Nguyên do rất đơn giản: thứ Năm hàng tuần là ngày Merkel có chương trình tắm hơi và bức tường Berlin ngẫu nhiên được mở đúng vào một ngày thứ Năm, 9-11-1989. Tuy nhiên, trước khi đi, Merkel còn gọi điện thoại cho thân mẫu bà và nói, “
một cái gì đó sẽ diễn ra trong hôm nay”.
Rồi, nữ khoa học gia đang làm việc và nghiên cứu tại Viện Hóa Lý Trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đông Đức tới bể tắm hơi theo thói quen của mình, không thể ngờ rằng giữa chừng, lịch sử đã đi theo con đường của nó: viên gạch đầu tiên trong bức tường Berlin được tháo dỡ.
Trở về nhà sau khi tắm xong, Merkel cũng bị cuốn theo dòng sự kiện. Đêm hôm đó, bà “
qua đêm” tại một căn hộ ở Tây Berlin với những người đồng hương không quen biết, và lần đầu tiên có dịp cầm chai bia Tây Đức trong tay để đón mừng biến cố trọng đại này.
Để có được cái đêm bất ngờ và cuồng điên ấy, Merkel phải cám ơn
Günter Schabowski,
thành viên sáng giá nhất của nhánh “
cải tổ” trong Ban lãnh đạo CS Đức, người được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ thông báo về quy định mới cho phép công dân Đông Đức xuất ngoại dễ dàng hơn.
Được giới ký giả ngoại quốc đột ngột hỏi quy định mới sẽ có hiệu lực từ khi nào, Schabowski lưỡng lự, rồi đưa ra câu câu nói “
hớ” định mệnh, được coi là trớ trêu nhất của thế kỷ 20: “
Ờ... theo như tôi được biết thì nó có hiệu lực ngay lập tức... Vâng, ngay lập tức, không trì hoãn!” (
sofort, unverzüglich).
Ngay lập tức, truyền thông Phương Tây đồng loạt loan tin “
tường mở rồi”, và vài vạn cư dân Đông Đức
đổ về các cửa khẩu ngăn cách Đông - Tây đòi lực lượng biên phòng CHDC Đức phải mở cổng. Thủ lĩnh của nước Đức thống nhất từ năm 2005, bà Angela Merkel cũng có trong số đó.
Trong khi Merkel còn mải uống bia ăn mừng, các nhân viên cơ quan mật vụ chính trị Stasi đã phải thức suốt đêm để tiêu hủy các hồ sơ mật chứa mọi thông tin tu thập được về cư dân Đông Đức. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, dàn máy không chịu được công suất lớn nên đã ngừng hoạt động.
Thế là giới mật vụ đành phải dùng tay để xé hoặc phóng hỏa đốt những chồng hồ sơ cho tới khi họ kiệt sức. “
Cột mốc đối với chính trị thế giới và trang sử mới tại lục địa Châu Âu” (nhận định Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker sau 30 năm) đã xảy ra như thế, ít ai ngờ tới...