NĂM 1989 DƯỚI CON MẮT VỊ CỐ VẤN CỦA GORBACHEV

Thứ hai - 01/06/2009 22:38

(NCTG) Gorbachev nhiều khi tỏ ra chậm chạp và đù đờ, trong khi đó thế giới quanh ông đã thay đổi đến tận gốc rễ – đó là những thông tin mới về vị tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô, từ Kho lưu trữ An ninh Quốc gia (NSA – The National Security Archive).

Ông Anatoly Chernayev

Mới đây, NSA vừa ấn hành tập 4 trong loạt nhật ký của ông Anatoly Chernayev, từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia của Gorbachev và do đó, có vai trò then chốt trong những sự kiện năm 1989.

Là một nhân vật nổi bật và có tầm vóc trong việc kiến tạo quá trình perestroika (cải tổ) và đường lối ngoại giao mới của Liên Xô cách đây hơn 20 năm, Anatoly Chernayev luôn được các sử gia đánh giá là một chính khách cởi mở, chủ trương công khai. Điều này cũng thể hiện qua những dòng nhật ký viết năm 1989 mới được đăng tải của ông, có thể khiến chúng ta hiểu thêm về sự sụp đổ của đế chế Xô-viết và kết cục của Chiến tranh lạnh cách đây 2 thập niên.

Từ cuốn nhật ký, cũng như thông qua những bài nghiên cứu đi kèm trên mạng lưu trữ NSA, có thể thấy rõ rằng sau năm 1988 - được coi là năm bản lề - Gorbachev và Ban lãnh đạo Liên Xô theo xu hướng cải tổ hy vọng sẽ có sự tiến triển nhanh chóng trên mọi lĩnh vực.

Trong đối nội, Đại hội lần thứ XIX muốn tiếp tục dân chủ hóa thể chế Xô-viết. Đồng thời, trong ngoại giao, tháng 12-1988, bài phát biểu của thủ lĩnh cộng sản Liên Xô tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã hàm chứa việc chấp nhận hạn chế vũ khí, cũng như sự cởi mở của Liên Xô về Châu Âu.

Tuy nhiên, những hy vọng đó đã không thành sự thật. Cho đến cuối năm 1989, quyết định về việc hạn chế và giải trừ vũ khí nguyên tử vẫn chưa được đưa ra, trong khi bức tường Berlin sụp đổ, các quốc gia Đông Âu tuyên bố độc lập với Moscow, và những phong trào dân tộc nổi lên thì đe dọa sự tan rã của Liên bang Xô-viết.

Có thể theo dõi những thay đổi hàng ngày đó qua nhật ký của Charnayev. Đối với vị cố vấn, năm 1989 bắt đầu với cuộc tranh luận gay gắt về việc Liên Xô rút hoàn toàn quân đội khỏi Afghanistan. Bởi lẽ, ngoại trưởng Liên Xô thời đó, ông Eduard  Shevardnadze tìm cách ngăn chặn điều này, và muốn dùng quân đặc nhiệm tổng tấn công các lực lượng Mujahedin để ổn định hóa cho chính quyền do ông Mohammad Najibullah làm tổng thống.

Ngược lại, Charnayev và một lãnh tụ cộng sản khác, ông Alexandr Yakolev, người được biết đến như một “kiến trúc sư của cải tổ”, đã phản đối ý định này và cho rằng, hành động ấy có thể khiến hàng ngàn quân nhân Xô-viết thiệt mạng, và sẽ làm tiêu tan chút tin tưởng cuối cùng mà Phương Tây đặt vào chính quyền Liên Xô. Cuối cùng, vào ngày 15-2-1989, Điện Kremlin đã triệu hồi toàn bộ quân đội từ Afghanistan. (Nội chiến tại Afghanistan vẫn tiếp diễn khi quân Mujahedin lật đổ chính quyền thân Xô-viết và các ước tính cho thấy, chừng 15 ngàn lính Xô-viết đã thiệt mạng trong 10 năm của cuộc xung đột này).

Trong nhật ký của mình, nhiều lần Charnayev thể hiện sự lo ngại của ông trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc lớn mạnh và của “quả bom sắc tộc”, mà theo ông là những yếu tố có thể khiến Liên Xo tan rã. Qua những trang viết ấy, có thể nhận ra rằng vị cố vấn đã hiểu vấn đề một cách sâu sắc và tổng hợp hơn nhiều so với Gorbachev, vị tổng bí thư đã không hề để tâm đến những nỗ lực ly khai của ba nước vùng vịnh Baltic.

Gorbachev cho rằng có thể giải quyết vấn đề dân tộc bằng những cuộc đàm phán đơn thuần, cũng như bằng việc dùng sức ép kinh tế, nhưng Chernayev thì nhiều khi không đồng tình với quan niệm này. Ý kiến của Charnayev được chứng tỏ trong sự kiện diễn ra ngày 9-4-1989 tại Tbilisi (thủ đô Cộng hòa Georgia), khi cảnh sát đã giết hại 20 thường dân trong một cuộc tuần hành hòa bình.

Trái với nhận định của nhiều lãnh đạo, trong đó có Gorbachev – theo đó, người dân Georgia sẽ lặng im -, những cuộc biểu tình rộng lớn và dữ dội chống chính thể Xô-viết đã được tiến hành. Ở nhiều chỗ, Chernyev đặt câu hỏi: có thể, Gorbachev quả thực tin vào những tuyên truyền chính thống của Liên bang Xô-viết, rằng các dân tộc thuộc Liên bang luôn “chung sống hòa thuận”.

Mùa hè năm 1989, Công đoàn Đoàn Kết chiến thắng tại Ba Lan, còn ở Hungary, những cuộc đàm phán giữa chính quyền và phe đối lập dân chủ cũng diễn ra ráo riết, và Moscow chấp nhận giai đoạn chuyển tiếp này. Sự quan tâm chính yếu của Điện Kremlin, như thế, không hướng vào các quốc gia này, mà nhằm vào CHDC Đức.

Căn cứ những trang nhật ký, có thể thấy một lần nữa, Chernayev lại tỏ ra thông hiểu tình hình hơn “thượng cấp” của mình, hoặc các lãnh tụ thượng đỉnh khác. Hầu như chỉ mình ông đưa ra một khẳng định chuẩn xác: với sự sụp đổ của bức tường Berlin, một thời kỳ đã chấm dứt và đồng thời, Liên bang Xô-viết cũng đã thất bại trong Chiến tranh lạnh.

Có thể nhận ra ảnh hưởng của chính sách ngoại giao Liên Xô trong các sự kiện diễn ra tại Liên bang Xô-viết: trên khá nhiều lĩnh vực, vị cố vấn tỏ ra không hài lòng với những cải tổ của Gorbachev vì chúng quá chậm chạp và không rõ rệt, ông cho rằng cần thúc đẩy nhanh hơn và cấp tiến quá trình cải tổ. Theo Chernayev, với phong cách chậm chạp, Gorbachev đã đánh mất thời cơ và quyền lực về tay Yeltsin và những kẻ khác.

Dầu vậy, vị cố vấn vẫn trung thành với “sếp” của mình, cho dù, ông theo dõi từng nước bước của Gorbachev với con mắt phê bình. Điều này cũng được thể hiện trong những dòng cuối cùng của cuốn nhật ký 1989, viết vào ngày 31-12, khi ông viết một lá thư cho Gorbachev và liệt kê những nỗi lo âu và quan ngại cho số phận của cải tổ.

Hoàng Nguyễn


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn