Ký giả Andrew Nagorski
Phân tích về những nguyên nhân của “trận chiến lớn nhất”, Nagorski đã bác bỏ những huyền thoại của trận chiến Moscow, thường được truyền tụng trong những thập niên qua.
Ngày 30-9-1941, Hitler mở cuộc tấn công thủ đô của Liên bang Xô-viết. Cuộc đại chiến giữa hai đạo quân Đức và Liên Xô, gồm tổng cộng 7 triệu quân nhân, kéo dài đến ngày 20-4-1942, với thất bại thuộc về quân đội phát-xít.
Trong tổng số 2,5 triệu binh lính bị thiệt mạng đối với cả hai bên, phần tổn thất thuộc về quân đội Liên Xô chiếm tới 2 triệu, tuy nhiên, Moscow đã không lọt vào tay người Đức và đây là một bước ngoặt quyết định trong tiến trình của Đệ nhị Thế chiến.
Có điều, lịch sử trận chiến này vẫn bị rơi vào quên lãng vì bộ máy tuyên truyền Xô-viết thời đó coi Stalin là “thiên tài quân sự”, “bất khả sai lầm”, còn người dân Liên Xô được mô tả như những con người đồng hướng đồng lòng, đoàn kết như một và xả thân chống lại quân xâm lăng.
Thực tế thì khác hẳn: do những sai lầm, dốt nát trong quân sự và bản tính tàn bạo của Stalin, quân đội Đức đã tiến đến rất sát Moscow. Trong thành phố, sự hoảng loạn bao trùm: những kẻ cướp bóc xuất hiện, công nhân đình công, những sự kiện dã man diễn ra. Phân nửa cư dân Moscow đào tẩu.
Chiến thắng của Liên Xô, thực chất, cũng không phải là hiển nhiên, vì Hồng quân không hề mạnh hơn quân đội Đức và theo tác giả Nagorski, nếu quân đội Đức không chờ đến mùa đông, mà tổng tấn công sớm hơn vào mùa xuân thì họ đã có thể đạt được những chiến thắng lớn.
Bởi lẽ, trong trường hợp Moscow thất thủ, quân đội Liên Xô sẽ phải chịu một đòn chí mạng vì trên cương vị trung tâm chính trị, quân sự, công nghiệp và tụ điểm giao thông chính của đất nước và đây là tổn thật không thể bù đắp đối với Ban lãnh đạo Xô-viết.
Bìa cuốn sách “Trận chiến lớn nhất”, bản Anh ngữ
Căn cứ những tư liệu mật được bạch hóa từ những kho thư khố Liên Xô - chủ yếu là những hồ sơ của cơ quan mật vụ chính trị NKVD khét tiếng -, cũng như loạt bài phỏng vấn con cháu những người sống sót, những lãnh đạo dân sự và quân sự Liên Xô, “trận chiến lớn nhất” đã phản ánh một cách thú vị và ly kỳ câu chuyện về sự đối đầu đáng kể đầu tiên giữa hai thể chế toàn trị.
Cuốn sách của tác giả Andrew Nagorski thuật lại cuộc chiến Moscow một cách lý thú, dễ hiểu ngay cả với những người không thông thạo đề tài này, và cho thấy: vẫn còn rất nhiều trang của Đệ nhị Thế chiến cần được giới sử gia Nga viết lại (cho dù, như những động thái hiện tại cho thấy, điều này gần như vô vọng).
Trích đoạn một nhận định trong sách:
“Trận chiến Moscow chứng tỏ nhân dân Xô-viết trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đã không hề đồng tâm nhất trí và can trường, như khẳng định của bộ máy tuyên truyền chính thống… Tất cả những điều này khác biệt cơ bản với hình ảnh đất nước Liên Xô thời Stalinist, và với sự tuyên truyền chính thống, theo đó, người dân Liên bang Xô-viết, trong khoảnh khắc hiểm nguy nhất, đã chứng tỏ lòng quả cảm vô song và sự đồng lòng vững chãi. Vì vậy, sách sử Liên Xô đã tô hồng những sự kiện này rồi chuyển nhanh sang các trận chiến lớn khác, nơi họ không phải lẩn tránh một cách thận trọng những vấn đề khó xử như thế.
Điều trớ trêu của số phận là sự tô hồng ấy đã làm mờ nhạt đi chiến công của những hùng thực sự, và góp phần khiến trận chiến Moscow chỉ đóng vai trò thứ yếu trong sự hình dung của hậu thế về cuộc chiến: những sự kiện có tầm quan trọng then chốt bị bao phủ bởi làn mây mù nhân tạo. Những người bảo vệ Moscow đã phải trả giá vô cùng đắt, nhưng họ đã đã thay đổi diễn tiến của lịch sử, không chỉ của đất nước họ, mà của tất cả các dân tộc tham chiến chống phát-xít Đức”.
(*) Andrew Nagorski (sinh năm 1947) là BTV cao cấp của “Newsweek International”, đã được nhiều giải thưởng báo chí lớn trên cương vị phóng viên thường trú tại nước ngoài của báo. Là trưởng văn phòng “Newsweek” tại Nga, ông đã tác nghiệp ở Moscow trong hai nhiệm kỳ; ông cũng từng làm việc ở Warsaw, Rome, Hồng Kông, Washington, Bonn và Berlin trên cương vị trưởng phòng.
Năm 1993, Andrew Nagorski xuất bản cuốn “The Birth of freedom” (Sự ra đời của tự do) về các quốc gia Đông Âu thời hậu cộng sản. Cuốn sách “The Greatest Battle” (Trận chiến lớn nhất), ra mắt tại Anh tháng 9-2007, hiện đã được dịch ra 9 thứ tiếng, trong đó có tiếng Nga và Hungary vào cuối năm ngoái.
Trần Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn