(NCTG) Trong 39 năm dưới thời CS (1950-1989), 4-4 được xem là Ngày Giải phóng vì theo quan điểm lúc bấy giờ, vào ngày này năm 1945, người lính Đức cuối cùng đã rời Hungary tại cửa khẩu Nemesmedves, dưới áp lực của “quân giải phóng” Xô-viết. Tuy nhiên, như nhiều câu chuyện mang tính tuyên truyền đương thời, đây chỉ là một huyền thoại!
Tượng Tự do trên đồi Gellért - Ảnh tư liệu
“Từ Battonya tới Nemesmedves” - mọi học sinh tại Hungary thời xa xưa đều học thuộc lòng câu này, nói về nước Hung “sạch bóng quân thù” vào ngày 4-4-1945, do được Hồng quân Liên Xô “giải phóng”. Đây cũng là ngày được xem như kết thúc Đệ nhị Thế chiến tại Hungary, một cuộc chiến khủng khiếp đã khiến Hung không chỉ đánh mất một lần nữa phần đất đai nhận lại sau Hòa ước Trianon, mà nước này còn mất thêm đất cho Tiệp Khắc.
Sự thật là quân nhân Đức cuối cùng rời Vương quốc Hungary không phải vào ngày 4-4 và cũng không ở cửa khẩu Nemesmedves: tất cả là do một chỉ thị của “Nhà độc tài đỏ Stalin”, đặt ra thời hạn 4-4 cho Hồng quân phải tổng tấn công Áo. Hãng Thông tấn Xô-viết TASS cũng lên thông báo vào ngày 4-4 là chiến sự đã chấm dứt tại Hungary, trong khi quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của 2 thống chế Malinovsky và Tolbukhin vẫn chưa chiếm được Hung.
Phải bỏ rất nhiều thời gian để chiếm được thủ đô Budapest (không kịp để lãnh tụ Stalin “ăn mừng” kỷ niệm chính biến tháng Mười vào 9-11-1944) - khiến trận chiến này trở nên một trong những trận kịch chiến kéo dài và ác liệt nhất của Đệ nhị Thế chiến - Hồng quân Liên Xô bị sa lầy trên lãnh thổ Hungary, và do đó không thực hiện được kế hoạch của Stalin. Đương nhiên không ai dám trái lời lãnh tụ, nên 4-4 vẫn được coi là thời điểm “chuẩn”.
Trong thực tế, những trận chiến vẫn tiếp diễn trên đất Hung, đến ngày 10-4 ở vùng Kőszeg, và theo các nghiên cứu sử học, phải đến ngày 13-4, đơn vị quân đội Đức cuối cùng mới rút lui khỏi lãnh thổ Hungary ở vùng Pinkamindszent. Đồng thời, đây cũng là thời điểm mà Hồng quân được xem như đã làm chủ hoàn toàn nước Hung, và họ còn ở lại đó đến ngày 19-6-1991, khi người lính Liên Xô cuối cùng - tướng Viktor Silov - rời lãnh thổ Hungary.
Dầu chỉ là một thời điểm “ất ơ” do Stalin ấn định, nhưng 4-4 rốt cục cũng được Chính phủ Quốc gia Lâm thời chọn làm “Ngày Giải phóng” trong một sắc lệnh của họ. Vào ngày đó, dưới những năm tháng thời CS, cư dân Hung được khuyến cáo là nên tới các đài kỷ niệm Hồng quân để đặt hoa, vinh danh những người lính Liên Xô vừa giải phóng Hungary khỏi ách phát-xít Đức, vừa chiếm đóng nước này một cách “tạm thời” trong vòng 45-46 năm.
Cố nhiên, để thực hiện điều đó, cần gấp những đài kỷ niệm hoành tráng, đặc biệt là tại thủ đô Budapest, nơi đích thân Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Đồng minh, thống chế Voroshilov đã “đặt hàng” nhà điêu khắc nổi tiếng nhất đương thời - ông Kisfaludi Strobl Zsigmond - một tác phẩm như thế. Địa điểm đặt tượng đài được ấn định là trên đồi Gellért (Gellért-hegy), và ngày khánh thành phải là 4-4-1947, kỷ niệm 2 năm ngày Hungary được “giải phóng”.
Tượng đài Giải phóng được hoàn thành đúng thời hạn, nhưng phát sinh một vấn đề: 4-4-1947 lại rơi đúng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (Nagypéntek) - tưởng nhớ việc Đức Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập giá và qua đời tại Đồi Sọ sau khi phải đi qua Con đường Khổ nạn -, có thể gây nên những hình dung “có hại” trong lòng người dân Hung theo Ki-tô giáo - nên rốt cục công trình kiến trúc này được khai trương sau đó 1 ngày, vào ngày 5-4-1947.
Tuy nhiên, có lẽ vì thời hạn quá ngắn được đưa ra cho pho tượng, nên xuất hiện và lan truyền một “huyền thoại đô thị” ở Pest, rằng bậc thầy Kisfaludi Strobl Zsigmond đã sử dụng một mô hình mà ông đang có sẵn trong “kho”, và phía Liên Xô không hề nghĩ rằng hình tượng giải phóng thật ra là một tượng đài được dựng lên để tưởng niệm Horthy István, trưởng nam của Nhiếp chính vương Horthy Miklós, đã tử nạn năm 1942 ở mặt trận phía Đông.
Huyền thoại này được lưu truyền qua nhiều thập niên, nó còn được đưa vào phim ảnh - cố nhiên nó không đúng và điêu khắc gia cũng phải bác bỏ điều này nhiều lần. Bởi lẽ, là một bê bối lớn chừng nào - thậm chí mang tính “phản động” - khi tượng đài kỷ niệm Hồng quân “giải phóng” lại được lấy mẫu từ đài kỷ niệm một nhân vật cao cấp thuộc chính thể Vương quốc Hungary, đồng minh với Đức quốc xã trong cuộc chiến tấn công Liên Xô!
Có thể nhận thấy điều này qua mẫu thạch cao còn giữ lại của tượng đài Horthy István - dự định đặt ở khu Tabán, Budapest, và đã được hoàn tất vào mùa xuân 1944, nhưng rốt cục do chiến tranh hủy diệt khi đó nên đã không được khánh thành. Kisfaludi Strobl Zsigmond được chính thống chế Voroshilov lựa chọn và nhà tạc tượng nổi tiếng với những tác phẩm hoành tráng này không dại gì mà “liều mạng” bằng việc lấy một mô hình có sẵn.
Công trình của ông - Tượng đài Giải phóng - được biết đến với hình ảnh một người phụ nữ cao 14m, trên bệ 29m, tay giơ cao nhành nguyệt quế nặng 18 tạ (biểu tượng của chiến thắng) trên đỉnh đồi Gellért 235m. Tượng được đúc làm 58 mảnh, sử dụng 24 tấn đồng, và chỉ có thể lắp ráp tại chỗ. Đồi Gellért bị “chỉnh đốn” lại rất nhiều để có chỗ cho pho tượng, “các đồng chí cứ làm đi, mọi thứ khác để chúng tôi lo” theo lời nguyên soái Voroshilov.
Chi phí không cần phải tính đến vì Liên Xô là bên đặt hàng, nhưng Hungary “chủ chi”! Tượng người phụ nữ lớn đến mức 4 người công nhân thừa chỗ trong đầu của bà! Rất nhiều thợ đã được huy động làm ngày làm đêm cho kịp thời hạn, mà thù lao thì thấp, vật giá leo thang, lạm phát ở mức khủng khiếp: có trường hợp cả nhóm ngồi ăn trưa để một người đi nhận tiền, nhận xong mang về thì tiền đã mất giá quá, không đủ để trả cho bữa ăn!
Rốt cục, tượng được khai trương vào hồi 11h ngày 5-4-1947 với sự hiện diện của các lãnh đạo cao cấp Hungary, cùng đại diện phái bộ quân sự Mỹ và tư lệnh lực lượng quân đội Liên Xô đồn trú tại thủ đô Budapest. Tượng đài đặt ở điểm gần như có thể thấy từ mọi nơi ở thủ đô Budapest sẽ “thể hiện lòng biết ơn ngàn đời không phai mờ của dân tộc Hung trước các dân tộc và quân nhân Liên Xô”, theo phát biểu khi đó của Tổng thống Tildy Zoltán.
Đúng vào thời điểm cắt băng khánh thành, 21 phát đại bác vang lên và máy bay Liên Xô thả hoa đỏ xuống pho tượng như một cơn mưa. Có mặt vào lúc ấy, bà Thuránszkyné Tihamérné Gaál Erzsébet - hình mẫu của tượng đài - rất ngạc nhiên vì bà cho rằng bức tượng không hề giống bà. “Tôi còn lầu bầu, phí bao nhiêu công đứng làm mẫu!”, bà hồi tưởng lại trong một phỏng vấn về sau, và cho biết không hề nhận được thù lao cho công việc này.
Bởi lẽ, thời đó, việc bà làm được coi là “công tác xã hội”. Người phụ nữ 28 tuổi đến từ một làng nhỏ đã phải làm mẫu trong nhiều tuần, mỗi lần 20 phút, đứng bất động và giơ một ngành nguyệt quế thực sự. “Nhưng rồi tôi cũng thấy không sao cả. Dầu sao, tôi cũng trở thành biểu tượng tự do tại Hungary. Kể từ đó tôi tự hào vì hàng vạn du khách khi tới đồi Gellért đã thấy tôi ở đó”, bà chia sẻ. Những năm cuối đời, bà đã phải sống hết sức đói khổ.
Tượng đài Giải phóng, sau thời kỳ thay đổi thể chế (1989-1990), đã được mang một ý nghĩa khác: thay vì xiển dương “Nhân dân Hungary nhớ ơn các anh hùng giải phóng Xô-viết”, nó là biểu tượng của lòng yêu tự do, và “Tưởng nhớ những người đã hy sinh cuộc đời cho nền độc lập, tự do và phồn vinh của nước Hung” như hàng chữ được sửa đổi. Với nhiều thế hệ người Việt Nam tại Hungary, pho tượng này được biết đến với cái tên “Tượng thần Tự do”.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...