PETŐFI SÁNDOR, THI SĨ CỦA TỰ DO VÀ ÁI TÌNH

Thứ ba - 13/03/2007 12:07

(NCTG) “Nếu ai đó nói bằng tiếng Hung từ “thi sĩ”, người đó trước hết đã nghĩ đến Petőfi. Kể từ khi bước chân vào văn đàn, ông hiện diện không ngừng ở đó. Ông là tấm gương và là thước đo".

PETŐFI SÁNDOR, THI SĨ CỦA TỰ DO VÀ ÁI TÌNH

“Đã và vẫn có thể bắt chước ông, cũng như đã và vẫn có thể tránh mọi thứ khiến ta nghĩ đến phong cách của ông, nhưng bất cứ một nhà thơ nào viết bằng tiếng Hung, không thể tránh được mối tương giao tinh thần với ông. Những bài phê bình, nghiên cứu, sách vở viết về ông chứa đầy cả một thư viện, từ những góc nhìn mới, thời nào người ta cũng nói thêm được những điều mới về ông.

Một phần thi nghiệp của ông chẳng những được biết đến rộng rãi, mà còn trở thành những bản dân ca mà ai cũng thuộc, chỉ có điều nhiều người không biết đó là của ông. Không thể biết tiếng Hung, nếu không thuộc ít nhất dăm bảy khổ thơ Petőfi. Và cuối cùng, ông là thi sĩ vĩ đại nhất của Hungary trên trường quốc tế: nếu một người ngoại quốc có chút hiểu biết văn hóa nghe đến từ “văn học Hung”, trước tiên, họ phải nghĩ đến Petőfi!”.

Đó là những từ trân trọng mà nước Hung đã dành cho Petőfi Sándor, nhà thơ, vị anh hùng dân tộc, một trong những người con ưu tú nhất của xứ sở này, mà độc giả Việt Nam đã có dịp biết tới qua những vần thơ hào sảng của thi phẩm “Tự do, Ái tình” (Szabadság, szerelem).

*

Cuộc đời Petőfi đã trở thành huyền thoại và hầu như, mọi người dân Hung đều biết tất cả về ông với sự sùng kính chân thành. Đời ông rộng mở và sáng tỏ như chính những vần thơ ông. Ai cũng biết Petőfi sinh vào đúng đêm Giao thừa năm 1823. Ai cũng biết sinh thời, trong 26 năm ngắn ngủi, Petőfi đã sáng tác hàng ngàn bài thơ với những chủ đề như tình yêu, lòng yêu nước, yêu tự do, dân chủ, ý chí dân tộc quật cường…, và ông đã chứng tỏ sự xác tín trong tâm tình của mình bằng chính cuộc đời: tên tuổi ông gắn liền và rạng ngời với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc 1848, với mục tiêu đưa nước Hung trở thành một quốc gia độc lập, theo thể chế Cộng hòa.

Ai cũng biết Petőfi hy sinh năm 1849 tại trận chiến chống quân Áo ở vùng Segesvár, trên tư cách một nhà cách mạng Hung mang tư tưởng cương quyết và cấp tiến nhất của thời đại ông sống, một thi sĩ của dân tộc, của châu Âu. Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi Petőfi đã được đưa vào hàng những văn sĩ lớn của châu Âu thời bấy giờ, những người mang trong mình ngọn lửa dân chủ, cách mạng, như Byron (Anh), Pushkin (Nga), Heiné (Đức), Mickiewicz (Ba Lan) và Viktor Hugo (Pháp). Và, nếu chỉ hạn chế trong khuôn khổ văn học, tất cả những gì diễn ra sau đó trong nền thi ca Hung đều có khởi nguồn và xuất xứ từ ông!

Lần lại những trang lịch sử, Petőfi Sándor (tên thật là Petrovics Sándor) chào đời tại vùng Kiskőrös trong một gia đình lao động nghèo. Thuở nhỏ, ông học hành thất thường và đến năm 16 tuổi, bị cha từ, ông bắt đầu cuộc đời lang bạt của một lãng tử. Làm giúp việc tại Nhà hát Quốc gia, ông đã có những năm tháng lăn lộn với nghề kịch nghệ. 19 tuổi, ông đạt được thành công đầu tiên trong văn chương với bài thơ “Quán rượu” (A borozó). Cũng trong năm đó, lần đầu tiên, ông ký bút danh Petőfi dưới thi phẩm “Trên đất nước tôi” (Hazámban).

Sống bần hàn, đói khát thường xuyên, nhiều bận, chỉ nhờ bạn bè giúp đỡ mà Petőfi Sándor mới thoát khỏi cảnh khốn cùng. Tuy nhiên, cũng nhờ cuộc đời phiêu bạt nay đây mai đó, ông có dịp đi bộ qua rất nhiều vùng - từ làng mạc đến thị thành - nước Hung, chứng kiến những cảnh đời bất hạnh và có những trải nghiệm mà ít người ở độ tuổi 20 như ông có được.

Để rồi, trong những giờ khắc đầu của năm 1848 lịch sử, khi cả châu Âu rung chuyển vì những cuộc cách mạng dân chủ, Petőfi đã có trong mình những cảm xúc tràn đầy về tự do và tình yêu, như trong thi phẩm ngắn mà ông viết cho mình nhân ngày sinh nhật thứ 25 trước đó một năm: “Tự do và Ái tình - Vì các ngươi ta sống…”.

Vào khoảnh khắc ấy, ông thổ lộ: “Tôi cảm nhận cách mạng như chú cẩu cảm nhận cơn địa chấn…” Và, trong những vần thơ rực lửa, Petőfi Sándor đón chờ cuộc cách mạng toàn cầu vì một xã hội dân chủ, công bằng, vì nền độc lập của những xứ sở.

Petőfi Sándor đã đốt cháy mình trong cuộc cách mạng gắn liền với tên tuổi ông. Ngày 15-3-1848, “Ngày Petőfi” trong lịch sử Hung, trước Bảo tàng Quốc gia tại trung tâm thủ đô Budapest, thi sĩ đã đọc “Bài ca Dân tộc” (Nemzet dal), thi phẩm được coi là bài ca tượng trưng cho cuộc cách mạng dân chủ Hung. Đó là một khúc hát bi tráng và hào hùng, với ngôn từ ngắn gọn và mang âm hưởng hồi kèn chiến đấu, có sức mạnh như một đạo quân, trong trận chiến đòi các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi quyền độc lập dân tộc.

Vùng lên dân Hung
Tổ quốc vẫy gọi
Thời cơ đã đến
Giờ, hay không bao giờ
Sẽ là nô lệ
Hay người tự do
Câu hỏi là đây
Bạn hỡi, lựa chọn!

Hỡi thánh thần của người Hung
Chúng con xin thề
Sẽ không bao giờ chịu kiếp nô lệ!…

Từ những trường học, những tiệm cà phê, cùng thi hào Petőfi và bản “Yêu sách 12 điểm”, giới trẻ học đường đã lao vào một cuộc cách mạng lãng mạn nhưng không cân sức. Giới quý tộc, được sự trợ giúp của các thế lực quân sự nước ngoài, đã phản công dữ dội. Một cuộc chiến bảo vệ độc lập và tự do dân tộc diễn ra và Petőfi Sándor, nhà thơ với những thi phẩm thấm đẫm tình yêu nước và tự do, đã không muốn đứng ngoài cuộc, cho dù bạn hữu ông ngăn cản, không muốn ông phải liều mình. Và, điều xấu nhất đã xảy ra đối với Petőfi và dân tộc Hung: 6 giờ chiều ngày 31-7-1849, thi sĩ của tình yêu và lòng ái quốc đã ngã xuống trong một trận chiến ở vùng Segesvár, để lại đứa con thơ duy nhất vừa tròn nửa năm tuổi!

Đất nước Hung, trong một thời gian dài, không thể tin và không muốn tin vào sự ra đi vĩnh viễn của người con ưu tú của mình. Nhiều huyền thoại đã được truyền tụng, rằng Petőfi không hy sinh, ông chỉ bị bắt và đi đày ở Siberia, rằng ông đã trở về… Illyés Gyula, nhà thơ nổi tiếng của Hung thế kỷ XX, một hậu duệ xuất sắc của Petőfi, đã viết như sau trong cuốn sách về Petőfi:

Các bạn có thể nói với một bà mẹ rằng con trai bà đã qua đời ở một miền xa xôi nào đó. Bà sẽ không tin. Và nếu bằng lý trí, với thời gian, bà đành bằng lòng với thực tế ấy, thì trong lòng bà, trái tim bà vẫn dội nên niềm hy vọng trước một nguồn tin ngược lại, cho dù nó vô lý đến đâu đi nữa, rằng con bà vẫn còn trên cõi đời này…

*

Thi ca và cuộc đời của Petőfi Sándor, vĩ nhân từ một xứ sở rất xa và lạ đối với Việt Nam, lại được biết đến rất sớm ở nước ta qua những bản dịch (với ngôn ngữ trung gian là tiếng Pháp) của nhiều nhà thơ Việt Nam như Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Tú Nam…

Đặc biệt, mảng thơ của Petőfi về đề tài tình yêu và bổn phận ái quốc của người trượng phu thời ly lạc đã có ảnh hưởng rất lớn đến Phùng Quán, một gương mặt nổi bật của phong trào Nhân văn Giai phẩm thuở nào. Thi phẩm “Hôn” (1956) nổi tiếng của Phùng Quán, với những vần thơ rực lửa “Nhưng dù chết em ơi - Yêu em anh không thể - Hôn em bằng đôi môi - Của một người nô lệ“, là một ví dụ điển hình về sự đồng điệu giữa tình cảm và tâm thế của hai nhà thơ, hai dân tộc cách nhau một khoảng rất xa về địa lý.

Tên tuổi và sự nghiệp Petőfi Sándor được đất nước và dân tộc Hung gìn giữ và trân trọng, tên ông được đặt cho một trong bảy cây cầu bắc qua sông Danube, và vô số đường phố trên lãnh thổ Hung. Bức tượng ông được đặt ở trung tâm thủ đô Budapest, nhìn ra sông Danube, vẫn thường có những bó hoa tươi của khách thập phương...

Để kết thúc, mời bạn đọc theo dõi bản dịch Việt ngữ một thi phẩm xinh xắn của Petőfi Sándor về tình yêu đôi lứa, để thấy rằng sự thể hiện tâm hồn và tình yêu của mọi dân tộc trên thế giới này cũng hàm chứa rất nhiều điểm tương đồng, giản đơn và nồng thắm. Đó là bài “Em yêu nhất mùa xuân” (Te a tavaszt szereted…), được sáng tác năm tác giả 23 tuổi, ba năm trước khi ông ra đi:

Em yêu nhất mùa xuân
Anh yêu nhất mùa thu
Vì mùa xuân giống em
Vì mùa thu giống anh

Mặt em đỏ hồng hồng
Là dáng hồng xuân đấy
Ánh mắt em long lanh
Như ánh trời thu vậy

Nếu anh bước chân lên
Một bước, rồi bước nữa
Anh sẽ đến bên thềm
Của mùa đông giá lạnh

Nhưng nếu anh lùi về
Còn em thì bước tới
Ta sẽ gặp gỡ nhau
Giữa mùa hè chói lọi.

Trần Lê


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn