Cho đến ngày hôm nay, những căn cứ quân sự tại sa mạc Gobi đã lắng dịu - lần đầu tiên, những cựu binh từng phục vụ ở nơi này đã lên tiếng kể về cái giá khủng khiếp mà họ phải trả để Trung Quốc có được trái bom nguyên tử đầu tiên. Những câu chuyện khiến người nghe phải rùng mình: nhiều cựu binh đã dùng tay không để thu nhặt chất thải phóng xạ, những người khác bỏ mình trong những căn bệnh kỳ quặc, còn trẻ em thì chết vì những chứng ung thư bí ẩn.
Những vụ thử hạt nhân ấy đã diễn ra trong một cuộc đua gay gắt: năm 1955, Mao Trạch Đông quyết định rằng Đại lục phải có vũ khí nguyên tử. Ý định thảm khốc ấy được họ Mao lấy “cảm hứng” từ cuộc chạy đua nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Liên Xô: cùng một lúc, ông sợ Mỹ và muốn ganh đua với Liên Xô, bởi lẽ “Người cầm lái vĩ đại” này lo nước Trung Hoa nghèo nàn, thiên về nông nghiệp có thể dễ dàng trở thành nạn nhân trong một cuộc chiến mới.
Nỗ lực của Mao đã đạt thành quả sau 9 năm: ngày 16-10-1964, một loạt lễ kỷ niệm được tổ chức sau vụ nổ nguyên tử thành công đầu tiên. Từ thời điểm đó tới nay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiến hàng tổng cộng 46 vụ thử tại căn cứ vùng Lop Nor (còn gọi là La Bố Bạc, sa mạc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, cách Bắc Kinh 1.500 dặm): trong số đó, 23 thử nghiệm được thực hiện trong bầu khí quyển và 22 thử nghiệm dưới lòng đất (một thử nghiệm bất thành). Tất cả đều được thiết kế trên những bản vẽ của Liên Xô và được bổ sung với những kết quả của Phương Tây do cơ quan tình báo Đại lục kiếm được. Như vậy, trong khi Hoa Kỳ đã có chừng 1.000 thử nghiệm, thì Trung Quốc cũng có thể tự hào với 45 vụ nổ thành công tại vùng sa mạc.
Trong số đó, hầu như tất cả đều là vũ khí nguyên tử, như bom nhiệt hạch và bom neutron, cũng như một vụ nổ thử nghiệm được tiến hành cho Pakistan vào ngày 26-5-1990. Một trong những trái bom (được trử vào ngày 17-11-1976) có sức công phá gấp 320 lần trái bom hạt nhân đã biến Hiroshima thành bình địa. Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân lần cuối (dưới lòng đất) vào ngày 29-7-1996; trước đó, vụ nổ trong không trung cuối cùng vào năm 1980, và nước này gia nhập Hiệp ước Toàn diện về Cấm thử vũ khí hạt nhân năm 1996.
Cái giá phải trả để Trung Quốc trở thành một cường quốc hạt nhân đến nay vẫn được coi là bí mật, nhưng một điều có thể đoan chắc là quả bom nguyên tử đầu tiên đã “ngốn” hơn một phần ba ngân sách quốc gia Đại lục – và giữa chừng, tối thiểu 30 triệu người dân đã bị chết vì nạn đói hoành hành ở xứ này.
Háo hức và vội vã, quân đội cũng tự cho mình sử dụng mọi giải pháp: điều binh lính đến hiện trường các vụ nổ và chỉ cấp cho họ mặt nạ phòng hơi độc để phòng ngừa. Tại vùng sa mạc, các kỹ sư Trung Quốc còn dựng lại một mô hình hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh theo tỉ lệ như thực tế để mô hình hóa những tác động phụ của một Armageddon. Có thể thấy những hình ảnh đáng kinh ngạc trong các bộ phim giảng dạy của đề án này: binh lính phóng ngựa tới hiện trường vụ nổ và khua kiếm về hướng các đám mây phóng xạ.
Xung quanh hiện trường, chừng 10 ngàn động vật, xe thiết giáp, máy bay và các đồ vật khác được xếp đặt và sau đó, các thành viên của đơn vị số 8023 phải thu gom chúng. Đa số quân nhân của đơn bị này về sau đều lâm bệnh: họ rụng tóc, gày rộc đi, mắc chứng mất ngủ và ba trong số họ đã qua đời.
Những nghiên cứu mới nhất cho thấy các thử nghiệm hạt nhân thời kỳ 1964-66 tại Trung Quốc đã gây nên số nạn nhân lớn hơn hẳn so với trưòng hợp của các cường quốc hạt nhân khác. Loại cát nhiệm phóng xạ bay vung vãi trong vụ nổ bị gió thổi lan khắp các vùng ven Con đường tơ lụa một thuở, khiến một diện tích khổng lồ bị nhiễm xạ. Vài trăm ngàn người Hoa, Ngô Duy Nhĩ (Uyghur) và Tây Tạng sống trong vùng đã bị đám mây phóng xạ biến thành những kẻ bệnh hoạn hiểm nghèo.
Một nhà vật lý người Nhật, ông Jun Takada, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sapporo đã căn cứ hiện trường các vụ thử của Liên Xô ở Kazakhstan để làm một mô hình trên máy điện toán, cho thấy: trong thời gian 1964-1996, tổng cộng đã có 1,48 triệu người bị nhiễm phóng xạ và 190 ngàn người thiệt mạng trong những căn bệnh do phóng xạ gây ra. Nga tại Kazakhstan, nhà vật lý này cũng bắt gặp trẻ em bị những dị tật bẩm sinh, nạn nhân của các vụ nổ.
Kết quả chung cuộc thật buồn bã và gây sốc: chỉ ba vụ nổ lớn nhất của Trung Quốc đã gây nên lượng phóng xạ gấp… 4 triệu lần phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl trong thảm họa nguyên tử xảy ra cách đây 23 năm. (Một dữ liệu khác để tiện so sánh: tai nạn ở Chernobyl phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima năm 1945!)
Người dân trong vùng, cho đến nay, vẫn phải đối đầu với hậu quả khủng khiếp của các vụ thử hạt nhân: tỉ lệ quái thai, trẻ sơ sinh khuyết tật và các căn bệnh ung thư trong khu vực là rất cao. Ký ức của những vụ nổ vẫn chưa phai mờ: nhiều người còn nhớ đến cảnh trong nhiều ngày, họ phải đóng kín cửa sổ và không được đặt chân ra đường. Nhiều tháng trời, họ không được ăn hoa quả và rau xanh. Tuy nhiên, một thời gian sau, không ai còn quan tâm đến những cấm đoán và vì thế, số người nhiễm xạ tăng vọt. Có điều, cho đến nay, vẫn chưa có cuộc điều tra độc lập nào được tiến hành tại Trung Quốc và con số các nạn nhân vẫn bị coi là “cơ mật”.
Tiếng nói của những người bị nhiệm xạ - trong đó, có rất nhiều cựu chiến binh quân đội Trung Quốc – cũng không thật đáng kể trong vụ này, vì tại một đất nước đến nay vẫn tự hoà vì tiềm lực nguyên tử của mình, rất khó đặt dấu hỏi cho một vấn đề được Đảng Cộng sản vô cùng coi trọng. Tuy nhiên, cũng có một nhóm nạn nhân lên tiếng phàn nàn, rằng họ đã không được cung cấp quần áo bảo hộ cũng như mọi phương tiện đề phòng, cũng như, tại hiện trường, dù đã đề nghị rất nhiều lần, cùng lắm họ cũng chỉ được rửa ráy bằng nước thường.
Chính quyền Trung Quốc phản ứng chậm chạp trước lời than vãn trên: năm ngoái, một vị bộ trưởng có hứa sẽ bắt đầu bồi thường, nhưng đến giờ vẫn chưa ai biết mức bồi thường là bao nhiêu và những ai sẽ được hưởng “đặc ân” này của chính quyền.
(*) Bài viết đã đăng trên talawas.
Tuấn Hoàng tổng hợp, theo mult-kor.hu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn