Hồi ký của Soros Tivadar: GIỮA NHỮNG GỌNG KÌM CỦA LỊCH SỬ
Thứ sáu - 18/01/2019 07:31
(NCTG) “Đôi lúc mí mắt tự nhiên ứa lệ bởi lòng trắc ẩn mỗi khi thấy một cảnh đau lòng trong kiếp nhân sinh” (Soros Tivadar).
Soros Tivadar cùng các con trong một tấm ảnh gia đình - Ảnh tư liệu
Lời người dịch:“Sống sót - Thế giới Quốc xã ở Hungary” và “Những chàng Robinson ở Siberia” (Túlélni - Nácivilág Magyarországon; Szibériai Robinsonok) của tác giả Soros Tivadar (1893-1968) được xuất bản bởi NXB Quá khứ và Tương lai (Múlt és Jövő Kiadó, Budapest) năm 2018 là sách bán chạy mùa Giáng sinh vừa qua.
Hai tập hồi ký đều được viết bằng Quốc tế ngữ, thứ tiếng mà Soros Tivadar đã học ngoại mặt trận trong thời gian tham gia quân ngũ thời Đệ nhất Thế chiến. Tập đầu được ấn hành lần đầu năm 1965, sau đó được dịch ra tiếng Anh năm 2000 và tiếng Hung năm 2002. Tập thứ hai được đăng dài kỳ trong tờ tạp chí Quốc tế ngữ do ông sáng lập, tờ “Literatura Mondo”.
Trong lần xuất bản này, hai hồi ký được in trọn bộ cùng các lời tựa của Soros Pál và Soros György là hai con của tác giả, Lời nói đầu của bản tiếng Anh (1965) và phụ thêm các giới thiệu chi tiết của Humphrey Tonkin (dịch giả tiếng Anh), của Kőbányai János (Giám đốc NXB Quá khứ và Tương lai) và của Soros György kể về cha mình qua bài phỏng vấn của Denes Gábor.
Tập sách, nhờ vậy, đã giúp bạn đọc có được cái nhìn tổng thể về một gia đình gốc Do Thái đã linh hoạt sống sót và cứu giúp nhiều người khác thoát khỏi nạn hủy diệt phát-xít. Sách cũng cho độc giả biết thêm về thời kỳ trước đó vài thập niên, khi tác giả bị tù đày ở nhiều địa phương thuộc vùng Siberia trên cương vị một tù bình bị Nga bắt giữ và phải vận lộn với cuộc sống để sống sót.
Hơn thế, vượt lên trên những mạo hiểm cuộc sống là những tấm lòng nhân hậu và ảnh hưởng sâu sắc của Soros Tivadar, người cha tuyệt vời trong nền nếp gia phong thắm đượm tính nhân văn của gia đình gia tộc Do Thái, tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp của hai người con nổi tiếng: Soros Pál (1926-2013), kỹ sư cơ khí, nhà phát minh, nhà hoạch định các cảng biển chiếm tới 40% giao lưu hàng hải trên khắp thế giới và nhà từ thiện của hàng trăm học bổng đại học Mỹ mỗi năm, cũng như nhà tài phiệt huyền thoại, cá nhân duy nhất có vai trò quyết định trong chính trị toàn cầu, được yêu thích và cũng bị chỉ trích hết sức gay gắt ngay tại cố hương hiện nay, Soros György (1930- ).
Tập sách này thật hữu ích cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về nỗ lực sống sót của dân Do Thái 75 năm về trước, khi Budapest thành Stalingrád thứ hai, cũng như hiểu thêm về Soros György cùng ý tưởng Xã hội Mở của ông.
“12 tháng Giêng” (Január 12.) là chương cuối của tập ký sự “Sống sót - Thế giới Quốc xã ở Hungary” trong tập sách vừa xuất bản. Hy vọng những phần khác của sách sẽ được tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam. (Tựa đề do NCTG tạm đặt).
12 THÁNG GIÊNG
Hôm nay là ngày thứ ba liên tiếp, chúng tôi không ra khỏi nhà. Trừ vài lúc tản bộ trong sân hít thở khí trời, phần lớn thời gian chúng tôi ở lì trong phòng. Tất cả đều mặc đồ ấm như đi trượt tuyết. Bên ngoài gió rít lùa hơi lạnh qua các khung cửa sổ. Luôn vọng lại những tiếng đì đùng, thi thoảng rộn lên một hồi súng liên thanh. Không thể tập trung đọc được nên đầu óc luôn căng với những phán đoán thời sự. Tâm thái mỗi người có phần đã làm quen với cuộc chiến từ ngày quân Đức chiếm đóng thành phố.
Trong tâm trạng của kẻ bị xua đuổi, tôi đã cảm thông phần nào với tình cảnh của những nạn nhân. Cảm giác xấu hổ cùng nỗi bất lực chạy khắp người khi nghe một tin về những hành động man rợ của phát-xít Nhật, hay nghe tin về tình cảnh cùng của người da đen Châu Phi… cứ vận vào mình như bản thân cũng gánh phần trách nhiệm về khổ nạn của toàn thế giới vậy.
Nhiều năm sau, cảm giác này đôi lúc lại ập đến trong tôi mỗi bận đứng dậy nhường chỗ cho một bà lão da đen ốm yếu trên tầu điện ngầm giờ tan tầm. Đôi lúc mí mắt tự nhiên ứa lệ bởi lòng trắc ẩn mỗi khi thấy một cảnh đau lòng trong kiếp nhân sinh.
Lòng hận thù hình như không bao giờ nhen nhú trong tôi. Hai người anh ruột và rất nhiều bạn thân của tôi là nạn nhân của phát-xít Đức, song chưa bao giờ tôi đánh đồng Hitler với nhân dân Đức. Tôi luôn gắng giải thích và chia sẻ cùng các con của mình.
Sáng ngày 12 tháng Giêng, một sự kiện xảy ra, cứ như định mệnh muốn kiểm chứng điều này. Một tiếng choang dội từ phòng tắm. Gì vậy? Cậu con chạy xem và hớt hải:
- Một lính Đức trong phòng tắm!
Cả nhà ùa vào: một lính Đức tóc vàng hoe lõa xõa, mắt xanh, lặc lè súng ống… đang loay hoay trong phòng tắm.
Cửa kính đục mờ luôn được khép chặt, đã vỡ toang.
Thật ngẫu nhiên, một chú lính trẻ măng đại diện của đế chế vĩ đại, đứng đây, trước bốn người Do Thái. Những người Do Thái này, giờ đây hoàn toàn có thể cũng trả thù bằng sự dã man, tàn bạo như lính Đức đã gây ra cho hàng triệu đồng bào Do Thái của họ!
Với cặp mắt xanh, mái tóc vàng hoe người lính này là hiện thân cho giống thượng đẳng với cuồng vọng muốn hủy diệt cả những giống người hạ đẳng khác, nô lệ hóa cả nhiều triệu người khác. Ân oán phải trả theo đạo lý cố hữu “mắt đền mắt, răng trả răng”? Có thể coi anh ta cũng là tội phạm? Có thể buộc tội anh ta bởi những gì có thể anh ta đã không phạm, mà có thể bản thân anh ta cũng không đồng tình? Không hiểu thực tế cuộc sống có cho chúng ta những điều kiện để cân nhắc luận tội như vậy không?!
Rốt cuộc, chúng tôi chẳng làm gì cả.
- Wie alt sind Sie? Tôi buộc miệng: “Anh bao nhiêu tuổi?”.
- Mười bảy. Anh lính dõng dạc trả lời.
- Hút thuốc không?
- Hút.
Nhận một điếu thuốc, anh ta rít một hơi dài. Rồi kể: Vừa đến ngõ thình lình thấy một xe tăng Xô-viết đậu trước tòa nhà (có lẽ từ đó đã dội lên những tràng liên thanh). Anh ta trốn vào tầng hầm của tòa nhà, rồi lần mò theo đường sáng định chui ra sân, mò mẫm dẫm lên tấm kính mờ vỡ toang và tụt vào phòng tắm này.
Chuyện trò độ mươi phút, đến lúc phải quyết làm gì với chú lính này. Thấy khóe mắt Gyuri (*) lúc đó 14 tuổi như ươn ướt, dúi vào tay người lính cả bao thuốc còn lại, tôi nói như ra lệnh:
- Hãy chui khỏi phòng này và quay lại thoát ra theo đường cũ.
Giúp chú lính trèo lên bậc cửa phòng tắm. Chú lính - đại diện bất đắc dĩ của của thống chế Đức Quốc xã - mau chóng thoát khỏi khu nhà Do Thái. Có thể đã không chu đáo, quên không mách chú phải cẩn thận ra sao, quên không đưa chú thêm bộ quần áo dân thường… ngõ hầu giúp chú an toàn thoát khỏi vòng vây của Xô-viết.
Không được như những con chiên ngoan đạo, chúng tôi đã không hoàn toàn tuân theo lời Đức Chúa: “Người ném ta hòn đá, ta ném lại bằng ổ bánh mỳ”! Nỗi bất hạnh khủng khiếp trùm lên dân tộc Đức: đã trượt dài từ một nước Đức văn minh của Goethe, Schiller, Beethoven... đến thân phận lính nô lệ cho cuồng vọng của thống chế Hitler! Chúng tôi đã nhiều lần phải thốt lên như thế mỗi dịp chuyện trò về thân phận dân tộc Đức. Thời đầu của Đế chế (**), không ai kể cả bản thân Hitler thấy trước được sự hủy diệt khủng khiếp này!
Năm 1933, một ngày trước khi Hitler nắm quyền, Bộ trưởng Nội vụ (sau thành Bộ trưởng Tuyên truyền) Goebbels liên tiếp cho gọi các luật sư gốc Do Thái đến và thông báo rằng phát-xít sẽ lên cầm quyền và khuyên họ nên mau chóng rời khỏi nước Đức. Một bạn hữu hành nghề luật sư đã kể với tôi như thế.
Thế nghĩa là trong sâu thẳm thâm tâm dù đen tối vẫn tiềm ẩn đâu đó một tấm lòng trắc ẩn, hay một ân đức tốt lành tương tự.
Thời kỳ đầu của chính quyền Hitler, người Đức còn ủng hộ để dân Do Thái di cư đến Palestina, thậm chí cho còn phép mang theo gia sản. Cũng như vậy, ở Hung, những người lập công trong Thế chiến 1, được thưởng Huy chương bạc Hiệp sĩ đã không bị coi là Do Thái. Nhưng chỉ trong vòng chưa đến chục năm, mọi điều khoản luật định đều đã không còn hiệu lực. Tận diệt sắc dân Do Thái đã trở thành mục tiêu tối thượng. Hơn thế, với các nhóm người thuộc các chủng tộc hạ đẳng khác cũng vậy!
Trong một tài liệu tôi đọc: người Đức trong Thế chiến 2 đã giết 15 triệu người Nga, 2 triệu dân Ba Lan, 1 triệu người Hy Lạp, 1 triệu người Nam Tư. Hủy diệt 5 triệu người Do Thái, 2 triệu Tzigane và nhiều người thuộc các chủng tộc khác.
Than ôi, loài người đã đủ tỉnh thức để trong tương lai, đoàn kết nhất trí loại trừ một thảm họa như vậy? Không biết được! Hãy hy vọng.
Khắc khoải chờ mong một điều gì mà lại phải chờ đợi quá lâu, nhiều khi ta không còn đủ độ hồ hởi để đón nhận. Thời gian khắc khoải đã bào mòn nhiệt huyết, nên khi đều mong mỏi bấy lâu vụt đến ta chỉ còn lại một cảm giác nhẹ tênh.
Không hồ hởi nhưng như trút một gánh nặng, tôi bâng khuâng nghe nhiều người cùng thầm thì trong hân hoan:
- Hồng quân Xô-viết đã đến!
Đồng hồ chỉ 2 giờ chiều ngày 12 tháng Giêng năm 1945.
Sống sót. Chúng tôi đã sống sót qua cuộc tao loạn hiểm nguy lớn nhất trong đời.
Tôi chạy ra cổng. Thấy ba lính Nga cũng vừa đến, nhìn quân phục tuy nhàu bẩn nhưng đúng là các vị sĩ quan. Tôi chào bằng tiếng Nga:
- Пожалуйста приходите чай пить!
Thân mật, đó là một lời mời: “Mời các Bạn vào nhà xơi chén trà!” - Cũng mang ý nghĩa “Các Bạn cứ tự nhiên!”.
Đúng, họ rất tự nhiên, tự nhiên như tại gia!
Có lẽ do phát hiện ra khả năng tiếng Nga của tôi mà Tiểu đoàn trưởng đóng luôn tại nhà tôi. Thêm ba, bốn sĩ quan, điều khiển cả bốn, năm trăm lính dưới quyền. Vài ấn tượng trong những giờ đầu tiên.
Các sĩ quan vận những bộ quân phục xanh đậm, có lót bông, đều nhầu nát. Tất cả có vẻ rã rời mệt mỏi, song ai cũng hớn hở. Gắng làm một vị chủ nhà thân thiện và hào sảng, tôi đáp ứng thỏa mãn tất cả các yêu cầu. Bê luôn cả cái đài thu thanh to tướng và loay hoay dò làn sóng, một lúc bắt được Đài Phát thanh Moscow. Trên bàn bày ấm trà nóng, có thêm cả rượi ngọt và bánh qui hiệu Gerbeaud. Một sĩ quan nhanh tay bốc cả nắm bánh qui. Viên sĩ quan khác cau mặt cằn nhằn:
- Chết đói à? Còn người khác nữa chứ!
Viên sĩ quan nhanh tay đặt lại vốc bánh qui.
Một sĩ quan cao lớn quàng khăn gọi, tôi bước ra sân. Chú ý để cửa mở - chiếc đồng hồ đeo tay tôi còn đặt trên bàn. Viên sĩ quan chỉ về góc sân và bảo tôi hãy dẫn ông ta đến đó để đi vào đường hầm. Tôi giải thích là đường hầm này chỉ dẫn xuống tầng ngầm của tòa nhà, không có lối thông sang các tòa nhà khác. Muốn đến các tòa nhà khác phải đi vòng quanh sân trên mặt đất. Viên sĩ quan nhìn chằm vào mặt tôi, cau mày như có ý trách móc:
- Anh đã chỉ cho địch, nay không muốn giúp chúng tôi sao?
- Rất tiếc, tôi cũng chỉ nói thật thôi. Không có đường hầm xuyên qua, thì dù thực lòng giúp, tôi cũng không thể nói là có được!
Tôi chợt nhớ ra là gần tòa nhà này, có lẽ chỉ cách 2-3 tòa là đến trụ sở đặc biệt của các thành viên đảng Nyilas (***) trên phố Rökk Szilárd. Rất muốn được xem các Vệ binh Chữ thập nhọn chào đón quân Xô-viết ra làm sao.
- Tôi sãn sàng dẫn các ông đến tòa nhà quan trọng nhất của khu vực này, nhưng chỉ đi trên phố (mới tới được).
Nhưng họ không đi, thế là mất cơ hội. Các sĩ quan Nga bỏ đi, tôi về phòng mình, trong lòng hơi buồn. Vài phút sau, hai lính Nga kéo xềnh xệch một người Hung cao lớn tầm tuổi 40. Họ bắt anh ta từ một xưởng có tìm thấy nhiều đạn chống tăng. Tôi phải tra hỏi. Người Hung này lẩy bẩy như van nài:
- Người anh em, hãy giải thích giúp tôi. Đạn chống tăng ở xưởng là để chống phát-xít Đức. Tôi là cộng sản, tôi đã từng ở tù. Xin thề.
Tôi cứ mặc cho anh ta lải nhãi. Cứ sau mười lời Nyilas thì lại là anh em thế này, anh em thế kia.
Như vậy, ít khả năng là cộng sản thực thụ, mà đúng phải là một Nyilas. Phải làm sao đây? Nếu giải thích đúng phán đoán như những gì tôi nghe quan sát được thì chắc chắn anh ta bị bắn. Theo tư duy của một luật sư, tôi không thể làm vậy. Không thể lấy đi mạng sống một con người chỉ qua cách họ nói thế này, hay thế kia. Sau này, tôi đã dành thời gian dò hỏi và thấy rằng anh ta đã nói hoàn toàn đúng như thực tế.
Độ bốn giờ, trời sập soạng tối, các sĩ quan cũng bỏ đi hết. Tôi nhìn lại bàn, cái đồng hồ vẫn nằm nguyên. Họ còn đề nghị giúp nếu tôi cần. Cá nhân tôi mãi tận sau này cũng không có gì phải phàn nàn về người Nga.
Sau những sự kiện ngày đầu này, tôi nghiễm nhiên trở thành thông dịch viên cho cả tòa nhà.
Tối hôm đó, tôi được mọi người bảo là phải ngay lập tức xuống tầng hầm. Một lính Nga rất trẻ - chỉ độ mười chín, hai mươi - đang hung hăng trong tay lăm lăm khẩu súng lục cứ vung lên xuống như trong phim hiệp sĩ. Khó hiểu anh ta muốn nói gì:
- Tất cả đàn ông phải tập hợp… có những nhiệm vụ...
Rất bực nhìn anh tay vung vẩy khẩu súng, tôi cố kìm giọng bảo:
- Anh muốn tôi giúp hãy bỏ khẩu súng xuống. Tôi rất chi khó chịu, không muốn chúng ta nói chuyện như thế.
Không hiểu là anh ta thực sự nhận ra hay chỉ vì sự nhỏ nhẹ, anh ta trố mắt nhìn tôi rồi cũng đặt khẩu súng xuống.
Những người đàn ông được tập hợp và bị đưa đi lao công. Họ cuốc bộ bảy tám cây số, rồi đợi mãi để bị bỏ rơi ở một sân ga ngoại vi thành phố… Hôm sau mới thất thểu lần về. Không phải toán đàn ông nào cũng may mắn như thế. Mãi một thời gian sau tôi mới được biết nhiều toán được nói là đi lao công như thế, nhưng đã bị đưa về đất Nga - Xô-viết như những tù binh…
Hồng quân Liên Xô… cũng giống như binh lính khác… những vụ hãm hiếp, bắt bớ… dần thành chuyện hàng ngày…
Chế độ phát-xít chấm dứt, cuộc sống tiếp diễn, nhưng đã không trên đường ray cũ. Sự chiếm đóng của Hồng quân phát sinh những nguy nan khác. Xã hội được quản lý theo phương thức Xô-viết, bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng đấu tranh giai cấp, để duy trì cuộc sống hàng ngày, dân chúng buộc phải tìm đến những xảo thức mới.
Màn đại thảm kịch của Hitler kết thúc, màn kịch mới cũng nhiều ly kỳ.
Nhưng điều đó thuộc về một trang sử khác.
Ghi chú (của NCTG):
(*) Tức nhà tỷ phú Soros György về sau này.
(**) Đệ tam Đế chế.
(***) Đảng Chữ thập nhọn của các phần tử dân tộc chủ nghĩa mang tính cực đoan Hungary, gần gũi với khuynh hướng Quốc xã Đức.
Phạm Khuê giới thiệu và chuyển ngữ từ bản tiếng Hungary
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...