20 NĂM “PÍCH-NÍCH TOÀN ÂU”: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN CHÂU ÂU THỐNG NHẤT

Thứ tư - 19/08/2009 19:10

“Pích-ních Toàn Âu” (Páneurópai piknik) là một cột mốc hết sức quan trọng trong những biến cố diễn ra tại Hungary năm 1989, để dẫn tới sự tái hội nhập của các nước khu vực Đông – Trung Âu với Mái nhà chung Châu Âu, cũng như quá trình thống nhất của nước Đức.

"Vui sao nước mắt lại trào": gặp lại nhau sau nhiều thập niên xa cách, nhờ “Pích-ních Toàn Âu” - Ảnh: Lobenwein Tamás

Sự kiện “Pích-ních Toàn Âu” 1989

“Pích-ních Toàn Âu” diễn ra vào ngày 19-8-1989, trong bối cảnh Hungary đã tháo dỡ bức màn sắt ngăn cách với nước Áo, đặc biệt là với “màn trình diễn” ngoạn mục mang tính biểu tượng ngày 27-7 giữa ngoại trưởng Hungary và Áo, khi họ dùng kìm cộng lực cắt một đoạn màn sắt tại biên giới hai nước.

Tuy nhiên, đến lúc đó, vấn đề người tị nạn Đông Đức ở Hungary vẫn chưa được giải quyết. Những ước tính cho thấy có tới 160 ngàn công dân Đông Đức đã tràn sang Hungary để từ đó, tìm đường sang Phương Tây bằng cách xin chiếu khán tại tòa đại sứ Tây Đức, hoặc vượt biên trái phép qua biên giới Áo.

Nhiều công dân Đông Đức, sau những lần vượt biên không thành và hết hạn thị thực tại Hung, phải ở tạm thời trong những trại tị nạn. Số người bị mắc kẹt ở tòa đại sứ Tây Đức cũng ngày một tăng. Chính phủ Hungary, trước tình cảnh nan giải ấy, đã khôn khéo tận dụng đường lối “cải tổ” của lãnh tụ Liên Xô Gorbachev để thực hiện những động thái “đi trên dây”.

Một mặt, tránh những xung đột có thể xảy ra từ phía Đông Đức và phe Hiệp ước Warszawa; mặt khác, tìm cách đáp ứng từng bước những đề nghị của phía Tây Đức, cụ thể là bằng mọi giá, không trục xuất những người tị nạn Đông Đức về tổ quốc của họ và không giam giữ họ trong các trại tị nạn ở Hung, cũng như, không nổ súng vào họ nếu họ tìm cách vượt biên bất hợp pháp.

Biên giới Hungary - Cộng hòa Áo, từng là biểu tượng của sự phân cách Đông - Tây

Động thái hết sức quan trọng theo hướng này đến từ đề xuất của phe đối lập và một số tổ chức dân sự, tại thành phố biên giới Sopron. Ngày 19-8-1989, dưới sự tổ chức của các đảng phái đối lập, một buổi lễ lớn (dưới hình thức một cuộc dã ngoại, mang tên “Pích-ních Toàn Âu”) với sự tham gia của khoảng 20 ngàn người, đã diễn ra tại Sopron, biên giới Hungary - Áo.

Nhằm cổ động cho mục tiêu “hòa nhập với châu Âu”, “Châu Âu không biên giới”..., BTC đã lựa chọn một cửa khẩu nhỏ (không được sử dụng từ 45 năm), tại đó có thể thấy rõ giải biên giới và phần còn sót lại của hệ thống hàng rào dây thép gai ngăn cách Hung-Áo. Với sự đồng ý của chính phủ hai nước Hungary và Cộng hòa Áo, những người tham dự, trong số đó có nhiều nhân vật nổi tiếng như văn hào Kondrád György và các vị đại sứ, lãnh sự nước ngoài ở Hung, đã tự tay cắt màn sắt và mở cửa biên giới trong vòng 3 tiếng.

Tận dụng bầu không khí cởi mở đó, trước sự hiện diện và chứng kiến của các tổ chức ngoại giao, các hãng thông tấn và báo chí phương Tây, khoảng một ngàn công dân Đức tị nạn ở Hung đã tràn qua cửa khẩu, chạy sang Áo và họ đã không bị lính biên phòng Hung ngăn cản, cho dù Cơ quan Biên phòng Hung vẫn có lệnh phải sử dụng vũ khí đối với người vượt biên trái phép.

Sau sự kiện ngày 19-8, việc mở biên giới Hungary – Áo chỉ còn là vấn đề thời gian. Đêm 10-9-1989, chính phủ Hungaray đã quyết định bỏ ngỏ biên giới, khẳng định một thông điệp trước thế giới: họ đã lựa chọn châu Âu và những giá trị nhân bản, dân chủ phổ quát!

20 năm nhìn lại

Để ghi nhớ sự kiện lớn này, hàng năm, đúng vào ngày 19-8, các đảng đối lập lại cùng nhau tổ chức một lễ kỷ niệm lớn, thường là với sự có mặt của nhiều nhân sĩ và các nguyên thủ quốc gia Châu Âu.

Trong năm nay, lễ kỷ niệm sẽ có sự tham dự của tổng thống Hungary Sólyom László, thủ tướng Đức Angela Merkel, ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt trên tư cách người bảo trợ.

Điểm đặc biệt trong lễ kỷ niệm năm nay là BTC - Quỹ “Pích-ních Toàn Âu ‘89” muốn ghi nhận những sự kiện năm 1989 như một nỗ lực dân sự, chứ không mang tính tuyên truyền cho đảng phái, và do đó, ngoài 3 chính khách được mời làm người bảo trợ, các chính trị giá khác đã không được mời. Vì thế, thủ tướng Hungary Bajnai Gordon tuy có tham dự, nhưng chỉ trên tư cách cá nhân.

Một góc của Công viên kỷ niệm

Cạnh đó, trong vòng 3 ngày, một chuỗi những cuộc thảo luận, trò chuyện mang tính hồi tưởng sẽ được tổ chức liền, với những nhân vật đã tham dự sự kiện 20 năm trước. “Pích-ních Toàn Âu” trong mắt các sử gia là đề tài một hội nghị sử học, được mở đầu với phát biểu khai mạc của chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, ông Pálinkás József.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm nay (19-8), tổng thống Hungary Sólyom László sẽ cắt băng khánh thành quần thể tượng “Sự đột phá - Tự do Châu Âu” ngay tại địa điểm diễn ra “Pích-ních Toàn Âu” 2 thập niên trước, giờ là một công viên kỷ niệm.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn