CHÂN DUNG STALIN LÊN VỎ CHAI NƯỚC GIẢI KHÁT

Thứ năm - 11/02/2010 15:37

(NCTG) Nhân kỷ niệm chiến thắng Stalingrad trong Đệ nhị Thế chiến, một doanh nghiệp tại thành phố Volgograd đã cho “ra lò” loại nước giải khát có ga mang tên Sayani, trên vỏ chai có chân dung Stalin.

Hoài niệm quá khứ

Cạnh “Nhà độc tài đỏ”, doanh nghiệp địa phương chuyên sản xuất nước giải khát này còn “dựng dậy” hàng loạt huyền thoại quân sự thời Chiến tranh Vệ quốc: loại nước Baikal được biết đến từ lâu (và được coi như Coca Cola của Nga) thì chai có hình “lưỡng quốc thống chế” (Liên Xô và Ba Lan) Konstantin Rokossovsky (1896-1968), còn vỏ chai nước Tarkhun mang hình nguyên soái Georgy Zhukov (1896-1974), nhà chỉ huy quân sự vĩ đại nhất Đệ nhị Thế chiến.

Trả lời câu hỏi của tờ “Komsomolskaya Pravda” (Sự thật Thanh niên), giám đốc doanh nghiệp, ông Boris Izgarsev khẳng định: không có gì xấu ở đây cả, cả ba vị tướng đều là những nhân vật lịch sử vĩ đại. “Muốn hay không, đây là lịch sử của chúng ta, chính Stalin đã chiến thắng trong cuộc chiến, còn hai nguyên soái Rokossovsky và Zhukov thì tham dự trực tiếp vào chiến thắng Stalingrad”, ông nói.

Ông Boris Izgarsev cho biết thêm rằng, ba loại nước giải khát này đều đã từng rất được ưa chuộng dưới thời Xô-viết, nên hãng quyết định cho chúng mang chân dung ba nhân vật lịch sử nhân dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Stalingrad vào ngày 2-2 vừa qua.

Được biết, ba loại nước đó đã được đóng chai (số lượng hạn chế) với những chân dung trên, và được đưa vào các cửa hiệu với giá khuyến mại 50%. Giám đốc Izgarsev nói rằng ông cũng tính đến những lời xì xào, phê phán, nhưng ông sẽ không lùi bước vì ông chỉ muốn đưa ra một đồ lưu niệm mới cho địa phương, thành phố từng mang tên Stalin.

Quả thực, Chi hội Cựu chiến binh thành phố đã lên tiếng phản đối: cho dù thừa nhận rằng hai vị nguyên soái là những bậc kỳ tài quân sự, cũng như, Stalin từng là Tổng tham mưu trưởng Hồng quân, nhưng họ cho rằng những cựu binh sống sót qua những kỳ thanh trừng, khủng bố Stalinist hẳn sẽ không hứng thú gì khi uống loại giải khát từ chai có hình Stalin.

Lẽ ra đầu tiên họ phải hỏi qua chúng tôi cái đã chứ! Tôi chắc chắn rằng đa số sẽ không thích sáng kiến đưa Stalin lên nước giải khát! Chuyện này  còn khiến chúng tôi bị chia rẽ và đó là điều chúng tôi ngán nhất!”, ông Stanislav Gorokhov, người đứng đầu nhóm cựu chiến binh Volgograd nhấn mạnh.

Stalin vẫn được nhiều người ưa chuộng ở Liên bang Nga

Joseph Stalin, vị lãnh tụ đã đưa nhiều triệu người vô tội (trong số đó, có rất nhiều cựu đồng chí của ông) đến đoạn đầu đài hoặc tới hệ thống ngục tù khổ sai Gulag, ngày nay vẫn được nhiều người ở Nga kính trọng và tôn thờ, khiến những nhà hoạt động nhân quyền phải thường xuyên lên tiếng phản đối nguy cơ tái diễn của sự sùng bái vô độ dành cho Stalin.

Mạng tin trực tuyến NEWSru nhắc tới một thực tế: mọi thăm do dư luận trong những năm gần đây đều cho thấy, hình tượng vị “thủ lĩnh của muôn dân” ngày càng trở nên huyền thoại, và được ưa chuộng ngay cả trong giới thanh niên: nhiều người dân Nga còn muốn dựng những tượng đài mới của ông, hoặc đặt tên ông cho phố xá.

Một cuốn sách giáo khoa được Bộ Giáo dục Liên bang Nga liệt vào danh mục “sách cần xem” của giới học sinh gọi Stalin là “anh hùng” và là một trong những “lãnh tụ thành công nhất của Liên Xô”.

Một chương trình truyền hình tổ chức trưng cầu ý kiến về nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử Nga đã “gặp vấn đề” khi quá nhiều người muốn “đề cử” Stalin và cuối cùng, đã phải thay đổi các luật chơi để Stalin khỏi giành vị trí đầu.

Dầu sao đi nữa, cái tên Stalin vĩnh viễn gắn liền với trận chiến kéo dài hơn nửa năm thời Đệ nhị Thế chiến ở Stalingrad, một trung tâm công nghiệp, giao thông có vai trò chiến lược của Liên Xô. Đây được coi là trận chiến vĩ đại nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, với tổn thất về phía Phe Trục (Đức, Ý, Hungary) là gần 1 triệu (nguyên soái Zhukov đưa ra con số 1,5 triệu) và phía Hồng quân Liên Xô là chừng 1,1 triệu.

Mở màn vào ngày 22-6-1942 (kỷ niệm 1 năm ngày phát-xít Đức tấn công Liên bang Xô-viết) với lực lượng chủ lực là Tập đoàn quân số 6 của đại tướng Friedrich von Paulus, cuối mùa hạ 1942, quân đội Đức đã đẩy Hồng quân tại Stalingrad vào tình thế nhiều lúc tưởng chừng hoàn toàn tuyệt vọng.

Tuy nhiên, những người lính Nga với tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song - và với mệnh lệnh của Stalin “không lùi một bước” (cho phép bắn bỏ mọi sĩ quan và quân nhân rút lui khi không có chỉ thị văn bản) đã biến Stalingrad thành một pháo đài khồng lồ.

Hồng quân và cư dân Stalingrad (trong đó có cả phụ nữ và trẻ em) đã tử thủ đến cùng, vượt qua mọi đợt tấn công mãnh liệt và hết sức can trường của quân Đức, những người theo lệnh của Quốc trưởng Hitler, phải chiếm bằng mọi giá được thành phố mang tên Stalin.

Trung tuần tháng 11-1942, Hồng quân bắt đầu phản công và chiến sự kéo dài qua mùa đông khắc nghiệt cho đến ngày 2-2-1943, khi đại tướng Friedrich von Paulus, ngay sau khi được Hitler phong hàm thống chế, đã tuyên bố đầu hàng trước tình cảnh hoàn toàn vô vọng.

Các nguyên soái Zhukov và Rokossovsky tại Lễ mừng chiến thắng

Trong trận chiến Stalingrad, Tư lệnh Phương diện quân Sông Đông Rokossovsky (hồi đó mang hàm trung tướng) và Phó Tổng tư lệnh Tối cao Xô-viết Zhukov (mang hàm đại tướng) đã có công lao và để lại dấu ấn lớn về những chiến tích trên bình diện nghệ thuật quân sự.

Trong Lễ mừng chiến thắng đầy ấn tượng ngày 24-6-1945 trước Điện Kremlin (Hồng trường, Moscow), Zhukov và Rokossovsky cũng là hai lãnh đạo quân sự được nhận vinh dự duyệt đội hình diễu binh.

Trần Lê tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn