HUNGARY VÀ “VIÊN GẠCH ĐẦU TIÊN TRONG BỨC TƯỜNG BERLIN” (2)

Thứ bảy - 07/11/2009 01:47

(NCTG) Tôi nhớ lại tất cả những điều này vào buổi sáng tháng 8 ấy (...) Tôi đi tắm, vội vã mặc quần áo và theo đúng thói quen thường lệ, vài phút trước khi bắt tay vào công việc lúc 8 giờ, tôi ngồi trong văn phòng, xem qua một lượt các điện tín của giới đại sứ rồi gọi điện cho thủ tướng, rằng tôi muốn nói chuyện gấp với ông.


Horn Gyula cùng người đồng nhiệm Áo Alois Mock dùng kìm cộng lực cắt một đoạn của Bức màn sắt tại biên giới Hungary - Áo vào ngày 27-6-1989
 
Đầy tư lự, thủ tướng Németh Miklós tiếp tôi và hóa ra đêm qua ông cũng ngủ rất ít vì trằn trọc nhiều về các vấn đề kinh tế. Tôi kể ông nghe câu chuyện và kết thúc rằng khôn còn con đường nào khác, phải hành động một cách “mạnh mẽ” và tôi đã thực hiện công tác chuẩn bị cho bước tiến này. Miklós đồng ý và khích lệ tôi hãy vững tâm. Đột nhiên, tôi buột miệng:

- Đồng chí này! Chúng ta sang gặp Kohl (thủ tướng Tây Đức) và Genscher ở Bonn đi! Chúng ta có nhiều điều phải trao đổi. Đồng chí thì về kinh tế và các vấn đề đối nội khác, còn tôi về vụ người tị nạn. Hãy coi đây là một chuyến thăm chớp nhoáng, không chính thức như Phương Tây hay làm.

Miklós gật đầu và hỏi: chúng tôi có thể giữ bí mật chuyến đi này được không? Chả bao giờ đảm bảo được trăm phần trăm cả - tôi đáp -, nhưng để tôi nhắn họ.

- Sáng kiến hay đấy, nhưng phải suy nghĩ cái đã, làm sao để không ai có thể nói được rằng chúng ta thực hiện âm mưu gì đó chống lại Đông Đức – Németh nói.

- Theo tôi chúng ta phải làm thôi. Thử hỏi chúng ta có thể mất gì? Đằng nào chúng ta cũng không thể làm gì thật hẩu với Đông Đức – tôi đáp. Và Miklós đáp: được, tôi sẽ gọi điện sau.

Sáng hôm sau, đường điện thoại riêng đổ chuông. (...)

- Người Đông Đức thế nào rồi? - Miklós hỏi.

- Đêm qua lại có thêm cả trăm người gia nhập đoàn người “bám trụ” trong tòa đại sứ Tây Đức, lộn xộn không thể chịu được. Chúng ta phải hành động!

- Được, đồng chí tổ chức chuyến đi, nhưng phải hoàn toàn bí mật, đừng để báo chí đánh hơi thấy!

- Hãy tin ở tôi mà!

Tôi đề nghị trợ lý hãy báo cho Bonn cắt cử quốc vụ khanh sang Hungary. Nếu có thể, trong vòng hai – ba ngày chúng tôi đã chờ dợi ông ta tại Budapest để bàn bạc một số điểm mới. Buổi chiều, phía Tây Đức nhắn rằng sáng hôm sau vị quốc vụ khanh sẽ tới Hungary, và giấy tờ của Hồng thập tự và các chuyên cơ cũng đã xong xuôi.

Hôm sau, tôi bảo vị quốc vụ khanh rằng chiến dịch sẽ được tổ chức vào hai giờ sáng, tại hiện trường sẽ có người của chúng tôi và cả các phái viên của Bộ Nội vụ để ngăn chặn các điệp viên Đông Đức nếu họ tìm cách bày trò khiêu khích. Tôi đề nghị hãy thực hiện mọi việc một cách hoàn toàn im ắng, chỉ sự dụng hệ thống chiếu sáng ở mức tối thiểu, và chỉ thông báo về chuyến đi với những người tị nạn 1 giờ trước khi khởi hành ra phi trường vì chỉ khi ấy có lẽ họ mới tin là họ không bị tống về Đông Đức. (...)

Sau khi đã bàn mọi chuyện với vị quốc vụ khanh và ông đại sứ, tôi đề nghị vị quốc vụ khanh ở lại với tôi vài phút. Khi chỉ còn hai người, tôi nói bằng tiếng Anh với ông rằng tôi cùng thủ tướng muốn sang thăm thủ tướng và ngoại trưởng Tây Đức. Vị quốc vụ khanh hồi hộp và chỉ còn biết nhắc đi nhắc lại: thật tuyệt vời, chắc chắn Bonn sẽ rất vui mừng và sẽ sớm có hồi âm.

Hôm sau, phía Tây Đức nhắn rằng họ sẵn sàng đón tiếp chúng tôi vào bất cứ lúc nào, chỉ cần báo tin cho họ trước nửa ngày. Bonn hứa sẽ giữ bí mật hoàn toàn vụ này, theo đề nghị của chúng tôi.

Buổi chiều, bộ trưởng Nội vụ gọi điện báo tin một lính biên phòng của chúng tôi đã bắn chết hai công dân Đông Đức tại biên giới Hungary – Áo. Hai người này muốn vượt biên và khi bị ngăn lại, họ đã ẩu đả, giằng co và muốn tước vũ khí của người lính biên phòng, khiến anh này phải nổ súng.

Tấn thảm kịch này cũng chứng tỏ rằng trật tự ở biên giới đã bị đảo lộn. Không chỉ một lính thường, mà ngay cả một chỉ huy cũng không biết phải xử trí như thế nào. Họ không thể cho một số người vượt biên và ngăn chặn một số người khác. Nếu người vượt biên bị kiểm tra giấy tờ và họ không có giấy thông hành hợp thức, không thể để họ đi tiếp. Nhưng nếu không kiểm tra, làm sao biết được, chẳng hạn, đương sự có phải một tên tội phạm đang bị truy nã hay không? Không thể để tình trạng thế này, lính chúng ta phát điên vì không biết phải xử sự ra sao - bộ trưởng Nội vụ nói.

Đồng cảm với ông, tôi đáp, nhấn mạnh rằng người lính đã hành động đúng nếu những gì anh nói là đúng với sự thật. Tôi đề nghị ông hãy cử xuống hiện trường một sĩ quan cấp cao, cấp tá hoặc tướng, vì theo tôi tình hình ở biên giới là bất thường và phải hành động phù hợp với tình thế đó. Người sĩ quan này sẽ chấn chỉnh lại đội ngũ và duy trì quan hệ với chúng tôi.

- Tôi có thể đảm bảo với đồng chí rằng – tôi nói -, mọi sự sẽ không tiếp diễn như thế này đâu, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp, nhưng tôi còn chưa biết là như thế nào.

- Tôi nghe đồng chí sẽ đi cùng thủ tướng - bộ trưởng Nội vụ nói thêm.

- Sao đồng chí biết?

- Cứ yên tâm mà, tôi cần phải biết. Tuy nhiên, phi hành đoàn sẽ không biết khách trên chuyên cơ là ai. – Chúng tôi thống nhất như vậy.

Sau khi thỏa thuận với thủ tướng Németh Miklós, tôi nhắn với Bonn rằng chúng tôi sẽ sang thăm họ vào 25-8.

Ngày hôm đó, chúng tôi lên chiếc chuyên cơ qua một cửa hậu ở phía xa của phi trường Ferihegy. Khi ra khỏi xe, ngay cạnh thang lên máy bay, phi hành trưởng đang chờ đợi ở đó kêu lên: “Trời ơi! Thủ tướng và ngoại trưởng!” Chúng tôi lên máy bay và sau khi ổn định chỗ ngồi, tôi qua sang bảo thủ tướng Németh Miklós: giữ kín chuyến đi là đúng đắn, nhưng dân báo chí thế nào cũng đánh hơi ra.

Tôi đề nghị sau cuộc gặp gỡ, hãy ra một thông cáo ngắn và bằng việc đó, có thể chấm dứt những phỏng đoán. Miklós đồng tình, rồi chúng tôi thỏa thuận: trong các cuộc hội đàm, thủ tướng sẽ nói về những vấn đề đối nội của Hungary, sau đó tôi sẽ thông báo về tình hình dân Đông Đức.

Máy bay đỗ tại sân bay quân sự Cologne và phi hành trưởng mời chúng tôi sang một trực thăng quân sự. (...) Chưa đầy 15 phút sau, chúng tôi đã hạ cánh tại sàn bê-tông của lâu đài Gimnich. Cách vài trăm mét, tôi liếc thấy (ngoại trưởng Tây Đức) Genscher: vừa vẫy, ông vừa đi một cách dè dặt về phía chúng tôi. Tôi biết ông vừa hồi phục sau một cơn nhồi máu cơ tim. Mỉm cười rất tươi, ông nồng nhiệt chào đón chúng tôi, nhưng vẫn có thể thấy rằng ông còn rất yếu, sút cân và cử động khó khăn. Tôi mừng vì có dịp gặp ông vì rất trân trọng con người này.

Trước khi được trực tiếp biết Genscher, tôi đã nghe nhiều về ông và khi tiếp tôi trên cương vị quốc vụ khanh, ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. (...) Về sau, tôi cũng có dịp đích thân làm quen với thủ tướng Helmut Kohl và tôi nhận định rằng hai con người này bổ sung cho nhau rất tuyệt vời.

Khác với trạng thái bình thường, ở đây, Kohl tuyên bố một điều gì đó và ngoại trưởng Genscher - người dưới ông một bậc - chỉnh lại cho chính xác. tại đa số các quốc gia khác, điều này thường ngược lại. Kohl là một chính khách hết sức sôi nổi, điều này thường thể hiện trong các tuyên bố của ông. Còn Genscher thì “dịu” hơn, ông rất quan tâm đến cách thể hiện sao cho chính xác, mặc dù hầu như bao giờ những gì ông nói cũng có điều mới và bất ngờ. Ông có khả năng phân tích và tổng hợp tuyệt vời và ông biết vận dụng điều này cho nền ngoại giao Đức. (...)

Trong khi tôi còn chìm đắm trong những hồi tưởng, Genscher cùng chúng tôi vào tòa lâu đài. Chút sau, thủ tướng Kohl cũng tới, bốn chúng tôi và người phiên dịch vào một phòng riêng. Thủ tướng Németh Miklós trình bày tình hình đối nội của Hungary và sau khi thảo luận về vấn đề này, tôi thuật lại về tình hình người tị nạn Đông Đức. Phía Tây Đức chăm chú lắng nghe và cả hai đều cảm động khi tôi tuyên bố: tôi chưa biết chúng tôi sẽ giải quyết vụ này ra sao, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không trả họ cho Đông Đức.

Cám ơn quan điểm của chúng tôi, thủ tướng Kohl nhận xét rằng chính phủ Tây Đức đang trong tình thế khó xử vì họ không muốn gây bất ổn cho CHDC Đức, nhưng đây là một thể chế vô nhân tính mà họ cũng không được ủng hộ. Kết thúc, tôi nói rằng tôi cũng hình dung được một giải pháp, theo đó, vào một đêm nào đó, trong một thời điểm và một địa điểm nhất định, chúng tôi sẽ mở biên giới Hungary – Áo cho đến sáng và như thế, vài ngàn người tị nạn có thể rời Hungary. Cố nhiên, đây là điều mạo hiểm. Tôi đề nghị phía Tây Đức hãy cắt cử một đặc phái viên mà chúng tôi có thể bắt quan hệ vào bất cứ lúc nào. Chúng tôi thỏa thuận mọi điểm, rồi thủ tướng Kohl mời chúng tôi bữa trưa và chúng tôi vui vẻ chia tay nhau.

Ngày 26-8, báo chí đăng tải một tuyên bố như sau: “Lưu tâm đến những đòi hỏi của quá trình hóa dịu của Châu Âu và những quyền con người mang tính phổ quát, Hungary và CHLB Đức đã trao đổi ý kiến về vấn đề các công dân CHDC Đức đang cư trú tại Hungary và muốn di cư sang CHLB Đức. Đại diện của Cộng hòa Nhân dân Hungary nhấn mạnh rằng về căn bản, giải pháp thuộc về hai nước Đức. Được dẫn dắt bởi những quan điểm nhân đạo, chính phủ Hungary sẵn sàng hợp tác và sẽ đưa ra mọi ủng hộ có thể để giải quyết vấn đề”.
 
*

Các công dân Đông Đức trú ngụ trong tòa đại sứ CHLB Đức đã rời Hungary bằng giấy tờ của Hồng thập tự Quốc tế. Sau đó, những sự kiện diễn ra nhanh chóng. Một lãnh đạo của tổ chức đối lập Diễn đàn Dân chủ (MDF) tìm gặp tôi và chúng tôi thỏa thuận rằng họ sẽ hợp tác để thông báo cho người tị nạn biết khi nào họ cần đến cửa khẩu nào. Chúng tôi thỏa thuận rằng rồi tôi sẽ gọi điện báo cho họ.

Đêm đó tôi không sao ngủ được. Cả đêm tôi đi lại trong phòng và càng ngày, tôi càng nghĩ rằng giải pháp “bất hợp pháp” này vô cùng nguy hiểm. Những trải nghiệm của “Picnic Toàn Âu” ngày 20-8 cũng khiến tôi phải cân nhắc vì, cho dù các nhân viên nội vụ đã không làm khó dễ cho Ban tổ chức, nhưng động thái hôm đó vẫn suýt có sự cố. Bởi lẽ, vài trăm người “tự phát” vượt biên tại một đoạn biên giới nhất định, còn ở phía bên kia đã có người chờ đợi họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu đồng thời, nhiều ngàn người tìm cách làm điều này? – tôi thầm nghĩ.

Rạng sáng, tôi rút ra quyết định và sau một hồi chạy bộ rồi tắm nước nóng, tôi khoan khoái đến Bộ. Tôi cho gọi hai người trợ lý và thông báo cho họ quyết định:

“Cần một giải pháp mạnh mẽ, tạo điều kiện để tất cả mọi người có thể rời Hungary một cách hợp thức. Chỉ có thể làm được điều đó nếu trong hoàn cảnh bất thường này, chúng ta tạm ngưng việc áp dụng thỏa thuận về hành khách và giữa Hungary và CHDC Đức (ký năm 1969) và biên bản bí mật của thỏa thuận này. Trái với thỏa thuận nói trên, chúng ta tạo điều kiện để các công dân CHDC Đức có thể rời Hungary đến mọi quốc gia chấp nhận giấy thông hành của họ để cấp cho họ thị thực nhập cảnh hoặc quá cảnh, mà không gặp trở ngại gì. Phù hợp với điều đó, chính quyền Hungary không xem xét rằng giấy thông hành của họ có hiệu lực để đến quốc gia sẽ cấp thị thực cho họ hay không. Tốt nhất là từ bỏ hoàn toàn hiệp định trên, nhưng không nên làm điều đó vì một cách hợp thức, chỉ có thể coi một hiệp định đã bị từ bỏ 3 tháng sau khi một trong hai bên chuyển ý định từ bỏ cho bên kia. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra, chúng ta không thể chờ đợi tiếp” – tôi chấm dứt.

Các đồng sự nhiệt tình ủng hộ ý tưởng của tôi. Tôi đề nghị họ khởi thảo cấp tốc những tình huống mà CHDC Đức có thể “trả đũa”. Tôi gọi điện cho thủ tướng Németh Miklós, phác thảo ngắn gọn giải pháp. Ông im lặng hồi lâu ở đầu dây bên kia, rồi nói: “Chiều nay chúng ta sẽ bàn. Tôi cho gọi bộ trưởng Nội vụ nữa, và bất cứ ai mà tôi có thể gọi được trong số các thành viên chính phủ”.

Buổi chiều, tại phòng làm việc trong Nhà Quốc hội của thủ tướng, tôi thông báo tình hình: các trại đã chật cứng, thời tiết đã bắt đầu lạnh, Đông Đức không hề muốn làm gì và tại biên giới với Áo và Nam Tư, luôn có chuyện. Rồi, tôi trình bày những suy nghĩ của mình. Thủ tướng Németh Miklós trầm ngâm suy nghĩ, rồi nói: “Đúng, phải làm như thế, không còn giải pháp nào khác”.

Bộ trưởng Nội vụ cũng ủng hộ, nhưng ông nhận xét thêm: “Gyula, đồng chí biết không, bằng bước đi này, chúng ta lựa chọn Tây Đức trong số hai nước Đức?” “Không – tôi đáp –, chúng ta ủng hộ nhu cầu hợp lý của người dân Đức. Chúng ta lựa chọn Châu Âu. Ngoài ra, cái thể chế mà người dân không muốn sống ở đó, thì chả có giá trị gì. Trong các vấn đề nhân quyền, những chuẩn mực quốc tế phổ quát quan trọng hơn thỏa thuận giữa hai thành viên Khối Hiệp ước Warsaw”.

Sau đó, thủ tướng hỏi tôi: “Đồng chí đã tính đến hậu quả của hành động này là chúng ta sẽ bị cô lập hóa tại Đông Âu chưa?” “Tôi nghĩ phản ứng của Liên Xô và Tiệp Khắc là quan trọng, vì quan hệ giữa chúng ta với Romania thì không thể tồi hơn được nữa và chúng ta sẽ khởi thảo biện pháp ngăn ngừa sự trả đũa của Đông Đức – tôi đáp. - Vả lại, cái đất nước này đã khánh kiệt vì những láng giềng phía Đông và các lãnh tụ thiển cận. Liên Xô hầu như đã không thực hiện những bổn phận về chuyên chở hàng hóa mà họ cam kết” – tôi giận dữ nói thêm.

Kết thúc tranh luận, chúng tôi thống nhất rằng sẽ chuẩn bị cho quyết định này một cách bí mật nhất và vào đêm mùng 10, rạng sáng 11-9, chúng tôi sẽ mở biên giới. Bộ trưởng Nội vụ sẽ lo việc chuẩn bị cho lực lượng biên phòng.

Tối hôm đó, tôi gọi điện cho ngoại trưởng Tây Đức Genscher và đề nghị hãy cử ngay vị quốc vụ khanh sang Budapest vì tôi cần thông báo một điều quan trọng. Tối, vị quốc vụ khanh sang đến Hungary và sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu cuộc đàm phán.

Sau đó, vị quốc vụ khanh chỉ biết nhắc đi nhắc lại: “Thật tuyệt diệu! Trong mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ đến điều này, thật là một hành động rất quả cảm và nhân đạo”. Ông hứa sẽ thông báo ngay cho các “sếp” một cách bí mật nhất. Tôi đề nghị ông đừng gửi điện mật vì “bên kia” sẽ biết ngay. Ông viết tay và gửi người liên lạc riêng mang về.

Xem Phần 1Phần 3 của bài viết.

Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ từ hồi ký “Những cột trụ” (Cölöpök – Horn Gyula, 1991) - Còn tiếp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn