“NGỌN ĐUỐC SỐNG” JAN PALACH ĐƯỢC DỰNG ĐÀI KỶ NIỆM

Chủ nhật - 17/01/2016 00:35

(NCTG) Đài kỷ niệm để tưởng nhớ Jan Palach - một sinh viên đã tự thiêu để phản đối hành động can thiệp quân sự của Liên Xô và liên quân các nước XHCN - đã được dựng tại Praha vào thứ Bảy 16-1-2016, nhân 46 năm sự kiện chấn động này.

Lễ cắt băng khánh thành đài kỷ niệm Jan Palach, Praha ngày 16-1-2016 - Ảnh: Petr David Josek (MTI)

Lễ cắt băng khánh thành đài kỷ niệm Jan Palach, Praha ngày 16-1-2016 - Ảnh: Petr David Josek (MTI)

Tượng đài là tác phẩm của điêu khắc gia, kiến trúc sư người Mỹ gốc Czech John Hejduk (1929-2000), được dựng tại quảng trường mang tên Jan Palach trước phòng hòa nhạc nổi tiếng Rudolfinum của thủ đô Praha với sự hiện diện của Thị trưởng thành phố, bà Adriana Krnácová, và Đại sứ Hoa Kỳ tại Praha, ông Andrew Schapiro.

Quần thể tượng đài gồm hai phần, là hai khối lập phương có chiều cao 6m, và trên đỉnh là hình tượng ngọn đuốc. Một phần có màu sáng mang tên “Ngôi nhà của người con”, phần kia màu tối mang tên “Ngôi nhà của người mẹ”, tượng trưng cho người con trai như ngọn đuốc rọi sang dẫn đường, và bà mẹ đau thương vì cái chết của con.

Trên đài tưởng niệm có khắc thi phẩm “Lễ mai táng Jan Palach” của nhà văn Mỹ David Shapiro viết năm 1969, trước cái chết động lòng và quả cảm của chàng sinh viên yêu nước Jan Palach.

Nguyên bản của tác phẩm nghệ thuật tạo hình này làm bằng gỗ, và được John Hejduk gửi tặng Tổng thống Czech Václav Havel và nhân dân Tiệp Khắc vào thập niên 90 thế kỷ trước - khi đó, nó được trưng bày tại khu thành cổ Hradčany của Praha. Tên nguyên thủy của tác phẩm này là “Ngôi nhà của người con tự sát” và “Ngôi nhà của mẹ người con tự sát”.

Tuy nhiên, hành động của Jan Palach được người Czech coi là sự hy sinh quên mình cho nền độc lập và tự chủ của đất nước, chứ không phải là tự sát, nên khi làm lại bằng vật liệu bền và đặt tại quảng trường Jan Palach, tác phẩm này đã được đổi tên như đã nói ở trên.
 
“Ngọn đuốc sống” Jan Palach - Ảnh tư liệu
“Ngọn đuốc sống” Jan Palach - Ảnh tư liệu

Như đã biết, vào ngày 20-8-1968, quân đội Liên Xô và các nước trong Khối hiệp ước Warszawa đã tràn vào Tiệp Khắc để đàn áp và đè bẹp những nỗ lực dân chủ của nước này, được biết đến trong sử sách với cái tên “Mùa xuân Praha”. Là một sinh viên khoa Triết, ngày 16-1-1969 Jan Palach đã chọn cái chết để lên tiếng phản đối sự can thiệp thô bạo này.

Nơi diễn ra vụ tự thiêu là quảng trường trung tâm Wenceslas (Praha), trước tòa nhà của Bảo tàng Quốc gia Tiệp Khắc. Là thành viên một nhóm quy tụ các sinh viên ái quốc của đại học Praha, Jan Palach đã nhận nhiệm vụ trên thông qua rút thăm. Khi được mọi người ùa đến cứu, cơ thể anh đã bị bỏng quá nặng và cơn hấp hối của Palach kéo dài tới 73 giờ.

Trong một thời gian dài, Palach vẫn tỉnh táo và anh còn được biết rằng nghĩa cử của anh đã làm rúng động cả thế giới. Palach qua đời ngày 19-1-1969, những thước phim tài liệu đen trắng mang tựa đề “Jan 69” về những giờ phút cuối cùng của Palach và lễ tang của anh, trước đây bị cấm đoán, sau đó tưởng chừng đã thất lạc, đã được công chiếu tại Rome (Ý) hôm 16-1-2009.

Tự thiêu như một hình thức phản đối hành động xâm lược Tiệp Khắc của Moscow đã xuất hiện từ năm 1968, với cái chết của ông Ryszard Siwiec, người Ba Lan 59 tuổi, cha của bốn người con, ngay tại Sân vận động Quốc gia Warszawa, trước sự có mặt của hàng trăm ngàn khán giả, trong đó có Ban lãnh đạo Ba Lan cùng các nhà ngoại giao, các quan khách nước ngoài.
 
Người ở lại trong đau đớn - Ảnh tư liệu
Người ở lại trong đau đớn - Ảnh tư liệu

Theo thống kê, sau cái chết của ông, trong thời gian từ 16-1-1969 đến 14-5-1972, đã có 12 người tự thiêu để phản đối việc quân đội các nước XHCN đưa quân vào Tiệp Khắc, cũng như phản đối nền độc tài theo mô hình Stalinist. Trong số đó, ngoại trừ 1 người ở độ tuổi 40, những người còn lại đều là thanh niên từ 19 đến 25 tuổi, mà Bauer Sándor của Hungary là người trẻ nhất (17 tuổi).

Trần Lê tổng hợp


 
 Từ khóa: tự thiêu, Jan Palach
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn