BẢY THỦ LĨNH

Thứ bảy - 22/08/2020 03:22

(NCTG) “Họ là những bậc tiền nhân mà hậu thế cần ngả đầu tri ân: để có được đất nước này, phải cần tới “Những đội quân Árpád hiên ngang - Xông pha trận tiền hy sinh không hề nản”. Và: “Đất tổ tiên thấm đẫm máu bao đời - Hãy giữ gìn giang sơn gấm vóc - Để có được cái tên Tổ quốc - Thiêng liêng thay phải mất một nghìn năm”.

Các thủ lĩnh chinh phục đất nước tại Quảng trường Anh hùng, Budapest - Ảnh: orszagalbum.hu

Các thủ lĩnh chinh phục đất nước tại Quảng trường Anh hùng, Budapest - Ảnh: orszagalbum.hu

Những bài học “nằm lòng” trong sách giáo khoa lịch sử Hungary về nguồn gốc, sự di cư và quá trình chinh phục đất nước của dân tộc Hung đều nhắc tới việc khoảng năm 830, các bộ lạc Hung đã tới bờ Bắc của Biển Đen (Hắc Hải) và tại đây đã diễn ra một sự kiện hết sức quan trọng của thời kỳ “tiền lập quốc”: 7 bộ lạc chính của người Hung đã liên kết thành một liên minh thống nhất.

Nếu không có liên minh ấy, dân tộc Hung sẽ đi về đâu? Không có gì đảm bảo là họ có thể lập quốc, mỗi bộ lạc có thể theo một đường, không ai nghe ai, số phận của họ cũng có thể như của vô số các dân tộc du mục khác đến từ Châu Á, bơ vơ và bị tiêu diệt hoặc đồng hóa, không có nơi cư ngụ cố định và vĩnh viễn. Chỉ có người Hung làm nên kỳ tích: lập quốc và trụ lại giữa lòng Châu Âu!

Sự hình thành của liên minh nói trên diễn ra trên cơ sở một “hợp đồng máu” (vérszerződés) khi họ ở vùng đất lịch sử Etelköz, trong thực tế là một lễ cắt máu ăn thề theo đúng tập tục Châu Á. Truyền thống Hungary coi cam kết rất mạnh mẽ và dứt khoát này như một hợp đồng cơ bản đầu tiên của dân tộc Hung, hoặc có người còn cho rằng nó là bản Hiến pháp đầu tiên của sắc dân này.
 
Họa phẩm “Hợp đồng máu” (Vérszerződés, 1895-1897) với sự hiện diện của 7 thủ lĩnh chinh phục đất nước. Tranh của danh họa Székely Bertalan, hiện đặt tại Phòng Khánh tiết Tòa thị chính TP. Kecskemét
Họa phẩm “Hợp đồng máu” (Vérszerződés, 1895-1897) với sự hiện diện của 7 thủ lĩnh chinh phục đất nước. Tranh của danh họa Székely Bertalan, hiện đặt tại Phòng Khánh tiết Tòa thị chính TP. Kecskemét

Ai là người đã tham gia lễ cắt máu ăn thề ấy? Đó là 7 thủ lĩnh chinh phục đất nước của Hungary, mà tên tuổi của họ được sử sách ghi lại một cách khác nhau. Anonymus, sử gia vô danh đầu tiên của nước Hung, trong tác phẩm lớn “Gesta Hungaroruma” (Hành sự của người Hung, cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13), cho rằng bảy người là Álmos, Előd, Ond, Khôngnd, Tas, Huba và Töhötöm.

Một số sử gia cho rằng, hội thề diễn ra vào ngày 16-8, tức là một ngày sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đồng thời cũng là ngày mà vào năm 1038, vị vua lập quốc của các dân tộc Hungary - Szent István - trút hơi thở cuối cùng. Không ít người quan niệm rằng, phải coi thời khắc này - mà tới giờ thời điểm chính xác của nó ít nhiều đã bị trôi vào quên lãng - là sinh nhật của dân tộc Hungary!

Đại diện của 7 bộ lạc người Hung đã cam kết với nhau những gì với lễ cắt máu ăn thề? Họ đồng thanh chọn Álmos - người con trai bà Emese, “mẫu hậu” của người Hung - là vị đại thủ lĩnh tiên khởi, và thống nhất rằng người kế vị sẽ luôn mang trong mình dòng máu của ông. Tất cả thề sẽ trung thành với vị thủ lĩnh chính và đồng cam cộng khổ trên con đường đi tìm quê hương mới.
 
Hình ảnh hội thề trong cuốn quốc sử “Chronicon Pictum” của Kálti Márk, mô tả Árpád cũng có mặt giữa đoàn thủ lĩnh
Hình ảnh hội thề trong cuốn quốc sử “Chronicon Pictum” của Kálti Márk, mô tả Árpád cũng có mặt giữa đoàn thủ lĩnh

Hình ảnh hội thề trong “Chronicon Pictum” (Biên niên sử bằng tranh, 1360) còn khắc họa cả hình ảnh Árpád - Đại vương công sau này của dân Hung - đứng giữa 7 thủ lĩnh và tay giơ cao chiếc tù và làm bằng sừng bò mộng, để nhắc nhớ rằng các thủ lĩnh tối cao về sau đều phải thuộc dòng dõi của ông, người được đặt tên cho triều đại quân chủ đầu tiên của lịch sử Vương quốc Hungary.

Cắt máu ăn thề được sử gia khuyết danh Anonymus bình luận rằng, đó là một tập quán của những người theo Đa thần giáo (pāgānus trong tiếng La Tinh), nghĩa là còn “vô thần” trong mắt Châu Âu theo “quốc đạo” Thiên Chúa giáo. Nhưng Anonymus cũng nhận xét, mặc dù cả 7 thủ lĩnh đều chưa theo Công giáo, nhưng niềm tin mà họ đã thề nguyền đã được tất cả giữ trọn đến khi từ giã cõi đời!

Vài chục năm sau, Álmos cùng con trai là Árpád thống lĩnh đoàn người Hung vượt qua những núi đồi, đèo cheo leo của vùng núi Kárpát và tràn vào nơi bây giờ là nước Hung theo nhiều hướng. Theo một số ước tính, nửa triệu người - trong đó có cả phụ nữ, trẻ em, người cao niên - đã cùng nhau trong cuộc di cư đó, được coi là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại về cả không gian lẫn thời gian!
 
Các vĩ thủ lĩnh thề trung thành với đại thủ lĩnh tiên khởi Álmos - Họa phẩm của Peter Johann Nepomuk Geiger
Các vĩ thủ lĩnh thề trung thành với đại thủ lĩnh tiên khởi Álmos - Họa phẩm của Peter Johann Nepomuk Geiger

Hơn 1.100 năm đã trôi qua kể từ thời điểm năm 895, ký ức về những người anh hùng chinh phục đất nước vẫn được ghi nhớ trang trọng tại Quảng trường Anh hùng (Hősök tere) ở trung tâm thủ đô Budapest. Trên Đài tưởng niệm Thiên kỷ (Millenniumi emlékmű) nằm ở chính giữa quảng trường, có tượng 7 kỵ sĩ hiên ngang và dạn dày sương khói, với gương mặt và vóc dáng của người Á Châu.

Họ là những bậc tiền nhân mà hậu thế cần ngả đầu tri ân: để có được đất nước này, phải cần tới “Những đội quân Árpád hiên ngang - Xông pha trận tiền hy sinh không hề nản” (1). Và: “Đất tổ tiên thấm đẫm máu bao đời - Hãy giữ gìn giang sơn gấm vóc - Để có được cái tên Tổ quốc - Thiêng liêng thay phải mất một nghìn năm” (2). (Trích đoạn thi phẩm “Lời hịch” của thi hào Vörösmarty Mihály).

Ghi chú:

(*) “Lời hịch” (Szózat, 1836) được coi là thi phẩm quốc gia thứ hai của Hungary, đã được dịch giả, PGS. TS. Vũ Ngọc Cân chuyển ngữ ra tiếng Việt:

(1) Itt küzdtenek honért a hős
Árpádnak hadai.

(2) Ez a föld, melyen annyiszor
Apáid vére folyt;
Ez, melyhez minden szent nevet
Egy ezredév csatolt.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Álmos, Árpád
Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 4.4 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn