Hồi ký của Soros Tivadar: SỰ MỞ ĐẦU “CON ĐƯỜNG KHỔ NẠN” CỦA DO THÁI - HUNG

Thứ tư - 20/03/2019 04:58

(NCTG) “Sinh ra trong một gia đình gốc gác Do Thái đâu phải là tội lỗi!”.

Sĩ quan Đức quốc xã bên bờ sông Danube, đoạn chảy qua nội đô Budapest, năm 1944 - Ảnh tư liệu

Sĩ quan Đức quốc xã bên bờ sông Danube, đoạn chảy qua nội đô Budapest, năm 1944 - Ảnh tư liệu

Lời người dịch: Như NCTG đã giới thiệu, “Sống sót - Thế giới Quốc xã ở Hungary” (Túlélni - Nácivilág Magyarországon), hồi ký của Soros Tivadar (1893-1968) được xuất bản bởi NXB Quá khứ và Tương lai (Múlt és Jövő Kiadó, Budapest) là sách bán chạy mùa Giáng sinh 2018 vừa qua.

Tác giả là người Do Thái sống ở Hung đầu thế kỷ 20, có cuộc đời vô cùng phiêu lưu, đồng thời là người dày công duy trì nền nếp gia phong thắm đượm tính nhân văn đã tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp của hai người con nổi tiếng: Soros Pál (1926-2013), và Soros György (1930- ).

Sách rất hữu ích cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về nỗ lực sống sót của dân Do Thái thời cuối Đệ nhị Thế chiến, khi Hungary buộc phải nằm giữa hai gọng kìm của Đức và Liên Xô, cũng như để hiểu thêm về nhà tài phiệt đầy ảnh hưởng Soros György cùng ý tưởng “Xã hội Mở” của ông.

NCTG đã từng giới thiệu chương cuối của hồi ký. Trong dịp này, xin gửi tới quý độc giả chương đầu “19 tháng Ba” của sách về một thời khắc định mệnh, khi nước Đức Hitler mở cuộc tấn công chiếm đóng Hungary, mở đầu cho giai đoạn ngắn, hủy diệt 2/3 dân gốc Do Thái ở Hungary.

Là một mốc lịch sử bi thảm khi Hungary mất quyền tự quyết vào tay Đức quốc xã, việc Đệ tam Đế chế đưa quân đội tràn vào Hungary vào một ngày Chủ nhật cách đây tròn 75 năm, cho tới giờ vẫn là sự kiện khiến công luận, chính giới và giới nghiên cứu Hung có nhiều ý kiến trái chiều.

Những dòng tự sự của Soros Tivadar, một chứng nhân có trọng lượng của biến cố kể trên, có thể khiến chúng ta có thêm điểm nhìn tham chiếu về số phận trớ trêu của nước Hung trong thế kỷ 20, cũng như tấn thảm kịch holocaust của dân Do Thái nước này. Trân trọng giới thiệu!
 
Chiến xa Đức trên đường phố Budapest - Ảnh tư liệu
Chiến xa Đức trên đường phố Budapest - Ảnh tư liệu

 
19 THÁNG BA 1944

Cuộc sống thật đẹp phong phú và mạo hiểm, nhưng đời sẽ dễ chịu hơn nếu người ta có thêm may mắn. Một ngày tháng 9-1939, trong lúc phát thông báo của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain về Thế chiến Hai, một phát thanh viên đài phát thanh Hung đã nhận xét: “Giá trị nhân loại đã giảm 25%, đời dân Do Thái sẽ không bằng một cái bậc cửa mục!”.

Tôi cũng được nghe nhận xét này, nhưng không mấy lưu tâm. Cuộc sống vẫn tiếp diễn: đàn ông lao động và giải trí, đàn bà tới tiệm hóa trang và sinh đẻ.

Thiên thư có thể đã được viết ra, chỉ tiếc chúng ta chưa đọc và chưa hiểu được.

Trước khi nổ ra Thế chiến Hai, năm 1938 tôi có gặp một luật sư gốc Do Thái từ Áo di cư sang, ông ngửa tay xin tiền. Mủi lòng trước cảnh tượng người di cư. Tôi móc hết các túi rồi đưa ông tất cả 300 pengõ (30 đô-la), một khoản tiền lớn đối với tôi lúc đó. Hơi lạ, ông ta thản nhiên bỏ vào túi, thay vì một lời cảm ơn, ông bảo: “Anh bạn trẻ, cho ta chỉ ngần này mà không biết rằng sẽ mất tất cả sao!”.

Mãi rất lâu sau này, tôi mới dần ngộ ra cái lý sắc nhọn của lời nói đó. Lúc mà dân Do Thái không chỉ bị lột tất cả của cái mà còn bị cướp đi cả sinh mạng mình.

Khi Áo bị sát nhập vào Đế chế Hitler thì Hungary trở thành lân bang trực tiếp của nước Đức Quốc xã. Hình thế địa lý buộc nước Hung phải ve vãn làm bạn với Đức và đó là cốt lõi của chủ thuyết không gian sinh tồn của Đức - nguyên lý Lebensraum - có thể tóm gọn như sau: nước Đức có quyền bành trướng về Đông Âu để tạo đời sống tốt đẹp cho các dân tộc. Nguyên lý này, về cơ bản xác nhận quyền chiếm đóng nửa Đông của Châu Âu. Hungary trở thành liên minh Đông Âu đầu tiên của Đệ tam Đế chế.

Viên đạn tìm thấy bên thi thể Thủ tướng Teleki Pál (1) có thể nói lên với thế giới rằng: dân Hung đã không tự nguyện mà bị ép buộc phải liên minh với Đức. Teleki Pál đã tự sát, ý thức chính trị buộc ông phải đứng về phía Đức, song về nhân bản ông đã không thể chịu đựng được bi thảm này. Năm 1940, ký Hiệp định hữu nghị vĩnh viễn với Nam Tư. Chỉ ba tuần sau, ông đã phải nhắm mắt làm ngơ để cho quân đội Đức vượt qua đất Hung, xâm chiếm Nam Tư. Teleki đã thể hiện khí khái của một chính nhân quân tử trong một gia đình quý tộc có truyền thống trọng danh dự.

Người Do Thái ở Hungary đã bị ảnh hưởng nhiều từ chính sách phân biệt chủng tộc của Hitler và sự gần gũi với nước Đức. Năm 1939, Luật Do Thái đầu tiên đã truất bỏ mọi quyền bình đẳng được công nhận trước đó. Luật này quy định rõ các hạn chế đối với người Do Thái trên các lĩnh vực làm ăn kinh tế và lao động. Hơn nữa, Luật còn ghi rõ: chỉ công nhận những người có đủ giấy tờ xác nhận đã sinh sống cùng gia đình trên đất Hung từ trước năm 1914. Những người từ năm 1914 và về sau đều bị liệt vào danh sách “không rõ ràng” và có nguy cơ sẽ bị trục xuất.

Số người này tuy không nhiều, nhưng Luật đã làm xáo trộn và gây căng thẳng mọi mặt đời sống của dân gốc Do Thái. Không dễ, bởi trước nay, rất hiếm khi cần đến tờ giấy xác nhận công dân. Thường nhật chỉ cần chìa giấy báo chỗ ở hoặc tờ khai sinh, mất thì có thể làm lại ở Sở Công chứng dù tốn ít tiền. Nay, giấy gì cũng phải đợi hàng tháng, thậm chí lâu hơn… Đã bắt đầu một cuộc chiến cân não về nạn giấy tờ!

Đầu năm 1941 đã rộ tin: những người không rõ ràng đã lên tới hơn một vạn và sẽ bị đưa đi Ba Lan, nơi đã bị Hitler chiếm đóng. Đa số sẽ bị lùa đến bờ sông gần thị trấn Kamianets-Podilskyi rồi bắn chết tập thể. Ngày càng nhiều tin về các vụ thảm sát, về trại cải tạo và về những cuộc nổi dậy ở các trại bên Ba Lan. Vẫn chỉ là các tin chẳng biết thực hư ra sao. Với một niềm tin về lòng từ bi ở Đấng Tối cao, chúng tôi chịu đưng trong câm lặng những mớ tin bi thảm này. Chúng tôi còn bán tin bán nghi có lẽ cũng là một cách tự vệ.

1941, 1942, 1943…

Thời gian nặng nề chậm trôi. Hitler ngày càng bị thất trận thê thảm trên khắp các mặt trận. Có lẽ sự sụp đổ của Đệ tam Đế chế chỉ còn là ngày tháng. Chúng tôi cảm thấy lạc quan, tựa như một người rơi từ tầng 6 xuống, chưa qua tầng 1 vẫn... rất lạc quan nhận thấy: “Vẫn còn sống!”.
 
Quân đội Đức bên Pháo đài Ngư phủ, Thành cổ Buda. Ngày 19-3-1941 - Ảnh tư liệu
Quân đội Đức bên Pháo đài Ngư phủ, Thành cổ Buda. Ngày 19-3-1941 - Ảnh tư liệu

Thế rồi ngày 19-3-1944 đã đến!

Cũng bình thường như những ngày khác. Sáng sớm, còn hơi cóng nhưng mặt trời long lanh hưa hẹn một chủ nhật đẹp trời. Tôi ngồi ở tiệm cà phê, một chỗ rất tốt, như mọi sáng. Vẫn như thường lệ, ông chủ tiệm mang đến tách cà phê, thêm tờ báo sáng và thấp giọng:

- Quý Ngài biết chưa, đêm qua bọn Đức đã đến rồi!

Tôi chưa biết. Đã lâu nay, chuyện Đức chiếm đóng cứ lởn vởn cả trong không khí. Nhưng cũng chẳng ai nghĩ điều đó nhất định sẽ đến. Bản thân tôi cũng hơi ngạc nhiên, bởi chính quyền Hung đã ngoan ngoãn thỏa mãn mọi yêu cầu nhằm tránh một cuộc xâm lược. Kállay Miklós, thủ tướng đương nhiệm là một người danh gia vọng tộc, Ông có quan hệ rộng và nổi tiếng đến nỗi một điệu nhảy mang tên ông: điệu nhịp hai Kallay. Nhảy điệu này: đôi trai gái luôn liên tục xoay tròn với hai bước trái, hai bước phải. Ngài thủ tướng cũng thực hiện chính sách như điệu nhảy mang tên ông.

Các nhà ngoại giao và báo chí luôn thể hiện một ẩn ý với các đồng minh: Hungary sẽ sẵn sàng đứng sang phía Tây khi có cơ hội nhưng với Hitler phải tỏ ra là một chiến hữu đáng tin cậy. Tình hình chính sự đã buộc Kallay đã phải luôn thỏa mãn các yêu cầu của Hitler. Xâm lược trắng trợn một nước bạn hữu nghị là một hạ sách. Chắc chắn Đức cũng nhận biết điều này, nhưng tình hình đã trở nên trầm trọng.

18-3, một ngày trước cuộc xâm lăng Hungary, đài BBC đã đưa tin: “Hồng quân đã áp sát biên giới Romania. Mười tập đoàn quân Đức đã bị tan rã. Có khả năng các đội lính Đức sẽ bị bao vây và sẽ bị tiêu diệt theo kiểu cuốn chiếu ở chiến trường Ukraine. Mỹ đã bắt đầu tiến hành các phi vụ ném bom các cứ điểm quân sự trên đất Đức”. Sau bản tin, phát thanh viên còn bình luận thêm: “Đức không chỉ đang bị khốn ở các mặt trận phía Đông mà ngay tại các nước đồng minh, Đức cũng đang phải đối phó với những chống đối ngày càng kịch liệt!”.

Tình thế nghiêm trọng cần quyết định đặc biệt: phải chiếm đóng Hungary. Bộ Tư lệnh Hitler biết rõ: nếu mất Hung thì cả toàn bộ quân Đức ở vùng Balkans sẽ nguy hiểm. Đường tiếp tế với quân lính sẽ bị cắt đứt không chỉ ở Romania mà mà còn đối với cả vùng Balkans: Nam Tư, Bungary, Thổ Nhĩ Kỳ. Hitler đã học bài học không thể chậm trễ từ cuộc đổ quân vào Ý trước đây.

Cuộc đổ quân bắt đầu vào rạng sáng ngày 19-3-1944. Hầu như không gặp phải sự kháng cự chống đối nào đáng kể.

Lúc đó, Nhiếp chính Horthy (2) cùng các Bộ trưởng và cả Bộ Tư lệnh quân đội còn đang ở Đức theo một lời mời hội đàm trước đó. Trong nước, chính quyền và cả quân đội lại có nhiều phần tử thân Đức.

Hitler thường chọn thời điểm cuối tuần cho những quyết định táo bạo. Cuộc đổ quân vào lãnh thổ Hung cũng được chọn vào đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật. Các báo ra ngày Chủ nhật thì đã rời nhà in, đa số báo không ra ngày thứ Hai. Không có báo chí, nên tin tức chỉ còn đường truyền miệng nửa tin nửa ngờ lan nhanh khắp Budapest. “Hitler tóm gọn Horthy… Tin này đã được cải chính… Đức không bố trí được tầu hỏa, Horthy và các Bộ trưởng không thể về nước… Thủ tướng đã mất tích…. Bưu điện, đài phát thanh, nha cảnh sát.. đã rơi vào tay Đức… Nhiều người bị bắt…!”.

Những tin đồn đại loại như thế... lan truyền khắp thành phố. Nhưng phố xá vẫn yên bình, sáng Chủ nhật đẹp trời, không mấy bóng dáng lính Đức. Mặt trời long lanh không biểu hiệu gì khác thường. Trên khu Thành Vár, Phủ Tổng thống được canh phòng nghiêm mật, các ngả đường bị chặn! Quan sát mãi, tôi mới nhận ra có một xe tăng sơn màu xanh-vàng đậu trước trụ sở Nha Cảnh sát.

Buổi sáng, trên phố mọi người vẫn bình thản, một sáng đẹp trời. Trong thâm tâm, ai cũng như ai, Do Thái, không Do Thái, cấp tiến hay bảo thủ... mang nỗi băn khoăn: không ai biết ngày mai sẽ ra sao?! Mọi người thì thầm, nhưng không nhận biết thực trạng cứ như những con cá đã bị vất lên bờ. Cũng không thể bình tâm mà phủi tay, ai cũng biết Hitler nguy hiểm thế nào, đặc biệt với dân Do Thái. Thật may mắn và thông minh: những người đã lo chạy trước!

Bản thân, cho đến lúc này, tôi vẫn luôn nghĩ đời là một cuộc phiêu lưu.

Thời vừa đôi mươi, Thế chiến Nhất bùng nổ. Đang học, tôi bỏ luôn cuộc sống sinh viên, nhanh chóng nhập vào đoàn người tự nguyện ra mặt trận: chẳng phải vì lòng yêu nước hay nghĩa khí cao cả gì mà bởi tôi chỉ lo không nhanh thì chiến tranh chấm dứt vả thế là sẽ mất cơ hội. Một cơ hội phiêu lưu thú vị không thể bỏ lỡ cơ hội tham dự cuộc Thế chiến đầu tiên và cuối cùng của cuộc đời mình!

Tôi đã không ít lần đặt sinh mạng vào cuộc phiêu lưu nguy hiểm, ngay cả những sự kiện thường diễn ra ngoài mặt trận. Xin được kể một chuyện vặt thế này.

Là sĩ quan chỉ huy tôi luôn nhận nhiệm vụ nguy hiểm. Có một lần tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy một đội “miệng phễu”. Rất mau, sau đó tôi cũng hiểu ý nghĩa thực của từ này!

Lính Nga dàn quân cách chúng tôi một tầm ném đá, nghĩa là hai bên chỉ cách nhau không quá 30 mét. Chúng tôi phải đào hào đủ dài và chôn mìn xuống hào. Nhưng khốn nỗi là phía địch cũng làm vậy. Bên nào cũng sợ bên kia cho nổ trước, thế là cả hai bên đều liên tục cho nổ, không đợi hào đủ dài đủ sâu. Cả bãi chiến trường chi chít các hố hình miệng phiễu… Lo sợ và nghi kỵ bao trùm, căng thẳng đến rợn người.

Tôi nhận nhiệm vụ: phải cử trinh sát xem phía địch đang âm mưu gì. Theo tôi thì đây là một mệnh lệnh quá nguy hiểm. Hai bên gần nhau thế này thì cần gì phải lên trinh sát! Song, mệnh lệnh là mệnh lệnh. Chỉ phải chấp hành! Là lính tôi biết vậy và cũng được huấn luyện nhu vậy.

Tôi hỏi:

- Ai xung phong lên trinh sát?

Một lính cao, còm nhom run rẩy đứng lên. Chúng tôi trao đổi vài câu ngắn:

- Cậu không được?

- Vì sao? - run và hơi ngạc nhiên.

- Vì cậu sợ! Tôi biết cậu run sợ. - Đúng là anh ta đang run và run càng mạnh hơn.

- Ngài chỉ huy, cứ cho tôi đi. Làm thợ may, tôi lại có khiếu vẽ. Tôi đã ngấy cuộc đời này rồi. Sau vụ này, tôi sẽ được thăng chức, đúng không? Hãy cho tôi đi.

Mềm lòng, tôi đồng ý. Anh lính nhoài người trườn lên, mới được khoảng 5-6 mét, loạt liên thanh giòn đanh và anh ta nằm bất động.

- Ai lên mang chiến hữu về?

Im lặng. Không ai nhận.

- Chả nhẽ tôi phải lên sao? Không ai trả lời. Trong vài giây tôi biết tôi phải làm việc này. Và thật ngu đã hỏi câu này! Tôi bò lên và sau vài phút kéo được anh lính về chiến hào, nhưng đã là một xác chết vì nhiều vết đạn vào đầu.

Những phiêu lưu nguy hiểm như vậy cũng đã thành chuyện thường ngày, nhưng không thể bình thản mà kể ra được, bởi những người đã chết không thể kể lại chuyện mình. Hơn hai năm ở mặt trận Siberia, tôi luôn đối mặt với những hiểm nguy phiêu lưu như thế. Và cũng thật may mắn, trong một chuyến mạo hiểm trốn trại, tôi đã vượt thoát khỏi nước Nga đang hừng hực cách mạng mà tìm được đường về quê an toàn.

Thời gian qua nhanh. Bây giờ tôi đã ở tuổi ngũ tuần, mang trên vai cả một gia đình với hai con nhỏ. Tôi không thể để đời mình dễ dàng lao vào các cuộc phiêu lưu, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ gia đình, bảo vệ hai con trai trước phong ba bão táp. Và tôi cũng nhận biết rằng: cuộc sống an bình phong lưu đã chấm dứt. Cuộc sống buộc phải chấp nhận những phiêu lưu mới, tâm niệm rằng không còn dễ dàng để đời mình lao vào như thời trai trẻ nữa. Lo lắng, bồn chồn tràn ngập. Càng không thể để vợ và hai con cũng phải bồn chồn lo lắng. Nhưng dù nhẹ nhàng vẫn phải cho họ ý thức được tình trạng lúc nào cũng có thể ập đến các nguy hiểm bất ngờ!

Ván cờ ban chiều vẫn có vẻ bình thường. Có thể chẳng phải vì ham cờ, mọi người vẫn tụ tập lại, chính là vì háo tin, âu lo và ngơ ngác, mong được người thạo tin, khôn ngoan hơn chỉ dẫn. Tình trạng quân đội yên vị đã làm nhiều người bực tức, phê phán xỉ vả Horthy, rồi lại rộ tin lãnh đạo này bi bắt, nhóm nào bi đưa đi trại Ba Lan. Một người vùa đến, nói to:

- Biết Zsilinszky (3) ra sao rồi không? Bọn Đức muốn bắt ông. Đập cửa ầm ầm nhưng ông quyết không mở. Chúng bắn nát cửa, xông vào nhà, ông bị trọng thương, hy sinh oanh liệt rồi!

Mọi người im lặng ngạc nhiên. Ai cũng biết: Zsilinszky là một người nổi tiếng can đảm và rất ghét Hitler. Sau đó, buổi tối một bác sĩ đến. Chúng tôi xúm lại:

- Đúng không? Zsilinszky chết thật sao?

- Đúng! Tôi đã tận mắt nhìn biên bản khám nghiệm.

Không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng sau mới rõ vị bác sĩ này đã nói đại, Mãi 9 tháng sau, Zsilinszky mới bị hành hình ở Cầu Đá Sopron (Sopronkőhida).

Về đến nhà, tôi liền mò sóng tìm đài. Như thường lệ, đài vẫn phát chương trình như mọi ngày. Đài Budapest vẫn chương trình nhạc nhẹ, rồi một bản giao hưởng Mozart. Bắt đài BBC, tôi thường nghe nhiều ngôn ngữ: nhưng cũng chỉ một tin ngắn chung chung: Đức đã đổ quân vào Hungary. Đài phát thanh đã không đủ mạnh để cảnh báo về tai họa đang sập xuống đầu hàng triệu ngườii Do Thái! Rồi một tin hấp dẫn: Tổng thống Roosevelt với giọng đầy xúc động kêu gọi nhân dân Hung hãy dành cho người Do Thái đang bị đe dọa sinh mạng những trợ giúp khẩn cấp.

Đây là những lời có cánh đầu tiên của ngày hôm nay tôi nghe được. (Mười sáu năm sau, tôi đã bỏ công nhưng không tìm dấu tích bài nói này trên các số báo của tờ “Thời báo New York” - New York Times . Được biết các số báo đã không cho đăng bài trên các chương trình phát của đài “Tiếng nói Hoa Kỳ” - Voice of America).

Đến tối khuya, ngồi một mình bên vợ, hai cậu con trai đã ngủ từ lâu, cô giúp việc thì đã về quê. Lần đầu tiên tôi nhận ra căn hộ quá rộng và thoải mái mà tôi đang ở này đã được thiết kế không phù hợp: chỉ một cửa ra, không có cửa hậu thoát hiểm, không có phòng kín… Tôi đi đi lại lại muốn khám phá căn hộ, điều mà trước đây chưa bao giờ làm. Ở phòng kho, có trần kép: nếu bị khám nhà đột ngột có thể tạm ẩn vào đây, hay nấp sau các tủ đứng này?

Còn cô giúp việc thì giấu cô ta vào vào đâu, hay không thuê nữa? Chắc chắn bà vợ sẽ không đồng ý, bà ấy không thể sống một ngày thiếu người giúp việc! Và rồi cuối cùng phải nhận ra: căn hộ này không thể là nơi ẩn náu cả nhà được!

Nghĩ đến đận phải lẩn trốn là tôi nóng đầu muốn nổi điên: nếu bị bắt thì ít ra cũng hiên ngang chử không để phải bị lôi ra từ nơi lẩn trốn như thế này. Mà thưc ra, chúng tôi có tội tình gì mà phải lẩn trốn. Sinh ra trong một gia đình gốc gác Do Thái đâu phải là tội lỗi! Mà chưa chắc lính Đức sẽ đến đây ngay buổi tối đầu tiên này. Chúng tôi đâu có phải là nhưng nhân vật trọng yếu!

Đến tận lúc ngả lưng xuống giường êm đệm ấm, tôi đã quyết định dứt khoát phải bỏ ra khỏi đầu óc ý nghĩ về sự lẩn tránh. Chụp tai nghe lên đầu, tôi lại lần dò tìm các đài phát thanh: từ London, Paris, Moscow, Berlin, Tanger… Nhưng chẳng có tin gì thêm! Làm sao bây giờ? Rồi cuối cùng, tôi cũng chìm vào giấc ngủ như mọi đêm, bình an vô sự!

Ghi chú (của NCTG):

(1) Bá tước Teleki Pál (1879-1941): nhà giáo, nhà khoa học, Viện sĩ Hàn Lâm, chính khách Hungary, từng giữ cương vị Bộ trưởng trong các nội các Hungary và hai lần là Thủ tướng Hung (1920-1921 và 1939-1941). Tự sát khi cảm thấy bất lực trước cảnh Hungary bị lôi kéo vào Thế chiến.

(2) Horthy Miklós (1868-1957): nhà quân sự, chính khách Hungary, giữ cương vị Nhiếp chính Vương quốc Hungary thời kỳ 1920-1944. Sự đánh giá về ông tới nay vẫn còn gặp nhiều tranh cãi.

(3) Bajcsy-Zsilinszky Endre Kálmán (1886-1944): nhà báo, chính khách Hungary, tham gia kháng chiến chống Đức quốc xã và bị tử hình.

Phạm Khuê giới thiệu và chuyển ngữ từ bản tiếng Hungary


 
 Từ khóa: holocaust, Soros Tivadar
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn