75 năm trước: BUDAPEST THẤT THỦ

Thứ sáu - 14/02/2020 03:50

(NCTG) Ngày 13-2-1945, tức là tròn 75 năm về trước, chấm dứt một trong những trận chiến ác liệt, đẫm máu và kéo dài nhất của Đệ nhị Thế chiến: trận chiến của Hồng quân Xô-viết nhằm chiếm thủ đô Budapest.

Chiến sự ác liệt xảy ra tại Quảng trường Anh Hùng - Ảnh tư liệu

Chiến sự ác liệt xảy ra tại Quảng trường Anh Hùng - Ảnh tư liệu

Kéo dài 102 ngày đêm, đây được coi là trận chiến dài thứ nhì của Thế chiến 2, chỉ sau trận Stalingrad. Hậu quả để lại thật nặng nề: chỉ còn chừng một phần tư trong tổng số gần 40.000 tòa nhà của Budapest là “trụ lại” được. 38.000 cư dân đã thiệt mạng.

Budapest bị các đạo quân Liên Xô tấn công từ đầu tháng 11, và Hồng quân siết chặt vòng vây từ ngày 24-12-1944, khiến gần một triệu người - gồm quân nhân Hung-Đức và cư dân Hung đã có một Giáng sinh thật kinh hoàng khi không tài nào rút khỏi đây.
 
Cầu Xích bị đánh sập - Ảnh tư liệu
Cầu Xích bị đánh sập - Ảnh tư liệu

Cả phần Pest của thủ đô trở thành mặt trận và khi đó, cư dân thành phố đã truyền nhau một câu nói buồn: “Giao thông Pest tốt đến nỗi chỉ cần một vé tàu điện là có thể đi thẳng ra mặt trận”. Cầm cự được tới ngày 18-1, sau đó Pest rơi vào tay quân đội Xô-viết.

Gần một tháng sau, ngày 13-2, đến lượt Buda - nơi vang bóng những ký ức của các vương triều Hungary từ giữa thế kỷ 13 - cũng thất thủ. “Nữ hoàng bên bờ Danube trở thành hành khất của Châu Âu” - tờ báo “Tiếng Dân” (Népszava) viết ngày 6-2-1945.
 
Vùng ven Cầu Tự do cũng diễn ra những trận kịch chiến - Ảnh tư liệu
Vùng ven Cầu Tự do cũng diễn ra những trận kịch chiến - Ảnh tư liệu

Hồng quân Liên Xô đã huy động những lực lượng tinh nhuệ - Phương diện quân Ukraine số 2 (do nguyên soái Rodion Malinovsky chỉ huy) và Phương diện quân Ukraine số 3 (do nguyên soái Fyodor Tolbukhin chỉ huy) - cho trận bao vây thành phố Budapest.

Tuy nhiên, theo lệnh của “Führer”, liên quân Đức - Hung đã không được phép rút lui, mà phải cố thủ trong từng ngôi nhà để biến Budapest thành một pháo đài (Festung), vì nhà độc tài Hitler coi thành phố này là cửa ngõ của con đường dẫn sang thành Vienna.
 
Duna-korzó hoang tàn - Ảnh tư liệu
Duna-korzó hoang tàn - Ảnh tư liệu

Từ ngày 10-12, lệnh giới nghiêm đã được tuyên bố tại Budapest. Không có ga sưởi, điện cũng chỉ có 2-3h hàng ngày, thực phẩm thiếu thốn và với thời gian, nước sạch cho sinh hoạt cũng thiếu, người dân sống trong sợ hãi. Con số quân nhân đảo ngũ tăng vọt.

Trong lòng thành phố bị phong tỏa, có chừng 800 ngàn cư dân và 90-100 ngàn lính Hung và Đức “bám trụ” (nhưng được ban lãnh đạo quân sự Liên Xô báo cáo “vống” về cho điện Kramlin là 190 ngàn). Tổng lực của Hồng quân lên tới 150-170 ngàn quân nhân.
 
Quảng trường Kálvin bị tàn phá khủng khiếp - Ảnh tư liệu
Quảng trường Kálvin bị tàn phá khủng khiếp - Ảnh tư liệu

Ngày 29-12-1944, hai “sứ giả” của Hồng quân là Steinmetz và Ostapenko chuyển tối hậu thư của Liên Xô cho phía Đức, nhưng theo chỉ thị của Hitler, đề nghị đó đã bị khước từ, và hai sứ giả thiệt mạng một cách mờ ám. Hôm sau, cuộc chiến công thành bắt đầu.

Hồng quân Xô-viết đã nã pháo dồn dập trước khi tấn công, nhưng cuộc chiến vẫn diễn ra rất khốc liệt để giành giật từng ngôi nhà. 80 ngàn lính Liên Xô thiệt mạng, 240 ngàn bị thương, phía Đức-Hung có 100 ngàn lính bị chết, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh.
 
Những công trình kiến trúc nổi tiếng cũng bị tàn phá - Ảnh tư liệu
Những công trình kiến trúc nổi tiếng cũng bị tàn phá - Ảnh tư liệu

Cuộc chiến kéo dài nhất ở khu vực Thành cổ Buda. Tháng 1 và 2, các đạo quân Hung và Đức cố thủ tại đây, khiến nơi này phải chịu sự oanh tạc ghê gớm của bom và đạn pháo. Cung điện Hoàng gia của Vương quốc Hungary đã bị cháy trong nhiều ngày.

Dọc bờ sông Danube, khúc được coi là đẹp nhất của cả 2.850km sông và hiện thời là con phố đi bộ Duna-korzó, hàng loạt khách sạn nổi tiếng thời đó hầu như biến thành tro tàn. Cây Cầu Xích (Lánchíd) cổ nhất bắc qua con sông Danube cũng bị phá hủy.
 
“Nữ hoàng bên bờ Danube trở thành hành khất của Châu Âu” - Ảnh tư liệu
“Nữ hoàng bên bờ Danube trở thành hành khất của Châu Âu” - Ảnh tư liệu

Không chỉ Cầu Xích, mà tất cả những cây cầu lịch sử khác của thủ đô Budapest cũng chịu chung số phận. Những địa danh nổi tiếng khác ở trung tâm nội đô, như Quảng trường Kálvin, Đại học Kỹ thuật, Quảng trường Anh Hùng... cũng bị thiệt hại nặng nề.

13-2, những đơn vị Hung-Đức cuối cùng cũng buộc phải hạ vũ khí. Thành Budapest thất thủ, Moscow đã cho bắn những tràng đại bác để chào mừng chiến thắng này. Không chỉ Hungary, mà Liên Xô cũng phải trả giá rất đắt cho cuộc chiến chiếm Budapest...

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn