Là Bộ trưởng Nội vụ Đức thời Thế vận hội München 1972, Genscher ủng hộ
chính sách “Hướng Đông” (Ostpolitik) của Thủ tướng Willy Brandt (SPD), với mục tiêu hòa dịu với Moscow và khối XHCN thời đó, trong đó có Đông Đức.
Sau khi Brandt buộc phải từ chức năm 1974, Genscher vẫn đứng bên người thay thế ông ở ghế Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và Thủ tướng - Helmut Schmidt -, và liên minh FDP-SPD được duy trì cho tới năm 1982.
Khi đó, FDP rời bỏ liên minh này và đứng về phía CDU/CSU. Sau khi Thủ tướng Schmidt bị Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm và người kế nhiệm là Helmut Kohl, Genscher được nhận ghế Phó Thủ tướng, đồng thời giữ cương vị Ngoại trưởng.
Trong gần 10 năm cuối của thời kỳ Chiến tranh lạnh, Ngoại trưởng Hans-Dietrich Genscher đã có vai trò to lớn trong việc chủ trương “
chung sống hòa bình”, nhằm kết thúc sự thù địch giữa hai phe Quốc - Cộng và thống nhất nước Đức.
Ông cũng rất tích cực trong quan hệ với Hungary trong quá trình bàn thảo và đàm phán để chính phủ cộng sản nước này mở biên giới cho 60-80 ngàn người Đông Đức sang Phương Tây từ ngả Áo,
gỡ viên gạch đầu tiên trong bức tường Berlin.
Sau những biến có ấy, Genscher còn tiếp tục là thành viên của Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) cho tới năm 1998, và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Đức thời kỳ 2001-2013.
Nhìn lại tiểu sử vị chính khách lớn này, cần nhớ ông cũng là một người tỵ nạn Đông Đức: ngay trước khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, ông bị gọi nhập ngũ khi mới 18 tuổi, và bị liên quân Anh - Mỹ cầm tù. Được trả tự do, ông theo học luật và kinh tế tại TP. Leipzig (Đông Đức).
Chỉ tới năm 1952, tức là 3 năm sau khi Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời, ông mới chạy qua bên Tây, và sinh sống ở TP. Bréma, rồi gia nhập FDP và nhanh chóng có những thành công trong nội bộ đảng. Năm 1965, ông trở thành dân biểu, và giữ cương vị này tới 1998.
Hậu thế sẽ nhớ tới Hans-Dietrich Genscher như vị Ngoại trưởng của nước Đức thống nhất, người đã có nhiều công lao cho sự nghiệp tái thống nhất dân tộc Đức.