm rất nhiều gia đình sang thẳng Hungary từ Đông Đức. Họ cũng gia nhập với số người đã “cắm trại” tại Hungary và nhiều tỉnh, thành cũng đã phải mở các trại tạm thời.

Giữa chừng, vài trăm công dân Đông Đức chuyển vào ở trong các phòng của tòa đại sứ CHLB Đức tại Budapest. Chúng tôi quyết định đoạn tuyệt với thói quen cũ và không buộc một công dân Đông Đức nào phải về nước. Bởi lẽ, theo lời kể của các đồng sự, tôi được biết rằng trong những năm trước đó, những công dân Đông Đức không muốn hồi hương đều bị cưỡng bức về nước bằng những máy bay riêng mà chính quyền Đông Đức gửi đến Budapest. Tôi cảm thấy cách xử lý này đi ngược lại tất cả những hiệp định quốc tế liên quan đến nhân quyền mà Hungary đã cam kết thực hiện một số bổn phận. Vả lại, việc cưỡng bức hồi hương còn là một hành động man rợ, phi nhân văn.
 
*

Tôi còn nhớ, vào một buổi sáng đầu tháng 8, tôi triệu tập ba công sự gần gũi nhất để bàn chuyện. Họ nói rằng con số những người tị nạn Đông Đức ở tòa đại sứ CHLB Đức tăng liên tục, ngay cả trong khu vườn của nhà thờ ở bên cạnh cũng đã có người tụ tập. Các nhà tu hành chăm lo cho họ, nhưng cư dân trong khu vực thì ngày càng xì xào về sự lộn xộn tại đây.

Tôi hỏi họ: Đại sứ CHDC Đức tại Budapest nói gì về chuyện này?

- Ông ấy chỉ nói đi nói lại rằng chúng ta hãy xử lý việc này như hồi năm ngoái và năm kia - một cộng sự của tôi đáp.

Tôi nổi nóng. Nghĩa là lại có những chuyến bay cưỡng bức hồi hương! Cả chúng tôi, và cả thế giới đều không thể tha thứ cho chúng tôi về điều này. Ngoài ra, tôi cũng không thể hiểu được, những người tiền nhiệm của chúng tôi tại sao lại có thể làm điều này? Nhân danh CNXH, người ta đã làm biết bao nhiêu điều!

- Chính quyền Đông Đức chỉ lặp đi lặp lại rằng những người hồi hương sẽ không bị trừng phạt. Tuy nhiên, trong các cuộc trò chuyện không chính thức, ngay các nhân viên nội vụ của họ cũng thừa nhận rằng những người này bị đưa vào một danh sách riêng, họ sẽ bị tước khả năng đi lại, sách nhiễu tại nơi làm việc, v.v... Nhưng nếu ở lại nước ta, họ còn hy vọng sẽ có lúc sẽ sang được Tây Đức. Theo tôi, chả có ai khiến họ có hứng ở lại đây đâu – tôi lặp lại.

- Sếp à! Đại sứ CHDC Đức muốn gặp sếp. Theo như tôi được biết, họ đặt vấn đề rất mạnh mẽ, thậm chí còn đòi hỏi chúng ta phải cưỡng bức hồi hương các công dân họ - một cộng sự khác của tôi cho hay.

Tôi giật nảy người. Các vị chớ đòi hỏi gì cả! Sao không tự giải quyết các vấn đề riêng của các vị đi? Không phải vô cớ mà người dân họ muốn rời quê hương.

- Sếp có lý, tuy nhiên, chúng ta cũng phải lưu ý rằng ban lãnh đạo Đông Đức có thể phản ứng dữ dội chúng ta đấy. Mà các đồng chí Romania và Tiệp Khắc cũng sẽ ủng hộ họ. Rồi, ai biết được, “ông anh cả” sẽ cư xử thế nào? Họ sẽ đánh giá vụ này khác hẳn so với chúng ta.

Buổi chiều, tôi tiếp đại sứ Đông Đức, một người quen cũ, béo tốt và trẻ trung. Tôi mời ngồi, nhưng ông ta cứ cựa quậy vẻ cáu kỉnh trên ghế và nói với giọng cứng nhắc: “Thưa bộ trưởng! Berlin thấy rằng các đồng chí không muốn giải quyết vấn đề các công dân chúng tôi. Các đồng chí cứ trì hoãn, không đưa ra biện pháp dứt khoát. Còn chờ gì nữa? Do dự chả khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Càng ngày càng nhiều người có hứng ở lại đây, và dân Hung cũng nhiều người cổ vũ họ làm điều đó. Các đồng chí phải chịu trách nhiệm vì tình hình đã diễn ra và nhân dân Đức sẽ không tha thứ cho các đồng chí về chuyện này đâu!”

Tôi cố trấn tĩnh và tìm cách phản ứng với giọng lạnh lẽo nhất: “Các đồng chí chớ dọa dẫm! Chúng tôi có lỗi vì công dân các đồng chí không muốn về nước? Tốt hơn cả, các đồng chí hãy suy ngẫm về điều này. Giờ đây, không còn có thể cưõng bức bất cứ ai phải hồi hương nếu họ không muốn. Chỉ có một giải pháp duy nhất: hãy xử lý để họ có thể sang Tây Đức. Cũng như các đồng chí đã giải quyết trong vụ dân Đông Đức xin tị nạn tại cơ quan đại diện ngoại giao của Tây Đức ở Berlin. Tôi nhắn gửi Berlin như vậy. Chúng tôi bất lực”.

Đại sứ Đông Đức cho hay: giữa hai nước chúng ta có một thỏa thuận song phương có hiệu lực. Các đồng chí hãy thực hiện nó!

Tôi nổi nóng: thỏa thuận đó không phải do Ban lãnh đạo hiện tại ký kết. Những người thời đó từng là đối tác trong việc ký kết một hiệp định nhục nhã như thế, giờ không còn tại vị. Mà, không chỉ với các đồng chí, họ còn thỏa thuận như vậy với Romania, Tiệp Khắc và Liên Xô nữa. Tôi không thể hiểu được tại sao họ có thể ký những hiệp định mà chỉ phía Hungary mới phải thực hiện những bổn phận phi nhân bản như vậy? Hãy nói với các sếp của đồng chí rằng, chính phủ Hungary hiện tại không còn là chính phủ đã ký kết cái thỏa thuận đó!

Đại sứ Đông Đức đáp: các đồng chí sẽ còn phải trả giá một cách cay đắng vì điều này, Ban lãnh đạo chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho các đồng chí!

Tôi đứng dậy: cả các sếp của đồng chí, cả đồng chí đều không trong tình thế có thể buông lời dọa dẫm!

Tối muộn hôm đó, một quốc vụ khanh nhào vào phòng tôi.

- Đồng chí Gyula, đừng giận vì tôi quấy rấy. Các cán bộ của chúng ta vừa báo tin rằng phía Tây Đức vừa xin phép chúng ta cho hạ cánh một máy bay quân sự của họ. Tôi không cho phép vì không biết họ tới đây với mục đích gì. Tuy nhiên, giữa chừng máy bay đã vào địa phận chúng ta và như chúng tôi được biết, quốc vụ khanh Ngoại giao từ Bonn đang bay trên đó. Ông đại sứ cũng gọi điện và thông báo rằng ngoại trưởng CHLB Đức Genscher cử vị quốc vụ khanh qua đây, họ muốn đàm phán khẩn với đồng chí.

- Được thôi, đồng chí hãy báo với ông đại sứ là 10 giờ sáng mai tôi sẵn sàng đàm phán với họ. Trước đó, chúng ta phải tiến hành một cuộc thảo luận nội bộ nữa.

Sáng hôm sau chúng tôi ngồi lại và ngẫm nghĩ cho một giải pháp khả dĩ. Không thể coi các công dân Đông Đức là người tị nạn, họ cũng không xin quy chế này. Tôi nói, tôi chợt nghĩ đến chuyện một luật gia đối lập, hôm qua vừa tuyên bố trên truyền hình – và các đồng chí cứ thử xem, báo chí ra hôm nay cũng sẽ đăng tin ầm ầm cho mà xem! - rằng phải cho dân Đông Đức quy chế tị nạn. Theo ông luật gia kia thì chính phủ dở ẹt vì không thể lựa chọn giữa Đông và Tây Đức. Có điều, ông luật gia ấy chỉ quên mất một điều “nhỏ nhặt”, ấy là chúng ta không thể bắt buộc bất cứ ai phải nhận quy chế đó. Dân Đông Đức không hề muốn định cư lại xứ ta, bằng mọi giá họ muốn qua Tây Đức. Các đồng chí thử mổ xẻ mọi nghị định, đạo luật có thể, chúng ta xem lại một lần nữa các dị bản có thể.

Đồng chí Quốc vụ khanh:

- Hay chúng ta thử theo mô hình của Sofia xem. Đồng chí còn nhớ chứ, rốt cục chúng ta cũng “đánh cắp” được 12 người Romania gốc Hungary khỏi tòa đại sứ của chúng ta ở Sofia.

- Đúng vậy – tôi đáp -, nhưng ở ta giờ có tới mấy trăm người, và hồi đó nếu không có Hồng thập tự Quốc tế thì chúng ta cũng chả làm được trò trống gì. Thôi được, các đồng chí thu thập các hồ sơ dạo ấy và ra chỉ thị cho đại sứ Hungary ở Geneva, bảo đồng chí ấy đề nghị lãnh đạo Hồng thập tự cử đến đây một đặc phái viên.

Giữa chừng, chúng tôi được tin báo là ông đại sứ đã đưa vị quốc vụ khanh tới. Chúng tôi nồng nhiệt siết tay nhau, tôi mời họ ngồi và sau khi cà phê được mang tới, vị quốc vụ khanh lên tiếng:

- Ngài Genscher gửi lời chúc thân thiết và nhờ tôi chuyển lời cám ơn của chính phủ chúng tôi tới quý vị vì Hungary đã không trục xuất dân Đông Đức khỏi đất nước. Phải giải quyết bằng cách nào đấy cho họ di cư sang Tây Đức. Hãy để họ đi bằng máy bay, xe hơi và nước Áo là đối tác của chúng ta trong việc này. Cũng có thể tính đến giải pháp chính quyền Hungary chấp nhận hộ chiếu của CHLB Đức cấp cho những người muốn trốn chạy khỏi Đông Đức. Ngài bộ trưởng cũng biết rằng theo Hiến pháp của chúng tôi, chúng tôi coi mọi người Đức đều đương nhiên là công dân CHLB Đức.

- Xin ngài quốc vụ khanh cho tôi chuyển đến người đồng nhiệm của mình lời chúc thân thiện – tôi đáp. – Tôi vui mừng vì quý vị hiểu được những ưu tư của chúng tôi và muốn giúp đỡ chúng tôi. Tuy nhiên, đề xuất của quý vị đem lại hậu quả là CHDC Đức sẽ chấm dứt các mối quan hệ ngoại giao với chúng tôi. Bỏi lẽ, tôi cho rằng không thể hình dung được việc chúng tôi chấp nhận quốc tịch CHLB Đức (cho người Đông Đức tại Hungary) vì nếu vậy, chúng tôi đặt dấu hỏi với sự tồn tại của nhà nước Đông Đức. Không và sẽ không có một ban lãnh đạo Đông Đức nào chấp thuận điều đó. Quý vị cũng hãy suy nghĩ thêm rằng, trong trường hợp này, các nước thành viên khác của Khối Hiệp ước Warsaw sẽ nhất tề đứng bên CHDC Đức vì đối với họ đây cũng là điều mang tính nguyên tắc.

- Tôi đề xuất như sau – tôi nói tiếp. - tất cả những người tị nạn sẽ được tự do rời tòa đại sứ, họ sẽ không bị ngược đãi. Họ sẽ lên xe buýt và xe đi thẳng ra phi trường. Rồi, chuyên cơ sẽ chở họ sang Tây Đức. Cần thực hiện tất cả những điều này vào buổi tối, nếu có thể thì sau nửa đêm để tránh lộ liễu ở mức tối đa. Tôi sợ rằng các nhân viên nội vụ Đông Đức đông như rươi ở đây sẽ khiêu khích họ. Ngay ban đêm cũng cần phải có lực lượng an ninh đi kèm họ, nhưng chúng tôi sẽ giải quyết việc này. Đồng thời, tôi cũng đề nghị rằng quý vị hãy đóng cửa tòa đại sứ, bằng không họ sẽ lại ùa vào, vài trăm rồi vài trăm người thì bó tay mất.

Khi đó, vị đại sứ nói chen vào: chúng tôi không thể đóng cửa tòa đại sứ, trước mắt, chúng tôi phải tiếp nhận tất cả những ai chạy trốn đến đó.

- Thôi được – tôi đáp. – Tôi hiểu tình thế của quý vị. Ngài quốc vụ khanh! Tôi nhắn ngài Genscher rằng chúng ta sẽ giải quyết vấn đề của vài trăm người này. Quý vị cũng hãy liên hệ với Geneva để Hồng thập tự cử đến đây một đặc phái viên, vài trăm cuốn hộ chiếu trắng, quý vị thì gửi cho chúng tôi vài chuyên cơ, tôi sẽ nhắn sau nếu quý vị cần sang lại Hungary.

Buổi chiều, một cộng sự của tôi lao vào phòng và kể rằng đã có tới 700 người Đông Đức tập trung tại tòa đại sứ Tây Đức, nhưng, như lời anh nói, các nhân viên nội vụ Đông Đức đã bắt cóc nhiều người trong số họ.

- Và công an Hungary chịu để họ làm điều này? – tôi hỏi.

- Họ làm nhanh như chớp – cộng sự của tôi đáp. – Ngoài ra, họ còn đông hơn nhiều so với số công an chúng ta gác ở đó.

Xem tiếp Phần 2 Phần 3 của bài viết. 

Ghi chú:

(1) Con số này được cho là chừng 60-70 ngàn người.

(*) Bài viết đã đăng trên chuyên san “Tuần Việt Nam” của mạng tin “VietNamNet”. Bản trên NCTG là bản gốc của người dịch.

Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ từ hồi ký “Những cột trụ” (Cölöpök – Horn Gyula, 1991) - Còn tiếp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn