SỰ TÀN SÁT SẮC DÂN DO THÁI TẠI HUNGARY

Thứ tư - 27/01/2021 19:47

(NCTG) “Holocaust là bi kịch của con người và về con người. Về tôi. Tôi cũng là người bằng da, bằng thịt và xương, có thể bị giết trong buồng hơi ngạt. Tuy nhiên, tôi có thể làm tất cả để đảm bảo rằng tôi và bất kỳ ai khác đều không bị giết một lần nữa” (Lukácsi Katalin).

Người Do Thái đến từ Hungary ở trại Auschwitz-Birkenau, tháng 5-1944 - Ảnh tư liệu

Người Do Thái đến từ Hungary ở trại Auschwitz-Birkenau, tháng 5-1944 - Ảnh tư liệu

Chương trình học tóm lược dành cho người nước ngoài muốn nhập tịch Hungary, trong phần nói về Đệ nhị Thế giới, sự “tận diệt” sắc dân Do Thái ở Hungary được đề cập một cách rất tóm tắt:

Trong chính sách nội trị, Hungary ngày càng phải thực hiện những đòi hỏi của Đức Quốc xã. Người Do Thái hoặc gốc Do Thái bị tước quyền công dân thông qua các đạo luật, rồi vào năm 1944, vài trăm ngàn người bị đưa đi tới các trại tập trung của Đức, và chết thảm ở đó... Đảng Chữ thập nhọn được Đức ủng hộ lên chiếm quyền. Trong sự giết chóc của làn sóng khủng bố Chữ thập nhọn, hàng vạn thường dân bị thiệt mạng”.

Đoạn văn quá ngắn gọn, đương nhiên không cho thấy hết được sự thảm khốc của đại nạn holocaust tại Hungary, tức sự thảm sát sắc dân Do Thái ở tầm nhà nước và quy mô công nghiệp, một câu chuyện mà cho tới nay, khi được phản ánh trong phim ảnh, văn học - ví dụ trong sự nghiệp của Kertész Imre (1929-2016), văn hào Hung duy nhất được giải Nobel Văn chương - vẫn còn đem lại cảm giác nhức nhối và cay đắng tột cùng.
 
Người Do Thái tại Hungary trong Đệ nhị Thế chiến - Ảnh tư liệu
Người Do Thái tại Hungary trong Đệ nhị Thế chiến - Ảnh tư liệu

Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) không chỉ là cuộc chiến tàn ác ở mức tột cùng trong lịch sử nhân loại với tổng số nạn nhân lên tới gần 62 triệu người, mà còn để lại những biểu tượng kinh hoàng của chết chóc, hủy diệt, của sự sụp đổ của nền văn minh và văn hóa Châu Âu hiện đại, như đại nạn holocaust và Lò thiêu Auschwitz, mà ý nghĩa và những bài học của chúng, cho đến nay, vẫn còn nguyên tính thời sự và cảnh báo.

Trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của holocaust, Hungary đặc biệt ở chỗ, tại đây, sự đày ải và diệt chủng sắc dân Do Thái đã diễn ra với sự “hợp tác” và ủng hộ hết sức nhiệt tình của chính quyền và lực lượng hiến binh (csendőrség) nước này. Ngay sau khi bị Đức Quốc Xã chiếm đóng vào ngày 19-3-1944, chính phủ thân Đức của Hung đã ban hành hàng trăm sắc lệnh có nội dung bài xích người Do Thái.

Trước tiên, dân Do Thái bị buộc phải “cống nạp” các vật dụng được coi là quý thời đó, như xe hơi, điện thoại, đài điện... , để rồi sau đó, mọi tài sản của họ đều bị “phong tỏa”. Không chỉ bị cấm hành nghề bác sĩ, ký giả, trạng sư, diễn viên, không được kinh doanh và có cửa hiệu, không được làm trong bộ máy hành chính, dân Do Thái tại Hungary còn bị cấm bén mảng tới những nơi vui chơi giải trí công cộng, rạp phim, nhà hát.
 
Trại tập trung và hủy diệt Auschwitz-Birkenau, Oświęcim (Ba Lan), năm 1944 - Ảnh: Lili Jacob
Trại tập trung và hủy diệt Auschwitz-Birkenau, Oświęcim (Ba Lan), năm 1944 - Ảnh: Lili Jacob

Họ bị hạn chế lượng thực phẩm hàng ngày, thậm chí, một học viện còn được thành lập để “nghiên cứu khoa học” về “tính chất chủng tộc” của sắc dân Do Thái. Ngôi sao vàng sáu cánh mà người Do Thái buộc phải đeo trên vạt áo - như một dấu hiệu nhục nhã - đã vĩnh viễn biến họ trở thành những tử tù tiềm ẩn. Cánh cổng tử thần đã được mở ra trước họ, mà không ai biết tới và có thể làm được bất cứ điều gì để kháng cự!

Ít tuần sau, ngày 16-4-1944, một sắc lệnh đã được phê chuẩn nhằm “sung công” toàn bộ nhà cửa của dân Do Thái trên toàn quốc và người Do Thái thì bị ép buộc phải vào những biệt khu (ghetto). Sau đó một tháng, ngày 15-5-1944, holocaust khởi đầu tại Hungary với cường độ chóng mặt ở mức độc nhất vô nhị: hàng ngày, có tới 4-6 đoàn tàu hỏa chật kín dân Do Thái chuyển bánh từ Hungary tới thẳng Trại tử thần Auschwitz!

Chỉ với vỏn vẹn vài chục nhân viên Đức thuộc Đơn vị Trực chiến Đặc biệt (Sondereinsatz-kommando), nhưng Trung tá Quốc xã Adolf Eichmann - một trong những đao phủ chính yếu của đại nạn holocaust ở Châu Âu - đã nhận được sự tiếp tay rất “hiệu quả”, vượt xa mức mong đợi từ bộ máy hành chính và hiến binh Hungary, mà ông ta phải khâm phục thừa nhận là “chính xác và tỉ mỉ khủng khiếp, không kém gì của người Đức”.
 
“Những đôi giày bên bờ Dunube” (2005), tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân của holocaust tại Hungary của hai tác giả Pauer Gyula và Can Togay
“Những đôi giày bên bờ Dunube” (2005), tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân của holocaust tại Hungary của hai tác giả Pauer Gyula và Can Togay

Trong vòng một tháng rưỡi, hầu như tất cả cư dân Do Thái ở các tỉnh và các miền quê ở Hungary đã bị đưa đến những trại tập trung và hủy diệt ngoài nước Hung. Phải tới đầu tháng 7-1944, sự phản đối của các nhân sĩ trong và ngoài nước - cùng những thất bại của quân đội Đức và cuộc đổ bộ Normandy của phe Đồng minh - mới khiến chính phủ thân phát-xít của Hungary (Chữ thập nhọn) buộc phải ngừng các cuộc đày ải.

Bằng quyết định đó, chừng 200 ngàn người Do Thái đang bị giam giữ trong biệt khu Budapest (tại khu gần Nhà thờ Do Thái, gần Astoria hiện tại) tạm thời thoát chết, nhưng chỉ hai tháng của đại nạn holocaust cũng đã khiến chừng 500 ngàn dân Do Thái Hungary thiệt mạng tại các trại tập trung và lò thiêu người của Đức. Thời gian sau đó, người Do Thái không còn bị đưa tới Lò thiêu, nhưng họ vẫn bị tàn sát hàng loạt tại Hungary. 

Rất nhiều người bị đưa tới bờ sông Danube, đoạn chạy qua trung tâm thủ đô Budapest, bị bắt phải cởi hết quần áo và giày dép, để rồi bị các nhóm hành quyết xả súng bắn ngay xuống con sông lạnh giá trong mùa đông khắc nghiệt năm 1944. Tính ra, cứ 10 người Do Thái ở Châu Âu bị sát hại bởi bộ máy chiến tranh của Đức Quốc xã trong những năm tháng của Đệ nhị Thế chiến, thì có một là người Do Thái từ xứ sở Hungary!
 
Chính khách Lukácsi Katalin - Ảnh: Facebook của nhân vật
Chính khách Lukácsi Katalin - Ảnh: Facebook của nhân vật

Hôm nay, 27-1, Ngày tưởng niệm Holocaust Quốc tế, là dịp tưởng niệm các nạn nhân của tấn thảm kịch holocaust trong Đệ nhị Thế chiến, cuộc diệt chủng dẫn đến cái chết của khoảng 7 triệu người Do Thái và 11 triệu người khác, được thực hiện bởi Đức quốc xã và các chính phủ cộng tác với nó. Vào ngày 27-1-1945, Auschwitz-Birkenau, khu trại tập trung và hủy diệt lớn nhất của Đức Quốc xã, đã được Hồng quân giải phóng.

Nhân dịp này, cô Lukácsi Katalin, một cựu chính khách đảng cầm quyền KDNP, hiện là thành viên sáng lập và lãnh đạo Phong trào Nước Hung của Mọi người (MMM) đã có một thông điệp “lạ thường” khi cô đăng một tấm ảnh bán khỏa thân đen - trắng kèm bài viết ngắn trên mạng xã hội Facebook, để hướng sự chú ý của độc giả về sự kỳ thị chủng tộc, sự bài xích Do Thái đã dẫn tới thảm họa kinh khủng cách đây gần 8 thập niên:

Holocaust là bi kịch của con người và về con người. Về tôi. Tôi cũng là người bằng da, bằng thịt và xương, có thể bị giết trong buồng hơi ngạt. Tuy nhiên, tôi có thể làm tất cả để đảm bảo rằng tôi và bất kỳ ai khác đều không bị giết một lần nữa. Để không bao giờ có con người chỉ bằng xương-thịt, mà là sự thánh thiện bằng xương-thịt”, cô viết và so sánh holocaust với sự khổ nạn của Chúa Jesus trên “Con đường Thương khó”.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: holocaust
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn