50 năm trước: NHÀ ĐỘC TÀI RÁKOSI MÁTYÁS CHẾT Ở NƠI LƯU ĐÀY BIỆT XỨ

Thứ bảy - 06/02/2021 05:18

(NCTG) Cựu thủ tướng Rákosi Mátyás, chính trị gia cộng sản, “môn đệ Hungary xuất sắc nhất của Stalin”, người có tên được đặt cho một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Hungary, đã qua đời cách đây tròn 50 năm vào ngày 5-2-1971, tại Gorky (Nizhny Novgorod), Nga.

“Môn đệ Hungary xuất sắc nhất của Stalin” - Ảnh tư liệu

“Môn đệ Hungary xuất sắc nhất của Stalin” - Ảnh tư liệu

Rákosi Mátyás chào đời ngày 9-3-1892 trong một gia đình thương nhân Do Thái ở vùng Vojvodina (Vajdaság, khi đó thuộc Vương quốc Hungary, nay thuộc lãnh thổ Serbia) với tên khai sinh là Rosenfeld. Tốt nghiệp Học viện Phương Đông ở Budapest, ông đã học xuất sắc một số ngôn ngữ.

Gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội năm 1910 khi học năm cuối phổ thông, 1 năm sau đó, ông trở thành thư ký của Câu lạc bộ Galilei - một hiệp hội sinh viên chủ trương vô thần và sự do tư tưởng, hoạt động trong thời kỳ 1908-1919, và là sinh viên học bổng ở Hamburg và London thời kỳ 1912-1913.

Bị Nga bắt làm tù binh năm 1915 trong Thế chiến thứ nhất, ông “giác ngộ cách mạng” và chịu ảnh hưởng ý thức hệ cộng sản khi cuộc chính biến tháng 10-1917 thành công tại nước Nga - Xô-viết. Về nước vào năm 1918, Rákosi Mátyás là một trong những sáng lập viên Đảng Cộng sản Hungary.

Vì lý do này, ông đã bị bắt giam, nhưng trong 133 ngày của nền Cộng hòa Xô-viết tại Hungary, Rákosi Mátyás đã là thành viên của Hội đồng Quản trị Cách mạng, đồng thời là Dân ủy Sản xuất trong nội các cộng sản khi đó. Sau khi thử nghiệm cộng sản này thất bại tháng 8-1919, ông ra nước ngoài.
 
Rákosi Mátyás (năm 1920) - Ký họa của Isaak Brodsky
Rákosi Mátyás (năm 1920) - Ký họa của Isaak Brodsky

Bị trục xuất khỏi Vienna (Áo), sau đó Rákosi Mátyás làm việc bí mật ở Tây Âu trên tư cách là bí thư của Đệ tam Quốc tế Cộng sản (Comintern). Năm 1924, ông hồi hương để hoạt động bất hợp pháp, nhưng nhanh chóng bị phát hiện và năm 1925, ông bị kết án tù giam 8 năm rưỡi vì tội phản loạn.

Mười năm sau đó, vì vai trò hoạt động trong Comintern, Rákosi Mátyás tiếp tục bị án tù chung thân với các tội danh làm loạn, giết nhiều người, làm bạc giả, v.v... Năm 1940, ông được thả để đổi lấy những lá cờ bị Đế quốc Nga đánh cướp khi cuộc chiến tự do năm 1848-49 bị liên quân Áo - Nga đè bẹp.

Sang Moscow, Rákosi Mátyás được chào đón như một anh hùng. Trong Đệ nhị Thế chiến, ông trở thành thủ lĩnh của Đảng Cộng sản Hungary lưu vong - trong thời gian đó, ông kết hôn với bà Fenya Kornilova (1903-1980) người dân tộc Yakut (thuộc nhóm sắc tộc Turk - Đột Quyết) ở Liên Xô.

Ông về đến quê hương ngày 30-1-1945 khi cuộc chiến diễn ra ác liệt, với chỉ thị từ Moscow là tổ chức lại Đảng Cộng sản Hungary trên cương vị Tổng bí thư. Thế chiến kết thúc, Hồng quân Liên Xô tiếp tục đồn trú tại Hung và bộ máy cảnh sát cũng được đặt dưới sự kiểm soát của phe cộng sản.
 
Phát biểu tại Hội chợ Quốc tế Budapest ngày 11-6-1948 - Ảnh: Fortepan
Phát biểu tại Hội chợ Quốc tế Budapest ngày 11-6-1948 - Ảnh: Fortepan

Nắm chức vụ Phó Thủ tướng và Bộ trưởng không bộ, Rákosi Mátyás đã tìm cách hạ gục các tổ chức, đảng phái chính trị dân chủ bị coi là kẻ thù - trong đó, đặc biệt là Đảng Tiểu chủ - bằng “chiến thuật xúc xích” (szalámitaktika - nhằm chia cắt, làm suy yếu và tiêu diệt một phần đối thủ) khét tiếng.

Ông cũng cho cắt cử các đảng viên cộng sản che giấu thân phận để đột nhập vào nội bộ các đảng dân chủ, làm “nội gián” từ bên trong nhằm thúc đẩy sự tan rã của các tổ chức này, tạo điều kiện để Đảng Cộng sản có thể lung lạc, thao túng và thanh toán mọi chính đảng khác thời kỳ 1945-1948.

Năm 1947, Đảng Cộng sản Hungary chiến thắng do gian lận phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội. Một năm sau, 1948 - “năm của sự đổi thay” - Đảng Dân chủ Xã hội bị hợp nhất vào Đảng Cộng sản, và một chính đảng độc quyền duy nhất ở Hungary được ra đời với tên gọi Đảng Công nhân (MDP).

Những năm sau đó, Rákosi Mátyás đã tạo dựng quanh mình tệ sùng bái cá nhân khủng khiếp, ông tự gọi mình là “môn đệ Hungary xuất sắc nhất của Stalin”. Đỉnh điểm là vào năm 1952, trên toàn quốc Hungary đã diễn ra chuỗi kỷ niệm 60 tuổi của ông, “nhà lãnh đạo sáng suốt của dân tộc”.
 
(từ trái) Rákosi Mátyás cùng 2 đồng chí, sau này trở thành địch thủ chính trị và nạn nhân của ông, Rajk László và Kádár János - Ảnh tư liệu
(từ trái) Rákosi Mátyás cùng 2 đồng chí, sau này trở thành địch thủ chính trị và nạn nhân của ông, Rajk László và Kádár János - Ảnh tư liệu

Về kinh tế, như các nước CS khác, nước Hung theo con đường “kinh tế kế hoạch” được chỉ đạo tập trung từ Điện Krelin: công nghiệp hóa diễn ra một cách cưỡng bức, quá trình tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa toàn diện khiến mức sống ở Hungary còn không bằng như trước chiến tranh.

Dựa vào bộ máy mật vụ chính trị (ÁVH - Cục An ninh Quốc gia), sự đàn áp tràn lan trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, các giáo hội bị phá vỡ, 300 ngàn người bị tịch thu tài sản và cưỡng bức phải di dời (chủ yếu là các điền chủ, sĩ quan, chủ nhà máy...), 500 trăm ngàn người bị xét xử và tù đày.

Điều trớ trêu là ngay các đồng chí cũ của mình Rákosi Mátyás cũng không tha: vài chục lãnh đạo cộng sản đã bị hành quyết trong các vụ án ngụy tạo được sắp đặt, mà nổi bật và gây “tiếng vang” nhất là Dân ủy Nội vụ Rajk László (1909-1949) bị giảo hình với tội danh làm gián điệp cho ngoại bang

Rákosi Mátyás giữ chức thủ tướng từ tháng 8-1952, nhưng rồi ông bị buộc phải tự kiểm điểm sau khi Stalin qua đời ngày 5-3-1953. Ông phải bàn giao chức vụ này cho Nagy Imre, một người cộng sản yêu nước theo tinh thần quốc gia, nhưng vẫn tìm mọi phương cách để cản trở người kế nhiệm.
 
Trên đỉnh cao của quyền lực, ngày 28-8-1949 - Ảnh tư liệu
Trên đỉnh cao của quyền lực, ngày 28-8-1949 - Ảnh tư liệu

Năm 1955, cùng các cộng sự thân cận là những lãnh đạo cộng sản cuồng tín, Rákosi Mátyás đã gạt Nagy Imre khỏi ghế thủ tướng và cách mọi chức vụ. Tuy nhiên, Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 2/1956 đã là dịp để thủ lĩnh Nikita Khrushchev vạch trần các tội ác của Stalin.

Giai đoạn “tan băng” trong chính trị khởi đầu ở Liên Xô khiến Rákosi Mátyás phải tìm cách biện bạch và đổ hết trách nhiệm cho hai thủ hạ Péter Gábor và Farkas Mihály, nhưng vào ngày 18-7-1956, theo chỉ thị của Liên Xô, Ban lãnh đạo Trung ương Đảng MDP đã tước bỏ tất cả các chức vụ của ông.

Phải rời Hungary để “đi đày” ở Liên Xô với vỏ bọc “điều trị y tế”, Rákosi Mátyás đã tìm mọi cách để được về nước sau khi cuộc cách mạng dân chủ 1956 bị Hồng quân đàn áp, và một chính quyền cộng sản được Điện Kremlin dựng lên mà người đứng đầu là Kádár János, đồng chí cũ của ông.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực và đề xuất hồi hương của Rákosi Mátyás từ đó và về sau đều không được thông qua, một phần vì bản thân ông cũng không chịu chấp nhận một số điều kiện được đặt. Qua đời ngày 5-2-1971 tại Gorky, ông vẫn tin rằng tại tổ quốc, ông được dân Hung yêu mến và chờ đợi.
 
(từ trái) Rákosi Mátyás cùng 2 đồng chí, sau này trở thành địch thủ chính trị và nạn nhân của ông, Rajk László và Kádár János - Ảnh tư liệu
Nơi đựng tro cốt của Rákosi Mátyás tại Nghĩa trang Farkasréti (Budapest)

Cái chết của nhà độc tài thời kỳ 1949-1956 từng khiến cả nước Hung phải run sợ mỗi khi nghe đến tên chỉ được thông báo bằng vài dòng ngắn ngủi và lẩn khuất rất khó tìm thấy trên báo. Tro cốt của ông được bí mật mang về Hungary và chính quyền chỉ cho phép chia tay ông trong phạm vi gia đình.

Thường xuyên bị những kẻ lạ mặt phá phách nên vào năm 2007, nơi đựng tro cốt Rákosi Mátyás tại Nghĩa trang Farkasréti cũng phải gỡ bỏ mọi dấu tích để không thể nhận ra, đây là nơi yên nghỉ trần thế của con người đã được đặt tên cho một giai đoạn lịch sử tăm tối thời độc tài toàn trị ở Hungary!

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Rákosi Mátyás
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn