Cách mạng Nhung 1989: KHỞI ĐẦU CỦA SỰ SỤP ĐỔ

Thứ ba - 15/01/2019 12:51

(NCTG) “Libuse Silhanova đặt xuống thảm cỏ nhỏ cạnh đó một bông hoa và rồi một cách tự phát, mọi người bắt đầu hát Quốc ca mà chẳng cần kêu gọi. Gần như chỉ vừa hát xong thì một chiếc xe buýt to xịch tới, một loạt cảnh sát từ trong đổ ra và họ bắt đầu xô đẩy đẩy đám đông như vẫn hay làm thế cả ở các nơi khác”, Václav Havel viết về ngày 15-1-1989.

Cái chết của Jan Palach (1948–1969) đã không vô ích... - Ảnh tư liệu của Miroslav Zajíc

Cái chết của Jan Palach (1948–1969) đã không vô ích... - Ảnh tư liệu của Miroslav Zajíc

Lời người dịch: 15-1-1989 là ngày khởi đầu Tuần lễ Jan Palach, thời điểm khi người dân Tiệp Khắc đã không còn biết sợ. Những cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra trong vòng một tuần và khiến 1.400 người bị bắt giữ, trong số đó có cả Václav Havel - ông bị án tù giam 9 tháng.

Làn sóng đàn áp thô bạo của chính quyền trong những ngày đầu, vào lúc người biểu tình chỉ muốn đặt hoa tưởng niệm Jan Palach, đã chỉ khiến người dân thêm mạnh mẽ tinh thần và kiên quyết hẹn nhau, ngày mai lại đến.

Tuần lễ đó là sự mở đầu của sự sụp đổ và tan rã sau này của CNCS tại Tiệp Khắc trong những ngày cuối tháng 11, đi vào lịch sử với cái tên Cách mạng Nhung.

Ngày này 30 năm trước, Vá
clav Havel - Tổng thống trong tương lai của nước Tiệp Khắc dân chủ và của Cộng hòa Czech - đã viết những dòng sau về cuộc biểu tình 15-1. Trân trọng giới thiệu!
 
Người dân Tiệp Khắc đã đi một chặng đường dài từ cái chết của Jan Palach năm 1969 tới khi những biến chuyển dân chủ năm 1989 bùng nộ - Ảnh tư liệu của Přemysl Hněvkovský
Người dân Tiệp Khắc đã đi một chặng đường dài từ cái chết của Jan Palach năm 1969 tới khi những biến chuyển dân chủ năm 1989 bùng nộ - Ảnh tư liệu của Přemysl Hněvkovský
 

CÁC CHỨNG CỨ VỀ CUỘC BIỂU TÌNH 15-1

Từ hôm qua, các nhân viên Cảnh sát Nhân dân trong bộ quân phục màu xám đã có mặt đầy trung tâm Praha. Tại đó họ có tới hàng trăm người và dĩ nhiên là hàng loạt nhân viên An ninh Quốc gia. Trong đêm, người ta bắt đầu chặn hoặc đặt  các loại hàng rào, mà sẽ dùng để chắn đường, tại các ngả đường dẫn đến quảng trường Vaclav, và toàn bộ quảng trường cuối cùng đã bị đóng từ trước 14h.

Đại diện các hoạt động độc lập đã hẹn gặp nhau lúc 13h30, họ muốn đặt hoa tại quảng trường Vaclav là nơi sẽ diễn ra buổi lễ tưởng niệm. Sau 13h30 không lâu, tất cả khoảng 20 người đã bị giữ tại quãng Vinohrady và bị dẫn đi. Người đến đông dần tại tất cả các lối dẫn vào quảng trường, nhưng tôi không thể đoán được số lượng.

Vlasta Chramostova và tôi lẽ ra phải gặp nhóm đại diện các hoạt động độc lập tại đoạn đường từ Vinohrady vào quảng trường. Không thấy họ đâu, và khi những người xung quanh cho chúng tôi biết, tất cả đã bị bắt giữ, thì chúng tôi về quảng trường Vaclav và tìm chỗ thích hợp gần khu vực Bảo tàng Quốc gia. Nhưng đường lên Bảo tàng và mọi chỗ xung quanh đều đã bị chặn, khắp nơi vô số ôtô, các xe bịt kín để giữ người và những xe buýt đầy cảnh sát.

Mặc dù vậy, vẫn có rất đông người tiếp tục đến, ít ra là ở những chỗ mà chúng tôi nhìn thấy. Nhưng chúng tôi tuyệt đối không biết chuyện gì đang xảy ra tại nửa dưới của quảng trường Vaclav hay là trên các con phố lân cận, và cũng không thể xác định được, bởi vì tất cả các ngả tắt, đường xuống hầm bộ hành ngầm, hay là vỉa hè đều bị đóng. Dù sao thì gần tòa nhà của Quốc hội Liên bang, nơi chỗ chúng tôi cuối cùng đã dừng lại, chắc chắn có khoảng vài trăm người.

Cũng ở đó, khoảng sau 2 giờ trưa, khi biết tất cả đã bị bắt giữ, Vlasta Chramostova thông báo cho đám đông xung quanh chúng tôi chuyện gì đã xảy ra, Libuse Silhanova đặt xuống thảm cỏ nhỏ cạnh đó một bông hoa và rồi một cách tự phát, mọi người bắt đầu hát Quốc ca mà chẳng cần kêu gọi. Gần như chỉ vừa hát xong thì một chiếc xe buýt to xịch tới, một loạt cảnh sát từ trong đổ ra và họ bắt đầu xô đẩy đẩy đám đông như vẫn hay làm thế cả ở các nơi khác.

Vào thời điểm đó thì cả khu vực gần tòa nhà Quốc hội Liên bang cũng bị vây chặn, và như thế là cả Bảo tàng cũng bị đóng. Cũng tương tự, người ta dồn dân chúng ra khỏi phố Tháng Hai chiến thắng (nay lại là phố Wilson như tên gọi ban đầu) hay là phố Cảnh sát Nhân dân (ngày nay là Legerova) hay là đại loại như thế. Hiện, chúng tôi đang trong nhà của Vlasta Chramostova, gần khu vườn Celakovskeho (gần Bảo tàng Quốc gia), nhờ thế mà chúng tôi có thể nhìn thấy khu vườn này và một phần của Bảo tàng.

Chuyện gì đang xảy ra trên quảng trường Vaclav thì chúng tôi chẳng hề biết, ít ra là vào lúc này, khoảng sau 3 giờ.

15-1-1989

Nguyễn Thanh Mai chuyển ngữ, từ Praha (Cộng hòa Czech)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn