HUNGARY VÀ “VIÊN GẠCH ĐẦU TIÊN TRONG BỨC TƯỜNG BERLIN” (3)

Chủ nhật - 08/11/2009 00:13

(NCTG) Ngày 29-8, đại sứ CHDC Đức gọi điện và nói rằng chính phủ Đông Đức đề nghị tôi sang Berlin càng sớm càng tốt để đàm phán mật về vấn đề người tị nạn. Tôi gọi cho thủ tướng Némth Miklós, thông báo cho ông về đề nghị này và nói với ông rằng, tôi không hề hứng thú gì cả, nhưng không thể từ chối. Nhưng ít nhất tôi cũng sẽ đích thân thông báo với họ về quyết định của Hungary.

Niềm vui khi biên giới Hungary - Áo được mở

Thủ tướng cũng đồng ý rằng chuyến đi không có ý nghĩa gì mấy, nhưng không thể từ chối. Tôi hỏi bộ trưởng Nội vụ có muốn cùng đi không. Ông nói ông sẵn sàng đi vói tôi, nhưng ông thấy hoàn toàn vô nghĩa vì ông có hai đối tác Đông Đức, cả hai đều già cỗi, bất lực và không có khả năng nắm bắt mọi việc. Rồi, trợ lý của ông sẽ tháp tùng tôi.

Sáng sớm 31-8, chúng tôi tới Berlin trên một chiếc máy bay quân sự nhỏ, ọp ẹp và già nua. Chuyến đi kéo dài mất hơn 2 giờ. Đại sứ CHDC Đức cũng đi cùng chúng tôi, nhưng để khói quấy chúng tôi trong cuộc trò chuyện, ông ta ẩn vào một góc.

Tại lễ tiếp đón chúng tôi ngoài phi trường, tôi lập tức thông báo với vị quốc vụ khanh Đông Đức rằng chiều chúng tôi bay lại về Hungary, chúng tôi cũng không cần ăn trưa và hãy tiến hành hội đàm càng sớm càng tốt.

Trong xe, ông ta nói rằng Honecker và phó chủ tịch thường trực, cũng như thủ tướng Willy Stoph và cả hai phó thủ tướng đều bị ốm, nên ngoài ngoại trưởng Oscar Fischer, tôi sẽ đàm phán với Günter Mittag, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương đảng. Tôi đề nghị vị quốc vụ khanh bố trí xe cảnh sát dẫn đường cho chuyến về, vì tôi muốn về nước càng nhanh càng tốt. (...)

Chúng tôi đến tòa nhà hoành tráng của Bộ Ngoại giao và có ba người rảo bước đưa chúng tôi vào phòng đàm phán. Ngoại trưởng Fischer đứng chờ ngay ngoài cửa, khuôn mặt cứng nhắc, và lạnh lùng bắt tay tôi. Chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán (...) và ông ta bắt ngay vào đề: “Chúng tôi mời các đồng chí tới đây để thảo luận về vấn đề các công dân CHDC Đức”.

Rồi, trong một giờ liền, ông ta liệt kê những lý lẽ nhàm chán về việc sẽ không trừng phạt những người hồi hương, về biện pháp giải quyết tình trạng những người tị nạn tại tòa đại sứ CHLB Đức ở Berlin thông qua sự môi giới của luật sư Vogel, nhưng ông không đưa ra được một góc nhìn, một đề xuất mới mẻ nào.

Khi ông ta vừa lặng lời, tôi hỏi: “Đồng chí xong rồi chứ? Tất cả chỉ có vậy?” Ngạc nhiên, ông ta gật đầu và tôi mất phát khùng: “Tôi phải làm gì với điều mà đồng chí nói! Các đồng chí không hề đưa ra được gì ngoài việc nhắc đi nhắc lại quan điểm cũ! Điều này càng xác nhận rằng chúng tôi đã quyết định đúng đắn. Như thế này!” Tôi thông báo cho ông ta và lý giải tỉ mỉ quyết định của chúng tôi.

Fischer lắng nghe và ngày càng sững sờ, cặp mắt ông ta nhíu lại. Hẳn ông ta tưởng rằng mình nghe nhầm. Khi tôi kết thúc, ông ta chỉ thốt lên được một câu: vậy là các đồng chí đề xuất giải pháp này.

Tôi nói ngay rằng đây không phải là đề xuất, mà là thông báo về một quyết định của chúng tôi.

Fischer đáp: “Nhưng đây là sự bắt bí! Thậm chí, phản bội! Đồng chí có biết, bằng hành động này, các đồng chí đã bỏ rơi CHDC Đức và đứng sang bên kia không? Đối với các đồng chí, điều này sẽ có những hậu quả hết sức nặng nề. Khi nào các đồng chí định thực hiện hành động đó?” Tôi thông báo với ông ta rằng đêm mùng 3, rạng sáng mùng 4-9.

- Không thể thế được! – Fischer thở hổn hển. – Hành động của các đồng chí sẽ đi kèm những hậu quả thảm khốc. Đừng làm như thế! Rồi luật sư Vogel và người của chúng tôi sẽ thuyết phục họ hồi hương.

- Đồng chí bộ trường, chớ đùa cợt! – tôi đáp. – Làm sao các đồng chí có thể thuyết phục ngần ấy ngàn người quyết tâm đến cùng?

Fischer cứ nhắc đi nhắc lại rằng đây là sự bắt chẹt và tối hậu thư, và Đông Đức sẽ không dung thứ.

- Các đồng chí đóng biên giới lại thì hơn – ông ta nói.

- Chúng tôi không thể làm thế được – tôi đáp.

Rốt cục, đối tác của tôi mất bình tĩnh và nói: tiếp tục bàn bạc cũng không có ý nghĩa gì nữa, hãy nghỉ 20-30 phút và trong thời gian đó, ông ta sẽ báo cáo với Bộ Chính trị và gặp Mittag. (...)

Sau chừng nửa giờ chờ đợi, phía Đông Đức cho hay Mittag sẽ tiếp chúng tôi tại trụ sở Trung ương đảng. Vừa bước ra khỏi tòa nhà Bộ Ngoại giao, rất đông ký giả rượt theo chúng tôi. Trả lời các câu hỏi của họ, tôi chỉ nói rằng: “Chúng tôi đàm phán về những vấn đề có liên quan đến hai nước”.

Mittag tiếp chúng tôi cùng Fischer và tôi ngạc nhiên khi ông ta bắt đầu cuộc hội đàm như sau: “Chúng tôi không muốn rằng vấn đề ngưòi di cư sẽ làm hỏng các mối quan hệ giữa hai nước”. Tôi nói rằng tôi không hề nghĩ đến khả năng đó, rồi vị bí thư Trung ương đảng Đông Đức đề nghị tôi nói lại đề xuất của chúng tôi cho ông ta. Tôi buộc phải nhắc lại rằng đây không phải là đề xuất, mà là một quyết định. Rồi tôi trình bày cặn kẽ quyết định.

Để trả lời, Mittag chỉ nhắc đi nhắc lại “đó là một hành động rất nghiêm trọng”, rồi đề nghị chúng tôi cho họ thời gian để thuyết phục công dân Đông Đức về nước. Họ sẽ cử người sang Hungary, đề nghị chúng tôi cho phép những tuyên truyền viên đó vào các trại.

“Được – tôi đáp -, những họ phải tự chịu trách nhiệm khi vào trại, vì chúng tôi không thể đảm bảo được là họ sẽ không bị hành hung”.

Sau chút suy nghĩ, tôi cũng thông báo rằng chúng tôi gia hạn việc thực thi quyết định thêm 1 tuần nữa. (Cố nhiên, tôi không cho bên Đức biết rằng thoạt tiên chúng tôi cũng dự định thời điểm đêm 10-9).

(...) Chúng tôi tiếp tục công việc chuẩn bị và được biết rằng, các tuyên truyền viên Đông Đức đã bị đuổi khỏi các trại tị nạn. Ngày 8-9, Fischer gửi điện yêu cầu chúng tôi từ bỏ quyết định, đừng hành động, còn vào ngày 9-9, Honecker đã đưa đủ thứ dọa dẫm vào thông điệp gửi chủ tịch đảng Nyers Rezső, với đòi hỏi tương tự. Chúng tôi hồi âm lịch sự, nhưng cương quyết bác bỏ những yêu cầu đó.

*

Chúng tôi chỉ thông báo cho Liên Xô vào ngày cuối cùng. Hẳn là họ đã biết về quyết định mà chúng tôi dự tính từ lâu; chắc chắn Ban lãnh đạo Đông Đức cũng phàn nàn với họ, nhưng trong chính trị quốc tế, việc một bên nào đó có được thông tin về các sự kiện dưới hình thức chính thức hay theo các kênh “bất hợp pháp” là hoàn toàn khác nhau. Bằng việc giữ im lặng đến giờ phút cuối cùng và không đưa Liên Xô vào vụ này, Moscow tránh được việc phải đưa ra quan điểm trong vấn đề này. Không thể tính được phản ứng của họ.

Theo tôi, trong lòng, Gorbachev và Shevardnadze đồng tình với quyết định của chúng tôi. Ngoại trưởng Liên Xô cũng cho tôi biết điều này một cách không thể hiểu nhầm. Nửa sau tháng 9-1989, trong cuộc hội đàm riêng tại New York, ông hỏi tôi: “Đồng chí thử nói xem, có thể có bao nhiêu người muốn di cư từ Đông sàng Tây Đức?” Tôi đáp không ai có thể biết đích xác con số này, nhưng có thể giả thiết được là 1-2 triệu người. Shevardnadze đáp: “Theo tôi tất cả những ai muốn đi, phải cho họ đi. Không được dùng bạo lực để giữ họ lại”.

Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định, chúng tôi không thể biết một hành động chưa từng có trong mối quan hệ giữa hai nước đồng minh như thế, và đặc biệt là những lợi ích của Liên Xô liên quan đến sự tồn vong của CHDC Đức sẽ gây nên phản ứng như thế nào đối với Gorbachev. Tôi không lo can thiệp quân sự từ Khối Hiệp ước Warsaw vì theo tôi, cũng như chúng tôi, Gorbachev thù ghét sự can thiệp vũ trang, nhưng trên trường chính trị và nhất là kinh tế, Liên Xô có thể buộc phải thực hiện những biện pháp trừng phạt chúng tôi.

Sau khi biên giới được mở, tôi không “thất vọng” về Ceaucescu vì ông ta đã làm tất cả trong Khối Hiệp ước Warsaw để khiến các thành viên hướng mũi dùi vào Hungary, và trả đũa chúng tôi. Tuy nhiên, ông ta chỉ tìm được đồng minh thực sự là Tiệp Khắc, quốc gia cũng đã trút sự giận dữ lên chúng tôi. Có điều, xét về tổng thể, cả hệ thống đồng minh lẫn giới lãnh đạo bảo thủ không còn trong hoàn cảnh có thể ngăn chặn được hành động của chúng tôi.

*

Chừng 6 giờ tối Chủ nhật mùng 10-9, tôi đi bộ từ nhà đến tòa nhà của Đài Truyền hình cách đó không xa. Theo thỏa thuận, trong tạp chí chính trị “Tuần qua”, bắt đầu vào lúc 7 giờ, họ sẽ phỏng vấn tôi và cũng vào thời điểm ấy, Thông tấn xã Hungary MTI sẽ truyền tin này ra cả thế giới.

Tôi bồn chồn rảo bước. Gần tới Đài, hai đồng nghiệp trong Bộ Ngoại giao chặn tôi lại và bảo tôi đừng vào cửa chính vì rất đông ký giả đang chờ tôi ở đó. Tôi không muốn ra tuyên bố trước nên đi len lỏi vào phòng thu theo cửa hậu. Người dẫn chương trình hồi hộp báo rằng cả tầng đã được ngăn lại để dân báo chí khỏi vào. Khung cảnh hết sức tấp nập, nhưng rồi chúng tôi cũng ngồi được trước ống kính để tuyên bố và lý giải việc mở biên giới.

Tôi phải cẩn thận để đừng chọc tức Ban lãnh đạo Đông Đức, nhưng một điều cũng quan trọng là để người tị nạn Đông Đức cảm nhận được rằng việc mở biên giới không chỉ trong 24 giờ, mà sẽ kéo dài chừng nào dân Đông Đức muốn di cư còn cư trú tại Hungary (1).

Sau bài phỏng vấn, tôi ra ngoài và chạm trán một phóng viên truyền hình Áo, không rõ tại sao anh ta lại vào được Đài. Giờ đây, tôi cũng đã có thể trả lời được anh.

Rời Đài, tôi thấy nhẹ nhõm trong người vì “chuyện đã rồi”, từ nay không ai còn có thể ngăn chặn hành động của chúng tôi. Cố nhiên, khi ấy trong mơ tôi cũng chưa thể nghĩ được rằng với quyết định này, chúng tôi đã khiến người Đức khởi hành trên con đường về hướng thống nhất hai đất nước và với biến cố đó, bắt đầu một chương mới trong lịch sử Châu Âu.

Tuy nhiên, tôi đoan chắc rằng tại Đông Âu, trong mối quan hệ giữa các quốc gia Khối Hiệp ước Warsaw, một giai đoạn mới, chưa từng có và không thể đảo ngược, đã bắt đầu!

Xem Phần 1Phần 2 của bài viết.

(1) Biên giới Hungary – Áo được mở cho người tị nạn Đông Đức đến ngày 7-10-1989.

Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ từ hồi ký “Những cột trụ” (Cölöpök – Horn Gyula, 1991)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn