POZSONY VÀ QUỐC HỘI CẢI TỔ HUNGARY

Thứ năm - 16/05/2019 01:55

(NCTG) “Thả bộ trong khu phố cổ Bratialava tọa lạc tại trung tâm lịch sử của thành phố, bên dưới Lâu đài Pozsony, chúng ta sẽ thấy, trên đỉnh cao chót vót của Nhà thờ lớn, không phải hình tượng cây thánh giá như thường thấy, mà chính là một hình ảnh rất quen thuộc và thiêng liêng đối với người dân Hungary: bản sao của Vương miện Thần thánh của Hung”.

Tòa lâu đài tại khu phố cổ Bratislava, nơi Quốc hội Vương quốc Hungary hội họp trong thời gian 1802-1848

Tòa lâu đài tại khu phố cổ Bratislava, nơi Quốc hội Vương quốc Hungary hội họp trong thời gian 1802-1848

Giáo trình dành cho công dân ngoại quốc thi Quốc tịch tại Hungary, trong phần nói về thời kỳ Hungary bị dòng họ Habsburg (Áo) cai trị và cuộc cách mạng, cuộc chiến tự do 1848-1849, có cho hay: trong thời kỳ chuẩn bị cho cuộc cách mạng 1848, những phiên họp Quốc hội với nội dung làm sao có thể cải tổ nước Hung đã được tổ chức tại Pozsony.

Pozsony là ở đâu, và tại sao Hungary ko họp Quốc hội tại Budapest? Câu trả lời có thể nhiều người biết: Pozsony là một thành phố thuộc Vương quốc Hungary thời đó, giờ chính là thủ đô Bratislava của Cộng hòa Slovakia. Còn sở dĩ họp Quốc hội tại đây, vì khi đó Hungary còn chưa có... Nhà Quốc hội.

Quả vậy, tòa nhà nghị viện hiện tại của Hungary - được coi là Nhà Quốc hội đẹp nhất thế giới, và xét về mặt bề thế, nó cũng đứng hàng 2-3 - chỉ được xây trong thời kỳ 1885-1904. Trước đó, những đại diện của Vương quốc Hungary đương thời - giới quý tộc, tăng lữ, trí thức thành thị... - không có một tòa nhà lập pháp cố định, mà họ thường tụ họp, bàn bạc, tranh luận việc nước tại những lâu đài, cung điện ở đâu mà họ thấy tiện.
 
Quảng trường Trung tâm của Phố cổ Bratislava, địa điểm truyền thống của các lễ đăng quang của các vị vua Hungary thuở xưa
Quảng trường Trung tâm Phố cổ Bratislava, địa điểm truyền thống của các lễ đăng quang của các vị vua Hungary thuở xưa

Bài học lịch sử cho hay, đầu những năm 1800, khởi đầu những trào lưu chính trị mới mà mục đích của chúng là biến đổi chế độ phong kiến lạc hậu và thiết lập xã hội tư sản. Đó là khởi đầu cho một thời kỳ rạng rỡ, được gọi bằng cái tên Thời Cải cách (Reformkor) trong lịch sử Hungary (1825-1848).

Thời kỳ này được hậu thế nhớ tới với những tên tuổi hết sức vĩ đại như Széchenyi István, Kossuth Lajos, hay Kölcsey Ferenc. Nước Hung hiện đại chào đời trong khoảng thời gian này, với những đòi hỏi cấp thiết như xóa bỏ chế độ nông nô, hay buộc giới quý tộc giàu có cũng phải đóng thuế, chứ không thể để người dân nghèo khổ phải nai lưng sưu cao thuế nặng một mình.

Quốc hội Hungary khi đó được chia làm hai viện (lưỡng viện) - Thượng viện và Hạ viện - và do nhà vua triệu tập, cũng như giải tán. Thượng viện gồm các đại biểu (chỉ đàn ông) của giới quý tộc và tăng lữ, còn Hạ viện gồm các đại diện cho người dân trên toàn quốc, thường là giới trí thức thành thị hoặc quý tộc nhỏ. Hai Viện trong Quốc hội nhóm họp riêng, tại Pozsony, khi đó là trung tâm chính trị của đất nước.
 
Nhà thờ chánh tòa Pozsony (Bratislava, Cộng hòa Slovakia) mang tên Thánh Martin, nơi tìm thấy một trong những văn bản cổ nhất bằng tiếng Hung: 'Điếu văn và sự khẩn cầu'
Nhà thờ chánh tòa Pozsony (Bratislava, Cộng hòa Slovakia) mang tên Thánh Martin, nơi tìm thấy một trong những văn bản cổ nhất bằng tiếng Hung: “Điếu văn và sự khẩn cầu”

Rất thú vị khi tìm hiểu về hệ thống bầu cử và lập pháp của Vương quốc Hungary thời bấy giờ, để so sánh với nhánh lập pháp hiện tại ở Hung. Các thành viên của Hạ viện được bầu tại các cuộc bầu cử tại các tỉnh thành, mỗi địa phương được chọn 2 đại biểu, trên tư cách “sứ giả” cho địa phương mình. Họ được quy định trước là trong Hạ viện cần nêu ý kiến như thế nào, biểu quyết ra sao, v.v...

Quy trình ban hành luật diễn ra như sau: dự luật được Hạ viện thông qua được chuyển lên Thượng viện, và nếu ở đó cũng chiếm được số phiếu đa số, nó sẽ được gửi lên nhà vua để ký phê chuẩn. Nếu dự luật bị mắc mớ ở một khâu nào đó, nó sẽ bị gửi trả lại địa chỉ trước đó để bàn thảo lại. Cần phải có chữ ký của Hoàng đế thuộc dòng họ Habsburg thì luật mới có hiệu lực pháp luật, và thường phải chờ đợi rất lâu để có điều này.

Sẽ còn rất nhiều điều có thể nói về thời kỳ này, ở đây chỉ tập trung vào một câu hỏi cuối: tại sao Pozsony, mà không phải Budapest hay một thành phố khác được chọn là nơi diễn ra đời sống nghị trường của Hungary đầu thế kỷ 18? Muốn biết lý do, cần trở về thời kỳ Đế chế Ottoman uy hiếp và xâm chiếm Hungary. Còn nhớ, năm 1541, thành Buda thất thủ và Vương quốc Hungary bị chia cắt làm 3 phần.
 
Bản sao mạ vàng Vương miện Thần thánh của Hungary trên đỉnh Nhà thờ Thánh Martin (cao 1,57m, nặng 300km)
Bản sao mạ vàng Vương miện Thần thánh của Hungary trên đỉnh Nhà thờ Thánh Martin (cao 1,57m, nặng 300kg)

Phần phía Tây của đất nước trở thành một phần của Đế chế Habsburg, phần giữa bị Thổ Nhĩ Kỳ thống trị, còn vùng đất lịch sử Erdély rộng lớn bị tách ra khỏi Hung, trở thành một công quốc độc lập. Khi đó, triều đình Áo (sở hữu một phần Vương quốc Hungary) quyết định để Pozsony trở thành thủ đô “nội chính” mới của Hung (vì Buda đã lọt vào tay Thổ trong vòng 150 năm), còn thủ đô thứ hai của Hung là Vienna, nơi ngự trị của dòng họ Habsburg.

Hơn thế nữa, Pozsony còn trở thành thành phố đăng quang của các vị vua Hungary: từ năm 1563 trở đi, ngoài một vài ngoại lệ, trong vòng hơn 250 năm, các vị vua và hoàng hậu Hungary đã đăng quang tại Nhà thờ chánh tòa Pozsony mang tên Thánh Martin (St Martin's Cathedral): tên và năm lên ngôi của họ còn được ghi lại trong một danh sách đặt trên tường, tại nơi trang trọng nhất của ngôi thánh đường nổi tiếng này.

Một ngày rảnh rỗi nào đó, có dịp thả bộ trong khu phố cổ Bratialava tọa lạc tại trung tâm lịch sử của thành phố, bên dưới Lâu đài Pozsony, chúng ta sẽ thấy, trên đỉnh cao chót vót của Nhà thờ lớn, không phải hình tượng cây thánh giá như thường thấy, mà chính là một hình ảnh rất quen thuộc và thiêng liêng đối với người dân Hungary: bản sao của Vương miện Thần thánh của Hung!

Mười một (11) vị vua Hung đã lên ngôi tại đây!

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Bratislava, Pozsony
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn