ĐỨC XIN LỖI BA LAN VÌ ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Thứ hai - 02/09/2019 02:38

(NCTG) Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã có lời xin lỗi Ba Lan vì hành vi xâm lược của thể chế độc tài quốc xã Đức trong buổi lễ kỷ niệm 80 ngày bùng nổ Đệ nhị Thế chiến, được tiến hành tại quảng trường Piłsudski (Warszawa) với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước trên thế giới.

Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới trong lễ kỷ niệm - Ảnh: Reuters

Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới trong lễ kỷ niệm - Ảnh: Reuters

Bản tin của BBC cho hay, ông Steinmeier đồng thời cũng xin lỗi vì “cuộc chiến khủng khiếp” mà Đệ tam Đế chế đã gây ra ngày 1-9-1939. “Cuộc chiến đó là một hành động tội lỗi của Đức”, vị nguyên thủ quốc gia nhấn mạnh trong phát biểu của mình.

Tại buổi lễ, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cũng phát biểu trước các chính khách quan trọng khác. Được biết, Tổng thống Donald Trump không tới được Ba Lan do “siêu bão” Dorian đang đổ bộ vào bang Florida, Mỹ.

Trong phát biểu, ông Duda khẳng định cuộc tấn công của phát-xít Đức nhằm vào Ba Lan là “một hành động man rợ”, còn ông Pence thì ca ngợi nhân dân Ba Lan, những người “không bao giờ đánh mất niềm tin”.

Lãnh đạo các quốc gia Liên Âu và các nước thuộc Đối tác Phương Đông (gồm 6 quốc gia thuộc Liên bang Xô-viết cũ là Belarus, Ukraine, Moldova, Gruzia, Armenia và Azerbaijan) đã được mời tới dự sự kiện lớn này.

Cùng ngày 1-9, tại Wieluń và Gdańsk là những nơi nổ ra cuộc chiến đầu tiên cũng có những hoạt động kỷ niệm khác. 

Tại Wielun thuộc tỉnh Łódź (miền Trung Ba Lan), thành phố đầu tiên bị quân đội Đức ném bom, Tổng thống Andrzej Duda nói rằng đô thị này “đã cho thấy, cuộc chiến sẽ như thế nào: đó là một cuộc chiến tổng lực, không theo một quy ước nào và mang tính hủy diệt”.

Ông Duda cũng phê phán Liên bang Nga vì hành vi xâm lược bán đảo Crimea, cho rằng “những xu hướng đế quốc chủ nghĩa đang trở lại Châu Âu”. Theo ông, nếu giới lãnh đạo Châu Âu “ngoảng mặt làm ngơ” trước những sự kiện đó. có nghĩa là họ “góp phần cho những cuộc tấn công tiếp tới”.

Trong số các lãnh đạo thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin không được mời (Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi đây là điều “ngu xuẩn”). Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng không tới dự lễ kỷ niệm.
 
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) và người đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda trong lễ kỷ niệm ngày 1-9-2019 tại Warszawa
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) và người đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda trong lễ kỷ niệm ngày 1-9-2019 tại Warszawa

Thế chiến thứ hai bùng nổ ngày 1-9-1939 khi phát-xít Đức ồ ạt tấn công Ba Lan từ phía Tây. Hai tuần sau, Hồng quân Liên Xô cũng tấn công Ba Lan từ phía Đông và cuối cùng, sự “chung tay” của hai nền độc tài này đã khiến Ba Lan bị xóa sổ khỏi bản đồ Châu Âu.

Cơ sở của hành động xâm lược dẫn tới Đệ nhị Thế chiến của nước Đức phát-xít và Liên Xô cộng sản là một thỏa thuận được đôi bên ký kết ngày 23-8-1939, được lịch sử biết đến bằng cái tên Hiệp ước bất tương xâm Molotov - Ribbentrop (tên ngoại trưởng hai nước).

Hiệp ước này có phần Nghị định thư bí mật đi kèm, chia phạm vị ảnh hưởng của Đức và Liên Xô ở Châu Âu, tạo điều kiện để hai nước chia đôi Ba Lan và Liên Xô đưa quân xâm lược các nước Baltic (Estonia, Latvia, Litva), Bessarabia và Bắc Bukovina, cũng như một phần của Phần Lan.

Mối quan hệ khăng khít và hữu hảo giữa Liên Xô và Đức chỉ chấm dứt ngày 21-6-1941, khi phát-xít Đức tấn công Liên Xô. Do đó, tại Liên bang Nga, khái niệm “Thế chiến thứ hai” (1939-1941) bị dẹp sang một bên, và được thay bằng “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại” (1941-1945).

Những năm gần đây, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin còn đi thêm một bước trong việc phủ nhận quá khứ, khi dùng công cụ luật pháp để trừng phạt những ai “dám” đặt vấn đề vai trò tội lỗi của Liên Xô trong sự bùng nổ Thế chiến thứ hai.

Nhắc tới việc “những người cộng sản và nước Đức đã cùng nhau tấn công Ba Lan, làm nổ ra Đệ nhị Thế chiến” như một nhà “dân báo” nọ, ông Vladimir Luzgin đã làm cách đây mấy năm, bị coi là vi phạm điều 354 Bộ luật Hình sự, và được xem như là sự “phục hồi cho chủ nghĩa quốc xã”, theo Tòa án Nga.

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn