20 năm trước: CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý ĐẦU TIÊN CỦA CỘNG HÒA HUNGARY DÂN CHỦ

Thứ bảy - 28/11/2009 23:31

(NCTG) Ngày 26-11-1989 đã đi vào lịch sử Hungary thế kỷ XX như thời điểm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý (TCDY) đầu tiên của Đệ tam Cộng hòa Hungary dân chủ.


Cử tri Hungary tham dự cuộc TCDY đầu tiên năm 1989


Thường được biết đến với cái tên “TCDY 4 có” (négyigenes), cuộc TCDY này được tiến hành do đề nghị của 4 chính đảng có mặt trong Bàn tròn Đối lập (EKA - Ellenzéki Kerekasztal, một liên minh của các đảng phái và các tổ chức đối lập Hungary).

Tất cả cho một biến chuyển dân chủ hòa bình

Từ mùa xuân năm 1989, Bàn tròn Đối lập và MSZMP (Đảng Công nhân Xã hội, tức Đảng Cộng sản, chính đảng cầm quyền khi đó tại Hungary) đã thỏa thuận rằng sẽ cùng nhau khởi thảo những điều kiện luật pháp – chính trị cho quá trình chuyển tiếp dân chủ.

Ngày 13-6, tại Nhà Quốc hội Hungary, đã bắt đầu các cuộc đàm phán mang tên Bàn tròn Dân tộc (Nemzeti Kerekasztal), một “Hội nghị Diên hồng”  thế kỷ XX của Hungary với sự tham gia của MSZMP, EKA và đại diện các tổ chức xã hội quy tụ trong Bên Thứ ba (Harmadik Oldal), để thảo luận về sự hình thành của mô hình nhà nước pháp quyền dân chủ đa đảng.

Ngày 18-9, các bên tham dự Bàn tròn Dân tộc đã có được sự đồng thuận trong 6 dự luật căn bản để trình lên Quốc hội (về Hiến pháp sửa đổi, về Tòa án Hiến pháp, về sự hoạt động và kinh tài của các đảng phái, về bầu cử Quốc hội, về Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi). Các vấn đề còn bỏ ngỏ (trong số đó, có hình thức lựa chọn tổng thống Cộng hòa) được chuyển cho các ủy ban chuyên trách.


Phe đối lập tại các cuộc đàm phán của Bàn tròn Dân tộc (Antall József, Szabad György, Pető Iván, Orbán Viktor, Torgyán József)


Khi đó, đảng đối lập Liên đoàn Dân chủ Tự do SZDSZ cho rằng, Ban lãnh đạo cộng sản không chịu đưa ra bất cứ nhượng bộ đáng kể nào: họ không muốn đình chỉ hoạt động các chi bộ đảng tại các công sở, nơi làm việc; không chịu liệt kê tài sản do đảng sở hữu hoặc quản lý; không đồng ý giải tán Đội Cảnh vệ Công nhân (tổ chức vũ trang, được coi là “đạo quân của đảng”) và muốn bầu tổng thống trước khi tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội tự do.

Trên cơ sở ấy, SZDSZ đề xuất rằng Hungary hãy tổ chức TCDY cho những vấn đề còn tồn tại và vào ngày 24-9, với việc đưa ra những câu hỏi cần giải quyết bằng “dân ý”, SZDSZ đã tiến hành thu thập chữ ký của cử tri.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, lượng chữ ký tối thiểu (100 ngàn) cho một cuộc TCDY đã được thu thập và ngày 17-10, chủ tịch Quốc hội Szűrös Mátyás đã trao một hồ sơ gồm 140 ngàn chữ ký cử tri cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia. Ngày 31-10, Quốc hội Hungary công bố thời điểm của cuộc TCDY đầu tiên: 26-11-1989!

Không bỏ phiếu cho quá khứ…

Trong chiến dịch vận động trước kỳ TCDY, bên cạnh SZDSZ, các đảng đối lập Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ, Đảng Tiểu chủ Độc lập (FKGP) và Đảng Xã hội Dân chủ Hungary (MSZDP) cũng đề nghị các cử tri Hungary trả lời “có” cho 4 câu hỏi được đặt ra:

- Anh (chị) có đồng ý rằng tổng thống Hung sẽ chỉ được bầu sau cuộc bầu cử Quốc hội Hungary?

- Anh (chị) có đồng ý để các tổ chức đảng phải rời khỏi các công sở hay không?

- Anh (chị) có đồng ý để đảng MSZMP phải liệt kê tài sản có trong sở hữu của họ, hoặc do họ đang quản lý?

- Anh (chị) có đồng ý phải giải tán Đội Cảnh vệ Công nhân?


Đoạn phim vận động của SZDSZ với khẩu hiệu “Ở nhà, nghĩa là bạn bỏ phiếu cho quá khứ!


Những tuần trước thời điểm 26-11, đường phố Hungary tràn ngập những tờ rơi, poster có khẩu hiệu: “Ở nhà, nghĩa là bạn bỏ phiếu cho quá khứ!” để thúc giục cư dân đi tham dự cuộc trưng cầu.

Đảng Xã hội Hungary MSZP (hậu duệ của Đảng Cộng sản MSZMP, được thành lập bởi những yếu nhân theo xu hướng cải tổ của MSZMP) bảo lưu ý kiến trước đây, rằng cần để cử tri trực tiếp bầu tổng thống Cộng hòa trước khi bầu cử Quốc hội. Tuy nhiên, MSZP cũng cho biết rằng trong 3 vấn đề còn lại của cuộc TCDY, đảng sẽ tuân thủ các nghị định của Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ), và sẵn sàng chấp nhận các quyết định của Quốc hội.

Như thế, “truyền thống” đảng đứng trên Chính phủ và Quốc hội của các đảng cầm quyền tại Hungary, đã chấm dứt trước khi “dân ý” được thể hiện trong cuộc trưng cầu dân chủ đầu tiên!

… để hướng tới tương lai!

Cần biết là trong 4 câu hỏi, thực chất chỉ có câu thứ nhất là quan trọng vì cho đến thời điểm diễn ra TCDY, 3 câu hỏi sau đã được giải quyết bằng những đạo luật được Quốc hội Hungary phê chuẩn trong tháng 10-1989.

Tuy nhiên, việc đại đa số cử tri Hungary (chừng 95%) đã bỏ phiếu “có” cho những câu hỏi sau, chứng tỏ cư dân nước này không còn chấp nhận thể chế cũ.

Họ không muốn các tổ chức đảng hoành hành tại nơi làm việc, chi phối thô bạo và vô lối đời sống xã hội và công việc của họ.

Họ không muốn Đảng Cộng sản sở hữu và ngự trị một phần đáng kể tài sản của đất nước.

Họ không muốn sự tồn tại – như một dạng “kiêu binh” - của bất cứ tổ chức vũ trang nào, do các đảng phái chỉ đạo và hoạt động phục vụ lợi ích của các đảng phái.


Công tác điểm phiếu


Đáng chú ý là trong vấn đề đầu, chênh lệch giữa những ý kiến “có” (50,07%) và “không” (49,93%) là không đáng kể: 6.101 phiếu. Điều dó có nghĩa là, bên cạnh một đa số tối thiểu tin tưởng vào sự công minh của một Quốc hội do họ bầu ra, thì vẫn còn rất nhiều cử tri muốn thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình, để xác định người được coi là đại diện cho ý nguyện của một dân tộc, một quốc gia.

Tuy nhiên, có lẽ mối nghi ngại đó đã được giải tỏa hoàn toàn với những sự kiện diễn ra sau đó. Ngày 3-8-1990, các dân biểu được cử tri Hungary lựa chọn trong cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ đã bầu nhà văn, dịch giả Göncz Árpád – người từng bị án tù chung thân do tham gia cách mạng 1956 - giữ cương vị tổng thống đầu tiên của Đệ tam Cộng hòa Hungary!

Trần Lê tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn