STALIN, NGƯỜI ANH HÙNG TRONG TRƯỜNG SỞ

Thứ ba - 29/09/2009 17:45

(NCTG) Di sản của Stalin cho đến nay vẫn chia rẽ Liên bang Nga và các nước khác trong khu vực, nhất là khi điện Kremlin tìm cách “chấn chỉnh” những “sai lầm” của mình trong thập niên 90 thế kỷ trước (khi tội ác của Nhà độc tài đỏ bị phanh phui), và thay vì những hành vi đen tối, Stalin lại được ca tụng như người đã chơi những ván bài sáng lạn trên chính trường thế giới đương thời.

Stalin và cô bé Galia Markifova, người sau đó bị đưa đi trại tập trung Gulag

Cuộc cải cách giáo dục mới nhất ở Nga cũng diễn ra một cách phù hợp với ý tưởng của chính quyền: trong bộ sách giáo khoa mới, Stalin trở thành người hùng cứu vãn thế giới khỏi bàn tay ác quỷ trong Đệ nhị Thế chiến.

Phóng sự của Sky News cho thấy những hình ảnh này đã tác động một cách hiệu quả đến học sinh, khiến đa số các em tha thứ cho Nhà độc tài vì những tội ác của ông, và tự hào vì Stalin đã có những cống hiến lớn lao cho đất nước. Chẳng hạn, một học sinh cho rằng “có thể ông không phải là anh hùng, nhưng là một người rất tốt”.

Tuy nhiên, các nhân chứng còn sống đến giờ của thể chế Stalin cho rằng thật tuyệt vọng khi những ngày tháng đầy bạo lực và tàn ác ấy, giờ đây lại được ngợi ca, khiến nhiều người tưởng rằng đó là thời kỳ đẹp đẽ nhất của lịch sử đất nước.

Theo Masha Lipman, phóng viên của Carnegie Moscow Center, việc chính quyền tác động như thế đến giáo dục là điều hết sức lo ngại. Cố nhiên, động thái này dễ hiểu và có lý do của nó: nếu học sinh được học rằng những thể chế đè nén áp bức là tối ưu, thì suy nghĩ này có thể dễ dàng hỗ trợ cho giới elit chính trị đang nắm quyền và làm tăng lượng người ủng hộ họ.

Cạnh đó, cho đến nay, huyền thoại Stalin cũng vẫn là đề tài tranh luận tại Liên bang Nga: nếu nhiều người cho rằng ông ta là một kẻ độc tài tàn bạo thì vẫn không ít người nhìn thấy ở ông hình ảnh một vị “cha già dân tộc”, tốt bụng, nhưng đôi lúc bị thuộc hạ qua mặt “làm bậy”.

Tuy vậy, những năm gần đây, công luận Nga không hề nhắc đến hệ thống trại tập trung Gulag, cũng như nhiều triệu nạn nhân thiệt mạng trong các nạn đói “nhân tạo” do chính quyền gây ra. Điều này được thể hiện rõ ràng khi tại một bến tàu điện ngầm, người ta phục hồi dòng chữ ca tụng Stalin, cũng như, trong một cuốn sách hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên, khi Stalin đưọc ví như một vị giám đốc doanh nghiệp có nhiều thành tựu.

Từ lâu nay, các sử gia theo xu hưóng tự do ở Nga đã phàn nàn rằng có thể nhận thấy sự thụt lùi trong việc xử lý, đánh giá “kỷ nguyên Stalin”, cũng như trong việc nhìn nhận và tụng ca hơn 2 thập niên của lịch sử Liên Xô, khi bên cạnh chiến thắng trước phát-xít Đức, Liên bang Xô-viết đã phải chịu vô số vết thương chí mạng từ những tội ác của Stalin.

Song song với việc này, chính quyền Nga - dưới dự lãnh đạo của cặp Medvedev – Putin – còn muốn trừng phạt cả những ai dám nghi ngờ những công trạng của Stalin trong Đệ nhị Thế chiến, và ngợi ca lên mây Hiệp ước Bất tương xâm mà Stalin ký với Hitler, chia đôi Ba Lan và làm nổ ra cuộc Thế chiến.

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn