STALIN VẪN ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI NGA ĐÁNH GIÁ CAO

Thứ bảy - 09/01/2010 12:34

(NCTG) Theo đa số cư dân Nga, Stalin “công nhiều hơn tội”, nhưng họ không muốn một lãnh tụ như thế đứng đầu Liên bang Nga hiện tại – đó là kết quả một điều tra được tiến hành nhân 130 năm ngày sinh của nhà độc tài.

Từ năm 1998 đến nay, hàng năm, cứ vào 18-12 (ngày sinh của Stalin), Viện Nghiên cứu Công luận Toàn Nga (VCIOM) lại tổ chức thăm dò dư luận về sự đánh giá của cư dân về vị lãnh tụ một thời của Liên Xô. (*)

Kết quả của trưng cầu cho thấy, năm nào cũng có nhiều người cho rằng Stalin là “một kẻ độc đoán khắt khe, vô nhân đạo, tay nhuốm máu nhiều triệu người vô tội”, tuy nhiên, một bộ phận đáng kể của xã hội Nga vẫn nhận định rằng “những sai lầm, tội ác được cho là của Stalin không có ý nghĩa gì đặc biệt, điều căn bản là dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước đã giành được chiến thắng trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”.

Tiếp đó, 17% nhận định rằng Stalin là “một thủ lĩnh anh minh, đã đưa Liên Xô trở thành cường quốc và khiến đất nước phồn thịnh”. Theo 15% số người được hỏi, “trong hoàn cảnh bấy giờ, khi đấu tranh giai cấp diễn ra quyết liệt và sự đe dọa đến từ nước ngoài, chỉ một lãnh tụ cứng rắn mới có thể duy trì được trật tự trong đất nước”.

Ngoài ra, 11% thì suy luận rằng, nước Nga “không thể tồn tại được nếu không có một thủ lĩnh như kiểu Stalin, trước sau cũng sẽ xuất hiện một người như vậy và sẽ lập lại trật tự”.

Ông Valery Fyodorov, giám đốc Viện VCIOM cho biết: xét về tổng thể, số người đánh giá tích cực sự nghiệp của Stalin – đa số đã đứng tuổi - vẫn chiếm số động, so với những người coi ông là một kẻ độc tài. Ở lứa trung niên, tỉ lệ này xấp xỉ 50-50%, còn thanh niên thì đơn thuần không quan tâm đến Stalin.

Đánh giá về tầm vóc của Stalin, 54% số người được hỏi cho rằng ông “hơn mức trung bình” hoặc “xuất sắc”, và trong số này, có cả những người coi Stalin như một kẻ độc đoán. Đáng chú ý là chỉ có 29% muốn lãnh tụ của Liên bang Nga hiện tại là người như Stalin, và 58% thì phản đối điều đó. Theo ông Fyodorov, như vậy có nghĩa là người dân đã thấy có khoảng cách lớn giữa những công lao lịch sử của ai đó, và việc có muốn tiếp nhận những phương pháp của người đó hay không.

Đa số dân Nga nghĩ về thời kỳ Xô-viết với sự hoài nhớ, nhưng tỉ lệ này từ nhiều năm nay ngày càng giảm – đó là thống kê của Trung tâm Levada nhân ngày 25-12 (thời điểm lãnh tụ Mikhail Gorbachev từ chức nguyên thủ quốc gia cuối cùng của Liên Xô vào năm 1991).

Năm 2000, còn có 75% số người được hỏi cho rằng sự tan rã của Liên bang Xô-viết là đáng tiếc, nhưng đến giờ tỉ lệ này giảm xuống 61%. Tuy nhiên, vẫn có 57% cho rằng có thể tránh khỏi “thảm họa” đó, và 16% (tăng 3% so với năm ngoái) muốn tái lập mô hình Liên Xô cũ.

(*) Cho đến năm 1920, trong tất cả các hồ sơ, giấy tờ, ngày sinh của Stalin được coi là 18-12-1878. Ngay trong bản lý lịch viết tay năm 1920, Stalin cũng khai ngày này. Tuy nhiên, từ khi lên nắm quyền vào năm 1922, bỗng dưng thời điểm này được đổi thành 21-12-1879 và đây được coi là ngày sinh chính thức của nhà độc tài.

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn