Ghi chép: 9/11/1989 - “CỔNG TƯỜNG ĐÃ RỘNG MỞ!”

Thứ tư - 09/11/2022 20:48

(NCTG) “Tối nay, chúng ta dám tuyên bố rằng 9/11/1989 là một ngày vĩ đại của lịch sử, khi CHDC Đức thông báo mở biên giới của họ” (Hans Joachim Friedrichs).

Günter Schabowski trong vòng vây của các ký giả ngoại quốc, Berlin chiều 9/11/1989 - Ảnh tư liệu

Günter Schabowski trong vòng vây của các ký giả ngoại quốc, Berlin chiều 9/11/1989 - Ảnh tư liệu

Schabowski là một trong số rất hiếm hoi các thành viên Ban lãnh đạo Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức (tức Đảng Cộng sản Đông Đức) trong năm 1989 đã đồng tình với những đòi hỏi mang tính cải cách, và sau đó đã thừa nhận những tội lỗi của thể chế cộng sản tại CHDC Đức.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà ông trở nên nổi tiếng toàn thế giới. “Công trạng” của ông có được nhờ một nhầm lẫn ngẫu nhiên - mà sau này có người cho là sắp đặt - diễn ra vào tối 9/11/1989, khi Schabowski chủ trì một cuộc họp báo được truyền trực tiếp trên làn sóng điện tại Đông Berlin.

Là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Berlin, đồng thời giữ cương vị Bí thư Trung ương Đảng phụ trách về thông tin, Günter Schabowski được giao nhiệm vụ thông báo về kết quả cuộc họp của Trung ương Đảng, trong đó có quy định mới cho phép công dân Đông Đức xuất ngoại dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nội dung quan trọng đó đã không được Schabowski - người không tham dự các phiên họp trước đó của Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đông Đức khi bàn bạc về quyết định này - nhắc tới trong cuộc họp báo. Duờng như ông nghĩ rằng các nhà báo đã được nhận thông cáo về việc đó.

Khi Schabowski đã bỏ kính và cất giấy vì nghĩ rằng mọi việc đã xong xuôi, đột ngột, phóng viên Ý Ricardo Ehrmann đặt câu hỏi: vậy việc công dân Đông Đức ra nước ngoài sẽ được nới lỏng như thế nào? Bối rối lần giở tập giấy tờ trên tay, Schabowski mới nhớ là ông có nhận được một chỉ thị.

Nhờ một trợ lý tìm cho tờ giấy có dự thảo điều luật nới lỏng việc đi lại cho công dân Đông Đức mà ông được trao trước đó, ông đọc thông báo từ giấy, theo đó, cư dân CHDC Đức có thể xin du lịch cá nhân ra nước ngoài mà không cần bất cứ điều kiện gì (lý do xuất ngoại, quan hệ họ hàng).

 
Cửa khẩu đầu tiên ở Berlin được mở tại Bornholmer Straße vào hồi 23h, đám đông tràn sang phía Tây qua cây cầu Böse - Ảnh tư liệu
Cửa khẩu đầu tiên ở Berlin được mở tại Bornholmer Straße vào hồi 23h, đám đông tràn sang phía Tây qua cây cầu Böse - Ảnh tư liệu
 
Bên cạnh đó, giấy thông hành sẽ được cấp trong thời hạn ngắn, và người dân có thể đi lại không hạn chế tại tất cả các cửa khẩu giữa hai nước Đức. Trong phòng họp, tất cả mọi người đều sững sờ và tìm cách diễn giải những gì họ được nghe, trong khi các máy quay vẫn chưa tắt.

Khi đó, Peter Brinkmann, phóng viên tờ tạp chí “Bild” (trụ sở tại Hamburg) đặt câu hỏi quy định mới về việc đi lại sẽ có hiệu lực từ khi nào? Schabowski lưỡng lự, rồi đưa ra câu trả lời định mệnh: “Ờ... theo như tôi được biết thì nó có hiệu lực ngay lập tức... Vâng, ngay lập tức!” (sofort, unverzüglich).

Brinkmann “bồi” thêm một câu nữa: “Kể cả sang Tây Berlin?”. “Đúng vậy, người dân có thể rời CHDC Đức trực tiếp sang Tây Berlin”, Schabowski bối rối, và ngay trong khoảnh khắc đó, ký giả Ý Ricardo Ehrmann lao ngay ra khỏi phòng gửi một tin nhanh về Hãng thông tấn ANSA: “Tường đổ rồi”.

Vài chục triệu công dân Đông Đức xem truyền hình hiểu đoạn đối thoại trên có nghĩa là bức tường đã được mở, cho dù theo dự định đạo luật mới chỉ đi vào thực thi vào ngày hôm sau. Lập tức, vài vạn người đổ về các cửa khẩu ngăn cách Đông - Tây ở Berlin và đòi lực lượng biên phòng CHDC Đức phải mở cổng.

Không nhận được chỉ thị gì từ cấp trên, lực lượng biên phòng và kiểm tra xuất nhập cảnh của Đông Đức bó tay bất lực trước đoàn người ùn ùn đổ về ngày một đông. Đến 23 giờ, Bornholmer Straße, cửa khẩu đầu tiên ở Berlin được mở, đám đông tràn sang phía Tây qua cây cầu Böse.

Ngay sau đó, các cửa khẩu khác tại Berlin và trên suốt biên giới nội địa Đức - trong đó quan trọng nhất là ở cổng Brandenburg, biểu tượng chính của Berlin, cũng như của sự chia cắt nước Đức - đều lần lượt được mở, dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin sau 28 năm tồn tại
”.
 
“Tường đổ rồi” tại cửa khẩu Bornholmer Straße, đêm 9/11/1989 - Ảnh tư liệu
“Tường đổ rồi” tại cửa khẩu Bornholmer Straße, đêm 9/11/1989 - Ảnh tư liệu

Trên đây là một đoạn trong ghi chép của mình, nhân sự ra đi của Günter Schabowski vào ngày 1/11/2015, về những gì đã diễn ra trong buổi chiều và tối định mệnh 9/11/1989. Schabowski có thực sự “nhầm lẫn”, có “hớ” hay không khi đó, điều đó có lẽ không bao giờ chúng ta có thể biết một cách đích xác.

Cần nhấn mạnh rằng, không chỉ tới bây giờ, sau khoảng cách 33 năm, mà ngay trong hơn ba thập niên đã qua, câu chuyện của buổi họp báo ấy - những tưởng là sự kiện lịch sử được theo dõi và quan sát kỹ càng nhất của thời hiện đại, vì nó được truyền hình trực tiếp - cũng vẫn còn lắm điểm mù mờ.

Các ký giả tham gia chất vấn Schabowski, khiến ông bối rối, buông ra những lời khiến tường mở trước thời hạn, đã đưa ra nhiều “thuyết” khác nhau về việc họ đã làm gì, vì sao, không tránh khỏi những biểu hiện “tranh công”. Đã có những nghiên cứu nghiêm túc về vai trò truyền thông liên quan tới vấn đề này. (1)

Dù sao đi nữa, gần ba thập niên và bao nhiêu tấn thảm kịch về tinh thần và thể xác đã trôi qua kể từ khi bức tường được dựng lên vào trung tuần tháng 8/1961, tới khoảnh khắc mà hãng AP (Associated Press) mạnh bạo tuyên bố “CHDC Đức đã mở biên”, vỏn vẹn 5 phút sau khi cuộc họp báo kết thúc.

Tất nhiên, biên giới khi đó chưa được mở, và một trong những hãng tin hàng đầu thế giới, được coi là chuẩn mực trong việc đưa tin tức, đã bỏ qua đòi hỏi nghiêm ngặt về việc tường thuật thật chính xác, và tự diễn giải tuyên bố của Schabowski theo hướng mở ra khả năng cho một thế giới vô biên giới. (2)

Cổng tường đã được rộng mở” - Hans Joachim Friedrichs, xướng ngôn viên ngôi sao của Tây Đức đã hào hứng đưa tin như vậy trong chương trình thời sự vào tối muộn hôm đó. “Tối nay, chúng ta dám tuyên bố rằng 9/11/1989 là một ngày vĩ đại của lịch sử, khi CHDC Đức thông báo mở biên giới của họ”.
 
Cuộc họp báo định mệnh khiến các ký giả cũng có cách đưa tin “vượt chuẩn” - Ảnh tư liệu
Cuộc họp báo định mệnh khiến các ký giả cũng có cách đưa tin “vượt chuẩn” - Ảnh tư liệu

Một lần nữa, cần nhấn mạnh là vào thời điểm đó, cổng tường chưa rộng mở. Friedrichs đã thể hiện ước mơ của mình - và mộng tưởng ấy rồi đã trở thành sự thật - khi đưa ra một khẳng định mà vào năm 1995, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng khi đã bị ung thư, ông coi đó là tuyên bố quan trọng nhất của đời mình.

Còn rất nhiều những khoảnh khắc và tuyên bố báo chí đáng nhớ trong buổi chiều và tối ngày 9/11/1989 ấy, trong đó, đương nhiên phải nhắc tới lời thảng thốt của phóng viên Ý Ricardo Ehrmann gửi về cho ANSA ngay khi cuộc họp báo đang diễn ra: “La caduta del Muro di Berlino” (Tường Berlin đổ rồi).

Những thời khắc lịch sử đòi hỏi cách ứng xử đặc biệt, có thể ra ngoài chuẩn mực thông thường, và điều đó đã diễn ra với nhiều ký giả là chứng nhân của thời cuộc. Có thể đặt câu hỏi, sẽ làm sao, ứng phó thế nào nếu tường không đổ, cổng không mở, như mong mỏi của bao người, trong đó có các nhà báo?

Schabowski trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2009, đã cho rằng sự cáo chung của bức tường ô nhục là một “tất yếu lịch sử”. May mắn là tất yếu lịch sử đó đã diễn ra đúng vào thời điểm ấy, để bây giờ giới nghiên cứu có điều kiện phân tích về những động thái “vượt chuẩn” của giới ký giả khi đó...

(1), (2) “Stories Without Borders: The Berlin Wall and the Making of a Global Iconic Event” (Julia Sonnevend, Oxford University Press 2016).

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: tường Berlin
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn