“… CẦN PHẢI TỐNG CỔ LŨ ĂN HẠI…”

Thứ hai - 13/01/2020 05:25

(NCTG) “Nếu một chính phủ tệ hại có thể tồn tại dài lâu ở vị trí của mình, thì chắc chắn là phần lỗi nằm ở dân tộc ấy”.

“Mỗi dân tộc đều có một chính phủ tương xứng với nó...”

“Mỗi dân tộc đều có một chính phủ tương xứng với nó...”

Tản bước trên phố phường Hung Gia Lợi, không loại trừ là một lúc nào đó, chúng ta sẽ “chạm trán” với tấm bảng sau, với những hàng chữ dày đặc của thứ ngôn ngữ được coi là “khó nhất thế giới” và “chỉ 10 triệu dân trong nước và 5 triệu kiều dân ở nước ngoài” có thể nói và hiểu: tiếng Hung. Đã có thời, nó được coi là đặc điểm để nhận ra những “người Hỏa tinh có trí tuệ siêu việt như Neumann János, Szilárd Leó hay Teller Ede.

Đoạn văn trên bảng nguyên văn và đầy đủ thế này: “Minden nemzetnek olyan kormánya van, aminőt érdemel. Ha valami oknál fogva ostoba vagy komisz emberek ülnek egy bölcs és becsületes nép nyakára, akkor a nép azokat a silány fickókat minél hamarabb a pokol fenekére küldi. De ha egy hitvány kormány huzamosan megmarad a helyén, akkor bizonyos, hogy a nemzetben van a hiba. Akkor az a nemzet aljas vagy műveletlen”.

Tạm dịch thô: “Mỗi dân tộc đều có một chính phủ tương xứng với nó. Nếu vì một lý do gì đó, những kẻ xuẩn ngốc hay bẩn thỉu ngồi lên đầu một dân tộc sáng suốt và trung thực, thì dân tộc ấy cần phải tống cổ lũ ăn hại ấy xuống đáy địa ngục càng nhanh càng tốt. Nhưng nếu một chính phủ tệ hại có thể tồn tại dài lâu ở vị trí của mình, thì chắc chắn là phần lỗi nằm ở dân tộc ấy. Khi đó, dân tộc ấy hoặc chết tiệt, hoặc vô học thức”.

Trích đoạn nổi tiếng này được cho là của bá tước Széchenyi István (1791-1860), một vĩ nhân thời Cải cách (đầu thế kỷ 19) của Hungary, người sáng lập nước Hung hiện đại, thuộc hàng những chính khách xuất chúng và quan trọng nhất trong lịch sử Hungary, được đối thủ chính trị lớn nhất đương thời là Kossuth Lajos (1802-1894) - cũng là một “người khổng lồ” khác của nước Hung - xưng tụng là “người Hung vĩ đại nhất”.
 
Bá tước Széchenyi István, “người Hung vĩ đại nhất” - Họa phẩm của Schöfft József và Schöfft Ágoston (1836)
Bá tước Széchenyi István, “người Hung vĩ đại nhất” - Họa phẩm của Schöfft József và Schöfft Ágoston (1836)

Thật ra, ý đầu của câu nói này quen quen nhỉ? “Dân nào chính phủ đó”, đã có những bài viết gọi đây là “ngạn ngữ Phương Tây”. Có người đặt nó vào miệng Bertolt Brecht (1898-1956), người đã đề xuất một “giải pháp” khá đặc biệt cho chính quyền Đông Đức sau khi cuộc nổi dậy của người dân nước này nổ ra ngày 17-6-1953: “Sao chính phủ không cách chức nhân dân - Và bầu một nhân dân khác - Có phải tiện hơn không?”.

Coi người dân phải chịu (một phần trách nhiệm) về sự hay - hoặc thường là dở - của chính quyền còn được cho là quan điểm của Tổng thống thứ 16 Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ Abraham Lincoln (1809-1865), người cha của ý tưởng “một chính phủ của dân, do dân, vì dân” (goverment of the people, by the people, for the people) trong bản diễn văn Gettysburg nổi tiếng trong lễ khánh thành Nghĩa trang Quốc gia Mỹ tháng 11-1863.

Tuy nhiên, sau những tra cứu văn bản kỹ càng, một chuyên gia nghiên cứu “tin vịt” của Hungary đã xác nhận rằng, chủ nhân đầu tiên của ý tưởng trên là triết gia, nhà văn, luật sư và nhà ngoại giao nói tiếng Pháp Joseph de Maistre (1753-1821). Toute nation a le gouvernement qu’elle mérite (Mỗi đất nước đều có chính phủ mà nó xứng đáng được hưởng) đã được ông đưa ra ít nhất 3 lần trong trao đổi thư từ thời gian 1810-1816.

Có điều, các ý sau của đoạn văn trên, thì không thấy một cách liên tục trong bất cứ phát biểu hay tác phẩm nào của giới chính khách hoặc các danh nhân, văn sĩ… Nhưng nó cũng không phải của bá tước Széchenyi István vì tra hoài trong “toàn tập” những trước tác của ông đều không thấy. Vậy thì, câu trích bất hủ mà “ngàn đời” nay được coi là của một chính khách Hung vĩ đại, và giới đối lập rất khoái trích dẫn, là từ đâu mà ra?
 
Széchenyi István tặng lợi tức 1 năm từ điền địa của ông để thành lập một “thánh đường” cho các nhà khoa học Hung - chính là Viện Hàn lâm Khoa học Hungary - Ảnh tư liệu
Széchenyi István tặng lợi tức 1 năm từ điền địa của ông để thành lập một “thánh đường” cho các nhà khoa học Hung - chính là Viện Hàn lâm Khoa học Hungary sau này

Câu trả lời, một lần nữa lại đến từ nhà nghiên cứu kỳ tài nói trên, khi ông phát hiện ra đoạn văn ấy ở trang 268, quyển 2 của một bộ sách 3 phần viết về cuộc đời Széchenyi István của nhà văn, nhà báo Surányi Miklós (1882-1936), được in năm 1936. Mang tiêu đề “Chúng ta cô độc”, sách chứa đựng rất nhiều nghiên cứu về cuộc đời “Người Hung vĩ đại nhất”, nhưng dầu sao nó vẫn là một tác phẩm văn học, chứ không phải “chính sử”.

Ngữ cảnh của trích đoạn đó, là cuộc trò chuyện giữa Széchenyi István và Tasner Antal, thư ký của ông. Nhà quý tộc cho hay, ông thù ghét cái suy nghĩ cứ thấy có vấn đề ở đâu là liền quy trách nhiệm cho chính phủ. “Hãy tự cứu mình trước khi Trời cứu”, ông trích một câu ngạn ngữ cổ mà nhiều người cho là có nguồn gốc “Kinh Thánh” (nhưng có lẽ không đúng), rồi sau đó tới đoạn văn dài trên. Bí ẩn được làm sáng tỏ, rất khoa học!

Trở lại câu chuyện, tại sao chúng ta cứ muốn gán những câu nói hay ho cho các vĩ nhân, như hiện tượng rất hay gặp trên mạng hiện tại? Có lẽ một phần là vì, như thế, chúng ta tin tưởng hơn vào sự đúng đắn, sáng suốt của nó, và quyết tâm hơn chăng trong việc thực hiện những lời khuyên (nếu có) trong đó? Thật ra, quan trọng gì lời nói của ai, miễn là nó chuẩn xác, và mang tới cho người đọc góc nhìn nếu không mới thì cũng đáng suy ngẫm.

Và câu nói được cho là của bá tước Széchenyi István, chắc chắn thuộc hàng những điều khiến chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ, dù nó không quá đặc biệt, cũng không phải phát kiến gì ghê gớm. Và vì thế, tuy biết rõ nguồn gốc của nó, cứ mỗi lần qua những nơi còn vương dấu ấn vĩ đại của Széchenyi István – như Cầu Xích hay Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, mình vẫn cứ nhớ tới những dòng này, như tâm tình của một nhà ái quốc lớn.
 
Széchenyi István năm 1848, khi cuộc cách mạng giành tự do của người Hung bùng nổ - Họa phẩm của danh họa Barabás Miklós
Széchenyi István năm 1848, khi cuộc cách mạng giành tự do của người Hung bùng nổ - Họa phẩm của danh họa Barabás Miklós

Hãy đọc lại nhé: “Mỗi dân tộc đều có một chính phủ tương xứng với nó. Nếu vì một lý do gì đó, những kẻ xuẩn ngốc hay bẩn thỉu ngồi lên đầu một dân tộc sáng suốt và trung thực, thì dân tộc ấy cần phải tống cổ lũ ăn hại ấy xuống đáy địa ngục càng nhanh càng tốt. Nhưng nếu một chính phủ tệ hại có thể tồn tại dài lâu ở vị trí của mình, thì chắc chắn là phần lỗi nằm ở dân tộc ấy. Khi đó, dân tộc ấy hoặc chết tiệt, hoặc vô học thức”.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Széchenyi István
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn