20 năm trước: GORBACHEV ĐÃ NGĂN CHẶN MỘT CUỘC ĐỔ MÁU LỚN TẠI ĐÔNG ĐỨC

Thứ ba - 10/11/2009 10:19

Nhờ quyết định của Mikhail Gorbachev mà Berlin tránh được một cuộc tắm máu vào năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ - đó là khẳng định của sử gia Vladimir Fyodorovsky, cố vấn ngoại giao thời đó của vị tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.


Mikhail Gorbachev và Erich Honecker tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập CHDC Đức (6-10-1989) - Ảnh: Peter Turnley


Trước nay, liên quan đến Đông Đức năm 1989, đa phần công luận mới chỉ biết đến vai trò của Gorbachev trong những diễn biến trước khi bức tường Berlin sụp đổ, như việc lãnh tụ Liên Xô “làm ngơ” trước động thái Hungary dỡ bỏ Bức màn sắtmở biên giới cho người tị nạn Đông Đức sang Phương Tây; hoặc câu nói nổi tiếng của ông trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập CHDC Đức, theo đó những ai chậm chân sẽ bị lịch sử đào thải.

Tuy nhiên, theo ông Fyodorovsky thì công lao của Gorbachev đối với Đông Đức còn lớn hơn nhiều vì ông đã ngăn chặn được một cuộc đổ máu lớn khi bức tường Berlin sụp đổ, do phe cứng rắn trong Ban lãnh đạo thượng đỉnh Liên Xô đương thời muốn ngăn chặn bằng mọi giá những biến chuyển mạnh mẽ tại Đông Đức và họ đã chuẩn bị tất cả cho một hành vi can thiệp như vậy.

Trong hồi ký mới được ấn hành bằng tiếng Pháp cách đây ít lâu, phần viết về sự sụp đổ của bức tường Berlin, ông Fyodorovsky cho hay: phe cứng rắn “đã tính đến con số hàng ngàn nạn nhân thiệt mạng trong quá trình “tái lập trật tự”, giới bác sĩ cũng đã chuẩn bị “vào cuộc”, tất cả đều đã sẵn sàng cho công tác cứu thương. Nhưng quyết định can thiệp đã không được đưa ra”.

Theo cựu cố vấn ngoại giao, năm 1989, trong Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Liên Xô, những quyết định quan trọng được đưa ra bởi 5 lãnh tụ. Trong số đó, Vladimir Kryuchkov (chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia KGB) và nguyên soái Dmitry Yazov (bộ trưởng Quốc phòng) tuy có ủng hộ cải tổ (perestroika) trên một số góc độ nào đó, nhưng họ muốn ngăn chặn sự sụp đổ của cả hệ thống.

Hai nhân vật khác – tư tưởng gia chính yếu, “cha đẻ” của quá trình cải tổ Alexander Yakovlev và ngoại trưởng Eduard Shevardnadze – thì theo hướng cởi mở, đấu tranh chống lại sự tồn tại của chủ nghĩa cộng sản theo mô hình Stalinist.

Trên cương vị “quan tòa” có tiếng nói quyết định, với cảm quan được Fyodorovsky đánh giá là tuyệt vời, Gorbachev đã khéo léo dàn hòa được những quan niệm đối đầu vì đối với ông, giải pháp hòa bình là điều quan trọng duy nhất. Theo diễn đạt của sử gia này, Gorbachev đã “lùi một bước để tiến hai bước và bằng cách ấy, ông đã tránh được biển máu”.

Theo hồi tưởng của vị cựu cố vấn ngoại giao, phe cứng rắn không bao giờ dám đối đầu một cách trực diện với Gorbachev và sự khủng hoảng kinh tế tại các quốc gia vùng Đông Âu cũng có vai trò trong các quyết định được đưa ra. Khi dân Đông Đức ồ ạt sang Phương Tây qua ngả Hungary, Yakovlev nói với ông: “Càng tốt, giờ thì mọi thứ là không thể đảo ngược…

Tuy nhiên, Fyodorovsky cho rằng những sự kiện lúc đó đã nhanh chóng vượt quá tầm suy nghĩ và kiểm soát của phe cải tổ, những người hình dung sự cải thiện tình thế như một quá trình tiến triển từng bước và có thể mặc cả dần dần, chứ không quá bất ngờ như những gì đãy xảy ra.

Tuyên bố “ngẫu hứng” của Günter Schabowski, phát ngôn viên Đảng Cộng sản Đông Đức về việc mở biên giới “tức thì” đã quyết định tất cả. “Nếu không có sai lầm của Schabowski, sẽ phải trả giá nhiều hơn và lâu hơn để phá bỏ bức tường Berlin. Nhưng sự sụp đổ của nó là không tránh khỏi: đó là bộ máy vận hành của lịch sử” - cựu cố vấn ngoại giao của Gorbachev nhấn mạnh.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn