VẪN TRANH LUẬN VỀ CÁC NẠN NHÂN CỦA BIÊN GIỚI ĐÔNG ĐỨC

Thứ sáu - 21/08/2009 21:19

(NCTG) Nhân 48 năm ngày xây dựng bức tường Berlin một thời, ngày 13-8 vừa qua, tại thủ đô nước Đức, đã có một lễ kỷ niệm được tổ chức để tưởng nhớ những nạn nhân của sự chia cắt nước Đức.

Xây dựng bức tường Berlin tháng 8-1961 (ảnh được chụp từ Tây Berlin)

Rạng sáng 13-8-1961, các đơn vị của đội bảo vệ công nhân và Quân đội Nhân dân Đông Đức đã khởi công xây dựng hệ thống canh gác biên giới bao quanh toàn bộ khu vực Tây Berlin đương thời. Thoạt đầu là hàng rào sắt được bảo vệ nghiêm ngặt, rồi sau đó, một bức tường bê-tông cao 3m đã chia đôi thành phố và chia đôi toàn thể Châu Âu một cách hình tượng. Bức tường đã tồn tại trong 28 năm và chỉ sụp đổ trong cơn bão của sự thay đổi chính thể vào mùa thu cách đây tròn 20 năm.

Trong lễ tưởng niệm diễn ra ngày thứ Nam 13-8, có sự tham dự của tất cả các đảng có mặt trong Quốc hội. Tại lễ trung tâm tổ chức tại nơi kỷ niệm ở phố Bernau, thị trưởng Klaus Wowereit (Đảng Xã hội Dân chủ) đã đặt vòng hoa. Trong phát biểu của mình, ông Ronald Pofalla (tổng thư ký Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo) đã gọi những năm tháng chia cắt là thời kỳ đau đớn nhất của lịch sử nước Đức thời hiện đại. Trước những người tham dự, ông Alexander Dobrinth (tổng thư ký Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo) khẳng định: "Bức tường Berlin là thử nghiệm ô nhục nhất để bỏ tù tất cả mọi công dân".

Nhiều kết quả nghiên cứu mới đã được giới thiệu trong dịp kỷ niệm. Theo những số liệu mới của một tổ chức tư nhân mang tên „Viện Bảo tàng Bức tường Berlin”, đã có 1.347 trường hợp tử vong – có thể quy cho thể chế nhà nước XHCN - xảy ra tại biên giới Đông và Tây Đức cũ. Kể từ năm ngoái, được sử ủy nhiệm của tổ chức này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm 44 trường hợp mới. Danh sách thiệt hại thay đổi không ngừng trên cơ sở sự xuất hiện, kiểm tra và đối chiếu những nguồn dữ liệu mới: tường trình của các nhân chứng, những tư liệu của kho thư khố. Có những cái tên bị gạt khỏi danh sách vì những sự thật mới phát hiện, và những cái tên khác được đưa vào trên cơ sở những bằng cứ tìm được giữa chừng.

Tuy nhiên, con số chính xác của những nạn nhân không đơn thuần là vấn đề khoa học, mà còn là đối tượng của một cuộc tranh luận mang tính ý thức hệ. Đường gãy chính kéo dài quanh câu hỏi ai có thể coi là nạn nhân của chế độ cộng sản. Do đó, chẳng hạn, đã có một cuộc tranh luận xung quanh việc nạn nhân đầu tiên của bức tường Berlin là ai: ngưòi phụ nữ đã nhảy qua cửa sổ một căn hộ tầng ba ở phố Bernau sang phía Tây của hệ thống canh giữ biên giới, và bị thương dẫn đến tử vong, hay người lính biên phòng Đông Đức đã tự sát trong khi thực thi nhiệm vụ.

Một kết quả nghiên cứu khác, trình bày trong cuốn sách mang tựa đề „Những nạn nhân tử vong của bức tường Berlin, 1961-1989”, cũng đã được giới thiệu tại thủ đô nước Đức. Với sự hỗ trợ của nhà nước, cuộc điều tra do Quỹ Bức tường Berlin và Viện Nghiên cứu Đương đại Postdam thực hiện cho thấy rằng hiện tại, có thể khẳng định một cách đoan chắc rằng cái chết của 136 người - bị bắn chết, bị chết đuối, hoặc đã tự sát trong nhà tù sau cuộc chạy trốn bất thành – „có quan hệ mang tính hậu quả và không gian (ở bức tường Berlin) với thử nghiệm chạy trốn tại khu vực biên giới và với những biện pháp xử lý của các cơ quan biên phòng”.

Đỗ Hải Hà chuyển ngữ, theo multkor.hu


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn