“PICNIC TOÀN ÂU” MỞ CÁNH CỬA CHO MỘT CHÂU ÂU THỐNG NHẤT

Thứ hai - 19/08/2019 06:32

Cách đây tròn 30 năm, vào những giờ này, truyền thông Châu Âu và thế giới nóng lên với tin, chính quyền cộng sản Hungary cho mở một đoạn biên giới phía Tây với Cộng hòa Áo trong vòng vài giờ, vô hình chung tạo điều kiện cho dòng người tỵ nạn Đông Đức có thể tràn qua Áo để sang CHLB Đức.

Khi lần đầu tiên biên giới được mở... - Ảnh tư liệu

Khi lần đầu tiên biên giới được mở... - Ảnh tư liệu

Sự kiện này, về sau đã được chính giới Đức đánh giá là một cột mốc hết sức quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin, tiền đề cho một nước Đức thống nhất và sự hình thành “mái nhà chung” Châu Âu. Đây cũng được coi là sự lựa chọn Châu Âu của nước Hung.

Mang tên Picnic Toàn Âu, thử nghiệm dỡ bức màn sắt ấy, theo hồi tưởng của chính giới, là một quyết định dũng cảm và không phải không hàm chứa những rủi ro của Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Hungary, lúc đó quy tụ được nhiều thành viên cởi mở theo xu hướng cải tổ.

Vài giờ mở biên giới

Trở lại những ngày tháng của mùa hè năm 1989 đầy biến động, cần nhớ rằng vào ngày 2/5, chính quyền Hungary đã tổ chức một cuộc họp báo quốc tế ngay tại cửa khẩu Hegyeshalom, tuyên bố rằng nước này sẽ đơn phương dỡ bỏ “bức màn sắt” ngăn cách với nước Áo.

Hệ thống hàng rào dây thép gai ngăn cách Đông - Tây trong hơn 40 năm ấy, rốt cục đã được dỡ bỏ rất nhanh chóng. Ngày 27-6, khi ngoại trưởng Hung và Áo cùng dùng kìm cộng lực để cắt mảnh hàng rào trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế, thì “bức màn sắt” đã được thanh toán về cơ bản.
 
Tấm ảnh nổi tiếng thời cuối Chiến tranh lạnh, khi ngoại trưởng hai nước Hungary và Áo cùng cắt Bức màn sắt - Ảnh tư liệu
Tấm ảnh nổi tiếng thời cuối Chiến tranh lạnh, khi ngoại trưởng hai nước Hungary và Áo cùng cắt Bức màn sắt - Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, biên giới hai nước vẫn được canh phòng cẩn mật, đặc biệt là trước 60-80 ngàn người tỵ nạn Đông Đức, đã cảm thấy ở Hungary có thể có những biến động cởi mở, và do đó tụ tập tại Hung từ đầu hè để tìm đường sang Tây Đức, khiến chính quyền Hung lâm vào tình thế rất khó xử.

Rốt cục, Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Hungary thời bấy giờ, đứng đầu là các nhân vật cải tổ như Thủ tướng Német Miklós, Ngoại trưởng Horn Gyula, Ủy viên Bộ Chính trị Pozsgay Imre... đã làm một phép thử, sau này được coi là lớn nhất và mang tính quyết định đối với Điện Kremlin.

Đó là, Hung cùng Áo tổ chức một hoạt động dân sự mang tên “Picnic Toàn Âu” tại biên giới hai nước và trong đó, biên giới sẽ được mở một cách tượng trưng trong vòng ba giờ. Sự kiện diễn ra vào ngày 19-8-1989, một ngày trước Quốc khánh Hungary, và thông tin đã được rò rỉ rộng rãi từ trước đó.

Picnic Toàn Âu đã có được sự tin tưởng khi bên cạnh nhà bảo trợ chính của phía Hung là Pozsgay Imre, lãnh đạo cộng sản được lòng người dân nhất, phía Áo có sự góp mặt của Habsburg Ottó, một chính khách Châu Âu nổi tiếng, đồng thời là Hoàng thái tử cuối cùng của Đế chế Áo-Hung.
 
Thời khắc trọng đại - Ảnh tư liệu
Thời khắc trọng đại - Ảnh tư liệu

Đích thân Thủ tướng Hungary đã đề nghị Bộ Nội vụ, cơ quan biên phòng và cảnh sát hỗ trợ ông trong công việc tổ chức làm sao cho êm thấm. Càng đến thời điểm của cuộc dã ngoại, dân tỵ nạn Đông Đức càng tập trung hết sức đông đảo trên trục đường dẫn tới biên giới Hung - Áo.

Thậm chí, còn có cả tờ rơi hướng dẫn đường tới địa điểm diễn ra cuộc picnic, khả năng là do tòa đại sứ Tây Đức ở Budapest thực hiện. Trong vòng bán kính 5km, quân đội được chỉ thị rút về các doanh trại và chấm dứt tuần tra, còn lực lượng biên phòng Hung thì chỉ có mặt ở mức vừa đủ.

Chung cuộc, tại cửa khẩu gần thành phố Sopron, trong vòng 3 giờ, biên giới đã được mở tạm thời, khiến gần một ngàn người tỵ nạn Đông Đức vượt biên và không có gì đáng tiếc xảy ra. Đây là cuộc “tổng diễn tập” cho sự kiện 11-9, khi biên giới Hung - Áo chính thức được mở trong thời gian dài.

Ý nghĩa lịch sử của Picnic Toàn Âu 

Trong buổi lễ trọng thể ngày tái thống nhất nước Đức 3-10-1990, ngay bên cổng thành Brandenburg - biểu tượng của sự chia cắt rồi hàn gắn của nước Đức, Thủ tướng Helmut Kohl đã nhấn mạnh trước toàn thế giới: “Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…”.
 
Đoàn người Đông Đức ào qua biên giới mà không gặp phải sự cản trở của biên phòng Hungary - Ảnh tư liệu
Đoàn người Đông Đức ào qua biên giới mà không gặp phải sự cản trở của biên phòng Hungary - Ảnh tư liệu

Đó cũng là lời tri ân trước chuỗi hành động của Hungary, từ việc dỡ bỏ “bức màn sắt” cho tới Picnic Toàn Âu, để rồi chính thức mở biên giới Hung - Áo, được giới ngoại giao Tây Đức nhận định là “một hành động dũng cảm, cho thế giới thấy nghị lực và lòng nhân đạo, phản ánh nghệ thuật trị nước”.

30 năm sau sự kiện này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng mặc dù có nhiều bất đồng về chính trị hiện tại, “không bao giờ được quên vai trò của nước Hung” trong quá trình thống nhất nước Đức “trong ôn hòa và tự do”. Đó là “lý do lịch sử” khiến bà qua Hungary trong dịp kỷ niệm này.

Trong thông điệp cuối tuần thường lệ, bà Merkel nhắc lại quá khứ, khi “người Hung đã mở một cánh cửa biên giới và tạo điều kiện cho các công dân Đông Đức chạy trốn sang Phương Tây”. Bằng động thái đó, “nước Hung góp phần khiến điều thần kỳ diễn ra, nước Đức được thống nhất”.

Theo thủ tướng Đức, Picnic Toàn Âu là hành động dũng cảm của Hungary, và là “nhân tố hết sức quan trọng” trên con đường dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin và thống nhất nước Đức, rốt cục dẫn tới “sự thống nhất của Châu Âu và chấm dứt Chiến tranh lạnh”, khiến Đông - Trung Âu trở thành đối tác của Phương Tây.

Hungary: kỷ niệm cầm chừng

Trong khi tại các quốc gia cộng sản cũ ở vùng Đông - Trung Âu, kỷ niệm 30 năm thay đổi thể chế được tiến hành trọng thể từ đầu năm nay và trở thành một sự kiện truyền thông và xã hội rộng rãi, thì tại Hungary, dường như chính giới nước này không mặn mà đặc biệt gì khi nhìn lại 3 thập niên trước.
 
Chỉ ít tuần sau, đêm 10-9-1989, người Đông Đức đã có thể rời Hungary một cách đường hoàng bằng hộ chiếu của mình, khi biên giới được mở trong một thời gian dài - Ảnh: Várkonyi Péter (MTI)
Chỉ ít tuần sau, đêm 10-9-1989, người Đông Đức đã có thể rời Hungary một cách đường hoàng bằng hộ chiếu của mình, khi biên giới được mở trong một thời gian dài - Ảnh: Várkonyi Péter (MTI)

Phe đối lập cho rằng nền Đệ tam Cộng hòa Hungary - hình thành khi chế độ cộng sản ở nước này sụp đổ vào năm 1989 trên cơ sở đồng thuận đạt được trong kỳ Bàn tròn Đối lập - nay đã cáo chung bởi nền độc tài kiểu mới của Orbán, và cần thay thể chính thể hiện tại bằng một nền cộng hòa mới.

Ngược lại, chính quyền cánh hữu của Thủ tướng Orbán Viktor, trong một số hoạt động kỷ niệm ở mức độ vừa phải, thì tìm cách đề cao vai trò của Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ trong những sự kiện năm 1989, nhiều khi lờ đi một thực tế, đó là kết quả chung của phe đối lập và chính quyền.

Giới nghiên cứu, trong nhiều bận, đã gọi thái độ này của chính quyền Orbán là sự bóp méo và xuyên tạc lịch sử. Picnic Toàn Âu, trong những ngày qua, chỉ được nhắc tới ở tầm địa phương, và cho dù Thủ tướng Đức có mặt trong dịp kỷ niệm này, nhưng nó vẫn không được nhắc tới rộng rãi trong xã hội Hung.

Không thật khó hiểu trước cách hành xử như vậy của nội các Hungary, mà những yếu nhân từng là các gương mặt quan trọng của sự thay đổi thể chế 1989. Với thời gian, từ những người chủ trương gỡ “bức màn sắt”, họ đã trở nên các chính khách cương quyết nhất của Châu Âu trong việc xây nên một bức tường trong thực thể và cả trong tâm thức người dân.
 
Thủ tướng Orbán Viktor, thủ lỉnh của quan điểm “dân chủ phi tự do”, 30 năm sau Picnic Toàn Âu đã cho rằng việc dỡ bỏ Bức màn sắt thời đó và dựng lên hàng rào sắt ngăn biên giới hiện tại là đều nhằm cùng một mục đích
Thủ tướng Orbán Viktor, thủ lĩnh của quan điểm “dân chủ phi tự do”, 30 năm sau Picnic Toàn Âu đã cho rằng việc dỡ bỏ Bức màn sắt thời đó và dựng lên hàng rào sắt ngăn biên giới hiện tại là đều nhằm cùng một mục đích

Cá nhân Thủ tướng Orbán Viktor, từ một chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ theo chủ nghĩa tự do, nay trở thành “phát ngôn viên” lớn nhất cho cái mà ông ta gọi là nền “dân chủ phi tự do”, tức là đi ngược lại tất cả những gì mà ông và các đồng sự đã chủ trương trong thời khắc 1989-1990 lịch sử.

Không phải ngẫu nhiên mà một ký giả nổi tiếng gốc Hung hiện đang sinh sống tại Áo, ông Paul Lendvai, trong bài viết gần đây nhất, đã đặt Orbán bên cạnh những nhà độc tài trên thế giới như Tập Cận Bình, Putin, hoặc Erdoğan, và nói rằng “từ một người bảo vệ nền dân chủ Hungary một cách hứa hẹn nhất, ông đã trở thành nhân vật chính khiến nền dân chủ bị bức tử”.

Hungary kỷ niệm Picnic Toàn Âu và nhiều biến cố lịch sử khác sau 30 năm trong bối cảnh như thế...

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 
 Từ khóa: Picnic Toàn Âu
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn