SỰ THẬT VỀ NƯỚC NGA “YÊU HÒA BÌNH”

Chủ nhật - 25/10/2015 08:34

(NCTG) Không ít thành viên các nhóm, diễn đàn, mạng xã hội trên Internet có một niềm tin “sắt son”, “chung thủy” rằng Nga luôn là quốc gia “yêu hòa bình”, “bảo vệ hòa bình thế giới”, “chưa hề xâm lược ai”. Chứ không như Mỹ, thò tay ở đâu là ở đó “tan hoang”.

Bản đồ mô tả sự bành trướng xâm lược của Nga từ thời Muscovy cho tới năm 1800

Bản đồ mô tả sự bành trướng xâm lược của Nga từ thời Muscovy cho tới năm 1800

Vậy sự thật là như thế nào? Trong lịch sử, Nga có “yêu hòa bình” hay không? Mời bạn đọc theo dõi một vài nét sự thật thông qua những sự kiện chính trong lịch sử tồn tại và bành trướng của quốc gia này.

Nước Nga Sa hoàng

Truy xuất nguồn gốc của nước Nga từ thế kỷ 13-14 vốn chỉ là một công quốc nhỏ bé mang tên Muscovy mà ngày nay là Moskva (Moscow) và vùng ngoại ô của nó. Thế nhưng đến thế kỷ 18 thì Nga đã trở thành quốc gia to lớn bậc nhất trên thế giới với lãnh thổ rộng hàng chục triệu cây số vuông. Vậy đất đai này tự nó “nở ra” hay có được là do xâm lược?

Thời kỳ Ivan Đệ tam (1462-1505), quân Muscovy liên tục tấn công, bành trướng lãnh thổ bằng cách xâm chiếm, sáp nhập các vùng lãnh thổ xung quanh như Yaroslav (1463), Rostov (1474), Novgorod (1478), Tver (1485) và Vyatka (1489)

Thời kỳ Ivan Đệ tứ (1547-1584), nước Nga tiếp tục thôn tính Kazan (1552), Astrakhan (1556) và cử Yermak Timofeyevich xâm chiếm Siberia năm 1580. Ngoài ra Nga còn gây chiến với Ba Lan, Thụy Điển và Đại công quốc Litva (Lithuania) nhằm mở đường thông ra biển Baltic từ 1558-1583 nhưng thất bại.

Thời kỳ Alexis (1645-1676), Nga tiếp tục chính sách hung hăng bành trướng, chiếm phía Bắc Kavkaz (1651-1653) từ triều đình Safavid ở Iran, đánh cả Ba Lan lẫn Thụy Điển khiến nước Nga lúc này đã mở rộng lãnh thổ hơn 8.100.000 km2. Những năm 1652-1689 Nga xâm nhập phía Bắc Mãn Châu, đụng độ với nhà Thanh nhưng thất bại, buộc phải ký Hòa ước Nerchinsk công nhận chủ quyền của Trung Quốc

Thời kỳ Pyotr (1682-1721), Nga tiếp tục gây chiến với Thụy Điển để mở đường thông ra biển Baltic. Chiến thắng trước Thụy Điển giúp Nga có được chiến lợi phẩm là vùng đất mà ngày nay là St. Petersburg, quê nhà của Putin nằm ngay trên đó.
 
Yermak xâm lược vùng Siberia thế kỷ 16. Tranh của Vasily Surikov
Yermak xâm lược vùng Siberia thế kỷ 16. Tranh của Vasily Surikov

Thế kỷ 18-19, Nga liên tục phát động chiến tranh nhiều không kể xiết nhằm thôn tính các vùng lãnh thổ ở cả Châu Âu lẫn Châu Á, chiếm Ba Lan, Phần Lan, hốt dọn Thổ Nhĩ Kỳ, xâm nhập Trung Á, chiếm luôn Turkistan. Ở Viễn Đông, nhân lúc nhà Thanh suy yếu năm 1858 với Hòa ước Aigun, năm 1860 với Hòa ước Bắc Kinh, thú ăn thịt Nga hốt luôn 1.500.000 km2 đất giữa các dãy núi Stanovoy và Amur, từ Primorye xuống đến Vladivostok vốn trước đó là của nhà Thanh, cắt đứt vĩnh viễn đường ra biển Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Đầu thế kỷ 20, Nga âm mưu xâm chiếm Mãn Châu nhưng thất bại trong chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 khiến Nga bị đánh bật ra ngoài.

Do chính sách xâm lược mà nước Nga Sa hoàng còn là nhà tù của các dân tộc. Nước Nga là một quốc gia có tới trên 100 dân tộc khác nhau, người không phải Nga chiếm 57% dân số trong nước. Chính quyền Nga hoàng còn thi hành chính sách kỳ thị chủng tộc: chia rẽ và gây hằn thù giữa các dân tộc, cấm giảng dạy và xuất bản sách báo bằng tiếng mẹ đẻ…Trong những điều kiện của chủ nghĩa đế quốc, ách áp bức dân tộc lại càng nặng nề hơn.

Nước Nga Xô-viết

Khi Cách mạng Nga thành công năm 1917, chế độ Sa hoàng sụp đổ. Ngày 15-11-1917, những người Bolshevik đã tuyên bố cho phép các dân tộc trên toàn nước Nga được quyền tự quyết định lấy số phận của họ,

Hàng loạt các dân tộc bị áp bức đã tuyên bố ly khai khỏi đế quốc Nga để thành lập quốc gia như nước Cộng hòa Nhân dân Ukraine (22-1-1918), Cộng hòa Nhân dân Belarus (25-3-1918), Cộng hòa Dân chủ Gruzia (26-5-1918), Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan (28-5-1918), v.v… Phần Lan và ba nước Baltic cũng tuyên bố độc lập.

Tuy nhiên ngay sau đó, nước Nga Xô-viết đã trở quẻ, lật lọng tung quân tấn công xâm lược các quốc gia non trẻ mới thành lập này. Kết quả là lần lượt các nước này đều bị quân Nga chiếm đóng và các chính quyền độc lập dân tộc đều bị thay thế bằng các chính quyền Xô viết theo kiểu Nga và ngày 28-12-1922 các chính quyền Xô-viết Ukraine, Belarus, Ngoại Kavkaz hợp nhất cùng chính quyền Xô-viết Nga để thành lập Liên bang Xô-viết. Trong khi đó Phần Lan, Ba Lan và ba nước Baltic đã bẻ gãy thành công cuộc xâm lược của Nga Xô viết năm 1919 nên vẫn giữ được nền độc lập của mình.
 
Quân Nga bị nhân dân vùng Trung Á đánh cho tơi bời cuối thế kỷ 19. Tranh của Vasily Vereschagin
Quân Nga bị nhân dân vùng Trung Á đánh cho tơi bời cuối thế kỷ 19. Tranh của Vasily Vereschagin

Năm 1939, Liên Xô quay lại thôn tính ba nước Baltic là Estonia, Latvia, Litva và Phần Lan. Trong khi ba nước Baltic tuyệt vọng không dám chống trả thì ngược lại, Phần Lan kháng cự quyết liệt. Kết quả là Phần Lan giữ được độc lập còn ba nước Baltic thì phải chịu đựng ách cai trị của người Nga suốt nửa thế kỷ cho tới khi Liên Xô giãy chết năm 1991.

Cả ba nước vùng Baltic cùng Mỹ, Nghị viện Châu Âu, Tòa án Nhân quyền Châu Âu và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đều tuyên bố công khai cho rằng ba nước này bị Liên Xô xâm chiếm, chiếm đóng trái phép và sát nhập vào Liên Xô theo Hiệp ước bất tương xâm Molotov-Ribbentropp ký giữa Liên Xô với Đức Quốc xã. Cũng trong khuôn khổ Hiệp ước này, Liên Xô còn cùng với Đức xâm lược Ba Lan, gây nên vụ thảm sát đầy tai tiếng ở Katyń rồi sau đó lại đổ thừa cho phát-xít Đức.

Năm 1956, Liên Xô đưa Hồng quân vào Hungary đàn áp cách mạng ở nước này. Năm 1968, Moscow tiếp tục ngang nhiên kéo quân vào lật đổ chính phủ Tiệp Khắc. Năm 1979 Liên Xô lại mang quân vào thôn tính Afghanistan, làm dấy lên phong trào kháng chiến Mujahidine chống quân xâm lược khiến đất nước yên bình này lâm vào thảm cảnh chiến tranh làm hàng triệu người chết và bị thương. Mãi đến năm 2001, Mỹ và Đồng minh tiến vào giải phóng Afghanistan khỏi sự thống trị của tập đoàn khủng bố Taliban thì nước này mới được tận hưởng nền hòa bình dù đâu đó vẫn còn những cuộc quấy phá nho nhỏ của tàn dư chế độ cũ.

Vào năm 1979, thành trì “bảo vệ hòa bình thế giới”, “chưa hề xâm lược ai” phát triển một kế hoạch mang tên “Bảy ngày tới sông Rhine” (Seven Days to the River Rhine) nhằm phát động chiến tranh hạt nhân tấn công các thành phố lớn của các nước NATO như München, Nürnberg, Vienna, Roskilde, Verona, Vicenza... trong thời gian bảy ngày. Tài liệu 1.700 trang này được chính phủ Ba Lan công khai năm 2005.

Nước Nga Putin

Năm 1990 nước Cộng hòa Chechnya tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô. Năm 1994 chiến tranh Chechnya lần thứ nhất với kết cục chiến thắng thuộc về những người chủ trương ly khai.

Khi Vladimir Putin lên cầm quyền năm 2000 thì Nga lại tiếp tục đưa quân xâm lược Chechnya một lần nữa. Điều khôi hài là năm 2008 Nga tung quân ủng hộ Abkhazia và Nam Ossetia tách ra khỏi Gruzia để nhập về Nga, năm 2014 tung quân ủng hộ Crimea và Donetsk, Luhansk tách khỏi Ukraine để về Nga nhưng khi Chechnya đòi ly khai khỏi Nga thì Nga lại không chịu.
 
Cái giá phải trả khi xâm lược Afghanistan: thương phế binh Liên Xô trở về. Hình của RIA Novosti (1990)
Cái giá phải trả khi xâm lược Afghanistan: thương phế binh Liên Xô trở về. Hình của RIA Novosti (1990)

Thế là thế nào nhỉ? Ly khai khỏi nước khác để sáp nhập vào Nga thì được. Ly khai khỏi Nga thì không. Tiêu chuẩn kép kiểu Nga chăng?

Khang Linh, từ TP. HCM


 
Tổng số điểm của bài viết là: 145 trong 35 đánh giá
Xếp hạng: 4.1 - 35 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn