“Nemzeti Dal”: CON ĐƯỜNG CỦA MỘT BÀI CA DÂN TỘC

Thứ ba - 15/03/2016 09:34

(NCTG) “Bài ca Dân tộc” (Nemzeti Dal), thi phẩm ái quốc lớn nhất của thi hào Petőfi Sándor, đọng lại với hình ảnh nhà thơ - nhà cách mạng đứng đọc trên bậc thềm của Bảo tàng Quốc gia Hungary, trước đám đông cách mạng. Tuy nhiên, đây chỉ là một huyền thoại.

Petőfi Sándor đọc thi phẩm “Bài ca Dân tộc” - Tranh của Zichy Mihály

Petőfi Sándor đọc thi phẩm “Bài ca Dân tộc” - Tranh của Zichy Mihály

Trong hồi tưởng mà Petőfi để lại, Bảo tàng Quốc gia không có trong số các địa điểm mà ông đọc thơ trong ngày 15-3 lịch sử đó, nhưng chính hậu thế đã tạo nên một huyền thoại đẹp đẽ và hùng tráng trong ký ức tập thể, khi để nhà thơ nói lời hiệu triệu nhân dân tại nơi này.

Lần về lịch sử 168 năm trước, bài thơ được sáng tác vào hôm 13-3-1848, hai ngày trước khi cuộc cách mạng nổ ra. Vào hôm đó, giới thanh niên và trí thức Pest khi nghe tin cuộc cách mạng ở Vienna đã bùng nổ, cũng đã tụ họp để bàn bạc về khả năng một cuộc khởi nghĩa của mình.

Ngày hôm sau, 14-3, tất cả tập trung tại tiệm cà phê Pilvax, một địa điểm được coi là đại bản doanh của cuộc cách mạng. Nghiền ngẫm thời cuộc và bàn thảo, những chàng trai Pest nhận định đã đến lúc Hungary cũng phải xóa bỏ xã hội phong kiến lạc hậu, và giành lại nền độc lập.

Đêm xuống. Một trong số những nhà cách mạng trẻ - Petőfi Sándor, lúc đó 25 tuổi, đưa ra một mảnh giấy gập làm bốn: đó là bản thảo đầu tiên của “Bài ca Dân tộc”. Có lẽ đám đông khi ấy còn chưa nghĩ được rằng, họ đã là nhân chứng của sự ra đời một áng “thiên cổ hùng văn”.
 
Tiệm cà phê Pilvax, đại bản doanh của cuộc cách mạng 1848 - Tranh màu của Preiszler József
Tiệm cà phê Pilvax, đại bản doanh của cuộc cách mạng 1848 - Tranh màu của Preiszler József

Câu thơ đầu tiên - hết sức nổi tiếng - của thi phẩm này “Talpra magyar, hí a haza” (Tổ quốc gọi người dân đứng lên đi), thoạt tiên được tác giả viết là “Rajta magyar, hí a haza!” (Tổ quốc gọi, người dân vùng dậy đi). Khi đó, Szikra Ferenc, một sinh viên Luật khoa khi đọc xong đã góp ý:

Cậu này, đầu tiên phải để người Hung “đứng lên” cái đã, rồi sau đó mới “vùng dậy” được chứ”. Thấy có lý, chàng trai Petőfi sửa ngay, và bài thơ được hoàn tất theo dạng mà ngày nay chúng ta được biết với điệp khúc lặp lại năm lần: “Chúng ta thề - Chúng ta thề không làm nô lệ nữa!”. 

Thật ra, ý tưởng của “Bài ca Dân tộc”, trước đó đã được Petőfi thai nghén để viết cho buổi họp mặt nhân dân mà giới trẻ Pest định triệu tập vào ngày 19-3. Tuy nhiên, cuộc cách mạng Vienna đã làm tất cả các sự kiện diễn ra nhanh chóng, theo những hồi ức trong nhật ký của nhà thơ.

Sáng sớm 15-3, giới lãnh đạo thanh niên cách mạng có mặt đông đủ tại tiệm cà phê Pilvax và thảo ra bản “Yêu sách 12 điểm” (*). Cũng vào lúc đó, Petőfi đã đọc “Bài ca Dân tộc” lần đầu trong ngày. Rồi giới trẻ quyết định lập tức đi vận động sinh viên Pest cho cuộc cách mạng sắp tới.
 
Bản in đầu tiên của “Bài ca Dân tộc” - Ảnh tư liệu
Bản in đầu tiên của “Bài ca Dân tộc” - Ảnh tư liệu

Với mục tiêu buộc chính quyền phải đáp ứng những yêu sách cách mạng, những “Chàng trai tháng Ba” đã tới gặp giới sinh viên Y khoa, Kỹ thuật và Luật khoa. Cho dù trời đổ mưa dầm dề, nhưng “không gì làm nguội được lửa nhiệt thành”, như Petőfi hồi tưởng trong cuốn “Nhật ký”:

Jókai (Mór) đọc lời kêu gọi là “Yêu sách 12 điểm”, và mọi người bắt tôi đọc lại “Bài ca Dân tộc”, tất cả đều nhận được hồi âm hết sức nhiệt tình, và ở phần điệp khúc “Chúng ta thề”, cả năm lần, tất cả đám đông đều hô lại cùng chúng tôi”. Đó là lần thứ hai thi phẩm vang lên trong ngày.

Buổi trưa, giới trẻ tới nhà in Landerer để in ấn các tư liệu cho cuộc cách mạng. Như một hành động mang tính biểu tượng, họ đã “trưng thu” một máy in để có thể tiến hành in ấn mà không thông qua hệ thống kiểm duyệt khắc nghiệt, yêu sách đầu tiên và chính yếu mà cách mạng đòi hỏi.

Tự do báo chí của Hungary được tính từ thời điểm đó, khi bản “Yêu sách 12 điểm” là sản phẩm đầu tiên, và “Bài ca Dân tộc” là sản phẩm thứ hai, đã được in thành nhiều bản và phát cho mọi người. Đám đông đã cùng đọc bài thơ trước nhà in, như một lời thề quật khởi của cuộc cách mạng.
 
Hình ảnh cuộc cách mạng đi kèm biểu tượng của nó
Hình ảnh cuộc cách mạng đi kèm biểu tượng của nó

Rồi tất cả hẹn nhau tập trung vào hồi 3 giờ chiều tại vườn của Bảo tàng Quốc gia Hungary. Từ đây, đoàn người tiếp tục tới Tòa Thị chính Pest, gây áp lực khiến vị Thị trưởng phải ký nhận “Yêu sách 12 điểm”. Giữa chừng, ngày càng thêm nhiều người tham gia cuộc tuần hành của giới trẻ.

Chiều hôm đó, đại diện của Đế chế Áo (Vương triều Habsburg) tại Hungary “mặt tái mét và run rẩy”, rồi “sau khoảng năm phút bàn bạc, đã chấp thuận tất cả”, theo lời kể của Petőfi. Quân đội được lệnh không dùng súng, và cửa nhà tù được mở với nhà yêu nước, nhà văn Táncsics Mihály.

Hai chục ngàn thanh niên Pest đã làm nên cuộc cách mạng như thế, và trong đó, vai trò “Bài ca Dân tộc” của Petőfi là hết sức lớn lao. Được vang lên ít nhất là ba lần trước đám đông ngày 15-3 lịch sử ấy, nó đã là hiệu kèn ra trận, và trở thành một “Tuyên ngôn Độc lập” của xứ sở Hungary.

Là một thi phẩm mang tính hành khúc, viết cho một dịp nhất định, nhưng “Bài ca Dân tộc” đã vượt qua được mọi hạn chế của những tác phẩm thời cuộc, để trở thành bài ca tự do của các dân tộc không chịu lùi bước trước bạo quyền. Petőfi cũng cho hay, ông rất hài lòng với bài thơ này.
 
Bản “Yêu sách 12 điểm”, sản phẩm đầu tiên của nền báo chí tự do Hungary
Bản “Yêu sách 12 điểm”, sản phẩm đầu tiên của nền báo chí tự do Hungary

Mang ngòi bút xuống đường cùng người dân, “Bài ca Dân tộc” “quả thực đã định ra một ranh giới trong thi nghiệp của Petőfi: đây là cái ngưỡng mà thông qua đó, mộng ước và lòng mong muốn của nhà thơ đã bước sang địa hạt của hành động”, theo nhà nghiên cứu văn học Horváth János.

Ý thơ của “Bài ca Dân tộc”, sau này đã là cảm hứng để các nhà thơ Andrei Mureşanu (Romania) và Ján Botto (Slovakia) có những vần thơ mang âm hưởng tương tự cho những cuộc cách mạng ở xứ sở họ. Ước vọng tự do ấy, còn vang vọng trong thập kỷ 70-80, khi bài thơ được phổ nhạc.

Ca khúc cùng tên do ca, nhạc sĩ Tolcsvay László phổ nhạc từ năm 1973, nhưng bị cấm đoán và chỉ được vang lên vào năm 1981 với phần trình diễn chung của “Người đàn bà hát” Koncz Zsuzsa cùng hai ban nhạc lớn của Hungary “Illés” và “Fonográf”, đã được khán thính giả hết sức tán thưởng.

Cả bài thơ, và ca khúc vẫn được vang lên trong dịp kỷ niệm 15-3, hoặc ngay cả trong những sự kiện chính trị cấp thời, khi người dân cảm thấy cần lên tiếng phản đối chính quyền đã không thực hiện, hay chà đạp “khế ước xã hội” do cử tri ủy nhiệm. Đó là sức mạnh vĩnh cửu của “Bài ca Dân tộc”.
 
Anh hùng dân tộc, thi hào Petőfi Sándor (1823-1849)
Anh hùng dân tộc, thi hào Petőfi Sándor (1823-1849)

Cho dù, tác giả của nó, thi sĩ của tự do và ái tình, đã ra đi trên chốn sa trường, hoặc bị bắt và phải sống cuộc đời mòn mỏi nơi xa xứ. Luôn tâm niệm không thể chết trên giường ấm đệm êm khi dân tộc còn trong vòng nô lệ, Petőfi đã sống và chết như một nghệ sĩ, một nhà ái quốc chân chính...

(*) Mang tên “Dân tộc Hung muốn gì? Hãy mang lại hòa bình, tự do và đồng thuận”, 12 điểm trong bản yêu sách đòi hỏi phải có tự do báo chí, bãi bỏ kim duyệt, người dân phải được bình đẳng trên tư cách công dân và tôn giáo, quân đội cần tuyên thệ trước Hiến pháp, không đưa lính Hung ra nước ngoài, và quân đội ngoại quốc phải rời khỏi Hung, Hungary phải có các Bộ và phải họp Quốc hội thường niên tại Pest, tù chính trị phải được phóng thích, v.v...

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn